(Baothanhhoa.vn) - Với ông Nguyễn Văn Thạo, 67 tuổi, ở làng Sơn, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc), nghề rèn không chỉ là chiếc “cần câu cơm”, mà còn là nghề truyền thống của tổ tiên để lại. Chính vì vậy, bằng tư duy và sự nhạy bén kinh doanh, cùng cái tâm giữ lửa nghề truyền thống của ông cha, ông Thạo đã mày mò, sáng tạo, đưa sản phẩm của làng rèn Tất Tát (tên gọi chung của 3 làng: Làng Ngọ, làng Bùi và làng Sơn) vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, góp phần làm rạng danh nghề rèn của làng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người đàn ông nặng lòng với nghề rèn truyền thống

Với ông Nguyễn Văn Thạo, 67 tuổi, ở làng Sơn, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc), nghề rèn không chỉ là chiếc “cần câu cơm”, mà còn là nghề truyền thống của tổ tiên để lại. Chính vì vậy, bằng tư duy và sự nhạy bén kinh doanh, cùng cái tâm giữ lửa nghề truyền thống của ông cha, ông Thạo đã mày mò, sáng tạo, đưa sản phẩm của làng rèn Tất Tát (tên gọi chung của 3 làng: Làng Ngọ, làng Bùi và làng Sơn) vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, góp phần làm rạng danh nghề rèn của làng.

Người đàn ông nặng lòng với nghề rèn truyền thống

Ông Nguyễn Văn Thạo giới thiệu về sản phẩm đã được “xuất ngoại”.

Những ngày này, lúa khắp ruộng trong, đồng ngoài của xã Tiến Lộc đang vào mùa thu hoạch. Con đường bê tông quanh co rợp bóng cây xanh bao bọc lấy những ngôi nhà hiền hòa, thoáng mát. Giữa làng quê thanh bình, tiếng búa, tiếng đe hòa nhịp với âm thanh ngày mới đưa chúng tôi vào miền đất của những người thợ rèn. Nơi mà người dân vẫn lưu truyền câu ca: “Chẳng tham ao gỗ cá bè/ Chỉ tham cái búa cái đe thợ rèn”. Họ - những người thợ rèn chất phác đến thô cứng như sắt thép nhưng cũng không kém phần tài hoa, đặc biệt khi nói về việc bảo tồn, phát huy nghề rèn truyền thống của quê hương, ai cũng tâm huyết, hừng hực như hoa của thép, như lửa trong lò...

Để ra một thành phẩm là những con dao, cái kéo đủ kích cỡ, chủng loại dành riêng cho từng mục đích sử dụng, những người thợ rèn Tất Tát đã phải thực hiện nhiều công đoạn gia công, vận dụng sức khỏe, kinh nghiệm và sự khéo léo để tạo ra được một sản phẩm hoàn hảo. Ðầu tiên là cắt phôi, sau đó cho lên lò nung với nhiệt độ gần 1.000 độ C, thời gian nung tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu thép và độ dày, mỏng của sản phẩm. Phôi thép nung đến khi chuyển sang màu đỏ trắng, hai người thợ sẽ tiến hành rèn, một người cầm búa nhỏ gõ nhịp dẫn và một người dùng búa to nặng để quai; việc này phải có sự kết hợp nhịp nhàng, ăn ý, nếu không sẽ hỏng sản phẩm và gây nguy hiểm cho người khác. Tiếp đó, đến công đoạn gọt bỏ những phần sắt thừa để tạo thành hình dáng hoàn chỉnh của sản phẩm, rồi cho vào lò nung lại và “tôi”. “Tôi” thép là quá trình nung nóng, giữ nhiệt và làm nguội nhanh thép nhằm mục đích nâng cao độ cứng và tính mài mòn, nâng cao độ bền cho sản phẩm. Điều đặc biệt chính là nước để “tôi” dao, kéo ở đây bao gồm rất nhiều thành phần và đó chính là bí quyết thành công của làng nghề Tất Tát. Ram thép là phương pháp nung nóng thép đã qua “tôi” dưới nhiệt độ giới hạn, chỉ có những người thợ giỏi và lành nghề mới có thể nhận biết được nhiệt độ giới hạn bằng cách nhìn vào mầu đỏ của thép trong lò, sau đó giữ nhiệt độ một thời gian rồi làm nguội. Cầu kỳ nhất là gọt cánh, người thợ phải gọt khéo, đều tay xuôi theo chiều lưỡi dao nghiêng 45 độ để lưỡi dao hay lưỡi kéo có độ mỏng đều nhau, tạo được độ sắc. Cuối cùng là các công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, như: Mài nước, gạt mầu, đánh phớt bóng, tra cán...

Nếu trước đây người thợ phải mất rất nhiều công sức, thời gian để làm ra được một sản phẩm thì từ khi các thiết bị máy móc thay cho bàn tay con người, số lượng và chất lượng sản phẩm đã được nâng lên nhiều lần. Búa máy, mô-tơ, máy sạt lưỡi... đã góp phần làm giảm sức người ở nhiều công đoạn, giúp cho nhiều gia đình ở Tất Tát mở rộng quy mô sản xuất. “Nghề rèn không cao sang nhưng đem đến cho người dân cuộc sống ổn định, no đủ, con cái được học hành” – ông Nguyễn Văn Thạo nói.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê có nghề rèn nổi tiếng cả nước, từ bé ông Thạo đã được thừa hưởng những kỹ năng, bí quyết, tuyệt kỹ thượng thừa của nghề rèn mà ông cha để lại. Dù nghề rèn có nhiều thăng trầm biến cố, nhưng vì niềm đam mê và lòng yêu nghề, ông Thạo chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề. Ông chia sẻ: “Làng vẫn còn rất nhiều gia đình tâm huyết với nghề rèn. Gia đình tôi 3 đời theo nghề, bản thân tôi cũng đã gắn bó với lưỡi rựa, lưỡi liềm... gần 50 năm nay. Nghề rèn gắn với chúng tôi như máu thịt”. Có lẽ vì thế, những con dao nhà ông Thạo làm ra có tiếng là sắc, độ bền cao, thậm chí còn được “đi máy bay” sang tận trời Âu nữa.

Theo lời ông Thạo, đã có một thời gian, làng nghề rèn Tất Tát chao đảo trước sự xuất hiện ồ ạt của các loại dao, kéo nhập ngoại từ Trung Quốc, Thái Lan với mẫu mã đẹp, màu trắng sáng, giá rẻ hơn khiến đầu ra của sản phẩm rèn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, ai cũng phải tự đi tìm đầu ra riêng cho mình và ông cũng không ngoại lệ. Để bán được hàng, ông phải lặn lội khắp các con đường, ngõ hẻm rao bán từng chiếc dao một. Dần dần, ông Thạo cũng tìm được các bạn hàng ổn định. Sản phẩm rèn của gia đình ông Thạo chất lượng nên tiếng tăm cũng vì thế vang xa và đầu ra ngày càng ổn định hơn. “Ngày đó vất vả lắm, ngày thì đi hàng trăm km để bán dao, tối đến lại thức đến khuya rèn dao, cứ như vậy đến mấy năm trời mới tìm được đầu ra ổn định” - ông Thạo nhớ lại.

Người đàn ông nặng lòng với nghề rèn truyền thống

Mỗi sản phẩm dao động ở mức giá từ 15.000 - 50.000 đồng.

Anh Nguyễn Văn Thể, con trai ông Thạo, chia sẻ: Trung bình mỗi tháng xưởng rèn của gia đình anh sản xuất được hàng chục nghìn các loại dao dân dụng khác nhau. Mỗi sản phẩm dao động ở mức từ 15.000 - 50.000 đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở trong nước. Ngoài ra, mỗi tháng gia đình anh Thể còn xuất sang thị trường Lào, Campuchia... hàng nghìn sản phẩm dao dân dụng với giá tương đương. Tính ra xưởng rèn của gia đình anh Thể có doanh thu lên tới trăm triệu đồng/tháng. “Nhờ nghề rèn mà con cái chúng tôi được học hành đến nơi đến chốn và có được cơ ngơi như ngày hôm nay, tôi cũng rất vui mừng khi là một trong những người duy trì và phát triển nghề rèn truyền thống của cha ông để lại” – anh Thể vui vẻ nói.

Thậm chí mới đây, sản phẩm rèn của gia đình còn được khách Mỹ về tận nơi tìm hiểu và mua về sử dụng, dù số lượng chưa nhiều. Theo lời ông Thạo, vị khách ngoại quốc vô cùng bất ngờ khi những con dao rèn thủ công ở Tất Tát tuy đơn giản nhưng không kém phần tinh tế, nhiều công dụng. Đặc biệt, dao có độ sắc bén và hiệu năng sử dụng không thua kém các loại dao được sản xuất ở ngay nước Mỹ, trong khi giá bán rẻ hơn những sản phẩm cùng loại trên thị trường rất nhiều. Chưa kể, vị khách còn rất hài lòng với tay nắm của dao và khuya dao. Bà cho rằng, tay nắm được làm thủ công bằng chất liệu gỗ nên tạo cảm giác êm, thật tay khi cầm và có tính truyền thống. Được biết, không dừng lại ở những loại chất liệu phổ thông, cán dao được ông Thạo sử dụng thêm các loại gỗ nghiến, xoan..., tùy theo kiểu dáng, chủng loại và yêu cầu của khách hàng.

Hiện tại xưởng rèn dao của gia đình ông Thạo đang tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4,5 triệu đến 10 triệu đồng/tháng. Từ những sản phẩm thông dụng với tính năng đơn thuần, đến nay xưởng đã có hàng chục sản phẩm đa dạng về kiểu dáng và công năng sử dụng. Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá, phổ biến sản phẩm trên thị trường Việt Nam, gia đình ông Thạo đã và đang tìm cách nâng giá trị, từng bước đưa sản phẩm của làng rèn Tất Tát ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, từ đó gìn giữ và phát triển thương hiệu làng nghề.

Về hình thức, dao Tất Tát có thể không được đẹp và bóng bảy, nhưng về chất lượng lại luôn vượt trội về độ sắc bén và bền chắc. Bởi cái chất đôn hậu, chất phác của những người thợ có lẽ đã được thổi hồn vào từng sản phẩm. Để rồi nhắc tới nghề rèn, ai cũng sẽ nghĩ ngay tới làng rèn Tất Tát với bễ lò rèn bập bùng cùng tiếng quai búa nhịp nhàng vang vọng giữa mây trời.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài Và Ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]