(Baothanhhoa.vn) - “Về đây nhiều, sao nhà báo không viết về ông Hà Văn Máu? Một nhân vật có sức lan tỏa trong cộng đồng, “ngọn đuốc” của bản Sậy đấy. Tiếc thật!”. Hai từ “tiếc thật” của Chủ tịch xã Trung Thành Hà Công Toàn như một động lực thôi thúc chúng tôi lên đường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngọn đuốc của bản

“Về đây nhiều, sao nhà báo không viết về ông Hà Văn Máu? Một nhân vật có sức lan tỏa trong cộng đồng, “ngọn đuốc” của bản Sậy đấy. Tiếc thật!”. Hai từ “tiếc thật” của Chủ tịch xã Trung Thành Hà Công Toàn như một động lực thôi thúc chúng tôi lên đường.

“Ngọn đuốc” của bản Sậy Hà Văn Máu.

Từ trung tâm xã Trung Thành chỉ mất chừng 20 phút để đến được nhà già Máu. Có chút lo lắng trên đường đi khi trưởng bản Sậy Đinh Văn Hợp bảo rằng, già Máu không thích phô trương, lại bận rộn nữa, sợ đến không gặp được lại mất công. May thay, lúc chúng tôi đến, già Máu đang ở nhà. Già khỏe khoắn, năng động, trẻ trung hơn nhiều so với tuổi 80 của mình.

Bên chén rượu nồng, tôi hỏi về danh hiệu “ngọn đuốc của bản” mà người dân bản Sậy dành tặng cho già. Già Máu cười hiền, chia sẻ: “Công việc của mình lúc như cán bộ tuyên giáo, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có lúc, mình lại đóng vai cán bộ khuyến nông cung cấp thông tin về giống, kỹ thuật gieo trồng. Khi cần, mình lại là người hòa giải các mâu thuẫn gia đình, làng xóm, hết cưới hỏi lại tang ma... thôi thì đủ thứ trên đời, việc gì trong bản cần đến tôi, tôi đều sẵn sàng đảm nhận”. Nói rồi, già Máu khoát tay, cười sảng khoái. Già cho biết thêm: “Tôi làm việc chẳng có giờ giấc gì. Nửa đêm vẫn có dân bản gọi đến thắc mắc chuyện đồng ruộng, rồi chuyện ốm đau, sinh nở...

Những năm 2010 trở về trước, cuộc sống người dân bản Sậy gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo lên đến trên 70%. Một bộ phận thanh niên chán nản, không đoái hoài đến cây cuốc, cái rựa và nương rẫy. Đáng ngại hơn, có người bỏ bản đi làm ăn xa, để rồi sa chân vào các tệ nạn làm ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và cộng đồng. Trong khi đó, giữa một vài hộ dân trong bản thỉnh thoảng vẫn nảy sinh những mâu thuẫn không đáng có. Là thành viên tổ hòa giải cơ sở, sau khi thận trọng tìm hiểu sự tình, già Máu cùng với cán bộ thôn, công an viên, chi hội trưởng phụ nữ đến tận nhà khuyên giải, phân tích đúng sai. Nhờ thế, mọi mâu thuẫn trong bà con nhanh chóng được hóa giải. Đối với những người chán nản vì dù đã cố gắng làm lụng mà đói nghèo vẫn bám lấy cuộc sống không chịu rời đi, già giải thích rõ lý do, bày cho cách làm kinh tế hiệu quả hơn.

So với ngày xưa vất vả, đói nghèo, đời sống người dân bản Sậy giờ đã khá hơn nhiều. Bản hiện có 78 hộ với 374 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 25%. Ngoài trồng lúa, chăn nuôi, dân bản còn đua nhau trồng luồng với diện tích không ngừng được mở rộng, hiện tại là 54 ha... Có được thành quả này, già Máu đã góp không ít công sức. Không quản khó khăn, vất vả, già miệt mài vận động bà con tham gia các buổi tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do cán bộ xã, huyện về bản tổ chức. Để làm gương, già tình nguyện làm trước. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ngày nào già cũng cần mẫn chăn trâu trên đồi cao, cắt cỏ về cho cá, mò mẫm tìm đủ phương cách để phát triển kinh tế. Nhờ thế, cuộc sống của gia đình già mỗi ngày một khấm khá hơn. Hiện tại, khu gia trại với 5 con trâu, 10 con lợn, 2 sào ao nuôi cá cùng 1,5 ha rừng luồng, mỗi năm mang lại cho gia đình già nguồn thu gần 100 triệu đồng. Noi gương già, người dân trong bản gạt bỏ những trì trệ trong suy nghĩ cùng lối canh tác lạc hậu để bắt tay làm kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no.

Hỏi già Máu về động lực gắn bó với đủ mọi công việc không tên, không chức danh như thế, già cười điềm đạm: “Nếu những việc đang làm, có thể giúp cuộc sống của bà con tốt đẹp hơn, thì tôi luôn sẵn sàng. Phần thưởng chính là sự tín nhiệm, yêu thương của mọi người. Với tôi, hạnh phúc là được cho đi!”.

Cuộc trò chuyện giữa tôi và già Máu bị gián đoạn bởi sự xuất hiện của anh Hà Văn Nhập, 35 tuổi. Nhập đi bước vội, lủng lẳng trên tay 1 sâu cá suối, chưa vào đến cửa đã nhăn nhở cười: “Con có xâu cá suối mang qua biếu già. Tiết trời se lạnh thế này, ăn món giấm cá thì tuyệt, già ạ”. Nhập vốn có quá khứ nghiện rượu, thường xuyên mắng chửi vợ con, gia đình vốn thuộc diện nghèo nhất bản. Ấy vậy mà, từ ngày được già Máu khuyên răn, giúp đỡ, Nhập thay đổi hẳn. Từ hộ có kinh tế “đội sổ”, giờ đây gia đình Nhập đã thoát nghèo và không ngừng vươn lên. “Già tới nhà tôi vào mỗi buổi sáng, dành cả tiếng để nói về những điều hay lẽ phải của cuộc sống. Già bảo, rượu không phải bạn mà là kẻ thù, hơi men khiến chúng ta thành một con người khác, bệnh tật và mất kiểm soát hơn. Già muốn tôi lựa chọn giữa rượu và gia đình. Giữa việc đắm chìm trong những cơn say và nụ cười hạnh phúc của vợ con” – những lời như chắt từ tâm can của Nhập, mỗi khi được ai đó hỏi về động lực khiến bản thân thay đổi.

Trước khi chia tay, tôi đã cùng già Máu tới thăm ngôi nhà mới của vợ chồng Nhập. Đó là ngôi nhà nhỏ, chỉ rộng chừng 50m2, nhưng được Nhập tự tay đào móng, xây nền, lợp tôn đến quét ve hoàn thiện. Nhập tự hào bởi sau bao năm tháng đắm chìm trong men rượu, lần đầu tiên anh làm được một việc ý nghĩa cho vợ con. Xây xong nhà, Nhập còn dự tính đào thêm 2 ao thả cá, tăng thêm số lượng đàn gia súc, để kéo kinh tế của gia đình đi lên. Khỏi phải nói, Phạm Thị Cuộn, vợ anh vui mừng đến nhường nào. Đến tận bây giờ, chị mới cảm nhận được hơi ấm của một gia đình đúng nghĩa. Chị hạnh phúc bởi những bữa cơm không còn phải chan trong nước mắt, bao đêm thức trắng mòn mỏi đợi chồng với tiếng nấc nghẹn cũng đã qua đi. Ngay cả trong giấc mơ chị cũng không dám mơ đến cái viễn cảnh của ngày hôm nay. Cuộn nắm chặt tay già Máu, hai hàng nước mắt rưng rưng: “Cảm ơn già vì tất cả những điều tốt đẹp nhất người đã dành cho gia đình con và cho bản Sậy”.


Bài và ảnh: Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]