Huyện Ngọc Lặc mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS: Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020

(THO) - Đó là chủ đề của Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS do Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát động trong cả nước từ ngày 10-11 đến 10-12-2018 nhằm tăng cường các hoạt động dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người...

Huyện Ngọc Lặc mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS.

Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, kể từ khi phát hiện ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên vào tháng 11-1995, đến hết tháng 10-2018, lũy tích toàn tỉnh đã phát hiện 8.180 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó số ca còn sống quản lý được là 4.128, đã có 3.814 người nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc kháng virut ARV. Dịch HIV/AIDS xuất hiện tại 27/27 huyện, thị xã, thành phố và 596/635 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Thanh Hóa cũng là một trong 10 tỉnh có số người nhiễm HIV cao nhất toàn quốc, mỗi năm toàn tỉnh vẫn phát hiện 300 - 400 ca nhiễm HIV mới.

Từ năm 2016, Thanh Hóa là 1 trong 5 tỉnh trong cả nước được chọn thí điểm triển khai thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác), các sở, ngành, đoàn thể, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã phối hợp đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về Luật Phòng, chống HIV/AIDS, các chính sách, quy định pháp luật liên quan dành cho người dân nói chung, người nhiễm HIV và người thân của họ, các nhóm người có hành vi nguy cơ cao, phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, công nhân, lao động nhập cư, học sinh, sinh viên...; phổ biến về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, vận động và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tham gia khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế; giới thiệu, đến người dân và các nhóm cụ thể nêu trên về các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS...; tuyên truyền giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Chương trình can thiệp giảm tác hại đã có 10.942 đối tượng nguy cơ cao (nghiện chích ma túy, gái mại dâm) được tiếp cận và giới thiệu đi xét nghiệm HIV; 5.448 đối tượng nghiện chích ma túy nhận bơm kim tiêm. Tính đến hết tháng 6-2018, toàn tỉnh có 26 cơ sở điều trị methadone và 15 cơ sở cấp phát thuốc hiện tại đang duy trì điều trị cho 2.711 bệnh nhân, đạt 72% so với kế hoạch năm 2018. Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã triển khai 9 điểm tại trung tâm y tế các huyện: Tĩnh Gia, Quảng Xương, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, Mường Lát, thị xã Bỉm Sơn và TP Thanh Hóa. Việc cung cấp vật tư, sinh phẩm cho các huyện, thị xã, thành phố bảo đảm hoạt động phòng, chống và phát hiện, giám sát dịch HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh; bảo đảm đủ thuốc ARV và thuốc methadone cho bệnh nhân, sử dụng an toàn, hiệu quả và đúng quy định...

Trao đổi với ông Lê Trường Sơn, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, được biết: Thực hiện mục tiêu 90-90-90 có tính chiến lược trong phòng chống HIV/AIDS nói chung cũng như để có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Bởi nếu một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình làm lây nhiễm HIV cho người thân và cho người khác trong cộng đồng. Hơn nữa, nếu người nhiễm HIV không biết được tình trạng nhiễm HIV thì họ cũng không tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Mặt khác, người cung cấp dịch vụ cũng không tiếp cận và cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS. Khi không biết được số người nhiễm HIV thực tế trong cộng đồng cũng sẽ gây khó khăn trong việc lập kế hoạch phòng chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV sẽ giúp cho người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội. Người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị tốt thì thông thường sau 6 tháng điều trị ARV sẽ có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện, không làm lây truyền HIV. Việc kiểm soát tải lượng vi rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng liên quan đến chất lượng và tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng HIV... Tuy nhiên, 2 mục tiêu: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình và 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút hiện đạt được còn thấp.

Việc hưởng ứng phát động Tháng Hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS tại tỉnh nhằm tập trung tăng cường các hoạt động truyền thông đa dạng, sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân về phòng chống HIV/AIDS, nâng cao nhận thức của cộng đồng, tạo môi trường không còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, cung cấp thông tin về các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, để qua đó khuyến khích cộng đồng có nguy cơ, mọi người dân chủ động kiểm tra tình trạng sức khỏe liên quan đến HIV/AIDS của mình. Hiện Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện các hoạt động trong Tháng Hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2018. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường các hoạt động dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV, điều trị ARV và bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV; chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình có hiệu quả như: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng do cán bộ y tế và nhân viên cộng đồng thực hiện, dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư... Đã tổ chức 2 cuộc mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS quy mô cấp tỉnh tại 2 huyện Thiệu Hóa và Ngọc Lặc, qua đó kêu gọi mọi người cùng chung tay tạo ra sức mạnh tổng hợp phòng chống, ngăn chặn, đẩy lùi HIV/AIDS.


Bài và ảnh: Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]