(Baothanhhoa.vn) - Điều kỳ diệu của hạnh phúc ở đây chẳng phải cái gì lớn lao, mà chính là tình yêu thương được trao đi và được đón nhận bằng tất cả sự trân trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3: Yêu thương và chia sẻ

Điều kỳ diệu của hạnh phúc ở đây chẳng phải cái gì lớn lao, mà chính là tình yêu thương được trao đi và được đón nhận bằng tất cả sự trân trọng.

Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3: Yêu thương và chia sẻ

Hiến máu tình nguyện – nghĩa cử đẹp hướng về cộng đồng. Ảnh: Khôi Nguyên

Không phải ngẫu nhiên mà hạnh phúc lại thường đi liền với tình yêu thương. Bởi lẽ, yêu thương – gồm cả biết yêu thương, được yêu thương và trao đi yêu thương – là một “giá đỡ” cho hạnh phúc. Yêu thương ở đây không chỉ được hiểu như một danh từ, mà giá trị của nó được thể hiện rõ nhất khi được hiểu như một động từ. Nghĩa là, bản chất của yêu thương là sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ và cả sự hy sinh. Dẫu rằng, tình yêu thương không phải là đặc quyền của con người. Song, chỉ với con người, thứ tình cảm đặc biệt ấy mới không chỉ thuộc về bản năng, mà có được chiều sâu giá trị nhân văn – nhân bản, làm nên “bản tính Người” trong mỗi con người. Và, nếu ví hạnh phúc như ngọn hải đăng giữa trùng khơi, thì nó cũng là mục đích kiếm tìm cuối cùng trong cuộc đời mỗi con người. Dẫu cho, chưa khi nào con người ngừng đặt câu hỏi “thế nào là hạnh phúc?”, hay đâu là “công thức chung cho hạnh phúc?”.

Dịch bệnh COVID-19 bất ngờ xuất hiện suốt nhiều tháng qua, đã phủ bóng đen lên nhiều mặt đời sống xã hội. Thế nhưng, ở một khía cạnh khác, dịch bệnh lại trở thành một loại “quỳ tím”, đã làm đổi màu nhân cách, hành vi, lối sống của không ít người. Khi mà cả nước đang gồng mình “chống dịch như chống giặc”, thì vẫn có những kẻ sẵn sàng bán rẻ lương tâm để trục lợi từ dịch bệnh; có kẻ cố tình khai man, khai rối thông tin y tế để trốn cách ly; có kẻ cố tình hoặc vô ý phao tin đồn nhảm, tin đồn vô căn cứ trên mạng xã hội, gây nhiễu thông tin và ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh; cũng có kẻ tự cho mình cái quyền được phán xét, được chỉ trích, thậm chí đòi “xét xử” người khác... Thế nhưng, cũng giữa tâm điểm “nước sôi lửa bỏng” của dịch bệnh đã có biết bao hành động đẹp, xuất phát từ tấm lòng nhân ái của những người có địa vị hoặc có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Đồng thời, cũng có vô vàn việc làm ý nghĩa, đầy tinh thần “tương thân tương ái” của những con người rất đỗi bình thường. Những nghĩa cử đẹp và không vụ lợi ấy, là minh chứng cho tình yêu thương đã, đang và sẽ còn được nhân lên, được sẻ chia và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Để rồi, sức mạnh của tình yêu thương sẽ thắt chặt thêm tình đoàn kết, giúp dân tộc bước qua thời điểm khó khăn này.

Vậy thì, điều kỳ diệu của hạnh phúc ở đây chẳng phải cái gì lớn lao, mà chính là tình yêu thương được trao đi và được đón nhận bằng tất cả sự trân trọng. Ngay từ buổi đầu cắp sách tới trường, trẻ nhỏ đã được dạy phải biết “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”... Thế nhưng, không phải ca dao, tục ngữ mang lại sức sống lâu bền cho tình yêu thương; mà ngược lại, sức sống mà nó có được là bởi cái triết lý dân gian giản dị, không chỉ được truyền dạy, rao giảng, mà còn luôn sống hay luôn được thực hành trong đời sống. Đồng thời, được thừa nhận như một lẽ tất yếu của đạo đức và cách hành xử giữa người với người. Để rồi, tình yêu thương, với tư cách là một phẩm chất rất Người của con người, đã là một phần trong bản tính tốt đẹp của con người Việt Nam, vốn nhân hậu và giàu lòng vị tha.

Cuộc sống ngày càng đủ đầy hơn và con người cũng được bao bọc bởi nhiều lớp giấy màu rực rỡ của vật chất tiền tài. Ấy thế nhưng, khi điều kiện vật chất tốt hơn, học hành nhiều hơn, vẻ bề ngoài đẹp đẽ hơn, đời sống tinh thần phong phú hơn...; thì hình như lại có một nghịch lý đang tồn tại. Đó là con người dần trở nên vị kỷ hơn ở lối sống và cả trong bản tính? Sự vị kỷ luôn đòi hỏi được đáp ứng mọi yêu cầu, mọi nguyện vọng, đương nhiên là gồm cả tình yêu thương. Thế nhưng, nó lại ngăn trở tình yêu thương trong chính con người ấy được sẻ chia, được cho đi. Thậm chí, có những sự vị kỷ cá nhân đòi hỏi được thỏa mãn bất chấp luân thường đạo lý, bất chấp sinh mạng người khác, kể cả sinh mạng của chính người thân. Đã có không ít vụ bạo lực, hành hung, thảm sát trong gia đình, mà đối tượng gây ra lại chính là những đứa con, hoặc những bậc làm cha làm mẹ. Đó là minh chứng đáng sợ về sự biến tướng của đạo đức làm người, của nhân cách vặn vẹo, của hành vi sai lệch và của cách ứng xử mà phần “Con” đã lấn át hết phần “Người”.

Gia đình, từ lâu đã được thừa nhận như là cái nôi nảy nở, vun đắp và trao truyền tình yêu thương nhân bản nhất của con người: Tình máu mủ ruột thịt. Một cái nôi ăm ắp yêu thương là mảnh đất mỡ màu, giúp ươm những mầm non yếu ớt, phát triển thành cái cây chắc khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Đồng thời, gia đình cũng chính là trường học đầu đời của con người, nơi mỗi người học cách yêu thương, trao đi yêu thương và tích lũy tình thương ấy để thực hành trong suốt cuộc đời mình. Đổi ngược lại, nếu đó là mảnh đất cằn cỗi, chẳng thể nảy nở được tình thương, niềm yêu thương trong con người, thì nhân cách con người sẽ có những mảng sừng xấu xí bám lên thân cây khẳng khiu. Cuộc sống đang thay đổi, theo chiều tích cực. Song, cũng có không ít sự thay đổi kiểu “ngược chiều phát triển”, mà sự xuống cấp của đạo đức và nền nếp, gia phong, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo nhức nhối cho mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội.

Dĩ nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm và nhận lại bao giờ cũng dễ hơn việc cho đi. Yêu thương cũng vậy, ta luôn muốn nhận về nhiều hơn, nhưng để cho đi lại thường cần có điều kiện. Thậm chí, có đôi khi con người phải trả một cái giá nào đó, ngay cả khi họ sẵn sàng trao đi tình yêu thương. Thế nhưng, vẫn luôn có những điều kỳ diệu tìm đến từ những trái tim giàu lòng yêu thương. Và dịch bệnh đang diễn ra là một ví dụ về điều kỳ diệu của tình yêu thương, đã phủ lên đời sống một sắc màu tươi sáng hơn. Bởi, suy cho cùng, như ai đó đã nói, hạnh phúc chân thực chỉ có được khi ta được hiểu, được yêu thương, cũng như khi bản thân ta có khả năng hiểu và yêu thương những người xung quanh mình mà thôi.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]