(Baothanhhoa.vn) - Theo thống kê của Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ cháy trong đó có 2 vụ cháy tại các nhà xưởng sản xuất, kho hàng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà xưởng, kho hàng

Theo thống kê của Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ cháy trong đó có 2 vụ cháy tại các nhà xưởng sản xuất, kho hàng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Cảnh sát PCCC tỉnh kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC tại kho hàng Công ty TNHH Giày Roll Sport Việt Nam (KCN Hoàng Long, phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa).

Đáng chú ý là vụ cháy tại xưởng sản xuất bánh kẹo thuộc Công ty CP Bánh kẹo Tràng An 3 (khu Công nghiệp Bỉm Sơn, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn) vào hồi 6 giờ 25 phút, ngày 20-12-2017. Nhận tin báo, Cảnh sát PCCC tỉnh đã điều hơn 10 xe cứu hỏa cùng hàng trăm chiến sĩ đến hiện trường tổ chức chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Sau gần 1 ngày nỗ lực dập lửa, đám cháy đã được dập tắt. Tuy nhiên vụ cháy đã làm 3 người chết, 2 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 53 tỷ đồng. Trước đó, cũng đã có rất nhiều vụ cháy kho hàng, nhà xưởng gây thiệt hại lớn về tài sản như vụ cháy tại kho chứa hàng của Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Khắc Ánh (Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga, TP Thanh Hóa); vụ cháy tại kho chứa hàng của Tổng Công ty Thương mại và xây dựng Đông Bắc (phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa).

Thực tế cho thấy, các kho hàng, nhà xưởng sản xuất là nơi tập trung nguyên vật liệu, hàng hóa lớn, hầu hết là các chất dễ cháy và nguy hiểm về cháy nổ như vải, da giày, giấy, gỗ, các loại dung môi hữu cơ... Nhiều nhà xưởng được xây dựng trước, sau đó tiến hành cải tạo, thay đổi công năng để cho thuê nên khi khai thác sử dụng, các điều kiện về an toàn PCCC không phù hợp theo công năng của từng loại hình cơ sở. Nhiều nhà xưởng, kho hàng không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, trang bị hệ thống PCCC chưa đầy đủ; đường giao thông, nguồn nước phục vụ cho xe chữa cháy hoạt động không đáp ứng được yêu cầu cứu chữa khi có cháy xảy ra.

Tuy các vụ cháy tại kho, nhà xưởng thường không gây thiệt hại nghiêm trọng về người nhưng gây thiệt hại về kinh tế rất lớn bởi các kho hàng này vừa là nơi chứa hàng, vừa là nơi sản xuất. Khi các vụ cháy nhà kho, nhà xưởng xảy ra cũng khiến người dân lo lắng bởi có rất nhiều các nhà kho, nhà xưởng nằm xen kẽ trong khu dân cư. Các nguyên nhân dẫn đến cháy thường là do bất cẩn trong sản xuất và nhiều nhất là sự cố về hệ thống điện.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh đã đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn PCCC tại các nhà xưởng, kho hàng trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các nhà xưởng, kho hàng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề. Qua công tác kiểm tra cũng đã phát hiện nhiều tồn tại, thiếu sót trong công tác PCCC, như: Người đứng đầu cơ sở chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình trong công tác PCCC; chưa chỉ đạo lập hồ sơ theo dõi, quản lý PCCC; chưa tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC; lập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và tổ chức thực tập phương án chữa cháy theo quy định; không tổ chức thực hiện các giải pháp an toàn PCCC theo kiến nghị của cơ quan chức năng có thẩm quyền; một số cơ sở thực hiện mang tính chất đối phó không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC theo hướng dẫn của quy chuẩn và các quy định về PCCC hiện hành. Bên cạnh đó, hệ thống PCCC tại một số nhà xưởng, kho hàng không đảm bảo hoạt động theo quy định cũng như chưa được kiểm tra bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên. Tại một số nhà xưởng, kho hàng nhỏ lẻ nằm xen cài trong các khu dân cư không đảm bảo khoảng cách nên việc xe chữa cháy tiếp cận hiện trường khi có sự cố cháy nổ xảy ra gặp rất nhiều hạn chế.

Để đảm bảo an toàn PCCC đối với loại hình nhà xưởng, kho hàng, Cảnh sát PCCC tỉnh đề nghị người đứng đầu cơ sở cần thực hiện nghiêm quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; thành lập đội PCCC có đủ lực lượng để duy trì; tăng cường công tác thường trực, tuần tra phát hiện cháy, nổ; khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ điện phải đảm bảo đúng quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật; trang bị đủ phương tiện PCCC theo quy định, thường xuyên kiểm tra duy trì hoạt động của các hệ thống để đảm bảo sử dụng khi có sự cố cháy, nổ. Cấm hàn, cắt kim loại hoặc làm những việc phát sinh tia lửa, tia nhiệt gần khu vực nhà kho, nhà xưởng sản xuất... Khi có cháy, nổ tại các cơ sở sản xuất, nhà xưởng, kho hàng, cần phải tổ chức chữa cháy kịp thời, phát huy phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ”, đồng thời nhanh chóng báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp theo số điện thoại 114 để có những biện pháp chữa cháy hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.


Bài và ảnh: Nguyễn Nhung (Cảnh sát PCCC tỉnh)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]