(Baothanhhoa.vn) - Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động nâng cao chất lượng các tiêu chí chuẩn. Thực tế đã ghi nhận, xây dựng (XD) NTM là hành trình có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc tại nhiều xã trên địa bàn tỉnh...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao chất lượng tiêu chí chuẩn nông thôn mới

Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động nâng cao chất lượng các tiêu chí chuẩn. Thực tế đã ghi nhận, xây dựng (XD) NTM là hành trình có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc tại nhiều xã trên địa bàn tỉnh...

Chợ an toàn thực phẩm tại xã Yên Trường (Yên Định).

Thống kê từ Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, từ năm 2012 đến đầu tháng 12 - 2018, Thanh Hóa đã có 260 xã được công nhận hoặc duyệt hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM. Sau khi các xã được công bố đạt chuẩn NTM, cơ quan chuyên môn này và các địa phương cấp huyện đã có nhiều chỉ đạo, hướng dẫn các xã duy trì và nâng cao tiêu chí chuẩn. Việc tập trung cho phát triển các mô hình sản xuất, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển các hoạt động văn hóa nông thôn... được nhiều xã chú trọng. Từ đó, nhân dân được thụ hưởng nhiều hơn những thành quả từ XDNTM đem lại.

Điển hình như tại xã Định Tân (Yên Định), sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015, đến nay, xã đã tiếp tục đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng; phát triển sản xuất. Từ đó, nhiều công trình giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và đặc biệt là các mô hình sản xuất được phát triển mạnh. Những cánh đồng chuyên canh sản xuất hạt giống lúa lai F1 đã trở thành mô hình truyền thống của Định Tân nhờ liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương. Xã cũng đã đấu mối và có hợp đồng liên kết hợp tác với Công ty Rau củ quả Hòa Bình, sản xuất hạt bí đỏ, hạt dưa chuột, hạt giống mướp đắng với tổng diện tích 40 ha mỗi năm. Cùng với nhiều mô hình sản xuất rau màu hiệu quả, những năm gần đây, mỗi ha canh tác của xã Định Tân đã đạt trung bình khoảng từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm. Đây chính là tiền đề, là điều kiện tiên quyết để nâng cao thu nhập của người dân trong xã.

Xã đầu tiên của huyện Nông Cống được công nhận đạt chuẩn NTM là Trường Sơn (vào tháng 12 – 2013) cũng không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí nhờ sự năng động của lãnh đạo xã. Cứ 6 tháng, xã lại rà soát các tiêu chí một lần, từ đó có kế hoạch và lộ trình cụ thể trong nâng cao các tiêu chí. Với các cán bộ xã ở Trường Sơn, “NTM giờ phải nhìn từ phía sau chứ không chỉ căn cứ vào mặt tiền. Có nghĩa, phải nhìn từ nhà bếp xem chất lượng bữa ăn của nhân dân thế nào, chứ không chỉ nhìn hình thức bên ngoài của ngôi nhà đó có mới, đẹp hay không” – một lãnh đạo xã Trường Sơn ví von.

Do từ đầu năm 2017, Trung ương ban hành bộ tiêu chí mới nên nhiều tiêu chí của xã đạt chuẩn NTM được quy định nâng cao hơn, với nhiều yêu cầu mới được tăng cấp độ theo chiều sâu. Theo đó, các xã đạt chuẩn NTM trong giai đoạn 2012 đến hết 2016 phải tự vận động, nâng cao chất lượng các tiêu chí để bắt kịp bộ tiêu chí mới – được áp dụng từ 1-1-2017. Thống kê từ Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, giai đoạn 2012 – 2016, toàn tỉnh có 180 xã đã được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận đạt chuẩn NTM. Thời gian qua, đa phần các xã này vẫn đang nỗ lực để nâng cao các tiêu chí chuẩn. Với các xã này, hiện đang có bình quân thu nhập đạt 31,8 triệu đồng/người/năm, tăng trung bình 7,9 triệu đồng so với thời điểm các địa phương được công nhận đạt chuẩn, cao hơn 2,8 triệu đồng/xã so với yêu cầu tiêu chí mới được áp dụng từ năm 2017. Từ việc thu nhập liên tục được nâng lên, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn này liên tục giảm. Nếu xét theo tiêu chí chuẩn nghèo mới hiện nay, các xã đạt chuẩn từ năm 2016 trở về trước đang có tỷ lệ hộ nghèo trung bình là 2,93% (yêu cầu hiện nay chỉ cần dưới 5% số hộ), bình quân giảm 1,27% số hộ so với thời điểm được công nhận đạt chuẩn.

Về các tiêu chí liên quan đến chất lượng cuộc sống người dân, nhiều địa phương liên tục có sự cải thiện, nâng cao. Cụ thể, về chỉ tiêu 15.1 liên quan đến tỷ lệ người dân được tham gia bảo hiểm y tế, bình quân đã có gần 75% người dân tại các xã này có thẻ bảo hiểm y tế, bình quân hằng năm, mỗi xã tăng 3,4% số người dân được tham gia loại hình bảo hiểm này. Với chỉ tiêu 14.3 về tỷ lệ lao động có việc làm, bình quân đã có gần 63% số lao động có việc sau khi được đào tạo. Hiện tại, các xã đã đạt chuẩn cũng đang triển khai chỉ tiêu 17.8 về vệ sinh an toàn thực phẩm theo sự hướng dẫn nhằm phát triển sản xuất cũng như sử dụng thực phẩm an toàn.

Với các xã đạt chuẩn NTM từ đầu năm 2017 đến nay (được áp dụng bộ tiêu chí chuẩn mới), khi được thẩm định, nhiều xã đã có các tiêu chí cao hơn mức chuẩn. Đây cũng chính là tiền đề để các xã đã đạt chuẩn tiếp tục nâng cao các tiêu chí, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân các vùng quê trong tỉnh.


Bài và ảnh: Linh Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]