(Baothanhhoa.vn) - Trung tâm Giáo dục dạy nghề cho người mù thuộc Hội Người mù tỉnh được thành lập tháng 12-2000. Tuy nhiên, trong 10 năm đầu, mỗi năm trung tâm chỉ tiếp nhận và dạy được khoảng 10 học sinh. Do tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức tốt giáo dục hòa nhập, dạy nghề cho hội viên và học sinh khiếm thị nên từ năm 2011 đến nay, trung tâm luôn duy trì ổn định ở mức 50 học sinh học các lớp tiền hòa nhập và hòa nhập.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao chất lượng giáo dục cho người khiếm thị

Trung tâm Giáo dục dạy nghề cho người mù thuộc Hội Người mù tỉnh được thành lập tháng 12-2000. Tuy nhiên, trong 10 năm đầu, mỗi năm trung tâm chỉ tiếp nhận và dạy được khoảng 10 học sinh. Do tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức tốt giáo dục hòa nhập, dạy nghề cho hội viên và học sinh khiếm thị nên từ năm 2011 đến nay, trung tâm luôn duy trì ổn định ở mức 50 học sinh học các lớp tiền hòa nhập và hòa nhập.

Nâng cao chất lượng giáo dục cho người khiếm thị

Trẻ khiếm thị từ 8 đến 17 tuổi học kiến thức lớp 3 tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề cho người mù.

Ông Phạm Ngọc Quyết, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục dạy nghề cho người mù, chia sẻ: Trước đây do nhận thức của gia đình trẻ em mù không tin trung tâm có thể dạy được cho con mình bởi ở nhà bố mẹ đang phải chăm lo từng li, từng tý. Giao con cho trung tâm thì việc sinh hoạt, ăn uống, đi lại của con sẽ như thế nào? Và vì thương con phải chịu thiệt thòi, bất hạnh nên “bao bọc”, không đành rời xa con... Nhưng qua thời gian, với sự nhiệt tình, tâm huyết và sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên và từ sự trưởng thành của những học sinh từng theo học tại trung tâm đã minh chứng trung tâm làm được điều mà các bậc phụ huynh “không tưởng”.

Qua gần 20 năm đi vào hoạt động, nhiều học sinh của trung tâm đã trưởng thành. Có người ở lại trung tâm làm thầy giáo, có người làm chủ tịch, phó chủ tịch hội người mù các cấp, có người làm nhạc sĩ, ca sĩ... và hiện tại trung tâm đang dạy 50 em học sinh từ 5 đến 17 tuổi, trong đó có 8 em lớp 9, 1 em lớp 8, 6 em lớp 6 và 10 em lớp 4 sau khi đọc viết thông thạo chữ nổi braille đã được học hòa nhập tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP Thanh Hóa. Số còn lại học tại trung tâm.

Cô giáo Nguyễn Thị Yến, người gắn bó với các em học sinh mù được gần 4 năm, cho biết: Với công việc đặc biệt là không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức mà chúng tôi còn dạy các em có ý chí tự lập, biết vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội. Có những em tuổi còn quá nhỏ (5 tuổi) đã phải xa nhà trong khi mắt không nhìn thấy gì. Có em không chỉ khiếm thị mà còn bị đa tật, bị đao hoặc tăng động, ngoại hình không bình thường... tiếp thu rất chậm, phải học lại 2 năm, thậm chí 3 năm mới lên lớp được. Trong quá trình vừa dạy, vừa dỗ, vừa hướng dẫn từ sinh hoạt cá nhân đến lời ăn tiếng nói đã gắn kết tình cảm cô – trò bằng tình yêu thương rất đặc biệt.

Nhớ lại năm đầu vào trung tâm, cô Yến cho biết mình được phân dạy lớp tiền hòa nhập. Lớp có 11 học sinh, trong đó có 1 em tên Hưng là học sinh cá biệt bởi rất nghịch, đã học được 1 năm rồi mà chưa biết chữ. Qua vài lần tiếp xúc, biết Hưng có khả năng ghi nhớ, bằng tình cảm, cô đã kiên trì dạy dỗ, tạo động lực, ý chí phấn đấu để em vươn lên và cuối năm đó Hưng đã biết đọc, biết viết chữ. Có em học tới 2-3 năm vẫn không lên lớp được. Có em đang học lên cơn co giật rồi ngất xỉu... Cũng vì lẽ đó mà thời gian mới về trung tâm, cô Yến bị dao động và định bỏ cuộc nhưng nghĩ các em đã quá thiệt thòi, muốn khơi dậy ước mơ, mở cánh cửa tri thức, thắp ánh sáng tương lai cuộc đời cho các em mà cô Yến đã vượt qua và dành hết tâm huyết để dạy dỗ các em.

Đến với trung tâm, tuy mỗi em một hoàn cảnh khác nhau, ở nhiều vùng miền khác nhau. Có em ở tận Mường Lát hay các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình... nhưng sống, học tập trong môi trường chung, được thầy cô dạy dỗ, giáo dục trong gia đình lớn với bầu không khí ấm áp tình yêu thương, hòa nhập, các em đã biết bao bọc, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt, học tập. Đến giờ nhiều em vào dịp nghỉ lễ, tết dương lịch đã không về nhà mà ở lại trung tâm luôn, khác hẳn với khi mới đến nhập học là khóc lóc, đòi về nhà với bố mẹ, người thân.

Ở trung tâm, các em không chỉ được dạy chữ braille và kiến thức chương trình phổ thông mà còn được học tiếng Anh, học đàn, học hát. Với những em có năng khiếu sẽ được đầu tư chuyên sâu để tham gia đội văn nghệ đi biểu diễn tại các cơ sở hội trong tỉnh. Nhiều em tham gia Tiếng hát Hoa phượng đỏ do Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tổ chức và đạt giải, có em từng 2 lần đạt giải ba. Riêng năm 2014 trung tâm có 2 em được Huy chương Vàng hội thi Tiếng hát Người khuyết tật toàn quốc.

Để tạo điều kiện cho các em khiếm thị trên toàn tỉnh có điều kiện được học tập, hòa nhập cộng đồng, những năm qua Hội Người mù tỉnh đã phối hợp với hội người mù các địa phương khảo sát, vận động hội viên và trẻ em khiếm thị tham gia các lớp học. Đồng thời không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức giáo dục hòa nhập, trang bị kiến thức, kỹ năng sống, chắp cánh ước mơ, niềm tin vào tương lai tươi sáng để các em có thể tự tin phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Tuy nhiên, việc học hòa nhập tại các trường tiểu học và THCS của trẻ khiếm thị vẫn gặp nhiều khó khăn do một số trường trên địa bàn TP Thanh Hóa không tiếp nhận dạy các em bởi lý do các em viết, đọc bằng chữ nổi, khi làm bài kiểm tra rất bất cập, hơn nữa việc sinh hoạt, đi lại của các em cũng là một trong những nguyên nhân. Đối với trẻ học tại trung tâm thì cơ sở vật chất chưa bảo đảm quy chuẩn với người khiếm thị. Các em phải học, ăn ở, sinh hoạt trong nhà cao tầng vừa chật chội, vừa nguy hiểm lại không có sân chơi, bãi tập ngoài trời. Chưa kể mỗi năm trung tâm còn tổ chức dạy chữ, dạy nghề cho hàng trăm người lớn khiếm thị khác. Riêng năm 2019 trung tâm tổ chức dạy nghề cho 135 học viên, việc ăn ở, đi lại, sinh hoạt của học viên vô cùng bất cập, nhất là vào những ngày hè nóng nực, chưa kể đội ngũ cán bộ, giáo viên trung tâm còn thiếu và yếu. Vì vậy thời gian tới, ngoài sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ, giáo viên trung tâm, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn xã hội để Trung tâm Giáo dục dạy nghề cho người mù là một “địa chỉ” dạy chữ, dạy nghề đúng nghĩa, để trẻ em khiếm thị nói riêng, người khiếm thị nói chung được tiếp cận tri thức, hòa nhập cộng đồng.

Bài và ảnh: Mai Phương


Bài Và Ảnh: Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]