(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ, công chức xã theo Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, được các cấp ủy, chính quyền, địa phương quan tâm, triển khai thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng và năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn cán bộ, công chức xã

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn cán bộ, công chức xã

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác lao động, người có công và xã hội cấp xã.

Những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ, công chức xã theo Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, được các cấp ủy, chính quyền, địa phương quan tâm, triển khai thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng và năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thực hiện Quyết định số 294/QĐ-BNV ngày 3-4-2012 của Bộ Nội vụ về triển khai đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2010-2015 và 2016-2020, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, giao Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch hàng năm, lập dự toán kinh phí và chủ trì phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã của tỉnh. Theo đó, Sở Nội vụ đã phối hợp với các ngành chức năng biên soạn, trình UBND tỉnh phê duyệt 2 bộ tài liệu “Bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước và kỹ năng lập kế hoạch, chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo nghề ở địa phương” và “Bồi dưỡng kiến thức khuyến công cho cán bộ, công chức cấp xã”; trên cơ sở 26 bộ tài liệu bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã được Bộ Nội vụ tập huấn và chuyển giao, Sở Nội vụ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức in 20.050 cuốn tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy bồi dưỡng, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh. Kết quả, từ 2010 đến 2018, toàn tỉnh đã mở được gần 200 lớp bồi dưỡng về kiến thức quản lý Nhà nước, kỹ năng lãnh đạo quản lý, điều hành; kiến thức, kỹ năng theo chức danh, vị trí việc làm cho trên 30 ngàn lượt cán bộ, công chức cấp xã (kể cả những người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn)... Có thể nói, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng nói trên đã góp phần nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, kỹ năng điều hành và thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã, tạo chuyển biến rõ nét về mặt chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng. Từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đủ tiêu chuẩn, chức danh; trình độ, bản lĩnh lãnh đạo, quản lý và thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở các xã, phường, thị trấn, phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo gặp không ít khó khăn, đó là nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã lớn (13.610 người) trong khi nguồn kinh phí của đề án dành cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã rất hạn chế (từ năm 2014 đến nay, nguồn kinh phí phân bổ chỉ có 1 tỷ đồng/năm), vì vậy chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo. Một số cơ quan, đơn vị và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chưa thực sự quan tâm đến công tác chỉ đạo, phối hợp thiếu đồng bộ trong việc quản lý, tổ chức mở lớp đào tạo, bồi dưỡng. Việc bồi dưỡng theo chức danh chuyên môn và các kiến thức bổ trợ như ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc thiểu số... chưa thực sự trở thành nhu cầu thường xuyên của cán bộ, công chức xã. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh chưa được đầu tư đúng mức, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đa phần quy mô còn nhỏ, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị còn thiếu so với quy định. Nội dung chương trình, tài liệu phục vụ giảng dạy còn nặng lý thuyết, thiếu tính trang bị kỹ năng và những vấn đề thực tiễn...

Kế hoạch đào tạo giai đoạn 2016-2020 là đào tạo, bồi dưỡng cho gần 33.000 lượt người, trong đó đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước cho cán bộ chuyên trách Đảng, đoàn thể 14.520 lượt người; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin cho 6.400 lượt người... Để hoàn thành mục tiêu trên, thời gian tới các cấp, ngành trong tỉnh và đội ngũ cán bộ, công chức xã cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời thực hiện rà soát lại tổng thể đội ngũ cán bộ, công chức xã trên địa bàn về số lượng, chất lượng theo từng nhóm chức danh, gắn với vị trí công việc, chú trọng đến cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số, cán bộ, công chức là nữ. Trong đào tạo, bồi dưỡng chú ý kết hợp trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng và nghiệp vụ tại cơ sở. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng công tác, ưu tiên các kỹ năng cán bộ, công chức còn yếu như giao tiếp, tiếp dân, tham mưu, đề xuất giải quyết công việc, soạn thảo văn bản; xây dựng cơ chế khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức xã chủ động tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng; tiếp tục chú trọng vào chương trình và khâu biên soạn tài liệu; nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần được đổi mới theo hướng thiết thực, sát với đối tượng và mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện đánh giá tổng quát khách quan và minh bạch chất lượng cán bộ, công chức chính quyền cấp xã sau đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý cán bộ, công chức cấp xã để từ đó có những điều chỉnh kịp thời với hoạt động này tại địa phương.

Trần Hằng


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]