(Baothanhhoa.vn) - 4 giờ sáng, bên trong căn nhà cấp 4 ọp ẹp, nằm lọt thõm giữa cụm dân cư đông đúc thôn Tiến Thành, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), chị Bùi Thị Ngân, 54 tuổi đã phải thức dậy để bắt đầu một ngày mới. Chị nhóm bếp, luộc vội cho con gái mấy quả trứng làm bữa sáng. Còn chị ăn vội bát cơm nguội với ít thức ăn còn thừa lại từ tối qua, miễn sao không để bụng trống rỗng là được. Xong xuôi, chị cần mẫn ngồi xâu từng chiếc rá, cái mẹt,... đeo lên chiếc xe đạp Thống Nhất cũ. 5 giờ sáng, chị dắt xe ra cổng, bắt đầu chặng hành trình rong ruổi lên phố của mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mưu sinh cùng những giấc mơ

4 giờ sáng, bên trong căn nhà cấp 4 ọp ẹp, nằm lọt thõm giữa cụm dân cư đông đúc thôn Tiến Thành, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), chị Bùi Thị Ngân, 54 tuổi đã phải thức dậy để bắt đầu một ngày mới. Chị nhóm bếp, luộc vội cho con gái mấy quả trứng làm bữa sáng. Còn chị ăn vội bát cơm nguội với ít thức ăn còn thừa lại từ tối qua, miễn sao không để bụng trống rỗng là được. Xong xuôi, chị cần mẫn ngồi xâu từng chiếc rá, cái mẹt,... đeo lên chiếc xe đạp Thống Nhất cũ. 5 giờ sáng, chị dắt xe ra cổng, bắt đầu chặng hành trình rong ruổi lên phố của mình.

Mưu sinh cùng những giấc mơ

Chị Lê Thị Thúy luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để biến giấc mơ của gia đình thành hiện thực.

Những đôi chân không biết mệt mỏi

Với chiếc làn treo ở ghi đông xe đựng đầy dây dợ cùng với lỉnh kỉnh một, hai cọc thồ xếp chồng chéo nào: Rá, rổ, thúng, mủng, rế, vỉ cà lớn nhỏ đã cùng chị len lỏi vào từng góc phố, con ngõ của TP Thanh Hóa. Từng ngày trôi qua với chị Ngân là cả một thử thách, một cuộc chạy đua không ngừng nghỉ của bản thân. Chị chạy đua với cái nắng chói chang của mùa hè, cái lạnh cắt da, cắt thịt của mùa đông, những cơn mưa dông bất chợt của thời tiết, rồi chạy đua với cả tuổi tác, sức khỏe của chính bản thân mình. “Giàu sang, phú quý thì chị không dám mơ tới. Chỉ mong sao trời thương cho chị thêm sức khỏe để còn chạy chợ kiếm thêm chút tiền lo cho cuộc sống của hai mẹ con sau này”. Buổi chạy chợ nào gặp may chị Ngân cũng kiếm được 150 nghìn đồng, hôm ế ẩm thì ít hơn. Hai mẹ con ăn tiêu dè sẻn, mỗi tháng cũng để ra được khoảng 1,5 triệu đồng. Chị để dồn lại, cứ 5 tháng lại đem ra gửi ngân hàng, tiết kiệm như vậy để phòng khi ốm đau, hay có công việc lớn.

Cũng mang trên mình một giấc mộng mưu sinh như chị Ngân, mỗi ngày trôi qua ở thôn 8, xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) vợ chồng anh Lê Duy Ngữ, chị Lê Thị Thúy cặm cụi sớm khuya với cái nghề mây tre đan truyền thống. Anh Ngữ thì ở nhà làm nghề. Từ chẻ nan, đan rá, lận, nức... cho ra sản phẩm, một mình anh xoay xở với từng ấy công đoạn từ tờ mờ sáng đến tận tối khuya. Cái sức khỏe vốn dĩ không được tốt của anh do bệnh sỏi thận và thoát vị đĩa đệm ngày càng xấu hơn do làm việc cật lực. Ấy vậy mà, hễ ai khuyên anh nên nghỉ ngơi, anh đều lắc đầu, rồi tự an ủi bản thân: “Cố lên, vì tương lai của các con”. Chồng siêng lại thêm vợ đảm, hàng xóm cứ khen vợ chồng anh Ngữ như thế. Thật vậy, ở thôn 8, xã Hoằng Thịnh ai mà không biết câu chuyện chị Lê Thị Thúy - vợ anh Ngữ suốt bao năm qua vì thương chồng ốm yếu mà thay anh lăn lộn bốn phương. Chị đi nhập hàng ở các tỉnh lân cận như: Ninh Bình, Hà Nội có khi cả tuần đến nửa tháng mới về nhà một lần. Sau khi về quê, chị lại đạp xe quanh TP Thanh Hóa đi bán hàng rong.

Giấc mơ có thật

Tôi hỏi chị Ngân niềm hạnh phúc lớn nhất của chị sau 16 năm rong ruổi mưu sinh là gì. Chị mỉm cười, nụ cười hiền hậu, tảo tần - nét chung của bao người phụ nữ Việt Nam, rồi nhẹ nhàng cất lời: “Hạnh phúc của chị là được nhìn thấy con gái lớn khôn từng ngày. Cháu nó ngoan, biết thương mẹ lại chăm học lắm!. Nếu cháu đậu được vào đại học, nhất định chị sẽ gắng sức lo cho cháu được trọn vẹn. Đó là ước mơ cả đời của chị”. Chị nói rồi lặng lẽ quay đi, đưa tay lau vội hai hàng nước mắt đang lăn dài trên đôi gò má đen xạm vì nắng gió - những giọt nước mắt của hạnh phúc, dẫu giản đơn và bé nhỏ.

Mưu sinh cùng những giấc mơ

Chị Ngân vốn là mẹ đơn thân, mọi ước mơ, khát vọng chị dồn cả vào cô con gái ngoan hiền, năm nay tuổi vừa tròn 16. Cô con gái 16 tuổi, cũng tròn 16 năm chị một thân lam lũ lo từng miếng cơm, giấc ngủ cho con. 16 năm vòng quay bánh xe không ngưng nghỉ của chị lăn đều qua từng góc phố, con đường. 16 năm, hình ảnh của chị quen thuộc đến nỗi, người dân phố thị khi gặp chị chẳng thèm nhớ tên mà chỉ bất giác gọi “ê, cô hàng nan”. 16 năm phố phường đổi thay, riêng chị vẫn thủy chung với chiếc xe đạp Thống Nhất cũ kỹ, tối ngày quẩn quanh “quê - phố, phố - quê”. Đền đáp sự vất vả của chị, Bùi Thị Hiền - con gái chị Ngân đã không ngừng cố gắng, vươn lên trong học tập. 10 năm liên tiếp từ cấp tiểu học đến cấp THPT, em đều đạt học sinh khá, giỏi của trường. Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp của hai mẹ con chị Ngân không có gì đáng giá ngoài bộ bàn ghế chân thấp, chân cao cùng góc học tập được treo kín giấy khen của Hiền. Những lúc quá mệt mỏi chị Ngân thường lặng nhìn từng bước tiến trưởng thành của con qua những tấm giấy khen đó để lấy động lực vượt qua bao giông bão, cơ cực ở đời. Hạnh phúc của một bà mẹ đơn thân đôi khi cũng chỉ cần nhỏ nhoi và giản đơn như vậy.

Với gia đình anh Ngữ - chị Thúy cũng vậy, sau bao năm tháng vất vả, cuối cùng anh, chị cũng đã được hưởng “trái ngọt” từ sự nỗ lực học tập của các con. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng 3 đứa con sinh 3 của anh chị rất chăm ngoan, học giỏi. Ngoài những ngày đến lớp, khi trở về nhà 3 chị em Lê Thị Dương, Lê Thị Thùy, Lê Thị Linh cùng sinh năm 2000, đều phụ giúp bố mẹ hoàn thành các đơn hàng. Nhà nghèo nên hầu như các em không tham gia học thêm mà tự giác bảo ban nhau cùng học tập, nên suốt quá trình theo học các em đều đạt học sinh khá, giỏi. Tại Trường THPT Lương Đắc Bằng, các em đều tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và đạt được nhiều thành tích. Theo kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, em Dương được 23,45 điểm các môn xét tuyển khối B, em Thùy đạt 23,8 điểm ở các môn xét tuyển khối A1 và em Linh thi được 24 điểm khối D. Hiện tại, Dương đang học tại Trường Đại học Y Hà Nội; Thùy theo học Trường Đại học Công nghệ Đông Á; còn Linh đang theo đuổi giấc mơ của mình tại Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. “Niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng em là đã thực hiện được một phần mong mỏi, ước mơ của bố mẹ. Học đại học, cả ba chị em chúng em sẽ cố gắng kiếm thêm việc làm để giúp cho việc học tập, nhất định tụi em sẽ không làm bố mẹ thất vọng” - em Dương chia sẻ. Nghe con thổ lộ, ngồi kế bên anh Ngữ cũng nghẹn ngào: “Kể ra đời tôi như thế cũng là may mắn rồi, cả ba đứa con đều vào đại học cả, chẳng biết rồi tương lai của chúng sẽ sáng sủa đến đâu nhưng có được cái tiếng nuôi các con học đại học tôi cũng tự hào lắm. Chỉ cần như thế thôi, khổ đến đâu tôi cũng chịu được, mà biết đâu số tôi khổ trước sướng sau”.

Chị Ngân, anh Ngữ, chị Thúy chỉ là một phần nhỏ đại diện cho hàng vạn, hàng triệu người cha, mẹ vĩ đại đang lam lũ sớm khuya vì những đứa con thân yêu. Những nỗi cay đắng, khó nhọc thấm vào từng sợi tóc bạc, hằn trong mỗi nếp nhăn trên những gương mặt gầy gò để âm thầm gieo giấc mơ. Đã có những nụ cười rạng ngời vì được hưởng “trái ngọt”, nhưng vẫn còn đó bao tiếng thở dài mệt nhoài vì ước mơ cứ dở dang mãi.

Bài và ảnh: Nguyễn Trường


Bài Và Ảnh: Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]