(Baothanhhoa.vn) - Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đến cuối giờ chiều ngày 1 - 9, mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã làm 13 người chết và mất tích.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mưa lũ làm 13 người chết và mất tích

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đến cuối giờ chiều ngày 1 - 9, mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã làm 13 người chết và mất tích.

Một góc xã Cẩm Sơn (Cẩm Thủy) bị ngập trong nước.

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, từ ngày 28 đến rạng sáng 31 - 8, ở hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to, nhiều nơi mưa rất to; tổng lượng mưa phổ biến từ 70-200mm; một số nơi có lượng mưa lớn như: Mường Lát 356,0mm; Cổ Lũng (Bá Thước) 246,0mm; Thạch Quảng (Thạch Thành) 244,3,0mm. Lượng mưa lớn đã gây ra đợt lũ trên diện rộng, nhất là các huyện miền núi và ven các dòng sông lớn của tỉnh.

Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, đến chiều tối 1 - 9, các huyện miền núi đã chủ động sơ tán 5.026 hộ dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn (Quan Hoá 386 hộ, Quan Sơn 18 hộ, Mường Lát 106 hộ, Bá Thước 691 hộ, Cẩm Thuỷ 3.825 hộ); các huyện, thành phố có đê (sông Mã, sông Bưởi và sông Lèn) đã chủ động sơ tán 7.288 hộ dân sinh sống ở khu vực bãi sông đến nơi an toàn (Yên Định 1.971 hộ, Vĩnh Lộc 2.258 hộ, Thạch Thành 1.574 hộ, Thiệu Hoá 4 hộ, Hậu Lộc 253 hộ, Hoằng Hoá 220 hộ, thành phố Thanh Hoá 827 hộ, Hà Trung 181 hộ). UBND các huyện, thành phố có đê tiếp tục chỉ đạo các xã, thôn huy động lực lượng tuần tra canh gác đê theo cấp báo động để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đến cuối giờ chiều ngày 1 - 9, toàn tỉnh đã có 6 người chết (Mường Lát 4 người; Cẩm Thuỷ 2 người), 7 người mất tích (Mường Lát 4 người; Cẩm Thuỷ 3 người).

Về tài sản, đã có 208 nhà bị hư hỏng hoàn toàn, 8 nhà hư hỏng một phần, 146 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất và gần 6.500 ngôi nhà bị ngập. Cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề, bởi cận kè ngày khai giảng nhưng có tới 13 điểm trường bị ngập, 6 điểm bị ảnh hưởng của sạt lở đất, 2 nhà bán trú cho học sinh và giáo viên bị vùi lấp. Ngành nông nghiệp cũng gặp nhiều thiệt hại, với gần 1.800 ha lúa, 266 ha hoa màu bị ngập và hư hỏng. Hơn 70 ha cây ăn quả và cây lâu năm, 0,5 ha cây giống bị hư hại; 500 kg lương thực bị cuốn trôi... Trong chăn nuôi, đã có gần 25.100 con gia cầm, 138 con gia súc bị chết hoặc lũ cuốn trôi. Các công trình thủy lợi cũng có nhiều hư hỏng, với 50 m đê bao Thạch Định (Thạch Thành) bị sạt lở, 150 m kênh mương hư hỏng...

Người dân xã Thành Hưng (Thạch Thành) trong dòng nước lũ.

Hạ tầng giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi có 5 cây cầu bị sặp và cuốn trôi; đường tuần tra biên giới qua địa bàn 2 huyện Quan Sơn, Thường Xuân bị sạt lở nhiều vị trí; ách tắc 40 vị trí trên các tuyến quốc lộ (15C, 16, 217, 15, 217B) và 18 vị trí trên các tuyến đường tỉnh (521D, 516B, 518B, 521E, 522, 523, 523B, 523E) do sạt lở và ngập lụt kéo dài.

Thông tin liên lạc với huyện Mường Lát bị gián đoạn; trên địa bàn tòan tỉnh cũng gặp nhiều sự cố, bởi 36 cột điện cao và hạ thế bị đổ, cáp quang bị đứt ở 2 vị trí. Các công trình liên quan đến ngành điện cũng gặp nhiều sự cố, đáng nói là đê bao của hồ thuỷ điện Bá Thước 2 bị sạt lở 120m, nhà vận hành thuỷ điện Trung Sơn bị ngập, 4 trạm biến áp bị ngập nước...

Trước tình hình trên, Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, động viên chính quyền, nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra. Chính quyền các địa phương đã tập trung chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, dân quân tự vệ giúp nhân dân bị ảnh hưởng của mưa lũ tổ chức tu sửa, vệ sinh nhà cửa, tiêu độc, khử trùng, xử lý nước sạch, giải phóng các diện tích cây trồng bị hư hỏng, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân. Tập trung huy động lực lượng, phương tiện để tu sửa, khắc phục các sự cố giao thông, thủy lợi. UBND huyện Mường Lát đã phối hợp với Đồn Biên phòng Trung Lý huy động lực lượng, phương tiện tổ chức tìm kiếm người bị mất tích. UBND huyện Cẩm Thuỷ đã phối hợp với các lực lượng huyện đội, công an, dân quân tự vệ, Đội Cảnh sát PCCC số 6 Vĩnh Lộc tổ chức tìm kiếm người bị mất tích. UBND huyện Vĩnh Lộc đã huy động nhân lực, vật tư, phương tiện để xử lý giờ đầu sự cố rò rỉ, lùng mang cống Hón Công, đê hữu sông Bưởi dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh.

Lực lượng công an đến hộ trợ người dân huyện Cẩm Thủy.

Sở Giao thông vận tải và các địa phương đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị để khắc phục kịp thời các sự cố về giao thông; đồng thời chỉ đạo trực gác bão lũ, làm rào chắn, cắm biển báo điều tiết giao thông tại các khu vực ngập lụt, sạt lở. Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Bắc Sông Mã đã vận hành các trạm bơm tiêu nước ở các khu vực trũng thấp.


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]