(Baothanhhoa.vn) - Buổi sáng cuối tuần tháng 3, đang mơ màng chìm trong giấc ngủ, tiếng chuông điện thoại bỗng reo vang. Đầu thuê bao bên kia, bằng chất giọng nặng trịch, lẫn lộn dấu hỏi ngã - chất giọng đặc trưng của người dân xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) quê tôi: “Mai mình về quê, hai đứa gặp nhau nhé. Mình nhớ quê, nhớ hàng rào chè mạn quá!”. Đoạn hội thoại ngắn ngủi nhưng đủ khiến tôi bâng khuâng suốt cả ngày. Tôi nhớ cậu bạn thuở ấu dại. Tuổi thơ hai đứa cùng lớn lên với viên bi, cái kẹo, mùa cù đi qua, mùa vòng ập tới, chùi mồ hôi, lau nước mắt, ngặt nghẽo tiếng cười bên nhau. Miền ký ức ấy được bạn tôi đánh động, để vọng về với mảnh ghép đẹp nhất - hàng rào chè mạn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một mảnh ghép hồn quê

Buổi sáng cuối tuần tháng 3, đang mơ màng chìm trong giấc ngủ, tiếng chuông điện thoại bỗng reo vang. Đầu thuê bao bên kia, bằng chất giọng nặng trịch, lẫn lộn dấu hỏi ngã - chất giọng đặc trưng của người dân xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) quê tôi: “Mai mình về quê, hai đứa gặp nhau nhé. Mình nhớ quê, nhớ hàng rào chè mạn quá!”. Đoạn hội thoại ngắn ngủi nhưng đủ khiến tôi bâng khuâng suốt cả ngày. Tôi nhớ cậu bạn thuở ấu dại. Tuổi thơ hai đứa cùng lớn lên với viên bi, cái kẹo, mùa cù đi qua, mùa vòng ập tới, chùi mồ hôi, lau nước mắt, ngặt nghẽo tiếng cười bên nhau. Miền ký ức ấy được bạn tôi đánh động, để vọng về với mảnh ghép đẹp nhất - hàng rào chè mạn.

Một mảnh ghép hồn quê

Dẫu có những đổi thay, cách điệu nhưng mỗi khi ngắm nhìn những hàng chè mạn tôi vẫn cảm nhận rõ những bình yên, thân quen đến lạ.

Ai sinh ra và lớn lên ở làng quê miền Trung đều không xa lạ với những hàng rào chè mạn dẫn từ cổng vào nhà, bao bọc quanh vườn, quanh ngõ xóm. Hàng chè mạn nối liền nhà này với nhà khác tạo thành “bức tường xanh” mềm mại, uốn lượn chạy từ đầu làng đến cuối xóm. Nếu biết cắt lá, tỉa cành thành hình dáng chim công, chim hạc,... thì càng độc đáo hơn. Cùng với hàng rào dâm bụt, hàng rào ngâu, hàng rào chè mạn trở thành nét văn hóa gần gũi, độc đáo ở miền Trung. Những hàng chè mạn đẹp luôn là niềm tự hào của gia chủ về tính thẩm mỹ cũng như thú chơi tao nhã của những người có thú vui chăm chút vườn tược. Những hàng chè mạn khiêm tốn về giá trị đầu tư nhưng là sự phá cách tuyệt vời trong tư duy thẩm mỹ.

Thuở ấy, nhà tôi và nhà bạn ở cạnh nhau, được phân định ranh giới bằng hàng rào chè mạn. Hai đứa vẫn thường diễn trò chơi trốn tìm, đánh trận giả vào những đêm trăng. Ban ngày, sau giờ tan học, chúng tôi rủ nhau lót lá ngồi dưới hàng rào chè mạn chơi bán quán ăn. Lựa những lá to làm tiền, còn những lá nhỏ chúng tôi giả làm rau, rồi bỏ vào “nồi” - là những miếng gạch ngói vụn vỡ - nấu canh, làm đồ xào và mang ra cho “khách”. “Khách hàng” cũng xì xụp vừa “ăn” vừa bình phẩm: “Nồi canh này hôm nay anh nấu sao ngon thế?”, hay: “Món rau xào này mặn quá ông chủ!” và rồi cũng dõng dạc hô: “Tính tiền chủ quán ơi”... Có lần, tôi rủ bạn làm súng cao su từ cành chè mạn. Súng có dạng chữ Y, được lấy từ cành chè mạn cứng cáp, dẻo dai. Dây súng thường cắt từ các loại săm xe đạp, xe máy, ruột bóng da... hay dùng dây chun quần áo hoặc bện nhiều dây chun nhỏ (còn gọi là “nịt” hay “buộc”) lại... Đạn mà chúng tôi sử dụng cũng từ chính những nhánh chè mạn nhỏ, được bẻ ngắn chừng hai đốt tay, sau đó gấp thành chữ V để bắn.

Tôi còn nhớ rõ hình ảnh cha tôi thường dậy rất sớm để cắt tỉa những cành chè mạn mọc um tùm. Đôi bàn tay cha tôi thổi hồn vào từng đường kéo, lát cắt, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đậm chất hồn quê. Với cha, dường như đó là cách chào ngày mới nhẹ nhàng, tao nhã và bình yên nhất. Cha vẫn hay bảo với tôi, cái giống chè mạn thật lạ. Mặc gió đông, mưa đổ dầm dề, mặc nắng hè hắt lửa, mặc đất đai cỗi cằn, chè mạn vẫn thản nhiên xanh. Cái tính cách rắn rỏi, chịu thương, chịu khó này tựa như hồn cốt, tinh thần, ý chí kiên cường của con người Việt Nam. Cũng bởi vậy, mà hàng rào chè mạn đã trở thành một hình ảnh quen thuộc của mỗi làng quê Việt Nam.

Được biết, tên khoa học của chè mạn (chè tàu) là Acalypha evrardii, là một loại cây thuộc họ đại kích, xuất xứ từ Trung Hoa (nên dân gian mới gắn chữ “tàu”?), hiện nay phân bổ chủ yếu tại Lào và các tỉnh miền Trung Việt Nam, loại chè này không uống được. Là loài cây có xuất xứ hoang dại, dễ trồng, có thể trồng bằng cách giâm cành bánh tẻ rất nhanh bén rễ, đâm cành. Cành dài dễ uốn và lá rậm rạp, thường cao từ 1,5 m đến 2,3 m tạo thành các bụi rậm độc lập. Chịu hạn tốt. Người dân ở 3 miền Việt Nam thường trồng nó làm hàng rào xung quanh vườn nhà. Khi thường xuyên cắt xén, tỉa bớt những cành nhánh tua ra ngoài, hàng chè mạn sẽ tạo thành một bức tường xanh đẹp mắt. Có thể ngăn gia súc vào phá vườn và nhà. Cành uốn dễ dàng theo một dáng hình trong nghệ thuật tạo hình, nếu cắt tỉa khéo một hình dạng theo thời gian có thể tạo thành hình dáng con vật, chùa, tháp...

Rồi thì lời ru ngọt ngào của mẹ, vòng tay vững chắc của cha cũng chẳng níu mãi được tuổi thơ của tôi và bạn. Thời gian vô tình kéo hai đứa chúng tôi lớn nhanh. Cuộc sống mưu sinh không cho hai đứa có được thời gian ngưng nghỉ mà hoài niệm, để tìm về với miền bình yên trong tâm hồn. Cũng đã qua rồi thời kỳ yên ả của xóm nghèo như một thung lũng nhỏ mà âm thanh của tình thân từ nhà này có thể vọng với sang nhà kia. Làng quê giờ được khoác áo mới bởi những căn nhà kín cổng cao tường, những con đường trải dài bê tông,... Nhưng những sự đẹp đẽ ấy cũng đã lấy đi bao nỗi bình yên khác. Những hàng rào chè mạn đã không còn nữa. Hương vị hồn quê cũng nhạt dần trong ký ức của những đứa trẻ thôn quê bây giờ. Hàng rào chè mạn tồn tại đơn thuần ở đâu đó nơi làng quê, nhưng phải là người yêu nó, có tuổi thơ gắn liền với nó và có những khoảng lặng trong nhịp sống hối hả thì mới phát hiện và cảm nhận hết vẻ đẹp của nó. Còn gì thân thuộc hơn nơi chôn nhau cắt rốn, có ngôi nhà nhỏ quá đỗi thân thuộc với những hàng rào chè mạn được cắt tỉa vuông vức - nơi đó tôi tìm lại được hồn quê.

Bài và ảnh: Nguyễn Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]