(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại các đô thị nói chung và TP Thanh Hóa nói riêng ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Mạnh tay” với ô nhiễm tiếng ồn

“Mạnh tay” với ô nhiễm tiếng ồn

Tiếng ồn từ các loa karaoke di động dọc tuyến đường Lê Quý Đôn, phường Ba Đình luôn ảnh hưởng đến người xung quanh.

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại các đô thị nói chung và TP Thanh Hóa nói riêng ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân.

Những tiếng ồn từ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ hay từ các phương tiện giao thông... tạo thành một “mớ” âm thanh hỗn độn bất kể thời gian, đã và đang trở thành nỗi “khiếp sợ” của không ít người dân.

Không chỉ nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí trên địa bàn “làm lơ” với tiếng ồn mà trên thực tế nhiều người dân cũng rất thiếu ý thức trong việc “phát tán” tiếng ồn. Chẳng hạn như những gia đình hát karaoke tại nhà nhưng mở quá lớn, hát quá khuya gây ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh hay những trường hợp hát karaoke dạo, loa di động tại những nơi công cộng... Ngoài ra, việc bấm còi inh ỏi, không tuân thủ giờ giấc quy định cũng là một trong những hành vi thiếu ý thức của một số người tham gia giao thông, khiến tình trạng “ô nhiễm” tiếng ồn thêm nghiêm trọng...

Trên thực tế, mỗi ngày người dân trong thành phố đang phải chịu hàng chục loại tiếng ồn ở khắp mọi nơi, từ công sở, các cửa hàng, công trình xây dựng, khi tham gia giao thông trên đường và ngay cả tại nhà riêng... Những bức xúc này nhiều người dân không biết kêu ai, trong khi một số trường hợp được phản ánh đến các cơ quan chức năng nhưng “đâu vẫn hoàn đó”.

Theo nhiều nghiên cứu, ô nhiễm tiếng ồn chính là “sát thủ thầm lặng” của sức khỏe con người. Những người dân sống trong khu vực có tiếng ồn quá lớn thường hay mất ngủ, dễ bị căng thẳng, mệt mỏi sinh ra bệnh tật. Nghiêm trọng hơn, nếu sống ở khu vực ô nhiễm tiếng ồn trong thời gian quá lâu có thể dẫn đến suy tim, ảnh hưởng tính mạng. Người đang điều trị bệnh mà sống nơi ồn ào, ô nhiễm thì quá trình hồi phục sẽ chậm hơn, thậm chí không bình phục. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người vẫn khá “thờ ơ” trong khi chính quyền và các cơ quan chức năng còn thiếu những giải pháp quyết liệt để kiểm soát và xử lý ô nhiễm tiếng ồn.

Theo đồng chí Phạm Việt Phương, Bí thư Đảng ủy phường Ba Đình (TP Thanh Hóa), vấn đề nhức nhối hiện nay trên địa bàn là vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó có việc ô nhiễm tiếng ồn. Các cơ sở kinh doanh nằm đan xen trong khu dân cư, chủ yếu là tự phát chứ chưa được quy hoạch bài bản riêng từng khu vực nên khi hoạt động gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Chưa kể ý thức chấp hành các quy định về Luật Bảo vệ môi trường của nhiều người còn hạn chế. Từ năm 2018 đến nay, phường nhận nhiều phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ các cơ sở kinh doanh nhưng không đủ điều kiện, trang thiết bị chuyên môn và lực lượng để tiến hành kiểm tra, nhất là không có máy đo tiếng ồn để xác định đối với hành vi vi phạm hành chính về tiếng ồn.

Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia giao thông đô thị, việc xác định được đâu là tiếng ồn và mức độ tiếng ồn to hay nhỏ thì không khó khăn. Nhưng việc xác định mức độ tiếng ồn như thế nào được coi là vượt mức ồn tối đa cho phép tại khu công cộng và dân cư theo quy định hiện hành thì không phải là điều dễ dàng.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là: 70 dBA (từ 6 giờ đến 21 giờ) và 55 dBA (từ 21 giờ đến 6 giờ); đối với khu vực đặc biệt (gồm khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác) là 55 dBA (từ 6 giờ đến 21 giờ) và 45 dBA (từ 21 giờ đến 6 giờ).

Nếu hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép là vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và phải chịu xử phạt hành chính. Mức xử phạt đã được nêu cụ thể tại Điều 17, Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để xử lý thì rất khó. Bởi để có căn cứ xác định mức ồn vượt quá quy định cho phép phải có đơn vị (do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý) có đủ lực lượng chuyên trách được trang bị dụng cụ đo thông số tiếng ồn... để khi cần là xuống hiện trường làm ngay. Tuy nhiên do lực lượng mỏng, lại thiếu thiết bị đo tiếng ồn nên khó có căn cứ xử phạt hành vi vi phạm quy định về tiếng ồn.

Trước thực trạng ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn TP Thanh Hóa ngày càng gia tăng, vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý và kiểm soát tiếng ồn đô thị hiệu quả, đảm bảo cho thành phố phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân? Theo quan điểm của đồng chí Nguyễn Văn Quân, Bí thư Đảng ủy phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa): Với những trường hợp cơ sở kinh doanh vi phạm bị nhắc nhở, xử lý nhiều lần về vi phạm tiếng ồn mà không khắc phục, tiếp tục tái diễn thì các cơ quan chức năng nên có những biện pháp như tăng chế tài xử phạt, đình chỉ, rút giấy phép kinh doanh... để tạo sức răn đe, tránh ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xây dựng đội ngũ chuyên trách kiểm tra, kiểm soát tiếng ồn và trang bị đầy đủ thiết bị hỗ trợ để kịp thời thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu xử lý tiếng ồn. Với tiếng ồn do giao thông, thành phố phải phối hợp với ngành công an xây dựng được các phương án phân luồng, điều tiết lưu lượng xe, cấm và phạt nặng xe gắn các loại kèn hơi; kiểm soát số lượng phương tiện cá nhân cũng như thói quen sử dụng còi xe khi tham gia giao thông. Việc tăng cường chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới, cấm hoạt động các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn cũng cần được thực hiện quyết liệt hơn...

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ngày càng gia tăng, đòi hỏi mỗi chúng ta cần tránh tạo ra những tiếng ồn không cần thiết, làm ảnh hưởng đến người xung quanh; biết lựa chọn cho mình một môi trường hạn chế tiếng ồn để thuận lợi cho việc sinh hoạt, học tập và công tác; đồng thời biết sử dụng những vật liệu cách âm để làm giảm âm lượng của các âm thanh không mong muốn... Mặt khác, bên cạnh các nghị định xử phạt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong lĩnh vực giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường và an ninh, trật tự, an toàn xã hội, chính quyền thành phố cần phát động phong trào đẩy lùi ô nhiễm tiếng ồn, tạo một nét văn hóa trong cộng đồng dân cư để nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.

Bên cạnh những giải pháp trên, thiết nghĩ để kiểm soát và ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn thì vấn đề quan trọng nhất là cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Ngoài ra, cần có sự chung tay của cộng đồng, cụ thể là khi phát hiện hành vi vi phạm về tiếng ồn người dân nên thông báo cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, bản thân mỗi người dân cũng cần phải có ý thức giữ gìn môi trường sống trong lành, không gây phiền hàng xóm, không bật nhạc hoặc gây tiếng ồn quá to, đặc biệt là vào những giờ nghỉ ngơi...

Phan Nga


Phan Nga

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn văn đà - 20:58 11/03/21

 Trả lời

Tôi nghĩ vui hát ca là văn minh. Nhưng không làm ảnh hưởng đến người khác. Đừng bắt người khác ăn theo mình. Mình hát ca mà xung quanh phải nặng tai, nhức óc hành vi này quá vô văn hóa cần nghiêm trị ở bất kỳ đâu thành thi, nông thôn, bất kỳ giờ nào trong ngày đều là vi phạm cần có chế tài.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]