(Baothanhhoa.vn) - Thật tình cờ, tôi trở về quê nội vào đúng dịp mùa cau trổ bông, đơm trái. Những cây cau khẳng khiu, cao chót vót giữa cái nắng vàng chói chang khiến không gian càng trở nên cao rộng. Nhẹ chân rảo bước một vòng quanh xóm, tôi nhận thấy quê mình giờ đây đã đổi khác rất nhiều.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Man mác mùa cau

Man mác mùa cau

Những hàng cau chót vót tạo nên nét đẹp bình dị mà độc đáo ở mỗi miền quê.

Thật tình cờ, tôi trở về quê nội vào đúng dịp mùa cau trổ bông, đơm trái. Những cây cau khẳng khiu, cao chót vót giữa cái nắng vàng chói chang khiến không gian càng trở nên cao rộng. Nhẹ chân rảo bước một vòng quanh xóm, tôi nhận thấy quê mình giờ đây đã đổi khác rất nhiều.

Trước khung cảnh làng quê đổi mới, tôi nhìn quanh mọi cảnh vật để tìm lại chút dấu ấn đặc trưng của một làng quê nghèo đậm chất vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ khi xưa. Đâu rồi bờ tường rào bằng hàng chè mạn xanh biếc? Còn đâu những bờ ao sóng sánh nước, nơi các bà, các mẹ thường mang quần áo, chiếu chăn xuống bậc thang sát mặt ao vừa giặt vừa trò chuyện cười nói rộn vang? Những mái nhà ngói cửa ván thấp lè tè rêu phong đã nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng khang trang, bắt mắt... Miên man trong miền ký ức, một chút tiếc nuối trào dâng trong lòng, tôi chợt thấy thoang thoảng đâu đây hương thơm quen thuộc dịu nhẹ lướt qua làn gió. Thì ra mùi hoa cau, một mùi hương của tuổi thơ.

Ngày nhỏ, mỗi khi được bố mẹ cho về quê, chị em chúng tôi phải khấp khởi trước đó mấy hôm. Bao ấp ủ với những trò chơi dân dã cùng lũ trẻ ở quê. Suốt cả quãng đường đê dọc bên bờ sông Mã, chúng tôi vui sướng, ríu rít trò chuyện, thỉnh thoảng lại cười phá lên khi nhắc đến những trò đùa tinh nghịch của những mùa hè năm trước.

Sau chặng đường dài ngồi trên chiếc xe đạp cà tàng của bố, chị em tôi vội vã chạy vào con ngõ nhỏ nằm giữa hai hàng cau đều tăm tắp. Bước qua chiếc cổng làm bằng gỗ chả mấy khi thấy đóng, hình ảnh đầu tiên chúng tôi thường thấy là bà nội trong chiếc áo bà ba màu nâu sậm ngồi bên bậc đá trước nhà bỏm bẻm nhai trầu. Chạy lại ôm chầm lấy bà, chúng tôi tận hưởng thứ cảm giác sung sướng vì được bàn tay xoa nhẹ mái tóc tơ cùng mấy câu trách yêu của bà. Thấy hai đứa nóng, những sợi tóc đã ướt, bết vào trán, bà cầm vội chiếc quạt mo vừa quạt liên tục cho chúng tôi vừa hỏi han đủ chuyện. Rồi thì hai chị em quanh quẩn bám bà chạy ra vườn bứt ổi, thăm na. Vườn nhà bà tôi rất rộng, cả phía trước và sau nhà. Phía sau bà chủ yếu để trồng chuối tiêu, còn phía trước sân là khoảng đất rộng với cơ man các loại rau màu, cây ăn quả bên những thân cau cao vút.

Man mác mùa cau

Những buồng cau đầy đặn là sự mong đợi của nhiều gia đình thôn quê.

Những ngày ở quê, ngoài những lúc theo lũ trẻ chạy nhảy, đùa nghịch thì tôi thích nhất việc giúp bà nghiền miếng trầu trong chiếc cối nhỏ. Cái cảm giác nhìn bà đưa miếng trầu đã mềm nát, nhai móm mém và không quên lời khen ngợi khiến trong tôi dâng lên niềm tự hào, tưởng như mình vừa làm được việc gì đó to tát lắm. Bà tôi già, hàm răng đen nhánh chỉ còn lại vài chiếc lưa thưa nhưng thói quen ăn trầu của bà rất “dày”. Bà bảo: “Quen rồi, lâu lâu mà không có miếng trầu thì nhạt miệng lắm”.

Năm ấy được mùa cau, cây nào cây nấy đều cho buồng lớn, quả mẩy và đẹp. Đến ngày thu hoạch, bà nhờ mấy chú trong xóm trèo lên xé buồng xuống. Dồn lại một góc hè, bà dùng con dao nhỏ sắc lẹm thoăn thoắt tước lớp vỏ xanh rồi bổ miếng, quả to thì bổ làm tư, còn những quả nhỏ thì chỉ ba miếng là vừa. Đưa miếng cau lên, thấy hạt dẻo và đặc, ở giữa hạt có màu trắng trong, bà vui thấy rõ. Sau đó, bà cho cau vào rổ rồi xắc một lúc cho cau lên đều màu. Rồi cứ thế, những lớp cau xếp đều lên chiếc sàng mang ra sân phơi nắng. Theo kinh nghiệm của bà, phơi cau mà được những ngày nắng to thì chỉ cần 4-5 ngày là có thể cất những miếng thơm ngon vào trong chĩnh hoặc chum bằng sành để dùng dần. Rồi thì mỗi lần mẹ tôi về thăm quê, bà lại gói một ít vào mấy mảnh lá chuối khô cho mẹ tôi dâng lên bàn thờ vào mỗi dịp rằm, mùng 1 hàng tháng.

Khỏi phải nói, những ngày thỏa thích vui chơi hết lê la đi kéo te, mò ốc đến thả diều, tắm sông cuốn hút tôi đến thế nào. Cùng với đó, phong trào nuôi chim chích được chúng tôi đặc biệt yêu thích. Tôi phục lũ trẻ quê tôi về biệt tài bắt chim lắm. Chẳng là, quê tôi nhà nào cũng trồng cau. Nhà ít nhất cũng trồng được năm, bảy cây cho giàn trầu bám xung quanh, nhà có vườn rộng thì trồng cả dãy hàng vài chục cây để lấy quả đem bán. Mà chim chích lại thường làm tổ trên ngọn cau nên mỗi buổi trưa, chúng tôi thường kéo nhau lượn hết nhà này sang nhà khác để bắt những con chim nhỏ. Mấy thằng bạn đội nắng, tóc cháy hoe vàng, da đen nhẻm cứ thoăn thoắt bám lấy thân cau cao gầy vi vút. Bọn chúng tôi ở phía dưới ngước nhìn không chớp mắt, chờ đón “chiến lợi phẩm” từ trên cao. Rồi thì háo hức chia nhau mang chim về nuôi, chạo nhau loạn xạ, vui đáo để.

Đi chơi cả ngày mệt nhoài, tối về chỉ cần đặt lưng xuống giường là ngủ ngon lành. Nhưng không hiểu sao, thỉnh thoảng nửa đêm tôi vẫn bị tỉnh dậy và rồi lại có cái cảm giác lạ nhà, khó tìm lại giấc ngủ tiếp. Đưa mắt nhìn ra ngoài sân, bóng những tán cau đang nhảy múa, nô đùa cùng ánh trăng và gió. Không gian yên tĩnh, thoáng đãng, những tàu cau vi vu trong gió hè lại vỗ về đưa tôi chìm vào giấc ngủ êm đềm.

Một mùa cau lại về, bà tôi giờ không còn nữa, những hàng cau cũng không còn nhiều, trong tôi lại gợn lên một chút man mác xen lẫn nỗi chơi vơi trong miền nhớ và dâng trào lên niềm khát khao được một lần trở về với tuổi thơ, trở về miền quê yên bình trong quá khứ.

Thu Hà


Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]