(Baothanhhoa.vn) - Không bà con thân thích, không quan hệ máu mủ nhưng hơn một năm nay, nhiều đứa trẻ kém may may mắn lại sống với nhau, yêu thương nhau trong mái nhà chung dưới sự chăm sóc của sư cô Thích Nữ Hoàn Trúc. Ngôi nhà hạnh phúc này chính là chùa Thiên Thanh (xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn).

Mái ấm nơi cửa thiền

Không bà con thân thích, không quan hệ máu mủ nhưng hơn một năm nay, nhiều đứa trẻ kém may may mắn lại sống với nhau, yêu thương nhau trong mái nhà chung dưới sự chăm sóc của sư cô Thích Nữ Hoàn Trúc. Ngôi nhà hạnh phúc này chính là chùa Thiên Thanh (xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn).

Mái ấm nơi cửa thiền

Những đứa trẻ mồ côi... hạnh phúc

Chúng tôi đến chùa Thiên Thanh vào buổi trưa nắng, ngôi chùa nằm giữa vùng quê thanh bình. Khác với vẻ yên tĩnh, trầm mặc như bao ngôi chùa khác, phía sau cánh cổng và gian chính điện đang xây dở là tiếng nô đùa, và cả tiếng khóc của trẻ nhỏ.

Vị sư cô còn trẻ, một tay bế đứa bé, tay kia cầm bình sữa đang cưng nựng, dỗ dành cho em khỏi khóc, khiến bất cứ ai cũng lầm tưởng đó là người mẹ đang chăm sóc con.

Trước sự ngỡ ngàng của những vị khách lần đầu đến thăm chùa, một vị sư bác hướng mắt về phía thầy và những đứa trẻ, rồi nhỏ nhẹ tâm sự: “Sư cô Hoàn Trúc nhận nuôi các em hơn 1 năm nay, chùa neo người nên việc nuôi chúng cũng vất vả lắm, đổi lại đứa nào cũng ngoan ngoãn, lễ phép và nghe lời thầy”.

Mái ấm nơi cửa thiền

Câu chuyện đang dang dở, một cô bé khoảng 6 tuổi chạy lại, thấy người lạ, em chắp tay lễ phép chào người lớn, rồi lại lon ton đi lại gần phía sư cô.

Trong căn phòng nhỏ, xung quanh nào là nôi, bỉm, sữa của trẻ sơ sinh. Vừa ẵm đứa bé, vừa tiếp chuyện chúng tôi, sư Trúc kể cho chúng tôi nghe về cái duyên của mình đến với những đứa trẻ bất hạnh.

Hơn một năm trước, vào 1 đêm mưa, cánh cổng chùa vừa khép lại sau một ngày đón các phật tử về vãng thăm. Khi bước vào căn phòng riêng để chuẩn bị cho những giờ tụng kinh, niệm phật, bỗng nhiên, có tiếng khóc yếu ớt từ phía chiếc chuông trên chính điện. Linh cảm thúc giục, sư vội vàng đi đến, hình ảnh ngỡ ngàng đến đau nhói, 1 đứa trẻ mới sinh còn nguyên dây rốn, da tím tái, hơi thở yếu ớt, được quấn sơ sài trong một chiếc tã lót. Sư Trúc cố ôm em bé thật chặt vào lòng, như muốn trao cả sự sống của mình cho em. Một thoáng ý nghĩ xuất hiện: “Người ta đã bỏ lại, thì chùa sẽ nhận nuôi, đấy cũng là cơ duyên mà trời mang đến”.

Ngay hôm sau, sư cô đã liên hệ với chính quyền địa phương, để làm thủ tục nhận nuôi. Bé được đặt tên là Hiền Thanh. Sư cho biết: “Tôi đặt tên Hiền Thanh cho bé cũng có lý do cả, nó có ý nghĩa sẽ mang đến cho cháu một cuộc sống thanh bạch, nhẹ nhàng, bình yên và kỳ diệu sau này”. Và đó cũng là lần đầu tiên, sư cô đảm đương vai trò của một "người mẹ" với bao nỗi lo toan từ chăm bẵm, bế bồng, đến bỉm sữa.

Sau cái duyên tình cờ đó, liên tiếp những trường hợp được gửi vào chùa với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Và rồi, không biết từ khi nào, chùa Thiên Thanh trở thành địa chỉ từ thiện của những đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa này.

Mái ấm nơi cửa thiền

Hơn một năm trước, bé Trịnh Văn Gia Huy (quê ở Quảng Xương) được mẹ gửi lên chùa vì muốn đi thêm bước nữa. Sư thầy Hiền Trúc cưu mang và đặt tên cho con là Giác Quang. Tuy mới hơn 5 tuổi nhưng cậu bé rất thông minh, lanh lợi, cứ thấy thầy đi đâu về là chạy lại hỏi han. Buổi tối trước khi đi ngủ Quang lại hỏi thầy có mệt không. “Chỉ cần được như vậy thì dù có mệt mỏi mỏi bao nhiêu cũng cảm thấy hoan hỉ”- sư Trúc tâm sự.

Một trường hợp khác cũng đáng thương là cháu Giác Minh. Hoàn cảnh của em rất tội nghiệp, cha mất, mẹ đi thêm bước nữa. Bà ngoại đã già yếu không còn khả năng chăm sóc nên đã gửi cháu từ trong Bình Phước về cho một người bà con nuôi. Nhưng điều kiện của bà cũng chẳng khá giả gì, nên đành dắt cháu lên chùa nương nhờ cửa Phật. Cuộc sống của em chấm dứt những tháng ngày lang thang. Tuy có thiếu thốn tình thân, nhưng các em luôn coi sư cô Hoàn Trúc như người mẹ hiền.

Đến nay, đã có 1 cháu được phật tử nhận chăm sóc, còn lại 4 cháu vẫn đang sống tại chùa. Cháu lớn nhất hiện đang học lớp 4, cháu bé nhất mới chỉ được 4 tháng tuổi. Do các em tuổi ăn, tuổi lớn nên sư cô Hiền Trúc luôn cố gắng làm sao cho những bữa ăn của các em có đầy đủ chất dinh dưỡng, có đủ điều kiện phát triển về thể chất. Tận mắt chứng kiến nơi nuôi dưỡng, chăm sóc các em nhỏ ở chùa mới thấy, mặc dù điều kiện vật chất của chùa còn khó khăn, nhưng các em nhỏ được chăm sóc rất chu đáo. Em nào cũng bụ bẫm, trắng trẻo. Ở đây, chúng được nhận tình cảm đúng như những gì những đứa trẻ đương nhiên được nhận

Vừa làm cha, làm mẹ lại vừa làm thầy

Kể về những ngày đầu tiên, khi nhận các em về nuôi, sư cô Hiền Trúc nhẹ nhàng tâm sự: “Biết là sẽ khó khăn, vất vả, nhưng khi đã phát nguyện với tấm lòng của nhà Phật, tôi lại cố gắng để chăm sóc các con thật tốt”.

Không chỉ được chăm sóc sức khoẻ, các em nhỏ ở đây còn được đến trường như bao đứa trẻ khác. Ngoài giờ lên lớp, sư cô Hoàn Trúc còn cần mẫn kèm thêm kiến thức, để các em có thể theo kịp chương trình học. Không những dạy chữ, người còn dạy các em những bài học đơn giản về cách sống, cách làm người lương thiện.

Mái ấm nơi cửa thiền

Ngay từ nhỏ, sư cô đã dạy các con về sự nhân ái, nhường nhịn, yêu thương nhau và lối sống tự lập. Nên dù còn bé, khi những bạn đồng trang lứa vẫn được bố mẹ bón từng bữa cơm, thì ở đây, các em đã biết giúp đỡ mọi người nhặt rau, rửa bát, quét nhà…Và điều đặc biệt, chúng luôn xưng hô như anh em trong nhà.

Trong lúc chúng tôi trò chuyện, các bé cứ thập thò ngoài cửa, vẻ rất quấn quýt. Khi tôi chìa gói bánh về phía các em, đứa nào cũng rụt rè nhìn tôi rồi lắc đầu quầy quậy. Chỉ khi sư cô quay sang cười bảo: “Thầy cho rồi đó, các con xin chị đi”. Lúc đấy chúng mới tươi cười, nhanh chóng đón nhận một cách vui vẻ. Mặc dù thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, nhưng các em nhỏ ở đây rất ngoan. Sự ngoan ngoãn, lễ phép, đáng yêu của những đứa trẻ khiến bất cứ vị khách nào đến thăm chùa đều phải trầm trồ khen ngợi.

Ôm các con vào lòng, sư cô Hiền Trúc bộc bạch: “Ở nhà, các em sẽ được chỉ bảo dạy dỗ từ cả bố và mẹ. Nhưng ở đây, vì không có bố mẹ nên thầy phải nghiêm khắc. Nếu ngoan, làm tốt thầy sẽ thưởng. Còn sai, sẽ bị phạt chắp tay sám hối”. Có những ngày các em thi nhau ốm cùng một lúc, nguồn kinh phí lại eo hẹp nên không thể lo cho các con những loại thuốc tốt nhất. Song nhớ lời Phật dạy, cứu một mạng người bằng xây bảy toà tháp nên thầy vẫn gắng gượng từng ngày. Đến nay, khi các con đã lớn hơn, cuộc sống của thầy trò tại chùa cũng vơi bớt phần nào khó khăn.

Theo sư cô Hiền Trúc, biết các cháu ngoan ngoãn, hiền lành, lễ phép lại thông minh nên nhiều người có điều kiện ngỏ lời xin các cháu về làm con nuôi. Lúc đầu sư cô cũng muốn chu toàn tâm nguyện của họ bởi nếu được vậy, cuộc đời của các cháu sẽ thêm nhiều may mắn. Nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, ai cũng không yên tâm vì đời các cháu đã một lần bất hạnh, cho đi rồi liệu có được sống sung sướng hay lại càng bất hạnh hơn?

Cũng chính bởi suy nghĩ ấy nên đằng sau sự đủ đầy của đám nhỏ là nỗi lo chồng chất của các thầy. Chùa không có bất cứ nguồn thu nào ngoài sự hỗ trợ của phật tử, người dân và mạnh thường quân. Mỗi tháng, học phí của chúng lên tới cả vài triệu đồng, chưa kể tiền bệnh viện, thuốc thang mỗi khi các em ốm đau. Những lúc khó khăn như vậy, thầy phải nhờ đến sự giúp đỡ của các phật tử nhưng chưa bao giờ thầy có ý nghĩ từ bỏ chúng.

Hơn ai hết, sư cô thương và hiểu nỗi bất hạnh của những đứa trẻ mà mình đang cưu mang: “Tôi luôn mong ước có một điều là các bậc cha mẹ hãy vì con cái mà đừng bao giờ chia tay, ly dị hoặc đẩy các cháu ra khỏi vòng tay của mình. Bởi vì dẫu có một mái ấm bình yên như ở chùa Thiên Thanh hay dù thầy có yêu thương các con đến nhường nào, cũng không thể thay thế tình cảm của cha mẹ ruột, các con vẫn luôn khao khát tình yêu thương của cha mẹ”.

Sau cuộc trò chuyện, tôi ghé tai Giác Quang rồi thì thầm hỏi: “Em có muốn đi cùng chị lên thành phố nơi có nhiều đồ chơi, nhiều món ăn ngon không?”. Cậu bé nhanh chóng lắc đầu và chạy lại ôm chầm lấy thầy, rồi nói: “Con không đi đâu đâu, con chỉ ở đây suốt đời với thầy thôi”. Và cứ thế dưới ánh nắng chiều, ngôi chùa vốn tĩnh lặng, cách xa khói bụi thành phố lại rộn ràng tiếng cười nói trong trẻo của những đứa trẻ hồn nhiên, đáng yêu.

Vân Anh


Vân Anh

Từ khóa:Mồ côi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn thị Bích Liên - 21:22 05/11/19

 Trả lời

Em là mẹ đơn thân nuôi 3 con ở trọ quận 12. Bố mẹ mất rồi. Bên chồng bố mẹ cũng mất. Chồng mất 3 năm rồi. Nay muốn gửi 2 bé ở chùa chăm sóc dùm. Xin cảm ơn hoàn cảnh khó khăn quá ko thể nuôi được .0961801829.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]