(Baothanhhoa.vn) - Sau mấy chục năm chịu đựng vì con cái và vì sĩ diện với bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, các cụ ông, cụ bà cương quyết ra tòa ly hôn khi mái đầu đã bạc phơ, cháu con đề huề.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ly hôn tuổi xế chiều

Sau mấy chục năm chịu đựng vì con cái và vì sĩ diện với bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, các cụ ông, cụ bà cương quyết ra tòa ly hôn khi mái đầu đã bạc phơ, cháu con đề huề.

Nhiều cặp vợ chồng già vẫn duy trì cuộc sống “hồn ai nấy giữ, việc ai nấy làm” suốt nhiều năm (ảnh minh họa).

Ly hôn để sống một ngày cho ra sống...

Ở tuổi 74, vợ chồng ông T., ở huyện Hoằng Hóa, từng đồng cam cộng khổ bước qua những năm gian khó, những bữa cơm độn khoai, độn sắn, những hôm mưa hai vợ chồng đứng căng áo mưa che dột cho các con ngủ. Những ngày nghèo đói dần qua đi, các con phương trưởng, ông bà không còn phải bận tâm tới cái ăn, cái mặc, nhàn nhã tận hưởng tuổi già. Ngỡ rằng, ông bà sẽ nắm tay nhau đi hết cuộc đời, ấy vậy mà cuộc hôn nhân mấy mươi năm đó đã đi vào ngõ cụt khi ông kiên quyết đâm đơn xin ly hôn với lý do “mâu thuẫn không thể hàn gắn được”.

Lọc cọc chống gậy, ông T. bước từng bước khó nhọc vào phòng xét xử. Ở hàng ghế bị đơn, bà N., 72 tuổi, vợ ông đã ngồi đợi sẵn, nét mặt u sầu. Bà không muốn phá vỡ cuộc hôn nhân này, bà muốn cùng ông đi hết quãng đường còn lại của cuộc đời. Thoáng thấy vợ, ông đưa ánh mắt lạnh lẽo lướt qua rồi lựa chỗ ngồi. Trong phiên xử ly hôn, do đang điều trị bệnh tai biến mạch máu não, ông được hội đồng xét xử chấp thuận cho ngồi trả lời. Tuy nhiên, có lúc mất bình tĩnh, ông đột ngột đứng dậy khiến người lảo đảo, bà vội vàng đưa tay ra đỡ thì ông nói như quát: “Bà đừng động vào người tôi, tôi ghê tởm bà”, khiến bà bẽ bàng cúi mặt nuốt ngược nước mắt vào trong.

Cách đây 2 năm, ông đã đòi chia tay vì không muốn chịu đựng thêm thói cằn nhằn, chì chiết của vợ. Ở tòa, ông liệt kê những hành động, những lời nói của bà từ thời hai người mới cưới nhau cho đến khi có quyết định của mình, như: Bà không tôn trọng ông, chửi ông, đánh ông. “40 năm qua, bà ấy vẫn coi tôi là người bất tài vô dụng, đối xử với tôi như một kẻ thù. Tôi rất xấu hổ và nhục nhã. Tôi đã muốn ly hôn từ lâu, nhưng vì nghĩ cho các con, vì thể diện của mình mà nín nhịn. Giờ các con đã thành đạt, đứa nào cũng có gia đình riêng, xin tòa hãy cho tôi ly hôn. Tôi tha thiết xin tòa”, ông nói.

Không đồng tình, bà vợ phân trần việc ông đòi ly hôn là do nóng giận, bột phát tức thời. “Những cãi vã, cái xấu, không vừa lòng nhau, chúng ta đều bỏ qua hết. Bây giờ chẳng phải lo về kinh tế, xin ông hãy bớt giận để chúng ta đoàn tụ. Ông thấy đó, mỗi khi con cháu đến nhà chơi, chúng bi bô gọi ông bà, sà vào lòng mình thủ thỉ, hạnh phúc lắm”, bà nói.

Vị chủ tọa cũng khuyên: “Hai ông bà từng tha thứ, bỏ qua cho nhau thì giờ hãy quên mọi chuyện đi. Hãy cùng bà ấy hưởng thụ tuổi già”. Ông gắt lên: “Chủ tọa quan niệm như thế nào về cuộc sống gia đình? Níu kéo, nhẫn nhịn sẽ không hạnh phúc đâu. Bây giờ tôi chỉ muốn thanh thản”. Cuối cùng ông cũng được tòa chấp nhận yêu cầu sau 3 lần tới lui nộp đơn.

Kết thúc phiên tòa, bà ngồi khóc nức nở như một đứa trẻ. Bà nói, bà hối hận vì những việc đã xảy ra. Bà chỉ ước, thời gian sẽ quay trở lại để bà có thể tốt với ông hơn, thùy mị với ông hơn, yêu thương ông nhiều hơn. Ông làm nghề lái xe, bà buôn bán ở chợ. Tính cách chua chát, “đôi lúc hung dữ” của bà cũng ảnh hưởng từ việc buôn bán. Sự hung hăng của bà nhân lên khi ông nghỉ việc, ở nhà phụ vợ buôn bán. Bà nói, đã rất nhiều lần biết mình sai, muốn khắc phục nhưng cuộc sống, công việc cứ cuốn hút khiến bà sai hết lần này đến lần khác. Khi ông đưa đơn ra tòa, bà mới nhận ra thì đã quá muộn. “Người ta bảo, vợ chồng già phải có nhau, chăm sóc nhau nhưng tôi thì khác. Lúc trước, tôi cứ nghĩ, ông ấy yêu thương, chiều chuộng tôi thì sẽ tha thứ, bỏ qua hết mọi chuyện. Cú sốc này làm tôi đau lắm. Có lẽ quãng thời gian còn lại, tôi phải sống tốt hơn, hiền dịu hơn”, bà nói trong tủi hờn.

Khác với bà N., bà V., 66 tuổi, xuất hiện trong phiên xử ly hôn với tư cách là người chủ động nộp đơn. Bà bảo: “Ly hôn tuổi xế chiều là nỗi đau với người trong cuộc, bà không muốn nhưng có lẽ đó là cách duy nhất giúp bà tìm thấy những ngày tháng cuối đời thanh thản”. Hỏi bà tại sao lại quyết định ly hôn khi tuổi đã cao, bà quả quyết: “Chính vì từng tuổi này, nên tôi không còn chút sức lực nào nữa. Tôi muốn được giải thoát. Tôi muốn có những ngày ít ỏi cuối cùng sống cho ra sống”.

Nghe những lời bộc bạch của vợ, ông M., 64 tuổi, chồng bà V. ậm ừ: “Tôi sao cũng được. Ly thì ly, ở thì ở”. Thật ra, cuộc sống hàng ngày của ông bà cũng như hai người ở trọ chung nhà. Nhưng ông thì giống ông chủ. Về đến nhà có bà phục vụ việc giặt giũ, cơm bưng, nước rót. Rồi ông lại đến nhà những cô nhân tình. “30 tết, cúng giao thừa xong, là ông thay đồ, dắt xe, huýt sáo. Đi luôn đến mùng 3 mới lò dò về. Tôi không chịu nổi cuộc sống giả tạo này nữa. Ai cười thì cười, miễn tôi không phải khóc nữa là được”, bà nói.

Khi biết bà nộp đơn ly hôn ra tòa, con cháu ngẩn ngơ. Bởi ai cũng quen nhìn thấy những điều bà kể từ năm này qua tháng nọ. Dần những điều bất thường cũng hóa bình thường. Họ sửng sốt vì phản ứng quyết liệt của bà. Khuyên can mãi không thông, vậy là con cháu chia nhau – người chở ông, kẻ chở bà ra Tòa án Nhân dân huyện Hoằng Hóa để làm thủ tục ly hôn. Vụ án ly hôn trở nên lình xình, rắc rối khi ông bất ngờ thay đổi quyết định, không đồng ý ly hôn. Ông thừa nhận vợ chồng đã sống ly thân từ lâu nên giờ cứ duy trì cuộc sống cũ, “hồn ai nấy giữ, việc ai nấy làm” đâu cần phải ly hôn để thông gia chê cười.

Nhiều buổi hòa giải diễn ra không đem lại kết quả. Cuối cùng, xét thấy mâu thuẫn vợ chồng giữa ông bà đã đến mức trầm trọng, quan hệ hôn nhân từ lâu chỉ mang tính hình thức nên tòa đồng ý cho bà được ly hôn. Nhìn cảnh này, chị L., con gái bà V., thở dài nói: “Tôi không biết cuộc sống của cha mẹ có được vui vẻ hơn, hài lòng hơn hay không”.

Ổn định ảo

Ông Lê Quốc Thành, Phó Chánh án phụ trách án dân sự của Tòa án Nhân dân TP Thanh Hóa, cho biết: Số lượng những cặp vợ chồng ly hôn ở tuổi xế chiều hiện nay đang có xu hướng tăng lên. Tuy hậu quả để lại của nó không lớn như ly hôn ở lớp trẻ, nhưng đây là một thực tế đáng buồn. Mặc dù bị đơn luôn cương quyết không chấp thuận với lý do “già rồi ly hôn cho người ta cười” nhưng khi tính chất hôn nhân không còn đảm bảo nữa, tòa đành phải chấp thuận cho ly hôn. Có lẽ chính vì vậy mà tỷ lệ hòa giải thành công dành cho đối tượng trên 50 tuổi thường rất ít. Họ quyết liệt tìm một sự giải thoát.

Hiện nay, nguyên nhân ly hôn của người già có hai dạng. Dạng thứ nhất: Hôn nhân đã rạn nứt từ thời còn trẻ, lẽ ra vợ chồng chia tay lúc ấy nhưng vì nhiều lý do mà họ tiếp tục chịu đựng. Tất cả chỉ vì thương con, có trách nhiệm với con nên không muốn con còn nhỏ mà phải chịu cảnh gia đình ly tán, họ muốn đợi đến khi con trưởng thành mới ly hôn; lý do khác là họ sợ ảnh hưởng đến uy tín, sĩ diện, công việc làm ăn, công danh sự nghiệp. Họ còn sợ phải phân chia tài sản. Vì vậy, các đôi vợ chồng đến già mới tính đến chuyện ly hôn... Dạng thứ hai: Mâu thuẫn và rạn nứt phát sinh khi vợ chồng đã cao tuổi, vì các nguyên nhân như công việc làm ăn thua lỗ, ngoại tình (ở thời điểm hiện tại hoặc đã từ lâu nhưng đến hiện tại mới phát hiện), sự trái tính trái nết không thể dung hòa của cả hai do tuổi tác... Vì vậy, họ muốn ly hôn. “Xã hội dân chủ, mọi người nhìn nhận việc ly hôn cởi mở hơn. Bất kỳ lý do, hay độ tuổi nào cũng có thể đưa nhau ra tòa. Ngay cả khi đã “gần đất xa trời” các cụ vẫn có thể đưa nhau ra tòa ly hôn. Nhưng khi nghe được và biết được sự thật đằng sau những vụ ly hôn đó, thì không chỉ chúng tôi, gia đình mà bản thân người trong cuộc cũng không tránh khỏi những vết thương tâm lý khó lành, nhất là ở cái tuổi mong muốn và khát khao bình yên nhất”, bà Lương Thị Hoa, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Hoằng Hóa – người có gần 20 năm làm công tác xét xử các vụ án gia đình, tâm sự. Vì thế, bà Hoa cho rằng, khi xảy ra mâu thuẫn, bất hòa hoặc không hài lòng về nhau. Vợ chồng nên nói ra để cùng sửa đổi, điều chỉnh, đừng cam chịu, nín nhịn cho qua chuyện. Mâu thuẫn đó không tự nhiên mất đi, mà vẫn tồn tại như những cơn sóng ngầm, đến một lúc nào đó sẽ bùng lên, không thể cứu vãn được. Sống thật, sống có trách nhiệm với nhau mới chính là nền tảng xây dựng gia đình bền vững.

Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ tâm lý và xã hội học, chuyên gia xã hội học Lê Bạch Dương cho rằng, thế hệ cha mẹ, ông bà chúng ta khi kết hôn hầu hết là qua mai mối, gia đình sắp đặt, không có thời gian tìm hiểu và yêu nhau. Vì thế, khi về chung sống sẽ dễ phát sinh mâu thuẫn do không hợp tính tình, sở thích, thói quen, niềm tin... Ngoài ra, các ông chồng thời xưa thường có tính gia trưởng, gây nhiều bất công, đau khổ cho người vợ. Lúc trẻ, người vợ cam chịu vì nghĩ đến con cái, dư luận... Khi lớn tuổi, họ không còn sức khỏe và sự nhẫn nhịn chịu đựng nên sinh ra như vậy. Phân tích tâm lý học cũng cho rằng, con người từ 50-60 tuổi trở lên thường nhìn lại quá khứ để “tổng kết cuộc đời”. Với những người có đời sống hôn nhân không hạnh phúc, từng phải chịu đựng, kìm nén thì đó là lúc họ “bùng nổ”, tung hê hết lỗi lầm của vợ, chồng từ xưa đến nay khiến mâu thuẫn càng tăng.

Vợ chồng không thể tìm thấy bình yên lúc tuổi già nên ly hôn là sự tất yếu. Đây là lý do chính đáng. Tuy nhiên, người cao tuổi khi ly hôn cũng phải đương đầu với những áp lực về dư luận xã hội, sự phản đối gay gắt của con cái đã trưởng thành... Vì vậy, trước tiên người trong cuộc phải bình tĩnh và kiên nhẫn giải thích, thuyết phục cho con cái hiểu và thông cảm, chấp nhận việc ly hôn của cha mẹ. Trong trường hợp con cái vẫn cố chấp phản đối quyết liệt thì cần quyết tâm giữ vững lập trường của mình. Nếu cuộc hôn nhân chỉ là đau khổ và chịu đựng thì tất yếu phải chia tay, bất kể con cái phản đối. “Suy cho cùng, ai cũng có quyền tự giải thoát bản thân khỏi cuộc hôn nhân không như ý. Một khi ly hôn là điều hợp lý và chính đáng thì cũng không cần quá bận tâm đến dư luận hay thái độ của con cái”- ông Dương nhận định.

Thông thường những cuộc ly hôn ở tuổi trẻ luôn khiến người trong cuộc cảm thấy tiếc nuối, day dứt khôn nguôi, còn khi đã ở tuổi xế chiều, đó dường như lại là cảm giác giải thoát, nhẹ nhõm. Bởi một khi những mâu thuẫn gia đình đã âm ỉ, dai dẳng suốt những tháng năm dài, nay được mở trói, ai trong số họ cũng tự tìm ra được lối đi của riêng mình. Tuy vậy, nếu sự cởi trói này đến sớm hơn từ hai phía, để những mái đầu không pha quá nhiều sợi bạc, để những vết hằn trên khóe môi, đuôi mắt không còn là kẻ thù của thời gian, thì chắc chắn cuộc ly hôn đó sẽ ít nước mắt hơn rất nhiều. Trong những cuộc ly hôn tuổi xế chiều, không phải chỉ người phụ nữ chịu thiệt thòi bởi họ đã đánh mất cả tuổi thanh xuân cho cuộc hôn nhân này mà cả những người đàn ông cũng khó tránh khỏi tuổi già phải sống trong nỗi cô đơn.


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]