(Baothanhhoa.vn) - Lợi dụng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Triệu Sơn, văn bản giới thiệu của UBND xã An Nông và sự nhẹ dạ của người dân, Công ty CP Truyền thông kinh doanh và Pháp luật - Hà Nội đã thực hiện việc giới thiệu và bán các sản phẩm bóng điện, bếp ga, nồi ủ đa năng, đèn pin siêu sáng... kém chất lượng với giá “cắt cổ” cho hàng chục người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lợi dụng “lá bùa hộ mệnh” để bán hàng kém chất lượng

Lợi dụng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Triệu Sơn, văn bản giới thiệu của UBND xã An Nông và sự nhẹ dạ của người dân, Công ty CP Truyền thông kinh doanh và Pháp luật - Hà Nội đã thực hiện việc giới thiệu và bán các sản phẩm bóng điện, bếp ga, nồi ủ đa năng, đèn pin siêu sáng... kém chất lượng với giá “cắt cổ” cho hàng chục người dân.

Bếp ga và nồi đa năng được người dân thôn Đô Trình 2, xã An Nông (Triệu Sơn) tập kết tại nhà văn hóa thôn chờ sự vào cuộc của các ngành chức năng.

Từ “núp bóng” tư vấn môi trường...

Theo phản ánh của một số người dân thôn Đô Trình 1, 2, 3, 4 và thôn Đức Long 1, 2, 4 (xã An Nông, huyện Triệu Sơn) ngày 26-7, một người tự xưng là đại diện Công ty CP Truyền thông kinh doanh và Pháp luật có trụ sở tại Hà Nội tổ chức chương trình “Dự án xanh” giảm khí thải “bảo vệ môi trường”. Những người đến tham dự chương trình sẽ có cơ hội nhận được phần quà tri ân trị giá 500.000 đồng; ngoài ra tất cả những người tham dự sẽ nhận được phần quà trị giá 69.000 đồng. 13h30 phút ngày 29-7, hàng trăm người dân đã nườm nượp kéo đến 7/12 nhà văn hóa thôn để nghe tư vấn. Thế nhưng, thay vì được nghe các kiến thức bảo vệ môi trường, người dân lại bị cuốn vào những lời “đường mật”, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua những món hàng... chẳng hề liên quan. Được biết, thủ đoạn mà nhóm người này sử dụng khá đơn giản nhưng vô cùng hữu dụng. Trước hết, để tạo lòng tin cho người dân, họ sử dụng chiêu “tri ân” tặng bóng đèn tích điện cho tất cả những người có mặt tại buổi tư vấn; đồng thời, mua 1 chiếc đèn pin siêu sáng với giá 300.000 đồng sẽ được khuyến mãi 50.000 đồng, kèm quà tặng là 1 bóng đèn tích điện. Tiếp đó, với chiêu trò 1 người đầu tiên mua sản phẩm bếp ga trị giá 3.550.000 đồng, sẽ được khuyến mãi 1.000.000 đồng sau khi đặt cọc số tiền 2.550.000 đồng và được hoàn lại số tiền đã đặt cọc cùng với sản phẩm và được tặng kèm thêm một bóng điện, đồng nghĩa với việc thêm một sản phẩm người dân mua khuyến mãi với giá rẻ. Tương tự, khi mua 1 nồi ủ đa năng trị giá 2.850.000 đồng, người dân sẽ được trừ trực tiếp 300.000 đồng. Người mua sản phẩm đầu tiên được nhân viên trả lại toàn bộ số tiền và tặng luôn sản phẩm. Còn nếu mua 1 bếp ga tặng kèm một nồi cơm điện và 1 bóng đèn. Tại đây, các nhân viên yêu cầu người dân phải đăng ký và đặt trước số tiền thì họ mới phát phiếu mua hàng, sau đó mới trả lại cho người dân số tiền được khuyến mãi bởi sản phẩm có giá ưu đãi rất hạn chế. Nhiều người dân thấy quà tặng có giá trị cao nên đã đặt hàng. Lúc này, hàng chục người có mặt tại buổi giới thiệu sản phẩm liền nhao nhác vay tiền đặt cọc với hy vọng sẽ mua được bếp ga giá hời. Tuy nhiên, sau khi đã mua được các sản phẩm, các nhân viên không có động thái trả lại số tiền như đã hứa mà quy đổi bằng sản phẩm khuyến mại là nồi ủ đa năng. Có một số thôn được trả lại kèm một phong bì, người dân nghĩ đấy là phong bì đựng số tiền được trả lại, nhưng khi bóc phong bì thì bên trong chỉ có 50.000 đồng đến 100.000 nghìn đồng. Khi người dân còn đang loay hoay chưa hiểu thì nhóm người này đã nhanh chân thu dọn hàng hóa và lên xe đi mất. Lúc này họ mới vỡ lẽ là bị lừa.

Với chiêu thức bán hàng “không một chút lời lãi” nhằm “tri ân”, “tạo niềm tin”, bằng cách khi người dân mua bất kỳ một sản phẩm nào đều được tặng lại sản phẩm có giá trị tương đương, hoặc có thể quy đổi ra tiền mặt, chỉ trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ, nhóm đối tượng nêu trên đã đồng loạt tổ chức bán hàng tại 7 thôn thuộc xã An Nông và đều kết thúc chương trình để rút lui một cách gọn nhẹ, nhanh chóng cùng một thời điểm.

...đến dấu hiệu lừa đảo có tổ chức?

Mặc dù sự việc đã trôi qua vài ngày, nhưng nhiều người dân xã An Nông đang sống trong sự bức xúc và tiếc nuối. Bức xúc bởi sự nhẹ dạ cả tin của bản thân và xót ruột cho số tiền bỏ ra để mua những thứ... đồ bỏ. Theo nhiều người nhẩm tính, số tiền bà con 7 thôn bỏ ra mua các sản phẩm “khuyến mại giá rẻ” của nhóm người này lên tới gần 200.000.000 đồng. Một con số quả thực không hề nhỏ so với điều kiện sống của người dân trên địa bàn. Nhắc lại sự việc, đến giờ bà Trần Thị Nguyệt (thôn Đô Trình 2) vẫn không khỏi bàng hoàng, xót của khi trót “rước” về 1 nồi cơm ủ đa năng và 1 bếp ga mà bản thân bà không biết sử dụng như thế nào. Bà Nguyệt chia sẻ: “Số tiền tích góp được từ việc bán cà, bán rau của tôi đã bị lừa, giờ thì cũng không biết kêu ai, vì thấy đông người đặt cọc tiền để mua và nghe nói đâu là được khuyến mãi và trả lại tiền nên tôi mới tin”. Được trưởng thôn gửi giấy mời tham gia chương trình “Dự án xanh” giảm khí thải “bảo vệ môi trường”, cũng như bao người khác trong thôn bà Ngô Thị Lan (thôn Đô Trình 3) đến hội trường nhà văn hóa thôn để nghe cho biết: “Tưởng được nhận khuyến mãi và trả lại số tiền đặt cọc khi mua sản phẩm bếp ga, nên tôi mới vay tiền để mua, nào ngờ không những không được hoàn trả lại số tiền mà còn rước cục nợ vào thân”, bà Lan than thở.

Chiêu trò dùng quà khuyến mãi hấp dẫn để bán các sản phẩm cho người dân với giá “cắt cổ” không còn xa lạ, thế nhưng vẫn có không ít người bị mắc bẫy. Nhìn về hình thức, những sản phẩm này trông khá bắt mắt và quả thực sẽ là “giá hời” cho người mua, với điều kiện đó phải là hàng hoá chính hãng, có tên tuổi, xuất xứ rõ ràng... Song thực chất, đây là những sản phẩm thiếu sự bảo đảm về chất lượng và người dân vẫn ùn ùn mua là bởi sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để thuận lợi trong việc bán hàng, giới thiệu sản phẩm phía công ty đã xin các văn bản xác nhận đồng ý cho hoạt động của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Chính nhờ những “lá bùa hộ mệnh” này mà hoạt động của các nhóm đối tượng trở nên dễ dàng hơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Giang, Chủ tịch UBND xã An Nông, cho biết: Ngày 13-7, UBND xã nhận được Công văn số 40/VHTT của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Triệu Sơn đồng ý cho phép thực hiện quảng cáo sản phẩm nồi cơm điện KAROLIGHT- 8610, bếp amin hồng ngoại KAROLIGHT-111 đối với Công ty CP Truyền thông kinh doanh và Pháp luật - Hà Nội. Nội dung công văn có ghi: “Thống nhất với Công ty CP Truyền thông Kinh doanh và Pháp luật - Hà Nội về nội dung và hình thức quảng cáo; thời gian từ ngày 13-7 đến ngày 26-8 tại nhà văn hóa xã, thôn trên địa bàn”. Sau khi nhận được công văn, ngày 25-7, Chủ tịch UBND xã An Nông đã có văn bản gửi cho các thôn cho phép công ty này thực hiện quảng cáo sản phẩm gia dụng và tặng quà cho người tham gia nghe giới thiệu sản phẩm. Trong đó, UBND xã cũng lưu ý tới tất cả các thôn trưởng và bí thư chi bộ thôn theo dõi nội dung quảng cáo, nếu công ty có biểu hiện lợi dụng quảng cáo sản phẩm để bán hàng giả, hàng kém chất lượng gây tổn hại về tài chính của nhân dân thì phải chấn chỉnh kịp thời. Nếu có thắc mắc thì phải báo cáo ngay về thường trực UBND và công an xã để xử lý theo quy định của pháp luật. Mặc dù vậy, khi triển khai trong thực tế, hoạt động của công ty này đã đi ngược lại với các văn bản quy định và cam kết từ phía công ty với ngành chức năng và chính quyền địa phương. Như vậy, hành vi của công ty này có dấu hiệu lừa đảo có tổ chức (bán hàng và rút lui cùng thời điểm), gây hậu quả nghiêm trọng (tổn thất hàng trăm triệu đồng).

Chờ sự vào cuộc của ngành chức năng

Để làm rõ thêm sự việc, chúng tôi đã trao đổi với ông Bùi Kim Dậu, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Triệu Sơn, người ký “giấy thông hành” cho công ty đến bán hàng tại xã An Nông và được ông Dậu cho biết: Ngày 12-7, một người tự xưng là Nguyễn Đức Tâm, đại điện cho Công ty CP Truyền thông kinh doanh và Pháp luật - Hà Nội có đến trình giấy giới thiệu và Công văn số 187/SVHTTDL-NVVH, ký ngày 10-7-2018 của Sở VHTT&DL để đặt vấn đề quảng cáo sản phẩm trên địa bàn huyện. Cụ thể, tại Công văn 187, Sở VHTT&DL đã đồng ý cho Công ty CP Truyền thông kinh doanh và Pháp luật - Hà Nội tiến hành quảng cáo bằng hình thức treo phướn (dọc), 2 cái/địa điểm, kích thước 0,8 m x 2 m tại các nhà văn hóa thôn, xã trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; thời gian từ ngày 11-7 đến hết ngày 26-8-2018. Vì nghĩ đây là hoạt động quảng cáo thông thường và đúng với thẩm quyền địa phương; đồng thời, trong văn bản gửi UBND xã, Công ty CP Truyền thông kinh doanh và Pháp luật - Hà Nội cũng đã cam kết thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Thế nhưng, thực tế công ty đã không làm đúng theo những gì đã cam kết và có hành vi lừa đảo, gây bức xúc trong nhân dân. Nếu biết họ bán sản phẩm thì chúng tôi không bao giờ đồng ý cho xuống dân tổ chức như vậy. Cũng theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VHTT&DL, việc đơn vị này tổ chức bán hàng tại các nhà văn hóa là sai so với phạm vi được cấp phép. “Trên cơ sở báo chí phản ánh, chúng tôi sẽ làm việc với công ty và sẽ có kiến nghị các địa phương không tiếp nhận việc giới thiệu, bán sản phẩm trái quy định” và thu hồi văn bản số 187.

Ngay sau khi nhận được thông tin, tối ngày 29-7, Chủ tịch UBND xã An Nông đã trực tiếp xuống địa bàn các thôn để nắm bắt lại tình hình và có báo cáo gửi cơ quan công an, UBND huyện Triệu Sơn và các cơ quan chức năng xem xét giải quyết, bảo vệ quyền lợi người dân. Chiều ngày 30-7, UBND huyện Triệu Sơn đã ban hành Công văn số 1738/UBND-VP về việc thu hồi và hủy bỏ Công văn số 40/VHTT ngày 13-7-2018 của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện. Đồng thời, phê bình Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, yêu cầu kiểm điểm báo cáo Chủ tịch UBND huyện; giao phòng nội vụ chủ trì, xem xét đề xuất hình thức xử lý đối với Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin. Hiện UBND huyện Triệu Sơn đã giao cho Đội quản lý Thị trường số 6 chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và UBND xã, thị trấn kiểm tra và xử lý nghiêm theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, quảng cáo trên địa bàn huyện báo cáo Chủ tịch UBND huyện.

Sự việc hiện vẫn phải chờ sự vào cuộc của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Còn người dân ở những vùng quê vốn bình yên này thì hẳn là đã rút được bài học đắt giá. Hậu quả từ những hoạt động kinh doanh, bán hàng trá hình đã xảy ra ở nhiều địa phương và khi sự việc xảy ra, cả hệ thống chính trị tại cơ sở mới “vào cuộc”. Phải chăng, ở đây có sự lỏng lẻo trong quản lý Nhà nước mới khiến cho hành vi lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân để trục lợi một cách dễ dàng, trót lọt đến vậy? Còn người dân, cũng cần đề cao cảnh giác với các chiêu trò lừa bịp, đừng vì cái lợi trước mắt mà “tiền mất tật mang”?!


Nhóm Phóng viên Văn hóa - Xã hội

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]