(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm gần đây, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh còn tập trung đẩy mạnh công tác liên kết đào tạo với các doanh nghiệp nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và trường nghề: Xu hướng tất yếu

Liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và trường nghề: Xu hướng tất yếu

Tại các phiên giao dịch việc làm, nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động là các sinh viên tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm gần đây, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh còn tập trung đẩy mạnh công tác liên kết đào tạo với các doanh nghiệp nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường.

Liên kết để phát triển

Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15-12-2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo: Nhà nước khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp liên kết để tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; trong đó doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác trong xác định chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình, phát triển đội ngũ giảng viên doanh nghiệp, tổ chức tuyển sinh, tuyển dụng, tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp, ký kết hợp đồng đào tạo với người học...; khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hợp tác để tổ chức và công nhận kết quả đào tạo một số môn học lý thuyết và thực hành (bao gồm cả đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn). Doanh nghiệp có thể tham gia giảng dạy đến 40% khối lượng chương trình đào tạo. Với quy định này, các trường sẽ tập trung đào tạo các học phần, mô đun thực hành cơ bản, còn lại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đào tạo các mô đun kỹ năng nghề tại đơn vị cho học sinh, sinh viên.

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 89 cơ sở đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, có 11 trường cao đẳng (gồm 5 trường công lập thuộc tỉnh, 2 trường công lập thuộc bộ, ngành Trung ương, 4 trường tư thục); 18 trường trung cấp (gồm: 7 trường công lập cấp tỉnh, 4 trường công lập cấp huyện; 7 trường tư thục); 29 trung tâm (gồm: 23 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện, 4 trung tâm thuộc hội đoàn thể, 2 trung tâm tư thục); 31 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (gồm: 4 trường đại học, 15 doanh nghiệp, HTX và 12 cơ sở khác). Những năm gần đây, nhận thức được tầm quan trọng của việc liên kết đào tạo giữa các nhà trường với doanh nghiệp nên các đơn vị đang áp dụng những giải pháp cụ thể, tích cực nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác đào tạo nghề, giúp nhà trường và doanh nghiệp cùng phát triển.

Với chủ trương coi doanh nghiệp là nơi sử dụng sản phẩm đào tạo và đánh giá chất lượng lao động, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để cùng phát triển. Tính đến nay, nhà trường đã ký hợp đồng liên kết với khoảng hơn 40 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Công ty CP Thương mại Hồng Thắng, Công ty CP Kinh Bắc, Công ty CP Kỹ thuật Sigma... Trung bình mỗi năm, trường cung cấp khoảng 700 sinh viên đến thực tập và làm việc với các ngành nghề theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, như: Cơ khí, ô tô, điện, điện tử, điện lạnh... Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo chuẩn đầu ra, kết hợp sử dụng cơ sở đào tạo của doanh nghiệp; đồng thời, sử dụng các chuyên gia của doanh nghiệp để cùng nhà trường tham gia vào công tác đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. Ngược lại, phía doanh nghiệp không chỉ tạo điều kiện cho nhà trường gửi sinh viên đến thực tập mà còn tiếp nhận những sinh viên đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ năng, kiến thức chuyên môn, cũng như ý thức tổ chức kỷ luật lao động... vào làm việc chính thức. Bên cạnh đó, hằng năm nhiều doanh nghiệp còn tài trợ học bổng cho học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Ông La Minh Tuấn, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhà trường luôn chủ động và mở rộng quan hệ hợp tác với tất cả các đối tác doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh về lĩnh vực liên kết đào tạo, đào tạo theo nhu cầu vì mục tiêu cùng phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện nay, nhà trường đã cam kết với sinh viên về đầu ra, giúp các em yên tâm học tập và lựa chọn môi trường làm việc phù hợp với ngành nghề đã theo học”.

Theo báo cáo của các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh thì giai đoạn 2012 – 2017, các cơ sở đào tạo nghề đã hợp tác, liên kết với 219 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp trong tỉnh là 152, doanh nghiệp ngoài tỉnh là 67. Tổng số lao động được doanh nghiệp tuyển dụng sau đào tạo là 31.295 người.

Nhà trường, doanh nghiệp cùng có lợi

Việc liên kết giữa nhà trường và các doanh nghiệp mang lại hiệu quả cao, không lãng phí trong đào tạo, giúp người học yên tâm khi tham gia học tập vì được đảm bảo giải quyết việc làm. Đây là hướng đi phù hợp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho lao động hiện nay; đồng thời cũng là một tất yếu khách quan trong xu thế hội nhập; giải quyết được tình trạng mất cân đối cơ cấu lao động cũng như thiếu hụt lực lượng lao động đã qua đào tạo nghề.

Ông Lương Văn Sinh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề thương mại du lịch Thanh Hóa, cho rằng: “Việc liên kết đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo nghề sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Theo đó, nhà trường sẽ không cần đầu tư quá nhiều thiết bị cơ sở vật chất như nhà xưởng, phòng học, thậm chí là công nghệ vì doanh nghiệp phải luôn luôn đổi mới công nghệ để phát triển, do đó khi kết hợp với doanh nghiệp, hai bên sẽ cùng chia sẻ công nghệ cho nhau. Sự kết hợp này sẽ tránh được tình trạng đào tạo tràn lan dẫn đến “vênh” nhu cầu của thị trường lao động. Khi sinh viên được thực hành tại doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với việc các em được rèn luyện và tiếp cận với môi trường sản xuất, kinh doanh thực tiễn. Đồng thời, giúp học sinh, sinh viên có môi trường thực tập tốt mà chính doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn khi mở các lớp huấn luyện kỹ năng tay nghề cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp. Việc này sẽ giúp chuẩn hóa đội ngũ lao động, theo sát yêu cầu sản xuất thực tế”.

Ông Hoàng Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Lộ, chia sẻ: “Trong quá trình liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, doanh nghiệp luôn tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên có thể tiếp cận với những công nghệ tiên tiến, hiện đại và trải nghiệm ngay tại xưởng sản xuất của công ty... Qua đó, giúp cho người học có năng lực, kỹ năng thực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp; tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có khả năng tìm việc làm, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động”.

Được biết, thời gian qua, để đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh như Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp, Trường Cao đẳng Nghề Nghi Sơn, Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Công Thương... đã phối hợp với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, bằng cách tổ chức hội nghị mời các doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động do nhà trường đào tạo đang làm việc tại doanh nghiệp, tìm hiểu yêu cầu của doanh nghiệp đối với người lao động về kiến thức chuyên môn, về kỹ năng nghề để có những điều chỉnh trong nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp. Đồng thời mời chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ cơ sở đào tạo về trang thiết bị đào tạo, cử cán bộ kỹ thuật, thợ lành nghề tham gia giảng dạy thực hành tại cơ sở đào tạo hoặc hợp đồng với cơ sở đào tạo đặt địa điểm tại doanh nghiệp, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của doanh nghiệp để đào tạo và cung ứng lao động sau đào tạo cho doanh nghiệp. Việc làm này đã giải quyết được vấn đề thiếu hụt trang thiết bị hiện đại của các trường; giúp người học tiếp cận với công nghệ sản xuất tiên tiến của doanh nghiệp, có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp ngay khi vào làm việc tại doanh nghiệp, giảm chi phí đào tạo lại của doanh nghiệp.

Có thể thấy, việc liên kết đào tạo các trường nghề với doanh nghiệp là một yêu cầu tất yếu khách quan, nhất là trong điều kiện doanh nghiệp cần nguồn lao động có chất lượng cao hiện nay. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, các trường nghề cần đổi mới toàn diện trong đào tạo và có giải pháp phù hợp, cụ thể như: Nhà trường đồng hành với doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch hợp tác toàn diện trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ...; doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo với nhà trường giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân lực đúng theo nhu cầu cần tuyển, từ đó, tạo mối quan hệ chặt chẽ để nhà trường và doanh nghiệp cùng phát triển.

Lê Tình


Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]