(Baothanhhoa.vn) - Nén đau thương khi mất người thân, trầm mình hơn một tuần trong lũ, đưa hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn, Lâu Văn Chứ - chiến sỹ trẻ đang công tác tại Đội Xây dựng phong trào - phụ trách xã về an ninh trật tự, Công an huyện Mường Lát đã khắc họa lên hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân trong lũ. Với anh, hai tiếng “sẵn sàng” giúp dân như một mệnh lệnh từ trái tim.

Lâu Văn Chứ - người lính trong lũ

Nén đau thương khi mất người thân, trầm mình hơn một tuần trong lũ, đưa hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn, Lâu Văn Chứ - chiến sỹ trẻ đang công tác tại Đội Xây dựng phong trào - phụ trách xã về an ninh trật tự, Công an huyện Mường Lát đã khắc họa lên hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân trong lũ. Với anh, hai tiếng “sẵn sàng” giúp dân như một mệnh lệnh từ trái tim.

Lâu Văn Chứ - người lính trong lũ

Anh Lâu Văn Chứ đang giúp dân chạy lũ.

Giúp hơn 500 người dân bản Cặt thoát lũ

Một buổi sáng ở Mường Lát, hơn 10 ngày sau lũ, nắng phủ lên khắp mọi nẻo đường, nóc nhà. Nhịp sống của bà con nơi đây đang dần trở lại với âm hưởng lặng lẽ, bình yên vốn có. Tôi ghé vào một quán nước nhỏ nằm ngay dưới chân cơ quan Huyện ủy Mường Lát. Quán đông người, tôi ngồi nghe người dân nói về chuyện thiếu nước sạch ở thị trấn Mường Lát; chuyện một số khu tái định cư mới của bà con bản Poọng (xã Tam Chung), bản Qua (xã Quang Chiểu)… đang có nguy cơ sạt lở; chuyện các khu, điểm trường học trên địa bàn các xã Trung Lý, Mường Chanh,.. đang bị hư hỏng nghiêm trọng; chuyện về những con đường, bản làng vẫn còn hư hại, ngổn ngang,… nhiều lắm, nhưng tựu chung vẫn là xoay quanh các vấn đề của đợt lũ vừa qua. Nhấp ngụm nước chè của anh chủ quán người Thiệu Hóa pha, tôi tiếp tục lắng nghe những câu chuyện của người dân bản địa thì thấy một người đàn ông mặc sắc phục công an bước vào quán gọi cốc trà nóng, rồi ngồi xuống hướng ánh nhìn xa xăm về phía đoàn thiện nguyện vừa từ dưới xuôi lên. Hai bố con người Mông, bản Cặt, xã Nhi Sơn ngồi ngay cạnh tôi dường như nhận ra người quen liền đứng dậy, bước về phía anh công an, rồi hỏi dồn: “Cán bộ Lâu Văn Chứ phải không? Cán bộ mới đi chịu tang người thân bên Quan Sơn về hả? Nhà ông ngoại cán bộ bị trôi, giờ đã có nơi ở mới chưa?”. Rồi, không đợi trả lời, người cha tiếp tục thổ lộ như muốn trọn vẹn nỗi lòng của mình: “Hai cha con tôi lặn lội từ bản Cặt lên đây để thay mặt bà con trong bản gửi lời động viên, cảm ơn tới cán bộ!”. Người cán bộ trẻ trả lời hai cha con người Mông bằng chất giọng trầm buồn: “Vâng, tôi mới đi chịu tang bên bản Mùa Xuân về. Cảm ơn bà con đã động viên, an ủi gia đình!”. Đoạn hội thoại ngắn ngủi nhanh chóng kết thúc vì người chiến sĩ trẻ có việc phải đi. Tôi chợt nhớ ra cái tên Lâu Văn Chứ mà bà con các bản người Mông, xã Nhi Sơn nhắc đến nhiều trong trận lũ vừa qua.

Để biết thêm về những việc mà anh Chứ đã giúp dân, tôi tìm gặp Thiếu tá Cao Viết Sơn, Phó đội trưởng đội xây dựng phong trào - phụ trách xã về an ninh trật tự, Công an huyện Mường Lát. Thiếu tá Sơn cho biết: Trong trận mưa lũ vừa qua, đồng chí Chứ đã giúp 110 hộ dân bản Cặt đến nơi an toàn. Qua lời giới thiệu của anh Sơn, tôi và anh Chứ đã gặp nhau và bắt đầu câu chuyện về những ngày giúp dân chạy lũ.

...

"Đêm 2-8, trời mưa nặng hạt không ngớt suốt đêm, đến 6 giờ sáng ngày 3 -8, tôi đang làm nhiệm vụ tại bản Cặt thì thấy dòng suối Cặt bỗng trở nên hung tợn. Nước lên nhanh, chảy xiết, ào ào như thác đổ. Từng lớp đất đá trên núi nứt toác đang có dấu hiệu sạt xuống. Tôi bật dậy, chạy vội dọc con đường từ đầu bản đến cuối bản, gõ cửa từng nhà, hô hoán mọi người mau chóng chạy thoát thân. Nghe tiếng hô hoán của tôi, người dân ra khỏi nhà chạy trên trục đường chính. Tiếng la hét, tiếng bước chân, tiếng trẻ con khóc,... chưa bao giờ bản Cặt trở nên hỗn loạn đến như vậy. Giây phút đó, tôi nghĩ mình phải trấn an người dân vì xung quanh chỉ mênh mông nước. Trên đầu, từng lớp đất đá đang ầm ầm đổ xuống, chỉ cần đứng sai vị trí, mạng sống của người dân sẽ gặp hiểm nguy, vì vậy tôi hô mọi người chạy tới những mô đất cao, tránh xa những sườn núi. Còn mình tiếp tục lao đi, sục sạo từng ngôi nhà để chắc chắn không một ai còn sót lại. Chỉ đến khi, đã kiểm tra đủ 556 nhân khẩu của bản không còn ai gặp nguy hiểm, tôi mới chạy theo sau mọi người". - anh Chứ kể lại.

Nghe anh Chứ kể lại những phút giây nguy nan giúp dân bản Cặt thoát khỏi nguy hiểm. Tôi hỏi anh có tự hào về những điều bản thân đã làm được giúp dân trong mưa lũ? Anh lắc đầu mau lẹ, rồi giải thích: “Với mỗi người lính, gần dân, giúp dân, hi sinh vì dân là nhiệm vụ, là trách nhiệm thiêng liêng cao cả chứ không phải cố gắng lập thành tích để mà tự hào. Không phải khoác lên mình bộ quân phục nghiêm trang, luôn miệng nói về luật pháp là dân mến, dân tin. Nhiều lúc người chiến sĩ phải xắn cao ống quần lên mà lội xuống bùn, nước giúp dân, phải lao thân mình vào mưa lũ, gió rét, hiểm nguy để chở che cho dân,… có làm được như vậy, thì tình quân dân mới thắm thiết, bền chặt được. Mối quan hệ của người lính với dân cũng hệt như tình yêu vậy, muốn có được niềm tin thì phải cùng nhau trải đủ đắng cay ngọt bùi. Được lòng dân, sức mạnh lẫn tinh thần, chúng ta sẽ có tất cả!”.

Đằng sau là những mất mát!

Cuộc nói chuyện bị ngắt quãng cho anh Chứ cho tôi xem lại những tin nhắn mà anh đã nhắn cho thiếu tá Sơn: “Chỉ huy ơi, em xin loại, em chỉ xin chỉ huy và trưởng công an huyện sau khi làm nhiệm vụ xong, thì cho em nghỉ phép đi thắp nén nhan cho cậu và em trai của em là hạnh phúc lắm rồi. Em không cần gì đâu chỉ huy ơi. Chỉ huy không biết, giờ em đang khóc một mình!”. Anh Chứ nhìn tôi, đôi mắt chợt đầy nước, giọng anh như lạc đi: “Vừa rồi, mình nhận được tin nhắn của chỉ huy về việc bản thân sẽ được chọn vào danh sách 9 cá nhân tiêu biểu của công an huyện Mường Lát được khen thưởng trong đợt mưa lũ, nhưng mình không vui nổi. Cậu ruột và em trai bị nước lũ cuốn trôi, mình chỉ mong nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ để về chịu tang, trọn vẹn chữ tình, chữ hiếu mà thôi!”

Lâu Văn Chứ - người lính trong lũ

Lâu văn Chứ (ngồi trên nóc nhà) đang cùng đồng đội giúp dân dựng nhà tạm.

Một khoảng lặng thật dài trong cuộc nói chuyện giữa tôi và anh Chứ. Mãi sau, khi bình tĩnh lại, anh Chứ mới tiếp tục giãi bày: “Cuộc đời có lẽ không có sự lựa chọn nào là hoàn hảo cả, đôi khi buộc lòng ta phải chấp nhận đánh đổi. Tôi gánh nỗi đau một lúc mất đi 2 người thân, tổn thương quá lớn, đủ khiến một con người dù sắt đá, lạnh lùng cũng phải gục ngã. Nhưng lúc đó tôi nghĩ, thân làm lính không bên dân lúc hoạn nạn thì còn đợi khi nào?! Điều an ủi lớn nhất với tôi có lẽ là sự hy sinh của tôi, của gia đình tôi đã được đền đáp khi giữ được tính mạng cho toàn bộ bà con trong bản Cặt. Chỉ nghĩ như vậy, tôi mới cảm thấy nhẹ lòng.

Trước khi chia tay, anh Chứ có mời tôi ghé thăm nhà. Đoạn đường từ thị trấn Mường Lát tới nhà anh ở bản Na Tao, xã Pù Nhi khoảng 8km, đi hết 15 phút. Ngôi nhà nhỏ 3 gian, lợp mái tôn, còn nguyên mùi vôi vữa nằm giữa bản. Anh Chứ gọi đây là “ngôi nhà đồng đội” bởi nó được xây dựng lên nhờ sự giúp đỡ của hơn 90 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mường Lát, đặc biệt là của Giám đốc Công an tỉnh sau khi ngôi nhà cũ của gia đình bị lũ cuốn trôi năm ngoái. Phạm Thi Diên - vợ của anh Chứ đon đả rót nước mời khách với nụ cười luôn thường trực trên môi. Chừng 30 phút, tôi chào anh chị ra về, khi ra đến cổng, bất ngờ anh Chứ ghé vào tai tôi thủ thì: “Em viết về anh cũng được, nhưng không nên hoa mĩ hay đề cao anh quá. Bởi, tất cả những điều anh đã, đang làm, mọi người lính đều làm được, đó là “chất” của lính”. Tôi gật đầu, mỉm cười nhìn anh, nói: “Em hiểu! Chỉ muốn hỏi anh câu cuối, nếu được lựa chọn lại, anh vẫn sẵn sàng bên dân, chấp nhận hi sinh vì dân không?” - “Sẵn sàng”. Câu trả lời chắc nịch, lời khẳng định đanh thép của người chiến sĩ công an miền biên viễn khiến lòng tôi ấm áp suốt cả chặng hành trình về. “Sẵn sàng”, có lẽ là hai từ thiêng liêng nhất mà trải suốt thời chiến lẫn thời bình, người lính vẫn luôn giữ gìn được sự thiêng liêng của nó.

Từ ngày 3 đến 7 - 8, 90 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mường Lát đã được tăng cường xuống các địa bàn xung yếu để vừa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động vừa giúp dân di tản đến nơi an toàn; triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự và tham gia tìm kiếm cứu nạn cứu hộ. Thượng tá Lò Đức Minh, Trưởng Công an huyện Mường Lát, cho biết: Từ khi xảy ra mưa lũ, Công an huyện Mường Lát đã tăng cường gần 400 lượt cán bộ chiến sĩ đến địa bàn các xã xảy ra mưa lũ, phối hợp với các ngành, các cấp di dời người, tài sản của nhân dân vùng ảnh hưởng đến nơi an toàn. Hiện, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện vẫn đang tiếp tục bám làng, bám bản để giúp dân khắc phục hậu quả.

Bài và ảnh: Nguyễn Trường


Bài Và Ảnh: Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

3 bình luận

 Phạm Duyên - 02:48 11/09/19

 Trả lời

Thanh Luan số đt cua anh Chứ là 0364561036

 truong Quỳnh - 13:18 16/08/19

 Trả lời

xin cảm ơn đồng chí vì tất cả

 Thanh luan - 10:38 16/08/19

 Trả lời

Ai có so dt a chu cho minh vơi

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]