(Baothanhhoa.vn) - Khu vực Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) từ cuối giờ chiều cho tới đêm có hàng chục đối tượng hành nghề ăn xin, tuy nhiên ai trong số đó là người ăn xin thật, ai bị lợi dụng để các đối tượng khác trục lợi bất chính thì rất khó phân biệt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lật tẩy hành vi sử dụng người khuyết tật, trẻ em để thu lợi bất chính

Khu vực Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) từ cuối giờ chiều cho tới đêm có hàng chục đối tượng hành nghề ăn xin, tuy nhiên ai trong số đó là người ăn xin thật, ai bị lợi dụng để các đối tượng khác trục lợi bất chính thì rất khó phân biệt.

Người khuyết tật ăn xin tại Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa).

Phải mất khá nhiều thời gian, phóng viên mới có thể tiếp cận được anh Lê Văn T., một người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Quảng Xương, hiện đang “hành nghề” ăn xin tại khu vực Quảng trường Lam Sơn. Anh cho biết: Cách đây 1 năm, tôi được một người đàn ông đến tận nhà, ngỏ ý muốn giúp đỡ tôi và gia đình có thêm thu nhập. Theo đó, người đàn ông sẽ nuôi tôi ăn, bố trí chỗ ở và sẽ cho thêm tiền chữa bệnh với điều kiện hằng ngày cứ đến chập tối tôi ngồi lên xe lăn để người khác đẩy đi ăn xin xung quanh khu vực Quảng trường Lam Sơn.

Sau khi nhận lời, hàng ngày anh T. được người đàn ông nói trên đưa đi hành nghề khất thực cùng với 4-5 người khác nữa, trong đó có cả trẻ em, phụ nữ. Đồ nghề có đầy đủ từ xe lăn, tăm, kẹo cao su... thậm chí có cả phù hiệu người khuyết tật đeo trước ngực. Cách thức hành nghề có một điểm chung đó là lân la tới các quán giải khát, café xung quanh khu vực Quảng trường Lam Sơn kể khổ với các khách hàng, mong họ rủ lòng thương để xin tiền. Địa bàn hoạt động có thể thay đổi tùy theo thời điểm, có lúc tổ của anh T. chuyển sang khu vực phố Hàng Than, Cao Thắng... Toàn bộ số tiền xin được của cả nhóm sẽ đem về nộp lại cho người đàn ông kia. Tùy theo mức “thu nhập” của từng người được nộp về, hàng tháng người đàn ông này sẽ chi cho mỗi người thêm một khoản. Trường hợp của anh T., vì được bao ăn nên mỗi tháng anh cũng chỉ được cho thêm vài trăm nghìn đồng.

Với cách thức “làm ăn” tương tự như trên, hiện trên địa bàn TP Thanh Hóa có cả chục nhóm hành nghề ăn xin, hoạt động theo một quy luật ngầm với những địa bàn đã được phân chia, “bảo kê” để hoạt động. Tuy vậy, điểm chung đó chính là sử dụng người khuyết tật, tàn tật, trẻ em, thậm chí có cả nạn nhân chất độc da cam... để hành nghề ăn xin, thu lợi bất chính. Các đối tượng về các địa phương, thỏa thuận với các gia đình có người khuyết tật, tàn tật... nhận bao ăn, ở nhưng phải đi hành nghề ăn xin. Hầu hết gia đình mà các đối tượng tiếp cận đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Chưa thể thống kê đầy đủ được số nhóm sử dụng người khuyết tật, tàn tật, trẻ em để hành nghề ăn xin, thu lợi bất chính hoạt động trên địa bàn TP Thanh Hóa, song sự cạnh tranh giữa các nhóm cũng rất khốc liệt. Để đạt được “doanh thu” cao, nhiều nhóm đã có sự “thay đổi nhân sự”, chuyển địa bàn thường xuyên. Chị Nguyễn Thị H., ở huyện Tĩnh Gia, được các đối tượng “kết nạp” vào nhóm ăn xin nhưng với điều kiện phải đem đứa con trai 3 tuổi theo cùng để hành nghề. Chị H. được “chủ lao động” hướng dẫn cách thức hành nghề bằng việc tới các quán café một số phường trung tâm của TP Thanh Hóa vào giờ hành chính, sau đó nói với khách rằng con bị bệnh tim, gia đình nghèo, rất cần kinh phí để phẫu thuật. Để khách tin, đối tượng cầm đầu còn sử dụng một liều thuốc an thần nhẹ đủ để cháu bé nằm ngủ thiêm thiếp, trông yếu ớt hơn so với bình thường... Đây cũng là chiêu thức mà nhiều nhóm áp dụng để hoạt động. Sau 1 buổi sáng hành nghề, chị H. phải nộp lại tiền cho “đầu nậu” và nhận phần ăn chia theo thỏa thuận.

Thủ đoạn “chăn thả” người khuyết tật, tàn tật và trẻ em của các đối tượng nói trên không chỉ gây bức xúc trong xã hội, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định tại Khoản 2 - Điều 110 Bộ luật Hình sự năm 1999, hành vi nói trên có thể bị xử phạt ở mức cao nhất là từ 1 đến 3 năm tù. Tuy vậy, trên địa bàn tỉnh ta trong vài năm trở lại đây, hầu như chưa có trường hợp nào bị phát hiện và xử phạt. Theo lãnh đạo Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Thanh Hóa, người khuyết tật, tàn tật hiện nay đều có hồ sơ và được các địa phương quản lý. Việc các gia đình tự ý thỏa thuận với các đối tượng đi hành nghề ăn xin nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng có liên quan. Hơn nữa, do đã thỏa thuận với các đối tượng nên bản thân các gia đình cũng giấu, nói tránh là đi vắng, thăm bà con... Người khuyết tật, tàn tật lúc nào cũng cần chế độ chăm sóc đặc biệt, chưa kể đau yếu những lúc trái gió trở trời. Việc để họ đi hành nghề ăn xin sẽ tổn hại không nhỏ tới sức khỏe, bệnh tật. Nhiều trường hợp sau khi đi ăn xin về, tình hình sức khỏe ngày càng kém hơn, bệnh trầm trọng hơn. Các gia đình còn “điêu đứng” hơn, trong khi các đối tượng lợi dụng đều đã cao chạy xa bay, không để lại dấu vết.

Cuối tháng 3-2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tại dự thảo, bộ đề xuất phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trong lúc chờ nghị định trên được thông qua và áp dụng, các cơ quan chức năng, các địa phương cần có sự vào cuộc quyết liệt nhằm kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Công tác tuyên truyền cũng phải được tăng cường để các gia đình hiểu rõ thủ đoạn trục lợi của nhiều đối tượng. Người dân khi phát hiện hiện tượng nói trên nên báo với cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.


Bài và ảnh: Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]