(Baothanhhoa.vn) - Thay vì đến nơi làm việc, nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa đã chuyển sang phương thức làm việc trực tuyến (online) để hạn chế sự lây lan của dịch, bệnh COVID-19.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làm việc từ xa để phòng, chống dịch COVID-19

Làm việc từ xa để phòng, chống dịch COVID-19

Làm việc từ xa là mô hình được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để phòng tránh dịch COVID-19.

Thay vì đến nơi làm việc, nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa đã chuyển sang phương thức làm việc trực tuyến (online) để hạn chế sự lây lan của dịch, bệnh COVID-19.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, một công ty cung cấp thiết bị giáo dục ở TP Thanh Hóa đã cho nhân viên được làm việc online tại nhà trừ một số bộ phận quan trọng. Chị Hoàng Thị Hà cho biết: “Theo tôi, việc cho phép nhân viên làm việc online trong thời kỳ này cơ bản rất tốt. Ngoài việc làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, vừa quản lý được việc nhà, nhất là những cán bộ, nhân viên có con nhỏ hiện cũng đang phải nghỉ học. Dù làm việc tại nhà nhưng công ty yêu cầu phải đảm bảo công việc được giao và chế độ báo cáo thường xuyên bằng email, điện thoại. Riêng các cuộc họp sẽ được “kích hoạt” chế độ họp online nên bản thân tôi cũng khá bận rộn”.

Là lãnh đạo của một doanh nghiệp, ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc Kinh doanh VNPT Thanh Hóa nói: “Làm việc qua mạng cũng có những hạn chế nhất định, nhưng với một công ty chuyên về công nghệ như chúng tôi thì đơn giản hơn rất nhiều. Xét cho cùng là hiệu quả công việc, dù làm việc online nhưng các thành viên vẫn thường xuyên trao đổi công việc cũng như hoàn thành công việc theo kế hoạch. Vả lại, làm việc trực tuyến giữa thời COVID-19 như một minh chứng cho việc người dân chúng ta không chịu đầu hàng trước dịch bệnh”.

Bên cạnh các doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, người dân... cũng tuân thủ nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 31-3-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện cách ly toàn tỉnh không để dịch bệnh COVID-19 lây lan ra cộng đồng.

Ngay sau khi chỉ thị được ban hành, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa đã ra văn bản yêu cầu các bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân thực hiện nghiêm túc 2 chỉ thị trên.

Bà Lê Thị Thanh, Phó trưởng Phòng, phụ trách Phòng Văn hóa – Thông tin, TP Thanh Hóa chia sẻ: “Sau khi có Công văn số 1578/UBND-VP, ngày 31-3-2020 của Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, phòng đã lập danh sách và phân công nhiệm vụ, số lượng người cụ thể làm việc hàng ngày tại cơ quan. Với những người làm việc tại phòng có trách nhiệm làm công tác văn thư, xử lý các nhiệm vụ khi trưởng phòng giao. Khi đi làm, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch: Đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, vệ sinh cá nhân... Còn những nhân viên làm việc tại nhà phải liên tục cập nhật công việc qua điện thoại, trên phần mềm TD office, zalo... xử lý công việc tại nhà và báo cáo lãnh đạo đúng thời gian quy định”.

Sở Công Thương Thanh Hóa cũng đã yêu cầu các phòng, ban, đơn vị trực thuộc phân công từ 1-2 cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có lãnh đạo phòng, đơn vị) trực làm việc tại cơ quan để giải quyết công việc, những người còn lại sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Còn những trường hợp cần thiết như trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở. Riêng các đồng chí lãnh đạo sở làm việc tại cơ quan, chỉ đạo các phòng, đơn vị đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công... Lãnh đạo sở cũng yêu cầu tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải mở máy di động 24/24 giờ để xử lý các tình huống khẩn cấp khi cần.

Làm việc trực tuyến tại nhà tuy có thêm thời gian để chăm sóc gia đình, bản thân và tiết kiệm thời gian di chuyển, nhưng lại đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của mỗi cá nhân, không để việc nhà lấn át việc chung. Vì lợi ích chung của cộng đồng, mỗi cá nhân phải cố gắng vượt qua để đáp ứng yêu cầu công việc.

Ngay khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, học sinh là đối tượng được nghỉ sớm nhất. Để học sinh không bị “rơi rụng” kiến thức, bài toán này đã được giải quyết khi hình thức học online được triển khai.

Là một trong những trường học đầu tiên triển khai hình thức học online trên địa bàn huyện Lang Chánh, ông Lê Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Lang Chánh 1, thị trấn Lang Chánh cho biết: “Do đặc thù là huyện miền núi nên việc triển khai học online gặp rất nhiều khó khăn như: Thiếu thiết bị máy móc, phụ huynh không quan tâm nhiều đến việc học của con em mình... Đó là chưa nói đến việc các thầy cô cũng có lúng túng trong phương pháp giảng dạy. Nhưng để đảm bảo kiến thức cho các em, ngoài việc chuẩn bị bài giảng bằng phương pháp học online, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên in tài liệu, photo cho từng học sinh ôn tập. Bài nào không hiểu, không làm được sẽ được thầy cô giáo hỗ trợ qua các ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm cũng phải ra bài kiểm tra định kỳ đối với học sinh của mình”.

Theo ông Hùng, ngoài việc học theo định kỳ, những công việc đột xuất... trường đều tổ chức họp online để phòng chống dịch COVID-19.

Có thể nói, làm việc trực tuyến hiện là giải pháp tạm thời được cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa áp dụng trong mùa dịch, nhưng sẽ là xu thế làm việc mới trong một xã hội hiện đại. Cách làm việc này cũng tạo ra sự phân công lao động mới thay cho mô hình truyền thống làm việc tại văn phòng. Quan trọng nhất là không gian làm việc mới, không gian tương tác trên mạng sẽ rút ngắn các công đoạn trong quá trình làm việc, trao đổi thông tin, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội sau dịch bệnh.

Hoài Thu


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]