(Baothanhhoa.vn) - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã trở thành con đường làm giàu chính đáng góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của nhiều người dân. Tuy nhiên, sau khi hết hạn hợp đồng nhiều lao động, nhất là những lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS không về nước theo đúng cam kết trong hợp đồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác XKLĐ của tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làm gì để lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã trở thành con đường làm giàu chính đáng góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của nhiều người dân. Tuy nhiên, sau khi hết hạn hợp đồng nhiều lao động, nhất là những lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS không về nước theo đúng cam kết trong hợp đồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác XKLĐ của tỉnh.

Làm gì để lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước

Từ nguồn tiền XKLĐ, anh Trần Văn Thành (người đứng bên phải) ở thôn Hạnh Phúc Đoàn, xã Đông Quang mua đất, làm nhà dự kiến khoảng 1,5 tỷ đồng.

Từ năm 2010 đến hết tháng 2-2019 Thanh Hóa có 1.164 lao động hết hạn hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc phải về nước. Điều đáng nói là cứ sau mỗi năm số lao động bất hợp pháp (BHP) lại gia tăng đồng nghĩa với việc tuyển dụng đi XKLĐ tại thị trường tiềm năng này bị thu hẹp.

Do có số lao động cư trú BHP tại Hàn Quốc trên 100 người nên năm 2018 TP Thanh Hóa là một trong 5 địa phương bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý người lao động đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc, thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện, đồng thời yêu cầu phòng lao động – thương binh và xã hội, tư pháp, công an thành phố phối hợp với 31 phường, xã rà soát, niêm yết danh sách lao động cư trú BHP và chuẩn bị hết hạn hợp đồng tại nhà văn hóa khối phố, công sở phường, xã để cán bộ và nhân dân biết, nhất là những gia đình có con em sắp hết hạn hợp đồng để nhắc nhở, khuyên nhủ về nước đúng hạn; thông tin, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về việc thành phố bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS trong năm 2018 và danh sách lao động đang cư trú BHP; phổ biến các quy định của pháp luật về XKLĐ, về chế tài xử phạt đối với các hành vi cư trú BHP. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tuyên truyền, vận động lao động BHP về nước, gắn vào tiêu chí đánh giá người đứng đầu địa phương. Phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội địa phương thành lập tổ công tác, đến từng gia đình có lao động đang cư trú BHP tuyên truyền, vận động, yêu cầu đại diện gia đình ký cam kết khuyên nhủ, vận động người thân đang cư trú BHP tại Hàn Quốc trở về nước gắn với việc bình xét danh hiệu gia đình văn hóa và các danh hiệu thi đua - khen thưởng khác.

Sau khi triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, qua rà soát, đến hết tháng 5-2019 thành phố chỉ còn 58 lao động BHP. Do giảm được số lao động BHP xuống dưới mức cho phép nên năm 2019 thành phố không còn nằm trong danh sách địa phương bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, đồng nghĩa với việc hàng trăm lao động khác tiếp tục có cơ hội đi XKLĐ tại thị trường tiềm năng này.

Có con trai là Lê Huy Hiếu đi XKLĐ tại Hàn Quốc đã gần 8 năm nhưng vẫn chưa chịu về nước. Ông Lê Huy Mùi ở thôn 2, xã Đông Quang (Đông Sơn) chia sẻ: Thời gian qua, các cơ quan chức năng nhiều lần đến gia đình tuyên truyền về những hệ lụy của việc cư trú BHP tại Hàn Quốc. Biết con ở lại cư trú và làm ăn như vậy là BHP, làm mất đi cơ hội của nhiều người khác, gia đình đã nhiều lần gọi điện vận động, khuyên nhủ, cháu hứa cuối năm nay sẽ về nước. “Ông bà tôi đã ngoài 70 tuổi, muốn con về để chăm sóc bố mẹ tuổi già, cưới vợ để sớm có cháu. Từng là người lính 30 năm trong quân ngũ, ngoài 50 năm tuổi Đảng, có mặt lãnh đạo xã, cán bộ chính sách ở đây, tôi hứa sẽ vận động được cháu về trong năm 2019“ - ông Mùi khẳng định.

Tính đến tháng 5-2019 xã Đông Quang có 370 lao động đang làm việc ở nước ngoài, trong đó thị trường Hàn Quốc là 70 người; theo thông báo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gửi về thì xã có 37 trường hợp hết hạn hợp đồng lao động nhưng không về nước, ở lại cư trú, làm việc BHP. Ông Hồ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Qua rà soát hiện có 9 trường hợp đã về nước, đang có mặt tại địa phương, thực chỉ còn 28 lao động BHP. Nói về nguyên nhân lao động không chịu về nước, ông Trường cho rằng so với các thị trường khác thì chi phí đi Hàn Quốc không cao nhưng mức thu nhập lại khá hấp dẫn trong khi lao động về nước khó tìm được việc làm với mức lương phù hợp. Mặt khác ý thức của người lao động chưa cao, chưa có tính cộng đồng, chưa lường hết những rủi ro khi cư trú BHP. Một nguyên nhân nữa khiến lao động không chịu về nước đúng hạn là do chế tài xử phạt doanh nghiệp và người lao động vi phạm của Hàn Quốc và Việt Nam chưa đủ mạnh để răn đe... Vì vậy, dù xã đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lao động BHP ở Hàn Quốc nhưng tình hình vẫn chưa thực sự khả quan.

Là xã có số lao động cư trú BHP rất ít, nhưng lại thuộc huyện bị tạm dừng tuyển nên nhiều lao động ở xã Đông Nam (Đông Sơn) mấy năm gần đây đã mất đi cơ hội làm việc ở thị trường tiềm năng này. Thiệt thòi nhất vẫn là những lao động đã vượt qua kỳ thi tuyển nhưng vẫn chưa được xuất cảnh lại như trường hợp Nguyễn Văn Mạnh; Lê Thị Khánh; Đỗ Thị Lương... Ông Lê Quang Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Nam, cho biết: XKLĐ đã giúp nhiều hộ gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ có điều kiện kinh tế khá giả ở địa phương như trường hợp 2 anh em Lê Hữu Thuận và Lê Hữu Tuấn, sau khi đi XKLĐ về có vốn, anh Lê Hữu Tuấn đã đầu tư mua ô tô và 2 máy múc để làm các công trình xây dựng, giao thông thủy lợi. Còn anh Lê Hữu Thuận đầu tư xây dựng một cơ sở sản xuất nước tinh khiết, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hay như trường hợp anh Đặng Đình Bắc, trước đây thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn nhưng từ khi đi XKLĐ về đã “đổi đời” có cuộc sống ổn định...

Ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Sau khi triển khai đồng bộ, quyết liệt các nội dung giải pháp, bước đầu tỉnh Thanh Hóa đã có những kết quả nhất định. So với các năm 2016, 2017, 2018 thì năm 2019 có 3 huyện ra khỏi danh sách các huyện bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS vì đã nỗ lực để giảm được số lao động cư trú BHP và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước xuống mức quy định trong năm 2018, đó là các huyện Nga Sơn, Triệu Sơn và TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn 1.164 lao động đang cư trú BHP. Để giảm tỷ lệ lao động Thanh Hóa cư trú BHP năm 2019 xuống còn dưới 35%, nhất là các huyện có số lao động BHP từ 60 người trở lên đang bị tạm dừng tuyển chọn năm 2019 như Đông Sơn 266 người, Hoằng Hóa 150 người, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu 2 huyện thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, vận động. Ngoài ra, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu tất cả các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 30-5-2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 28-4-2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động lao động cư trú BHP tại Hàn Quốc về nước và lao động về nước đúng hạn. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách ưu tiên đối với lao động về nước đúng hạn; khuyến cáo bị bắt giam, trục xuất, bị cấm sang Hàn Quốc làm việc, bị xử phạt khi vi phạm, không tuân thủ các quy định khi sang Hàn Quốc làm việc. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về công tác XKLĐ trên địa bàn. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hoạt động XKLĐ của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục thực hiện ký quỹ theo Quyết định số 1465/QĐ-TTg ngày 21-8-2013 của Thủ tướng Chính phủ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Các địa phương tiếp tục phối hợp, tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng hạn trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Lên án những lao động không về nước đúng hạn, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm theo quy định. Đưa chỉ tiêu vận động người lao động về nước đúng hạn vào xếp loại thi đua đối với UBND các xã, phường, thị trấn của địa phương; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tuyên truyền, vận động...

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]