(Baothanhhoa.vn) - “Ở châu Âu, chúng tôi không có người thân thích, không bà con, họ hàng, lại xa đất nước hàng chục ngàn cây số. Nếu không tự thân nỗ lực, chúng tôi không tồn tại được..” (Ông Đinh Viết Lâm- chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Berlin và vùng phụ cận).

Ký sự châu Âu - Phần 2: Mưu sinh và hội nhập

“Ở châu Âu, chúng tôi không có người thân thích, không bà con, họ hàng, lại xa đất nước hàng chục ngàn cây số. Nếu không tự thân nỗ lực, chúng tôi không tồn tại được..” (Ông Đinh Viết Lâm- chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Berlin và vùng phụ cận).

Tin liên quan:
  • Ký sự châu Âu - Phần 2: Mưu sinh và hội nhập
    Ký sự châu Âu - Phần 1: Gặp gỡ ở Châu Âu

    Chuyến bay của hãng hàng không Quốc gia Liên bang Nga đưa chúng tôi rời Hà Nội, đem theo sự háo hức được khám phá đời sống của bà con đồng hương Thanh Hóa tại CH Liên bang Đức và các nước khu vực Đông Âu. Ngay từ thời điểm xuất phát, tôi biết rằng ở đó, giữa châu Âu hoa lệ, chúng tôi sẽ được chào đón bởi những người con xứ Thanh, những người chưa từng giáp mặt, nhưng dường như đã thân thiết tự bao giờ...

Ký sự châu Âu - Phần 2: Mưu sinh và hội nhập

Gian hàng của cô Phạm Thị Tuấn tại Đồng Xuân Center

Muôn nẻo mưu sinh

Bốn giờ sáng, Berlin vẫn còn chìm trong bóng tối. Cánh cửa của khu chợ hoa đầu mối ở khu vực phía Đông thành phố vừa mở, hàng trăm người xô nhau ùa vào, gần như cùng lúc, tạo nên một khung cảnh vừa khẩn trương, vừa huyên náo. Sở dĩ ai cũng muốn vào trước, bởi nếu chậm chân hơn sẽ khó lòng chọn được những bó hoa đẹp nhất, rẻ nhất.

Tham gia vào đoàn người hối hả ấy, có hai người Thanh Hóa, là chú Trung và chị Hoài Thanh. Cả hai đều là chủ của những cửa hàng hoa lâu năm ở Berlin. Gần như không ngơi tay, họ và các “đồng nghiệp” khẩn trương chọn từng bó hoa, xếp lên xe đẩy, tính toán số lượng, tiền nong, rồi chở ra bãi để xếp lên xe ô tô của mình. “Nghề buôn hoa trông vậy nhưng rất vất vả”- chú Trung chia sẻ. Mỗi ngày, chợ hoa đầu mối ở Berlin cung cấp hàng ngàn loại hoa. Nguồn hoa chủ yếu được nhập từ các quốc gia khác, đặc biệt là từ Hà Lan. Được bảo quản trong nhà lạnh, nên hoa ở đây rất đẹp, và cũng rất rẻ. Sau khi mua được hoa, chú Trung sẽ về thẳng cửa hàng, nơi vợ chú đang chờ sẵn để bày biện, sắp xếp và bó hoa thành bó bán lẻ cho khách. Từ 4h sáng cho đến đêm, cô chú gần như không được ngơi tay.

Chị Hoài Thanh bảo, ở Đức, hoa là một thứ “nhu cầu” thiết yếu, giống như ăn uống, ngủ nghỉ và thưởng thức nghệ thuật. Người ta cắm hoa trong nhà, tặng hoa cho nhau trong bất cứ dịp nào, không cứ ngày lễ tết. Dù khó có thể trở nên giàu có nhờ buôn hoa, nhưng đó là một nghề đem lại cuộc sống ổn định, nếu chăm chỉ. Nhờ cửa hàng hoa nho nhỏ, chú Trung nuôi được 2 con ăn học, mua được căn chung cư và có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Còn chị Thanh , một người mẹ đơn thân, có thể nuôi nấng 4 cậu con trai từ những đồng tiền kiếm được bằng nghề này.

Ở châu Âu, bà con người Thanh Hóa mưu sinh bằng các cửa hàng hoa khá nhiều. Nhưng có lẽ, nghề được ưa chuộng nhất là mở quán ăn. Trong khu chợ thuộc thành phố Richenbach, bang Sachsen, chúng tôi gặp vợ chồng chú Thanh, cô Hường, người Yên Định, khi cô chú đang bán hàng trên chiếc xe lưu động, có diện tích chưa đầy 10 m2. Khu chợ với khoảng vài chục gian hàng, được dựng lên tại một quảng trường trung tâm thành phố, và chỉ họp duy nhất mỗi tuần một lần, vào buổi sáng thứ hai. Mỗi ngày, cô chú đến một phiên chợ ở mỗi thành phố khác nhau để bán mì xào, cơm rang- những món ăn nhanh được thực khách phương Tây rất ưa chuộng. “Nếu chăm chỉ thì đủ sống, mà cũng chỉ đủ sống thôi, chứ không thể giàu”, chú Thanh nói điều đó, khi liên tục đảo những suất mì trên bếp, trong lúc cô Hường vợ chú tất bật ngâm mì, vớt mì, đóng gói cho khách...

Cách quầy hàng của cô chú Thanh Hường chỉ vài trăm mét là quán ăn của vợ chồng chú Trần Đức Ngân, quê ở Nông Cống. Thực đơn của quán khá đa dạng, nhưng chủ yếu vẫn là các loại mì và cơm bán theo suất. Cửa hàng tuy không rộng, nhưng được bày biện gọn gàng, đẹp mắt, mỗi ngày, có thể bán vài trăm suất ăn. “Nếu như ở Việt Nam, một cửa hàng như thế này có thể phải thuê thêm vài ba người làm, nhưng ở đây, chúng tôi phải làm tất cả”. Giá thuê người làm đắt đỏ, và cũng không dễ để thuê, do đó, để duy trì cửa hàng, cô chú Trần Đức Ngân vừa là đầu bếp, vừa là người bưng bê, vừa là người rửa bát, dọn dẹp... Ngày nào cũng vậy, cô chú có rất ít thời gian nghỉ ngơi.

Bên cạnh những quầy quán nhỏ lẻ, nhiều Việt Kiều Thanh Hóa đã xây dựng thành công các nhà hàng ẩm thực có thương hiệu. Chị Lê Thị Hoa, quê ở thành phố Thanh Hóa, có vài nhà hàng sang trọng trên những con phố sầm uất ở Berlin. Chúng tôi đến thăm nhà hàng Nong Nia của chị vào buổi chiều và bất ngờ khi gặp một không gian đậm chất Việt. Cùng với những bụi tre trúc, nhà hàng bày biện chum sành, nong nia, đèn dầu ở khắp mọi nơi. Các món ăn, đồ uống mà chị giới thiệu đến thực khách cũng rất Việt Nam: Phở, nước rau má, cá kho tộ... Đến Nong Nia, ngồi giữa Berlin, thưởng thức một ly nước rau má mát lành, trò chuyện với bà chủ đồng hương xinh đẹp, cảm giác thú vị như thể ở nơi xa chợt bắt gặp một góc quê nhà.

Ký sự châu Âu - Phần 2: Mưu sinh và hội nhập

Một góc chợ Đồng Xuân.

Trong cuộc mưu sinh nơi đất khách, người Việt nói chung, người Thanh Hóa nói riêng đã tạo nên những cơ sở kinh doanh có quy mô lớn, khiến dân bản địa phải nể phục. Chúng tôi may mắn được đến thăm Trung tâm thương mại Đồng Xuân, hay còn được gọi với cái tên giản dị là chợ Đồng Xuân ( ở Đức) và chợ Sa Pa ( ở cộng hòa Séc) - hai khu chợ người Việt rất nổi tiếng tại châu Âu. Chợ Đồng Xuân nằm trên phố Herzberg, phía Đông Berlin. Toàn khu chợ có diện tích hàng chục ngàn m2, với vài trăm gian hàng của người Việt, người Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ... Có khoảng hơn chục hộ kinh doanh người Thanh Hóa buôn bán tại đây, với các mặt hàng chủ yếu là quần áo, giày dép, đồ điện tử,thực phẩm... Các mặt hàng có nguồn gốc ở khắp nơi trên thế giới, được bán với giá thành rất phải chăng. Một chiếc áo len mua buôn tại Đồng Xuân chỉ trên dưới 20 Euro, nhưng khi bán lẻ trên thị trường, giá có thể được đẩy lên 2-3 lần. Thuê một gian hàng với diện tích hơn 400 m2 ở Đồng Xuân không hề rẻ, tiểu thương phải chi trả 6000 euro (tương đương 160-170 triệu đồng Việt Nam) một tháng.

Cô Phạm Thị Tuấn quê gốc ở huyện Nga Sơn, bà chủ của 4 gian hàng tại chợ Đồng Xuân cho biết: “Hoạt động mua bán chợ Đồng Xuân dù không còn được thuận lợi như trước, nhưng vẫn khá hút khách, đảm bảo được thu nhập cho người kinh doanh”. Chợ Sapa ở Séc có quy mô nhỏ hơn so với chợ Đồng Xuân, cơ sở vật chất không hiện đại bằng nhưng cũng là nơi làm ăn sinh sống ổn định của hàng trăm hộ kinh doanh người Việt, đồng thời góp phần giới thiệu văn hóa Việt một cách hiệu quả đến cộng đồng dân cư bản địa.

Trên nước Đức, người Thanh Hóa đã bắt đầu xây dựng các doanh nghiệp của riêng mình, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp sở tại. Hà Nam Trung là một trong số đó. 10 năm trước, anh hoạt động ở lĩnh vực xuất nhập khẩu thủy sản giữa Đức với Việt Nam, và không may bị phá sản hoàn toàn. Từ hai bàn tay trắng, anh làm lại từ đầu. Công ty Orca ra đời với chức năng chính là cung cấp các mặt hàng có nguồn gốc châu Á cho các nhà hàng, cơ sở kinh doanh trên toàn nước Đức. Ở Berlin, anh Trung có đội ngũ nhân viên hàng chục người, gồm cả người Việt Nam lẫn người Đức, làm việc ở văn phòng và dưới kho hàng. Hai kho hàng của anh có sức chứa lớn, với hàng chục tấn hàng được giao dịch mỗi ngày. Sau 10 năm, từ hai bàn tay trắng, Hà Nam Trung đã mua được một căn biệt thự tại Berlin, và đưa Orca trở thành một thế lực trong lĩnh vực giao hàng ở thủ đô nước Đức.

Ở châu Âu, người xứ Thanh làm đủ nghề để sống. Có người thành công, trở nên giàu có. Đa phần có điều kiện kinh tế bình thường. Và cũng có những người thu nhập bấp bênh, sau hàng chục năm bôn ba xứ người nhưng vẫn chưa mua nổi một căn nhà nhỏ để an cư... Song, điều đáng trân trọng, là hầu như tất cả họ đều chăm chỉ và nỗ lực vươn lên, sống một đời sống tử tế, tuân thủ đúng pháp luật, dù ít dù nhiều, đều đóng góp sức mình để xây dựng quê hương thứ hai.

Hội nhập trên đất khách

Chúng tôi đến Erfurt, thủ phủ bang Thuringen, CHLB Đức trong những ngày diễn ra tuần lễ văn hóa thế giới. Tại một buổi lễ long trọng nằm trong chuỗi sự kiện, chị Bùi Thị Xuân, quê gốc ở Tĩnh Gia cùng 3 thành viên còn lại trong đội văn nghệ tất bật chuẩn bị cho hai tiết mục “Đường về Thanh Hóa” và “Tiếng đàn Ta-lư”. Cả hai tiết mục đều thành công, khuấy động hội trường bằng những tràng pháo tay tán thưởng.

Ký sự châu Âu - Phần 2: Mưu sinh và hội nhập

Một nhà hàng của người Thanh Hóa tại Berlin.

Chị Xuân, suốt nhiều năm qua, bằng cách giản dị như thế đã lặng lẽ giới thiệu văn hóa Việt Nam, văn hóa xứ Thanh đến cộng đồng cư dân bản địa.Chồng của chị, anh Vũ Hồng Dân, Phó chủ tịch Hội đồng người nước ngoài tại bang Thuringen. Anh chị cùng nhau tham gia nhiều hoạt động văn hóa- xã hội, một cách nhiệt thành và sôi nổi.

Đặc biệt, trong gia đình anh chị Xuân- Dân, thế hệ thứ hai cũng là những tấm gương điển hình về sự hội nhập của người Việt trên nước Đức. Vũ Thị Giao Linh, con gái lớn của anh chị mới 26 tuổi, nhưng đang chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sỹ ở lĩnh vực y học. Giao Linh quản lý 5 bệnh viện trên toàn nước Đức, có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới với vai trò là thành viên của UB y tế Liên minh châu Âu. Vũ Đức Nam, em của Giao Linh, mới 15 tuổi nhưng đã là huấn luyện viên thể thao có bằng cấp, đồng thời là Chủ tịch hội đồng học sinh tại ngôi trường mà em theo học- một trong hai ngôi trường trung học giàu thành tích nhất nước Đức.

Giống như Giao Linh và Đức Nam, thế hệ thứ hai của người Thanh Hóa đang hội nhập rất tốt tại châu Âu. Hầu hết các em đều được học hành bài bản, nhiều em hoàn thành các chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, có vị trí cao tại nơi mình làm việc.

Ký sự châu Âu - Phần 2: Mưu sinh và hội nhập

Thực khách thưởng thức món ăn tại cửa hàng của người Thanh Hóa tại Berlin.

Sự hội nhập của người xứ Thanh ở châu Âu còn được thể hiện thông qua những mối quan hệ, những gia đình đa sắc tộc. Ở Magdeburg, thủ phủ bang Sachsen Anhalt, tôi gặp Vicky, cô gái xinh đẹp 18 tuổi, người bản xứ. Vicky là bạn gái của Phong, con trai thứ hai của chú Lê Anh Văn- quê gốc ở Tĩnh Gia. Mới làm bạn gái của Phong gần 1 năm, nhưng Vicky đã quen thuộc với nếp sinh hoạt của người Việt. Cô thích các món ăn của người Việt Nam, biết dùng đũa gắp thức ăn, và biết nói “ Xin chào” khi gặp đồng hương của bạn trai. Ở Đức, những gia đình chồng Việt vợ Tây hoặc vợ Việt chồng Tây không hiếm. Chị Hằng, con gái duy nhất của cô chú Đinh Viết Lâm kết hôn với một người Đức. Hai cô bé Lan Ma-ry và An Giô-phi con chị mang trong mình nét đẹp lai Á- Âu, được thừa hưởng sự dạy dỗ của hai nền văn hóa.

Trên những chuyến bay của 3-4 thập niên trước, những người xứ Thanh mang theo bản sắc và lòng tự hào dân tộc rời Việt Nam để đến Châu Âu. Ở xứ người, họ là cộng đồng thiểu số, đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Trăn trở mưu sinh và tìm cách hội nhập là điều tất yếu, nếu như muốn tồn tại. Trong hành trình đầy gian khó ấy, những người xứ Thanh vẫn không quên giáo dục cháu con về nguồn cội của mình thông qua lời ăn tiếng nói, nếp suy nghĩ, hành xử, hay chỉ đơn giản là thông qua một bữa cơm gia đình, một tấm áo truyền thống mang sắc màu quê hương xứ sở. Chính quá trình gìn giữ và hội nhập ấy đã giúp bản sắc Việt Nam, bản sắc xứ Thanh tồn tại âm ỉ mà mãnh liệt, giản dị mà kiêu hãnh giữa lòng châu Âu.

Đón đọc Phần 3: Câu chuyện của những giấc mơ.

An Thư


An Thư

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]