(Baothanhhoa.vn) - Chuyến bay của hãng hàng không Quốc gia Liên bang Nga đưa chúng tôi rời Hà Nội, đem theo sự háo hức được khám phá đời sống của bà con đồng hương Thanh Hóa tại CH Liên bang Đức và các nước khu vực Đông Âu. Ngay từ thời điểm xuất phát, tôi biết rằng ở đó, giữa châu Âu hoa lệ, chúng tôi sẽ được chào đón bởi những người con xứ Thanh, những người chưa từng giáp mặt, nhưng dường như đã thân thiết tự bao giờ...

Ký sự châu Âu - Phần 1: Gặp gỡ ở Châu Âu

Chuyến bay của hãng hàng không Quốc gia Liên bang Nga đưa chúng tôi rời Hà Nội, đem theo sự háo hức được khám phá đời sống của bà con đồng hương Thanh Hóa tại CH Liên bang Đức và các nước khu vực Đông Âu. Ngay từ thời điểm xuất phát, tôi biết rằng ở đó, giữa châu Âu hoa lệ, chúng tôi sẽ được chào đón bởi những người con xứ Thanh, những người chưa từng giáp mặt, nhưng dường như đã thân thiết tự bao giờ...

Ký sự châu Âu - Phần 1: Gặp gỡ ở Châu Âu

Một góc chợ hoa Berlin.

Châu Âu hoa lệ

Hành trình Hà Nội- Berlin kéo dài 12 giờ đồng hồ bay, quá cảnh qua sân bay quốc tế Mat-xcơ-va của nước Nga. Lần thứ hai trong đời, tôi đặt chân xuống sân bay Nga trong một buổi chiều mưa lạnh. Mat-xcơ-va mùa thu rất đẹp. Vào mỗi khoảnh khắc, khi máy bay đáp xuống hay cất cánh rời đường băng, tôi đều nhìn thấy ở bên dưới những cánh rừng xanh ngút mắt, những con phố vừa cổ kính vừa hiện đại, sừng sững đứng bên đôi bờ của dòng sông Von-ga huyền thoại.

Hơn 3 tiếng rời sân bay Nga, chúng tôi cuối cùng cũng đến được Berlin- thủ đô nước Đức vào buổi tối. Berlin- một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất Châu Âu- nhưng không có những tòa nhà cao chót vót, không xe cộ ngổn ngang trên đường, không cả tiếng ồn đinh tai nhức óc. Berlin trầm mặc trong đêm, trong trẻo và tĩnh lặng lạ lùng.

Đêm là vậy, nhưng ngay cả khi bình minh lên, Berlin vẫn chẳng hề huyên náo.

Tôi thích cách mà chú Lê Xuân Cương, một đồng hương người Thanh Hóa chở chúng tôi chạy vòng quanh Berlin bằng chiếc xe bán tải, cửa kính mở rộng toang cho gió lùa vào, vừa đi vừa giới thiệu về thủ đô nước Đức một cách nồng nhiệt. Chú Cương ở Đức đã ngoài 30 năm, nói thạo tiếng Đức, hiểu văn hóa Đức, và tự hào về nước Đức chẳng kém gì niềm tự hào về đất mẹ Việt Nam. Qua cửa kính ô tô, thứ nhiều nhất mà tôi nhìn thấy là...rừng. Rừng ở khắp nơi, và hoa thì phủ kín trên ban công các ngôi nhà. Giữa các con phố, trên những tán cây, thỉnh thoảng lại bắt gặp vài chú sóc nô đùa, hay đàn quạ sà xuống đậu chơi trên đám cỏ. Ở Berlin, thiên ngập tràn trong phố, và phố lẩn quất đâu đó, dưới màu xanh của những tán rừng.

Trong hành trình khám phá Berlin, chúng tôi đi qua nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng: Tượng nữ thần chiến thắng, Tòa nhà quốc hội Đức, quảng trường Alexandre, tháp truyền hình Berlin ... Nhưng nơi gây ấn tượng mạnh mẽ nhất với tôi là bức tường Berlin, một chứng tích về thời kỳ nước Đức bị chia cắt thành phía Đông và phía Tây, với hai thể chế chính trị hoàn toàn khác nhau. Tồn tại gần 3 thập niên ( từ năm 1961 đến 1989), bức tường Berlin trở thành biểu tượng nổi tiếng nhất của chiến tranh Lạnh. Ngày nay, các nghệ sĩ ở khắp nơi trên thế giới về đây, vẽ lên các mảng tường còn sót lại những bức graffiti sinh động, mang ý nghĩa biểu tượng khác nhau. Bức tường Berlin trở thành một trong những địa điểm tham quan thu hút nhiểu khách du lịch bậc nhất tại thủ đô nước Đức.

Cách không xa bức tường Berlin là khu tưởng niệm người Do Thái, được xây dựng bằng những khối bê tông tầng tầng lớp lớp. Đây là nơi dành để tưởng niệm hàng triệu người Do Thái bị sát hại trong thời kỳ chủ nghĩa Phát xít trỗi dậy. Giữa các rặng phong vào mùa lá khởi vàng rực rỡ, màu nâu trầm của những hàng bê tông khiến không gian trở nên trầm mặc; như nhắc nhớ về một thời kỳ tăm tối trong lịch sử dân tộc Đức cũng như toàn nhân loại.

Thời gian trôi qua, ngày hôm nay, một phần của bức tường Berlin vẫn đứng đó, dòng sông Spree trong xanh miệt mài chảy từ Đông sang Tây, và khu tưởng niệm người Do Thái luôn sừng sững giữa lòng Berlin... Chúng nhắc nhớ về một nước Đức với nhiều nỗi đau quá khứ, để trân trọng hơn vết thương đã lành, và tự hào với sự phát triển mạnh mẽ của ngày hôm nay.

Ngoài Berlin, trong hành trình gần 1 tháng ở châu Âu, chúng tôi đi qua nhiều bang khác nhau của nước Đức, với những thành phố hiện đại, những núi đồi mộng mơ, những ngôi làng đẹp như tranh vẽ...

Chúng tôi cũng có dịp ghé qua cộng hòa Séc, đến thăm thủ đô Praha- một trong những thành phố cổ kính nhất châu Âu. Praha được bao quanh bởi các ngọn đồi, có Cầu Tình, Quảng trường Con ngựa, Quảng trường Con gà nổi tiếng... Khi đứng trên những ngọn đồi cao nhìn xuống, Praha vừa rực rỡ, vừa thơ mộng như một khúc thơ tình diễm lệ.

Dù ở Đức hay ở Sec, nơi nào chúng tôi đến cũng đều chứa chan tình cảm. Bởi ở đó, giữa lòng châu Âu, luôn có những nụ cười thân thiện, giọng nói ấm áp và ánh mắt trìu mến của người xứ Thanh. Họ chào đón chúng tôi như chào đón những người thân của mình...

Dấu ấn xứ Thanh giữa lòng châu Âu.

“Lát nữa về nhà chú, là lại sống như ở Việt Nam thôi”.

Chú Đinh Viết Lâm, chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại thành phố Berlin và vùng phụ cận vui vẻ nói bằng âm điệu đặc sệt Quảng Xương, khi đón chúng tôi tại sân bay Schonefeld. Căn villa của chú nằm trên một con phố vắng lặng, thuộc phía Đông Berlin. Đó là nơi chúng tôi sống trong những ngày đầu đến CHLB Đức. Căn nhà bên ngoài mang dáng dấp châu Âu, nội thất cũng bày biện theo lối châu Âu, nhưng tinh thần của nó ( tức là lối sống của những con người trong ấy) thì đậm nét Việt Nam.

Bữa ăn đầu tiên mà cô Lương Nga, vợ chú Lâm đãi chúng tôi khi vừa tới nhà, là nồi cháo gà thơm lừng được nấu đúng theo kiểu Việt. Gà ninh mềm trong cháo, ăn kèm hành răm và một bát nước mắm cốt. Giữa tiết trời lạnh giá của đêm Berlin, bữa ăn đầu tiên trên xứ lạ đọng lại trong tôi dư vị ngọt ngào, ấm áp, không chỉ bằng tô cháo nóng hổi, mà còn bằng tấm lòng mến khách của những người đồng hương....

Bất ngờ hơn, khi trong khuôn viên căn nhà của cô Nga chú Lâm có một khu vườn trĩu trịt hoa trái nhiệt đới. Chúng tôi sang vào những ngày cuối cùng của mùa thu, trên giàn, bí đao, mướp đắng đang vào mùa rộ quả. Dưới nền đất, rau cải, mồng tơi, rau muống... luống nào luống ấy lên xanh mướt, đều tăm tắp. Thỉnh thoảng, có vài trái ớt đỏ điểm lấm tấm trong màu xanh của đám rau thơm... Tất cả các loại rau trái đều được cô Nga mang giống từ Việt Nam sang. Mỗi ngày, cô dành 2 tiếng trước khi đi làm để chăm sóc khu vườn, với tất cả sự tân tâm và niềm tự hào của một bà nội trợ đảm đang.

Ký sự châu Âu - Phần 1: Gặp gỡ ở Châu Âu

Sau này, ở Praha ( cộng hòa Séc), tôi cũng gặp một khu vườn như thế. Đó là vườn rau của chị Lê Thị Thủy, quê ở Hoằng Hóa- một cử nhân ngành tài chính theo chồng sang Sec định cư. Chị Thủy bảo: “Chị trồng rau để đỡ nhớ nhà”. Bởi vậy, mỗi ngày, chị đều cùng mẹ dành thời gian tưới tắm, chăm sóc cho những giậu mồng tơi, những giàn bí, giàn bầu, để bữa cơm gia đình có thêm hương vị Việt.

Hầu hết người xứ Thanh thế hệ đầu tiên ở Đức và cộng hòa Séc đều không ăn (hoặc ăn rất ít) đồ Tây. Họ ăn cơm- những bữa cơm với đầy đủ món mặn, món canh, món rau được xào nấu theo kiểu Việt. Thời đại 4.0, thế giới “phẳng” hơn, nhờ đó mà phong vị quê nhà cũng “dịch sát” hơn với đời sống của những người con xa xứ. Giữa các khu chợ Việt ở Berlin, ở Thuringen, ở Sachsen Anhalt, ở Praha..., thật không khó khăn gì khi muốn mua một lọ cà muối, một mớ rau thơm, hay một hộp chả giò... Thậm chí, nem chua, bánh gai- những món ăn đặc trưng của người Thanh Hóa cũng có thể dễ dàng tìm thấy. Và phở, món quốc hồn quốc túy của người Việt thì ngon... đến nao lòng. Những bát phở ở nước Đức và nước Sec mà tôi được thưởng thức mang đầy đủ bản sắc Việt, với nước lèo trong, cọng phở mềm, rau thơm xanh mướt, lát thịt mỏng mềm thơm phức... Người Thanh Hóa ở châu Âu, muốn thưởng thức bữa sáng nóng ấm bằng phở, xem ra thật dễ dàng.

Cô Minh Hạnh, vợ của chú Lê Anh Văn- chủ tịch hội đồng hương Thanh Hóa tại Sachsen Anhalt và vùng phụ cận, một bà nội trợ đảm đang, còn có thể nấu được những món Việt cầu kỳ, như giò, chả... Cô bảo, sang đến xứ người, hầu như món ăn truyền thống nào các bà mẹ Việt cũng đều nấu được. Nấu cho chồng con ăn, để thưởng thức hương vị, và cũng là để vơi đi nỗi nhớ quê nhà.

Tôi gặp dấu ấn quê hương trên đất Đức qua cả những tà áo dài duyên dáng. Trong tủ đồ của những người phụ nữ xứ Thanh xa quê đều chứa ít nhất vài bộ áo dài. Họ mặc áo dài trong những ngày lễ tết, trong những sự kiện trọng đại của cuộc đời, hay thậm chí, cả trong những cuộc giao lưu tụ họp. Với họ, khoác lên mình bộ áo dài, không phải chỉ để đẹp, mà còn như một cách trân trọng, nâng niu nét duyên truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

Những phụ nữ xa quê như cô Hạnh, cô Nga, chị Thủy..., giữa bao bộn bề cuộc sống vẫn miệt mài tập làm vài món ăn truyền thống, chăm những luống rau, ve vuốt tà áo dài, và giữ cho căn bếp nhà mình luôn ấm lửa, để gìn giữ một nét quê, một chút hồn dân tộc nơi đất khách quê người.

Gặp gỡ ở châu Âu

Trên toàn nước Đức hiện có hàng ngàn người xứ Thanh sinh sống. Thế hệ thứ nhất đặt chân đến nước Đức, hầu hết là các công nhân, người lao động, trí thức sang CHDC Đức lao động, học tập theo diện hợp tác quốc tế trong những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước. Khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Đông Âu, các nhà máy giải thế, một số người trở về quê nhà, một số người quyết định ở lại trên quê hương thứ hai. Tại đây, họ tìm đến nhau, gắn bó và giúp đỡ nhau trong những ngày đầu gian khó. Thế rồi từ đó, các tổ chức hội đồng hương lần lượt ra đời. Tại CHLB Đức, hiện có 3 tổ chức hội đồng hương, bao gồm: Hội đồng hương Thanh Hóa tại Berlin và vùng lân cận, hội đồng hương Thanh Hóa tại bang Sachsen Anhalt và hội đồng hương Thanh Hóa tại bang Sachsen-Thuringen.

Trong những ngày ở Đức, chúng tôi may mắn được tham dự cuộc gặp gỡ của cả ba hội đồng hương tại ba khu vực. Do điều kiện bận rộn, một năm chỉ có một lần duy nhất bà con người Thanh Hóa tại các khu vực mới có dịp tụ họp một lần. Bởi vậy, có những người ở cách xa nơi tổ chức 400-500 km vẫn tìm đến, chỉ để nghe ca khúc “Chào sông Mã anh hùng”, bắt tay bà con đồng hương lâu ngày không gặp, thăm hỏi vài câu, chung vui với nhau một bữa cơm, rồi lại tất bật trở về với cuộc sống đời thường.

Nhiều câu chuyện về tình đoàn kết của bà con đồng hương Thanh Hóa được kể lại rưng rưng xúc động. Trong căn nhà rộng rãi tại thành phố Leipzig, chị Lê Thị Huyền vẫn còn nhớ như in những tháng ngày chồng chị, anh Bùi Quốc Bình bị mắc bệnh ung thư. Khi bệnh tình đã không còn hy vọng, anh quyết định trở về Việt Nam để được ra đi trên quê mẹ. Để động viên anh Bình, hội đồng hương bang Sachsen Thuringen đã quyên góp tiền, cử đại diện về Việt Nam chăm sóc anh cho tới ngày qua đời. Nghĩa cử chân thành ấy khiến người ra đi thanh thản, còn người ở lại thì xúc động khôn nguôi.

Không chỉ ở Đức, ở CH Séc, mà ở Ba Lan, ở Nga... hầu như nơi nào cũng có tổ chức hội đồng hương của người Thanh Hóa, nơi nào cũng xuất hiện những câu chuyện cảm động về tình đồng hương, nghĩa đồng bào. Điều đó thêm một lần minh chứng cho truyền thống đoàn kết, gắn bó, đùm bọc và che chở lẫn nhau của người xứ Thanh. Truyền thống ấy như ngọn lửa ấm, luôn âm ỉ trong huyết quản mỗi người, khi có dịp là bùng cháy, lan tỏa mạnh mẽ, nâng đỡ bước chân những người con xa xứ trong hành trình hội nhập và vươn lên nơi đất khách quê người.

Đón đọc phần 2: Mưu sinh và hội nhập.

An Thư


An Thư

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]