(Baothanhhoa.vn) - Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1418-1427 là một dấu son chói ngời trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Có hơn một nửa thời gian cuộc khởi nghĩa diễn ra trên miền đất xứ Thanh, trong đó Chí Linh Sơn thuộc vùng đất Lang Chánh là địa bàn chiến lược. Nơi đây vẫn còn nhiều dấu tích và truyền thuyết của cuộc hưng binh năm 1418, góp phần kết thúc 20 năm đô hộ tàn bạo của nhà Minh, mở ra thời kỳ phát triển mới của dân tộc Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dấu tích khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Lang Chánh

Kỳ 1: Vị trí đắc địa trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Kỳ 1: Vị trí đắc địa trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Thác Ma Hao nằm dưới chân núi Pù Rinh. Ảnh: Vân Anh

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1418-1427 là một dấu son chói ngời trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Có hơn một nửa thời gian cuộc khởi nghĩa diễn ra trên miền đất xứ Thanh, trong đó Chí Linh Sơn thuộc vùng đất Lang Chánh là địa bàn chiến lược. Nơi đây vẫn còn nhiều dấu tích và truyền thuyết của cuộc hưng binh năm 1418, góp phần kết thúc 20 năm đô hộ tàn bạo của nhà Minh, mở ra thời kỳ phát triển mới của dân tộc Việt Nam.

Trong nghiên cứu về “Vùng đất Lang Chánh cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV” của PGS.TS Mai Văn Tùng – ThS. Lê Thị Thanh Thủy (Trường Đại học Hồng Đức), Lang Chánh là một vùng đất cổ nằm ở khu vực phía Tây Thanh Hóa, có truyền thống lịch sử lâu đời, văn hóa tộc người phong phú và đa dạng. Đây là một trong những huyện miền núi xứ Thanh có vị trí rất quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam, gắn liền với những dấu vết hoạt động của con người cổ xưa từ nền văn hóa Sơn Vi thời đá cũ cho đến thời kỳ đá mới và đặc biệt là thời kỳ hình thành nền văn minh dân tộc – văn minh Đông Sơn – văn minh sông Hồng... Đất và người nơi đấy không chỉ kiên trung trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mà cả trong những thời kỳ trước đó, đặc biệt là thời kỳ cùng Lê Lợi chống giặc Minh. Vùng đất Linh Sơn – Chí Linh (Pù Rinh), nơi gắn liền với nhiều sự kiện liên quan đến anh hùng dân tộc và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Chí Linh Sơn là một dãy núi ở miền Tây Thanh Hóa được Lê Lợi và các văn thần triều Lê (thế kỷ XV) chính thức đặt tên như vậy. Còn dân gian (ở vùng Thái – Mường xung quanh, kề cận với dãy núi này) từ xưa tới nay chỉ vẫn quen gọi là dãy núi Pù Rinh. Dãy núi Pù Rinh là một vùng núi hiểm yếu bậc nhất của thượng du sông Chu, đỉnh cao nhất tới 1.291m so với mực nước biển, kéo dài và chiếm một khu vực khá rộng lớn thuộc địa bàn huyện Lang Chánh và một phần của huyện Thường Xuân ngày nay. Ở dưới chân núi và các bồn địa trong thung lũng thường thấy xuất hiện những bản người Thái, hoặc một số chòm Mường đã đến tụ cư từ khá lâu đời. Và từ những nơi này, theo đường rừng núi, dù hiểm trở, khó khăn trong những ngày xưa ấy, con người vẫn có thể đi đến, qua lại ở các vùng đất khác như vùng Sầm Tớ (của nước bạn Lào), hay đến các vùng đất gần gũi tiếp giáp khác như Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Ngọc Lặc.

Với vị trí địa lý đặc biệt như vậy, cho nên trong thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, địa bàn hoạt động của nghĩa quân chủ yếu ở miền rừng núi Thanh Hóa kéo dài từ năm 1418 -1423, trong đó thời gian rút về nương náu ở Chí Linh Sơn để bảo tồn củng cố lực lượng chiếm tới gần 3 năm. Theo sách “Lam Sơn thực lục”, khi mới khởi nghĩa chỉ có 200 quân thiết đột, 200 dũng sĩ và 300 nghĩa sĩ. Mặc dù lực lượng nghĩa quân ít, nhưng với phương châm “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” nghĩa quân Lam Sơn đã tiêu diệt nhiều đợt tấn công của quân địch và làm tiêu hao một phần sinh lực địch. Mặc dù chiến đấu dũng cảm, nhưng xét thấy lực lượng không có lợi cho nghĩa quân, vì tính kế lâu dài nên Lê Lợi đã chọn núi Chí Linh làm nơi nương náu. Có thể nói đây là một ngọn núi hiểm trở, được Nguyễn Trãi ví nó như Cối Kê đã che chở cho Việt Vương Câu Tiễn đánh Ngô Vương Phù Sai trong lịch sử cổ đại Trung Quốc.

Đại Việt sử ký toàn thư cũng dành nhiều trang viết nổi bật kể về buổi đầu gian nan và chiến công oanh liệt của Lê Lợi đều gắn với miền núi Thanh Hóa, trong đó, nổi bật nhất là vùng Mường Lang Chánh. Sau Hội thề Lũng Nhai (đầu năm 1416) là thời kỳ Lê Lợi cùng các đồng chí của mình vận động, tập hợp lực lượng, xây dựng “đất đứng chân” để hai năm sau đó vào tháng giêng năm Mậu Tuất (1418), tại Lam Sơn, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, xưng là Bình Định vương. Hay tin Lê Lợi dấy nghĩa, tháng 2 năm Mậu Tuất (1418) quân Minh đã tập trung lực lượng đàn áp, hòng tiêu diệt lực lượng nghĩa quân ngay từ những ngày đầu trứng nước. Nhân dân vùng Lam Sơn và lực lượng nghĩa quân đã kiên cường chiến đấu chống lại quân Minh. Nhưng do tương quan lực lượng giữa ta và địch còn quá chênh lệch nên Lê Lợi đã chủ động vừa chiến đấu vừa cho nghĩa quân rút lui về Mường Mọt – một mường lớn của châu Lang Chánh, nay là xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân để bảo toàn quân sĩ. Trong những ngày nương náu ở núi Chí Linh, nghĩa quân gặp những ngày khó khăn gian khổ, màn trời chiếu đất, lương thực thiếu phải tìm măng tre, rễ cỏ ăn qua ngày. Tuy vậy, quân Minh vẫn ráo riết truy đuổi nghĩa quân Lam Sơn, nên Lê Lợi quyết định rút toàn bộ lực lượng từ Mường Mọt tiến sâu vào vùng núi Chí Linh. Bằng kế cho Lê Lai cải trang thành “Chúa Lam Sơn” tiến đánh quân Minh, Lê Lợi và nghĩa quân mới thoát cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Giai đoạn này, trước sự truy sát gắt gao của quân giặc, Lê Lợi không ít lần lui quân về địa bàn rừng núi Lang Chánh để củng cố và bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến.

Trong bài viết của nhà nghiên cứu Phạm Tấn, Tổng thư ký hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa “Chí Linh Sơn dưới góc nhìn địa lý – lịch sử - văn hóa, nơi diễn ra cuộc hội thề giữa Lê Lợi và các tướng sĩ năm 1418” đã nhận định: Trong 10 năm (1218-1423), từ Lam Sơn – quê hương của nhà Lê – nơi khởi phát của cuộc khởi nghĩa đến Chí Linh Sơn và toàn bộ miền núi rừng phía Tây Thanh Hóa đã đóng góp một vai trò hết sức to lớn và quan trọng. Nhờ có những năm hoạt động tại đây, nghĩa quân Lam Sơn mới có những điều kiện cần thiết để bảo tồn và phát triển lực lượng, đồng thời để Lê Lợi và nghĩa quân triển khai đánh địch một cách tài tình, cơ động theo phương châm “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” và biết dựa vào địa hình rừng núi hiểm trở theo tình hình cụ thể để bố trí mai phục, tấn công địch một cách chủ động, bất ngờ... Cũng nhờ có địa bàn rừng núi rộng lớn mà khi kẻ thù bị bao vây, truy sát, nghĩa quân vẫn có thể tiến, lui một cách dễ dàng, nhanh chóng. Như vậy đối với nghĩa quân Lam Sơn, núi Chí Linh như một ngọn núi thiêng, nơi chủ tướng đồng cam cộng khổ, là biểu tượng của tinh thần chịu đựng gian khổ quật cường và lạc quan. Nhờ vậy, sau ba lần phải rút lên cố thủ, nương náu tại Chí Linh Sơn để bảo toàn lực lượng, tạo điều kiện để năm 1424, nghĩa quân chuyển hướng chiến lược vào Nam, xây dựng căn cứ địa mới ở Nghệ An. Từ đó phát triển lực lượng, đánh thẳng ra Đông Quan, tiêu diệt toàn bộ quân địch, giải phóng dân tộc.

Có thể nói, với địa hình rừng núi đại ngàn, hiểm yếu, không xa căn cứ Lam Sơn, nên Chí Linh - Lang Chánh đã trở thành căn cứ địa quan trọng thứ hai của cuộc khởi nghĩa. Nơi đây cũng từng diễn ra trận đánh ác liệt có tính chất quyết định đến cục diện, thế trận giữa ta và quân địch. Trong thời điểm khó khăn nhất, nhân dân các dân tộc Lang Chánh đã góp sức người, sức của, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vĩ đại của cuộc khởi nghĩa.

Vân Anh

Kỳ 2: Vùng đất của lịch sử.


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]