(Baothanhhoa.vn) - Vừa qua, một số người dân phản ánh về tình trạng khai thác rừng trái phép tại khu vực Hón Piềng, bản Tráng, xã Yên Thắng (Lang Chánh). Ngày 12-10-2018, phóng viên Báo Thanh Hóa đã về địa bàn trực tiếp tìm hiểu thực tế tại hiện trường vụ phá rừng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kiên quyết xử lý nghiêm hành vi khai thác rừng trái phép tại khu vực Hón Piềng, bản Tráng, xã Yên Thắng

Vừa qua, một số người dân phản ánh về tình trạng khai thác rừng trái phép tại khu vực Hón Piềng, bản Tráng, xã Yên Thắng (Lang Chánh). Ngày 12-10-2018, phóng viên Báo Thanh Hóa đã về địa bàn trực tiếp tìm hiểu thực tế tại hiện trường vụ phá rừng.

Hiện trường rừng bị chặt phá tại khu vực Hón Piềng, bản Tráng, xã Yên Thắng (Lang Chánh). Ảnh: Nguyễn Ngọc

Đại diện chính quyền xã Yên Thắng và kiểm lâm địa bàn đã cùng chúng tôi đi bộ 10 km, men theo con suối, vượt qua mấy ngọn dốc, sau gần 2 giờ đồng hồ mới vào được khu vực Hón Piềng. Đây là khu rừng nghèo, bởi xung quanh phần lớn là cây tạp, như: Nứa, chuối..., thi thoảng chúng tôi mới gặp một vài cây gỗ, còn các cây gỗ quý hiếm có giá trị hầu như không có.

Tại khu vực Hón Piềng nơi rừng đã bị khai thác trái phép, chúng tôi phải bám vào các mỏm đá hoặc cây rừng từ từ leo lên một con dốc vừa cao, hẹp để tới vị trí cây táu bị chặt hạ trước đó. Tại đây chỉ còn trơ trọi gốc cây và một số bìa gỗ đã xẻ nằm ngổn ngang dọc lối vào. Chúng tôi đi tiếp đến một vị trí khác thì tại đó cũng chỉ còn lại gốc cây, một số khúc gỗ tròn và mùn cưa nằm rải rác tại hiện trường, các đối tượng khai thác trái phép chưa kịp tẩu tán gỗ đi tiêu thụ.

Là một trong số 4 hộ có rừng bị chặt phá, anh Lê Văn Quốc, bản Tráng cho biết: “Gia đình tôi được giao khoán 5 ha rừng sản xuất từ năm 1996, đứng tên bố tôi là ông Lê Xuân Bích. Vừa qua, tại diện tích rừng của gia đình tôi bị khai thác 2 cây gỗ tạp, chúng tôi rất tiếc...”.

Anh Lương Văn Ót, người cùng bản cho biết: “Từ năm 1996, gia đình tôi được giao khoán 6ha rừng sản xuất nứa - gỗ hỗn giao. Do điều kiện từ nhà tới rừng cách xa khoảng 7 km, đường sá khó khăn nên gia đình tôi không thường xuyên vào rừng kiểm tra được, lợi dụng sơ hở đó, các đối tượng đã vào rừng chặt phá khai thác 4 cây gỗ, trong đó có 1 cây táu và 3 cây gỗ tạp”.

Theo ông Nông Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Yên Thắng: Xã có hơn 8.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 5.000 ha rừng sản xuất, riêng bản Tráng có 430,6 ha rừng sản xuất. 9 tháng đầu năm 2018, xã phối hợp với Trạm Kiểm lâm xã Yên Thắng tổ chức được 35 cuộc kiểm tra rừng với 145 lượt người tham gia và 7 cuộc họp tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng với 833 người tham gia. Thời gian trước đó, tình hình an ninh rừng ở bản Tráng và xã Yên Thắng nói chung ổn định, không có tình trạng khai thác trái phép. Tuy nhiên, đến tháng 9-2018, trong quá trình kiểm tra có phát hiện khai thác gỗ trái phép. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó phải kể đến khó khăn do địa bàn xã rộng trải dài 20 km từ đầu xã đến cuối xã, đường giao thông xuống cấp, khó khăn. Đặc biệt, bản Tráng cách trung tâm xã 11km, giáp ranh với các xã Trí Nang và Tam Văn của huyện Lang Chánh, nên khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm tra an ninh rừng, thuận lợi cho việc vận chuyển lâm sản trái phép sang các xã khác... Trước sự việc trên, UBND xã đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh đưa toàn bộ tang vật vi phạm về kho của hạt để xử lý, đồng thời tổ chức họp thôn nhằm vận động bà con tố giác đối tượng khai thác rừng trái phép, chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra tại địa bàn nhằm giữ ổn định an ninh rừng...

Trước đó, theo biên bản kiểm tra của Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh (ngày 10-9-2018): Tại lô 10, khoảnh 6, tiểu khu 396, đối tượng rừng sản xuất, trạng thái hỗn giao nứa - gỗ, được giao cho ông Lò Văn Chon, bản Tráng quản lý, bảo vệ, sản xuất, phát hiện bị khai thác 1 cây gỗ tạp (nhóm 6), khối lượng 2m3. Tại lô 9, khoảnh 6, tiểu khu 396, loại rừng sản xuất, trạng thái hỗn giao nứa - gỗ, được giao cho ông Lương Văn Ót, bản Tráng quản lý, bảo vệ, sản xuất, phát hiện bị khai thác 2 cây gỗ tạp (nhóm 6), khối lượng 1,4m3. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa (ngày 11-10-2018), chi cục đã nhận được báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh về tình trạng khai thác gỗ trái phép tại khu vực Hón Piềng, bản Tráng, xã Yên Thắng. Chi cục đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, xác minh, báo cáo kết quả cho chi cục. Sau khi có kết quả kiểm tra ban đầu của Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh tiếp tục kiểm tra mở rộng ra các khu rừng xung quanh. Ngày 21-9-2018, Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh báo cáo tại lô 35, khoảnh 2, tiểu khu 396, trạng thái rừng hỗn giao nứa - gỗ, được giao cho ông Lê Xuân Bích, bản Tráng quản lý, bảo vệ, sản xuất, phát hiện có 15 thanh gỗ xẻ táu, khối lượng 1,4m3 (truy xuất nguồn gốc xác định số gỗ trên được khai thác từ cây gỗ táu nhóm 2, cách vị trí cất giấu khoảng 30m) và 2 khúc gỗ táu tròn dạng cột nhà, khối lượng 0,6m3. Thời điểm khai thác khoảng tháng 5-2018, ngoài ra không phát hiện có khai thác mới.

Được biết, từ ngày 3 đến ngày 5-10, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra toàn bộ rừng khu vực Hón Piềng, xã Yên Thắng. Tại các lô, khoảnh, tiểu khu rừng đã được chi cục và chính quyền địa phương kiểm tra và xử lý, kết quả trùng khớp với số liệu báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh nêu trên. Chi cục cũng đã tiến hành kiểm tra mở rộng tại khu vực Hón Sán, bản Tráng, xã Yên Thắng phát hiện tại lô 79, khoảnh 7, tiểu khu 396, loại rừng tự nhiên là rừng sản xuất, trạng thái rừng thường xanh nghèo, được giao cho hộ ông Lương Văn Chốn quản lý, bảo vệ, sản xuất, phát hiện bị khai thác 1 cây gỗ tạp (nhóm 6), khối lượng 0,6m3. Kiểm tra tại lô 9, khoảnh 7, tiểu khu 396, loại rừng sản xuất, giao cho ông Lò Văn Chon, bản Tráng quản lý, bảo vệ, sản xuất, phát hiện bị khai thác 15 cây gỗ tạp (nhóm 6 - nhóm 8), đường kính từ 15-20cm, khối lượng 3,3m3.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, cho biết: Sau khi nhận được thông tin khai thác rừng trái phép tại khu vực Hón Piềng, xã Yên Thắng, UBND huyện đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cùng với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ vụ việc. Thực tế, trên địa bàn xã Yên Thắng có 4 hộ được giao chăm sóc, bảo vệ rừng, trong đó có một số loại cây gỗ tạp bị khai thác, tuy nhiên số lượng và chủng loại cũng như thời gian khai thác không đúng như dư luận phản ánh. Điều này cũng đã được lực lượng kiểm lâm, chính quyền xã xác định rõ. Hiện nay, huyện đang tiếp tục phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa truy tìm đối tượng chặt phá rừng và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Tiếp tục chỉ đạo chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con nhân dân nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng trong thời gian tới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, khẳng định: Tình trạng khai thác gỗ trái phép tại khu vực Hón Piềng, xã Yên Thắng như tìm hiểu, phản ánh từ hiện trường của phóng viên Báo Thanh Hóa là có cơ sở. Tuy nhiên, tính chất, mức độ khai thác trái phép diễn ra nhỏ lẻ ở một số lô, khoảnh thuộc 4 chủ rừng là hộ gia đình, trong đó chỉ có 1 cây gỗ táu (nhóm 2) bị khai thác, ngoài ra số gỗ còn lại đều thuộc loại gỗ tạp (nhóm 6 - nhóm 8). Vụ việc đã được Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh và UBND xã Yên Thắng chủ động phát hiện và đang tiến hành kiểm tra, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước tình trạng phá rừng trái phép tại xã Yên Thắng gây bức xúc trong dư luận, đề nghị ngành kiểm lâm tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng để sớm truy tìm các đối tượng vi phạm và xử lý nghiêm theo pháp luật. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân thuộc ngành kiểm lâm, chính quyền và chủ rừng để xảy ra tình trạng phá rừng nêu trên và xử lý nghiêm theo quy định nhằm răn đe, nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng. Tiếp tục rà soát xem xét năng lực, trách nhiệm của các chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng, nếu thực tế không bảo vệ an toàn được diện tích rừng đã giao, đề nghị các ngành chức năng thu hồi giao cho các chủ rừng khác đảm bảo đủ năng lực, trách nhiệm để bảo vệ rừng tốt hơn. Về lâu dài, để ngăn chặn tình trạng khai thác rừng trái phép ở địa bàn xã Yên Thắng cũng như toàn tỉnh, trước hết tăng cường công tác tuyên truyền về pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Xác định các vùng rừng trọng tâm, trọng điểm để phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra rừng, đặc biệt là các khu rừng còn giàu tài nguyên, khu vực giáp ranh để ngăn chặn tình trạng khai thác rừng trái phép. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, trên cơ sở đó để răn đe, giáo dục, phòng ngừa. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để quản lý, bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường bền vững...


Thùy Dương - Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]