(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện “Đề án sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” của UBND tỉnh, số người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn tỉnh giảm xuống, cùng với đó, một người sẽ kiêm nhiệm nhiều chức danh trong thôn. Khối lượng công việc nhiều, tuy nhiên, chế độ phụ cấp còn thấp chưa đảm bảo đời sống kinh tế cho những người làm kiêm nhiệm dẫn đến việc khó thu hút người có trình độ, năng lực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi một người kiêm nhiệm nhiều chức danh

Khi một người kiêm nhiệm nhiều chức danh

Ông Lê Ngọc Hợi, bí thư, trưởng thôn Vĩnh Gia 2, xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) đang phổ biển các chính sách pháp luật đến người dân.

Thực hiện “Đề án sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” của UBND tỉnh, số người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn tỉnh giảm xuống, cùng với đó, một người sẽ kiêm nhiệm nhiều chức danh trong thôn. Khối lượng công việc nhiều, tuy nhiên, chế độ phụ cấp còn thấp chưa đảm bảo đời sống kinh tế cho những người làm kiêm nhiệm dẫn đến việc khó thu hút người có trình độ, năng lực.

Cần chế độ phụ cấp hợp lý

Việc sáp nhập thôn, tổ dân phố cùng với nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố, ngoài nâng cao hiệu quả hoạt động của chi bộ đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, tinh gọn bộ máy còn là cơ sở để sửa phụ cấp cho bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố theo hướng tăng lên. Tuy nhiên, hiện nay, phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách kiêm nhiệm còn thấp, trong khi khối lượng công việc nhiều hơn.

Xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa trước đây có 7 thôn, sau khi sáp nhập còn 4 thôn gồm: Thôn Vĩnh Gia 1, Vĩnh Gia 2, Vĩnh Gia 3 và Phượng Mao. Sau khi sáp nhập thôn, thì số lượng công việc (căn cứ vào số lượng hộ dân, nhân khẩu, địa giới hành chính) mà cán bộ thôn phải đảm nhiệm tăng lên so với trước. Khối lượng công việc tăng lên, nhưng người làm thì lại tinh gọn lại, nghĩa là trưởng thôn phải kiêm nhiệm bí thư chi bộ khiến cho người giữ vị trí này bước đầu gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Ngọc Hợi, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Vĩnh Gia 2, xã Hoằng Phượng, cho biết: Thôn Vĩnh Gia 2 có 320 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu. Công việc ở thôn khá nhiều và vất vả bởi phải làm cả 2 chức danh. Mọi việc lớn nhỏ trong thôn đều gọi đến bí thư và trưởng thôn giải quyết. Khối lượng công việc lớn, tuy nhiên, mỗi tháng tôi được phụ cấp chức danh bí thư là 1.250.000 đồng và phụ cấp trưởng thôn được thêm hơn 300.000 đồng. Với mức phụ cấp này, trừ tiền điện thoại, xăng xe, mỗi tháng số tiền phụ cấp ít ỏi của tôi cũng chẳng còn được bao nhiêu.

Cũng theo ông Hợi, người kiêm nhiệm ở thôn, muốn làm tốt “hai vai” trước hết phải tâm huyết, nhiệt tình với công việc của chi bộ, của thôn, bên cạnh đó cần phải có phương pháp làm việc khoa học, tránh lẫn lộn công việc, có như vậy mới chỉ đạo hiệu quả. Ngoài ra, làm nhiệm vụ kiêm nhiệm phải có sức khỏe, năng lực lãnh đạo và quản lý điều hành, phải am hiểu công tác Đảng, có kinh nghiệm, uy tín cao trong Đảng, trong dân.

Bên cạnh những chức danh có phụ cấp, nhiều chức danh không chuyên trách không có phụ cấp khiến cho người đảm nhiệm những công việc này cũng vất vả. Anh Nguyễn Đức Bốn, phó bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận và thôn đội trưởng thôn 4, xã Hoằng Phượng, chia sẻ: Tôi kiêm nhiệm 3 chức danh nhưng mức phụ cấp chỉ nhận được 850.000 đồng từ chức danh thôn đội trưởng. Mặc dù mức phụ cấp thấp nhưng chúng tôi vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo lòng tin của nhân dân trong thôn.

Ông Lê Ngọc Hà, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phượng, cũng cho biết: Xã Hoằng Phượng bắt đầu thực hiện sáp nhập thôn năm 2018. Sau khi tiến hành sáp nhập, có các chức danh phải kiêm nhiệm, gồm: Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, phó bí thư kiêm trưởng ban công tác mặt trận và thôn đội trưởng... Qua đánh giá, những chức danh kiêm nhiệm tại 4 thôn của xã Hoằng Phượng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi kiêm nhiệm, khối lượng công việc tăng lên, vất vả hơn rất nhiều nhưng phụ cấp cho những chức danh kiêm nhiệm còn thấp nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc, khó thu hút người trẻ có năng lực. Chúng tôi đề nghị, cấp trên xem xét thực tế công việc để có những mức hỗ trợ phù hợp, giúp đảm bảo đời sống cán bộ, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của người làm, đồng thời là động lực để thu hút những người có năng lực, trình độ và người trẻ tham gia đóng góp cho quê hương.

Lựa chọn người có năng lực

Khó khăn nhất vẫn là lựa chọn những người có thể đảm nhiệm được hai trọng trách. Vì đảng viên ở nông thôn đa số tuổi cao. Một số nơi có đảng viên đang trong độ tuổi lao động, chi bộ có giới thiệu, nhưng vì uy tín thấp nên nhân dân không tín nhiệm. Bên cạnh đó, đa số thanh niên đến tuổi trưởng thành phần lớn vào đại học, tham gia nghĩa vụ quân sự, đi làm ăn xa, số ở lại chủ yếu là phụ nữ, người cao tuổi và trẻ em.

Theo ý kiến của nhiều người đang đảm đương các chức danh kiêm nhiệm này cho thấy, để phát huy và nhân rộng hiệu quả của các chức danh kiêm nhiệm vẫn phải bắt đầu từ công tác lựa chọn cán bộ. Người làm tốt kiêm nhiệm là người phải có năng lực và tâm huyết với nhiệm vụ được giao.

Huyện Thọ Xuân là một trong những địa phương có số thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách lớn trong tỉnh. Trước khi thực hiện sáp nhập, huyện Thọ Xuân có 400 thôn, tổ dân phố trên địa bàn và 2.337 người hoạt động không chuyên trách. Do có số lượng người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố nhiều, với bình quân 10 người hoạt động không chuyên trách và trưởng các chi hội ở một thôn, tổ dân phố. Để giảm số người hoạt động không chuyên trách, sau khi sáp nhập thôn, huyện Thọ Xuân đã bố trí kiêm nhiệm đảm bảo phù hợp về năng lực, trình độ. Mỗi thôn, tổ dân phố bố trí không quá 3 người; có 7 chức danh (bí thư chi bộ, phó bí thư chi bộ, trưởng thôn, phó trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, công an viên, thôn đội trưởng). Ưu tiên nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ với trưởng thôn. Đến nay, có 123 thôn, tổ dân phố đã kiện toàn xong, còn 4 thôn, tổ dân phố chưa kiện toàn xong; 85/127 thôn đã bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn.

Anh Lê Chi Tuyên, bí thư chi bộ, trưởng thôn 4, xã Xuân Thành, huyện Thọ Xuân, chia sẻ: Thôn 4 được sáp nhập từ thôn 6 và thôn 7. Sau sáp nhập, tôi được bầu kiêm nhiệm 2 chức danh. Công việc kiêm nhiệm vất vả hơn nhưng phụ cấp còn thấp, chưa đảm bảo được đời sống cho cán bộ làm việc. Trong khi đó, hiện nay lao động đi làm thuê công nhật cũng từ 200.000 đồng/ngày. Tôi mong ngành chức năng xem xét nâng mức phụ cấp cho những người kiêm nhiệm hoạt động không chuyên trách; có chế độ hỗ trợ đóng BHYT, BHXH đối với người có tuổi đời còn trẻ... có như vậy mới tạo điều kiện thu hút những người trẻ tuổi, có năng lực, trình độ làm việc ở những chức danh này.

Ông Hà Đình Thuần, Chủ tịch UBND xã Xuân Thành, cho biết: Xã Xuân Thành từ 8 thôn sáp nhập còn 5 thôn. Việc phân công chức danh kiêm nhiệm cũng gặp những khó khăn khi phải lựa chọn người đủ tiêu chuẩn với nhiệm vụ “2 trong 1 hoặc 3 trong 1”. Người đạt yêu cầu chức danh này nhưng lại không đạt yêu cầu với chức danh khác, dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao. Vì vậy, một số thôn vẫn phải duy trì cán bộ kiêm nhiệm và không kiêm nhiệm. Đặc biệt, nhiều chức danh lại không có phụ cấp khiến nhiều người không thiết tha làm việc dù được lựa chọn. Chúng tôi phải vận động, động viên để họ cố gắng làm việc với hy vọng sau này sẽ có chính sách phù hợp hơn tương xứng với công sức mà họ cống hiến.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thọ Xuân, cho biết thêm: Việc sáp nhập thôn, tổ dân phố góp phần thu gọn đầu mối, tinh giản số lượng người hoạt động không chuyên trách, giảm số tổ chức chính trị xã hội, qua đó sẽ giảm chi ngân sách Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư cho thôn, tổ dân phố, từng bước nâng phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, quy mô tổ chức đảng và dân số tăng nhưng chế độ phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách vẫn chưa tăng, điều này cũng gây khó khăn cho việc bố trí, sắp xếp những người hoạt động không chuyên trách sau khi sáp nhập. Trước khó khăn trên, huyện Thọ Xuân đã có báo cáo, đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy định về số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách, mức khoán đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố mới sau khi sáp nhập.

Theo báo cáo của Phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ, tháng 7-2017 (trước khi sáp nhập) toàn tỉnh có 5.971 thôn, tổ dân phố và 35.600 người hoạt động không chuyên trách. Đến thời điểm hiện nay, đã sáp nhập còn 4.393 thôn, tổ dân phố; giảm gần 1.600 thôn, tổ dân phố và khoảng 10.000 người hoạt động không chuyên trách.

Hoàng Giang


Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]