(Baothanhhoa.vn) - Không ít người quan niệm rằng, nghề nông là nghề “chân lấm tay bùn”, khó nhọc mà hiệu quả kinh tế thấp. Nhưng với suy nghĩ “ngược dòng”, chàng trai trẻ Dương Văn Khoa (sinh năm 1989) ở miền núi Cẩm Thủy lại cầm tấm bằng kỹ sư công nghệ về quê làm... nông dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi kỹ sư công nghệ làm... nông dân

Không ít người quan niệm rằng, nghề nông là nghề “chân lấm tay bùn”, khó nhọc mà hiệu quả kinh tế thấp. Nhưng với suy nghĩ “ngược dòng”, chàng trai trẻ Dương Văn Khoa (sinh năm 1989) ở miền núi Cẩm Thủy lại cầm tấm bằng kỹ sư công nghệ về quê làm... nông dân.

Khi kỹ sư công nghệ làm... nông dân

Ớt chỉ thiên là một trong những loại cây được Dương Văn Khoa đưa vào mục “đa dạng hóa” cây trồng.

Học công nghệ, về trồng cây

Trong chuyến công tác về miền Tây xứ Thanh, chúng tôi may mắn được gặp chàng kỹ sư công nghệ Dương Văn Khoa, thôn Song Nga, xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy để nghe câu chuyện bắt đất cằn “nở hoa”.

Sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp có 3 anh em, Khoa là anh cả. Chính vì vậy, Khoa luôn nuôi ý chí làm sao để thoát được khỏi cái đói, cái nghèo. Sau khi tốt nghiệp THPT, thi đậu vào Trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội, học được 2 năm thì Khoa bỏ học giữa chừng. Sau đó, em thi sang Học viện Quản lý giáo dục, ngành công nghệ thông tin. Năm 2013 cầm tấm bằng đại học trên tay, Khoa được nhận vào làm cho một công ty tư nhân với mức lương tương đối ổn định. Đi làm được 2 năm, Dương Văn Khoa sang Israel du học.

Tại những điểm đến, Khoa thấy rất ấn tượng với các mô hình hay trong sản xuất nông nghiệp, nhất là những cánh đồng dưa bạt ngàn. Ngắm nhìn sắc vàng của những trái dưa, Khoa đã nhận ra niềm đam mê thật sự của mình. Năm 2016, Khoa quyết định từ bỏ công việc của một kỹ sư công nghệ vốn là niềm mơ ước của nhiều người để về quê theo đuổi ước mơ được làm nông dân trồng dưa.

Khoa bộc bạch: “Hồi đó, bố mẹ ngăn cản lắm, vì từ nhỏ, em chưa làm nông, chưa chịu khổ bao giờ và ngành mình học không liên quan nhiều đến nông nghiệp. Em phải phân tích, kiến thức đại học giúp mình rất nhiều trong quá trình sử dụng các loại máy móc, thiết bị, áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Vả lại, trong thời gian em học ở nước ngoài, em được làm thêm ở một trung tâm nghiên cứu giống cây trồng. Ở đây, họ trồng giống dưa vàng, ăn rất ngon, hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình làm việc ở đây, em cũng học lỏm được ít kỹ thuật, mặt khác em tự nghiên cứu, học thêm kiến thức ở trên mạng, sách báo... rồi quyết định về quê thực hiện ước mơ của mình”.

Hướng tới một nền nông nghiệp sạch

Nói thì dễ, nhưng từ ý tưởng đến thực hiện không hề dễ dàng. Với ít vốn chắt chiu được sau mấy năm làm việc, Khoa vay thêm bạn bè, người thân rồi về nhà xin bố mẹ cho mượn đất trồng dưa. Với kiến thức thu lượm được từ thực tế những năm vừa học, vừa làm ở Israel, ban đầu khi mới bắt tay vào làm, Khoa chỉ trồng thử nghiệm hơn 500m2 dưa Kim Hoàng hậu.

Vụ dưa đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm thực tiễn, lại mưa nhiều nên nấm, sâu bệnh liên miên... Dưa được khoảng 40-45 ngày thì thối sạch. Vụ đầu tiên Khoa trắng tay. Thời gian đó, bị khủng hoảng, mất ngủ hàng đêm vì lo, vì suy nghĩ, Khoa muốn bỏ tất cả. Nhưng rồi suy nghĩ, nhớ lại lý do bắt đầu, chàng trai trẻ lại càng thêm quyết tâm hơn. Anh lên mạng tìm đọc về kỹ thuật trồng dưa, rồi cần mẫn đến học hỏi kinh nghiệm từ các chủ vườn dưa lớn ở Thái Nguyên, Nam Định... từng bước ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Khi được hỏi: Có khi nào Khoa thấy tiếc vì đã từ bỏ công việc của kỹ sư công nghệ để về làm nông dân không? Dương Văn Khoa, thẳng thắn chia sẻ: “Những năm tháng đi học, đi làm của em không hề uổng phí. Đó là khoảng thời gian giúp em trưởng thành hơn, hiểu biết hơn, tích lũy được nhiều kiến thức, vốn sống cho bản thân. Đi đến nhiều miền đất mới, em mới nhận thấy niềm đam mê thực sự của bản thân để theo đuổi. Không phải người trẻ nào cũng trồng được dưa. Bởi, trồng dưa không phải chỉ áp dụng theo công thức mà cần phải có cả kinh nghiệm sống, phải yêu thì mới có thể chăm sóc nó tốt được”.

Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, Khoa quyết định mở rộng diện tích với đa dạng hóa cây trồng, đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Không phải đi chợ bán dưa như nhiều hộ dân khác mà được thương lái các nơi đến trực tiếp mua tại vườn. Nhiều khách hàng đã quen chỉ cần gọi điện thoại để Khoa gửi dưa theo xe ô tô khách đi các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình...

Ngoài dưa Kim Hoàng hậu, Khoa còn mở rộng diện tích trồng thêm cà chua, ớt chỉ thiên... Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, thu nhập từ vườn dưa của Khoa cũng đạt hơn 100 triệu đồng, giải quyết công ăn việc làm cho 4 lao động tại địa phương, với mức lương từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.

Theo chia sẻ của Khoa, hiện tại anh đã đầu tư khoảng 2.000m2 hệ thống nhà màng, 2.500m2 hệ thống tưới nhỏ giọt, có thể nâng lên tổng diện tích khoảng 1 ha. Anh đang hướng tới thực hiện dự án sản xuất rau quả sạch, bằng phương pháp thủy canh nhỏ giọt, thủy canh hồi lưu NFT để sản xuất, nâng cao hiệu quả trồng dưa lê, dưa lưới, cà chua, cải thảo, cải bắp... nhằm góp phần thay đổi phương pháp canh tác truyền thống; nâng cao hiệu quả canh tác, sản xuất nông nghiệp; tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương... Hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch.

“Trên thực tế, có không ít sinh viên sau khi học xong đại học quyết bám trụ lại thành phố để làm việc. Hoặc vì điều kiện, hoàn cảnh khó khăn của gia đình, nhiều thanh niên nông thôn đã chọn con đường ly hương để đến các thành phố lớn làm thuê. Trong khi ở quê, nếu biết tận dụng những lợi thế của địa phương thì cũng không khó để làm giàu”, Khoa bộc bạch.

Bài và ảnh: Hoài Thu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]