(Baothanhhoa.vn) - Di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng Gác chuông chùa Trần, thôn Kim Liên, xã Hà Ngọc (Hà Trung) được xếp hạng cấp tỉnh năm 2006. Nơi đây, ngày 10-10-1930, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện được thành lập, gồm 5 đồng chí Nguyễn Xuân Phương, Nguyễn Văn Huệ, Mai Tự Cường, Đào Xuân Tỵ, Đào Văn Nghinh (đồng chí Nguyễn Xuân Phương được bầu làm Bí thư Chi bộ).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi di tích cách mạng được quan tâm đúng mức

Di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng Gác chuông chùa Trần, thôn Kim Liên, xã Hà Ngọc (Hà Trung) được xếp hạng cấp tỉnh năm 2006. Nơi đây, ngày 10-10-1930, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện được thành lập, gồm 5 đồng chí Nguyễn Xuân Phương, Nguyễn Văn Huệ, Mai Tự Cường, Đào Xuân Tỵ, Đào Văn Nghinh (đồng chí Nguyễn Xuân Phương được bầu làm Bí thư Chi bộ).

Khi di tích cách mạng được quan tâm đúng mức

Nhà bia di tích cách mạng Gác chuông chùa Trần, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung.

Do thiên nhiên bào mòn, chiến tranh tàn phá hủy hoại, chùa Trần (tên chữ là Phúc Linh Tự) chỉ còn lại gác chuông 2 tầng 8 mái cánh cong, góc phía trên bị sạt, một ban thờ lộ thiên, một ít đồ thờ, tượng phật, 3 tháp xá lỵ rêu phong. Nhân dân, phật tử địa phương thường xuyên đến dâng hương lễ phật theo nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên, nay là Đảng bộ huyện Hà Trung (10-10-1930 – 10-10-2000), huyện cho tu bổ, tôn tạo di tích để kịp phục vụ lễ kỷ niệm trọng thể nói trên. Công việc tu bổ tôn tạo gồm: Giữ nguyên kiến trúc gác chuông và hoàn thiện phần bị hư hại; sơn mới và viết lại chữ đại tự, câu đối chữ nho hai bên mặt trong và mặt ngoài gác chuông; xây mới 2 nhà bia 2 tầng mái cong lợp ngói mũi tại vị trí hai bên phía sau gác chuông; xây mới 1 tấm bia bằng gạch, trát xi măng, văn bia bằng chữ Việt in hoa khắc chìm vào mặt bia với nội dung ghi danh tính các chiến sỹ cộng sản và tóm tắt sự kiện thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện, thời gian trùng tu tôn tạo di tích; san lấp mặt bằng xây lại cổng ra vào, tường rào bằng gạch bảo vệ khuôn viên di tích, với số tiền từ 700 – 800 triệu đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đây là lần tôn tạo di tích đầu tiên và cũng là duy nhất kể từ năm 2000 đến nay.

Những năm gần đây, chính quyền và nhân dân xã Hà Ngọc đã phối hợp với trụ trì chùa bảo vệ di tích, quyên góp tiền, vật tư ủng hộ công đức xây mới ngôi chùa 5 gian, mái lợp ngói đỏ; sửa sang cung mẫu, đúc chuông, công trình phụ trợ (đèn chiếu sáng, làm sân, ao chùa, trồng cây xanh, trồng hoa, cây cảnh,...) với số tiền từ 1 – 1,5 tỷ đồng, làm cho không gian trang nghiêm, sáng đẹp để chức sắc phật giáo tu hành được thuận lợi và từng bước đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo ở địa phương. Tuy nhiên, trên diện tích đất đai 2000 m2 hiện nay mới chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu trùng tu, tôn tạo các hạng mục công trình thờ tự của chùa Trần.

Khi di tích cách mạng được quan tâm đúng mức

Bia ký dựng tại di tích gác chuông chùa Trần, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung

Trong số 72 di tích danh thắng toàn huyện đã được xếp hạng, di tích Chiến khu Bãi Sậy, điểm di tích Đò Lèn chiến thắng, Gác chuông chùa Trần là 3 di tích cách mạng được xếp hạng cấp tỉnh. Nếu đem so sánh với các di tích khác thì việc phát huy giá trị tại các di tích này còn khá nhiều hạn chế, đó là: Hàng năm người đến tham quan thường xuyên rất ít, thậm chí đi qua không biết đây là gì, không có người giới thiệu, không có tài liệu, tờ gấp giới thiệu về lý lịch di tích, việc chăm sóc chỉnh trang làm mới cảnh quan di tích không được thường xuyên, hiện vật trưng bày ngoài trời mau xuống cấp thậm chí hư hỏng nhưng việc thay thế, chỉnh trang chưa kịp thời… Lại nói thêm về di tích Gác chuông chùa Trần, sau hai chục năm, chữ trên mặt tấm bia đã mờ, mặt bia loang lổ rất khó đọc.

Từ khi di tích Gác chuông chùa Trần được tôn tạo, hàng năm vào ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên hoặc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ Đảng bộ huyện, Huyện ủy, HĐND, UBND, MTTQ, các ban ngành, đoàn thể huyện và địa phương (nơi có di tích) thường tổ chức lễ báo công trước các vị tiền bối cộng sản của huyện và dâng hương lễ phật tại chùa…và chỉ “lặp lại” như vậy thì chưa đáp ứng yêu cầu quan trọng về phát huy giá trị đích thực của di tích.

Với mục đích tu bổ tôn tạo Gác chuông chùa Trần đúng với tầm vóc, vị trí, ý nghĩa và giá trị là một di tích cách mạng trọng điểm của huyện, nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ đảng viên và nhân dân trong huyện. Mặt khác, sắp tới để kịp thời phục vụ lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập chi bộ đảng cộng sản đầu tiên của huyện, di tích cần phải được quy hoạch, mở rộng không gian, thiết kế…để khi trùng tu, tôn tạo đảm bảo quy định của nhà nước và pháp luật hiện hành.

Khi di tích cách mạng được quan tâm đúng mức

Tượng đài di tích cách mạng Chiến khu Bãi Sậy, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung.

Do liên quan vấn đề sử dụng đất đai nên chính quyền huyện và xã có di tích chịu trách nhiệm thực hiện chức năng nhiệm vụ thuộc thẩm quyền. Về việc tôn tạo, xây dựng mới các công trình kiến trúc văn hóa trong khu di tích cần thiết có sự hướng dẫn, phối hợp của các cơ quan chuyên môn cấp trên giúp đỡ để hiện thực hóa. Tương tự, cấp huyện và cấp tỉnh đã làm rất tốt việc bảo lưu, trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị di tích cách mạng. Trước mắt và trong thời gian tới, huyện có thể lựa chọn một trong các phương án: Xây dựng “nhà lưu niệm”, “phòng trưng bày truyền thống”, dựng “tượng đài”, “nhà bia”… vừa có yếu tố tính chính trị, một không gian văn hóa, vừa mang tính khoa học… Theo đó, phát động trong cán bộ đảng viên và nhân dân, sưu tầm cung cấp tư liệu, hiện vật, di vật, hình ảnh, kỷ vật, tài liệu… liên quan để phục vụ cho công tác trưng bày, giới thiệu nhân vật, sự kiện, quảng bá hình ảnh sự kiện…sau khi khi di tích hoàn thành và phát huy tác dụng; đồng thời, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, hướng dẫn giúp đỡ của cơ quan chuyên môn các cấp hỗ trợ để thực hiện.

Nói thì dễ nhưng làm khó hơn nhiều, nhất là vấn đề kinh phí, lấy ở đâu, cấp nào chịu trách nhiệm, khi nào tổ chức thực hiện. Chìa khóa để “mở cửa” chính là các chỉ thị, pháp lệnh của Đảng và Chính phủ về thực hiện “quy chế dân chủ ở cơ sở”, “quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”, các quy định khác…; đồng thời vận dụng bài học xã hội hóa đã được áp dụng rất có hiệu quả trên thực tế ở các nơi và ngay trên địa bàn huyện nhiều năm qua, như Bác Hồ đã nói: “dân là gốc”, “dễ trăm lần không dân cũng chịu/khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vì vậy, trước hết cấp ủy, chính quyền địa phương phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và có sự quan tâm đúng mức đến lĩnh vực này, thứ đến là ngân sách nhà nước hỗ trợ cho sự nghiệp văn hóa để chống xuống cấp di tích, đồng thời vận động cán bộ đảng viên trong huyện, người địa phương đang ở xa quê ủng hộ, cùng với các doanh nghiệp hỗ trợ, mời gọi nhà đầu tư, người hảo tâm… công đức cùng tham gia thực hiện nhất định sẽ thành công.

Để các nghị quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch sớm đi vào cuộc sống, công tác bảo vệ trùng tu tôn tạo di tích, đặc biệt là di tích cách mạng, trong đó đặc biệt chú ý tới di tích cách mạng Gác chuông chùa Trần cần phải được quan tâm đúng mức, thiết thực, hiệu quả hơn. Để nơi đây vừa là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ đảng viên và nhân dân, vừa giữ gìn phát huy giá trị bản sắc văn hóa địa phương, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Có xưa mới có nay, vì nay mà trọng xưa” là muốn nhắc nhở mỗi người phải biết tôn trọng những thành quả, giá trị thế hệ trước đã tạo nên, biết kế thừa và phát huy truyền thống ông cha trong thời kỳ đổi mới đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Lê Như Cương


Lê Như Cương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]