(Baothanhhoa.vn) - 1.360 hộ bị ngập lụt, hơn 60 ha lúa bị thiệt hại, 10.000 con gia cầm bị lũ cuốn trôi hoặc nhấn chìm…

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi cơn lũ đi qua…

1.360 hộ bị ngập lụt, hơn 60 ha lúa bị thiệt hại, 10.000 con gia cầm bị lũ cuốn trôi hoặc nhấn chìm…

Nhiều gia đình gồng mình dọn dẹp, nạo vét bùn đất trong nhà.

Đó là những con số sơ bộ về tình hình thiệt hại của người dân xã Cẩm Phong (Cẩm Thủy) sau đợt lũ lụt từ ngày 30 - 8 đến 1-9.

Đã 4 ngày lũ đi qua, nhưng con đường về xã Cẩm Phong vẫn còn ngập trong bùn đất, 2 bên đường là những ruộng lúa gãy rạp. Chứng kiến cảnh tượng hoang tàn bao phủ từng ngọn cây, bờ cỏ, mái nhà, ngõ xóm sau những ngày lũ rút, ít ai nghĩ rằng, một miền quê yên bình và nên thơ với những mái nhà nằm san sát nhau... bên dòng sông Mã lại hứng chịu sự tàn phá nặng nề của thiên nhiên đến vậy.

Ngồi trên chiếc xe máy đời cũ của anh Vũ Ngọc Trung, cán bộ địa chính xã Cẩm Phong đi trên con đường ngập ngụa bùn đất vào những thôn chịu thiệt hại nặng nề nhất do lũ gây ra, hai chân anh Trung phải dang rộng ra hai bên, cố giữ thăng bằng để bánh xe không trượt khỏi mặt đường. Sau lũ, rác thải, bùn đất vẫn còn hiện hữu trên từng con đường, khu vườn, khoảng sân… Bộ đội, dân quân tự vệ, người dân…ra sức dọn dẹp, di chuyển đồ đạc về vị trí cũ.

Ngoài cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn, nhiều gia đình cũng bị thiệt hại về kinh tế khá lớn, đặc biệt là các hộ kinh doanh, chăn nuôi.

Những khuôn mặt bờ phờ, mệt mỏi vì những ngày chạy lũ, giờ đây đang phải gồng mình vật lộn với đống bùn đất từ nhà ra sân, từ sân ra vườn. “Lũ lên nhanh quá! Chúng tôi không kịp bảo vệ tài sản” – đó là câu đầu tiên chúng tôi nhận được từ người dân khi hỏi thăm về cơn lũ. Vẫn biết thiên tai thì không thể tránh khỏi, nhưng giá mà nó tới “thưa” ra cho bà con còn có sức mà “chiến đấu”, mà hồi sinh. Chỉ chưa đầy 1 tháng, người dân xã Cẩm Phong phải “đón” tới 3 đợt lũ đổ về. 2 lần trước, vết bùn đất vẫn còn in dấu. Đợt lũ vừa qua, được người dân Cẩm Phong gắn cho hai từ “lịch sử”. “Lịch sử” bởi những cái “nhất”. Dòng lũ thất thường nhất, nước dâng lên cao nhất, sức tàn phá nặng nề nhất… Cơn lũ đổ về xã Cẩm Phong nhanh, mạnh, dữ dằn như dòng thác mùa mưa giữa đêm. Nước lên nhanh đến mức người dân chỉ kịp chạy lấy người. Kèo cột oằn mình, kêu răng rắc. Tiếng bước chân rầm rập, tiếng la ó, hò hét, trẻ con khóc, tiếng kẻng, tiếng còi cứu hộ từ ca nô của bộ đội…vang lên. Chỉ trong một đêm, nước lũ đã cuốn trôi, nhấn chìm không biết bao tài sản, khiến người dân tay trắng.

Thanh niên được huy động dọn dẹp để bảo đảm phòng trừ các loại dịch bệnh sau lũ.

Vừa dùng chổi chà lên bức tường trong căn nhà ố màu bùn đất, bà Nguyễn Thị Lanh, thôn Nghĩa Dũng, nói trong nước mắt: “Các con đi làm ăn xa, hai ông bà chỉ kịp dắt theo đứa cháu ngoại hơn 4 tuổi, ôm theo mớ quần áo và ít gạo rồi chạy, nhà cửa, lợn gà đành phó mặc cho trời đất. Chiều 2-9, cả nhà dắt díu nhau về thì tất cả đã tan hoang, lợn gà đều bị lũ cuốn trôi đi cả!”.

Tại thôn Cửa Hà 2, chị Bùi Thị Kim Oanh vừa dọn dẹp nhà cửa, vừa tranh thủ khiêng bao lúa 50 kg đổ ra phơi trên tấm nhựa trước sân. Chị giãi bày "Đây là lúa giống nhưng giờ phải đem xay để lấy gạo ăn cho cả nhà. Gia đình có 2 sào lúa gần sông thì đã ngập úng. Hai con lợn mẹ cùng một đàn lợn con và hơn 100 con gà cũng trôi theo dòng nước lũ. Nhìn bọn trẻ chuẩn bị vào năm học mới mà chưa sắm cho con được gì, thấy tội quá..."

Cũng như gia đình chị Oanh, chị Bùi Thị Bích Phương thôn Nghĩa Dũng vừa vay được 50 triệu đồng từ người thân đầu tư mua sách vở, đồ dùng học tập dự tính để phục vụ cho nhu cầu học tập của học sinh trong năm học mới thì cũng bị cơn lũ dữ càn quét. Chị cho biết: “Ở đây hàng chục năm, tôi chưa từng trải qua cơn lũ nào lớn như thế, may còn giữ được mạng sống”.

Vẫn còn bề bộn, ngổn ngang sau lũ.

Càng đi sâu về gần mép sông, lớp bùn càng dày lên, xắn quần lội trong bùn đất, chúng tôi thấy những ngôi nhà bị “nhuộm” nâu vì bùn. Những bức tường bị xô đổ bởi sức nước. Vài chiếc xe đạp, xe máy bị bùn vùi lấp nằm trơ trọi. Đám trẻ con ngơ ngác đừng nhìn cảnh tượng hoang tàn sau lũ. Ngay cạnh Trường Tiểu học Cẩm Phong, người chủ cửa hàng tạp hóa đang loay hoay vớt vát những mặt hàng còn có thể sử dụng, để cứu vãn hàng trăm triệu đồng tiền vốn đã bỏ ra. Tôi hỏi chị: Số sách vở ấy liệu còn tận dụng được không? Chị thở dài: “Nếu đem bán thì chẳng được bao nhiêu. Tôi muốn tận dụng số sách vở này để tặng lại cho lũ trẻ trong xã. Được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Thiên tai thì ai cũng khổ cả...”. Câu trả lời của chị khiến tôi thấy thật ấm lòng.

Dọc đường đi, tôi chú ý hơn tới câu chuyện của người dân nơi đây. Dường như, mẩu chuyện nào cũng chỉ quẩn quanh: “Nhà cô thiệt hại nhiều không?. Mấy thứ đồ đắt tiền không bị hư hỏng gì chứ ?”. Để rồi, kết thúc bằng những tiếng thở dài: “Thôi, của đi thay người. Còn người thì còn làm ra tài sản. Có khó khăn gì chúng ta cùng tương trợ lẫn nhau”. Quả thật, nói là làm, chính trong những thời khắc khó khăn nhất, tinh thần đoàn kết của người dân Cẩm Phong càng được phát huy rõ ràng nhất. Họ sẵn sàng hỗ trợ nhau chỗ ở, san sẻ đến từng hạt muối, hạt gạo cuối cùng; sẵn sàng lao vào hiểm nguy để cùng hàng xóm giảm bớt thiệt hại về tài sản. Để rồi, sau lũ, họ lại cùng nhau dọn dẹp đường làng, ngõ xóm. Cùng nhau khôi phục lại đời sống tinh thần cũng như kinh tế. Chỉ trong 2 ngày 30-8 và 1-9 đã có 8 địa điểm nấu cơm được hình thành với 16.400 suất cơm chuyển đến tận tay những gia đình bị ảnh hưởng của lũ. Mỗi ngày, tại trụ sở UBND xã Cẩm Phong, danh sách số người ủng hộ, góp sức cùng địa phương khắc phục sau lũ vẫn ngày một dài hơn. Như lời ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phong khẳng định: “Dù khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nhất định nhân dân Cẩm Phong sẽ vượt qua”.


Nguyễn Trường - Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]