(Baothanhhoa.vn) - Khi mơ ước và nguyện vọng của sĩ tử cùng những kỳ vọng của gia đình phải tạm dừng bước trước cánh cổng của trường đại học thì sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra. Và, đừng vì điều này mà chán nản, bởi thành công thực sự chỉ mỉm cười với những ai biết chấp nhận thất bại và rút ra bài học sau những lần vấp ngã.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi cánh cửa đại học đóng lại, sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra

Khi mơ ước và nguyện vọng của sĩ tử cùng những kỳ vọng của gia đình phải tạm dừng bước trước cánh cổng của trường đại học thì sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra. Và, đừng vì điều này mà chán nản, bởi thành công thực sự chỉ mỉm cười với những ai biết chấp nhận thất bại và rút ra bài học sau những lần vấp ngã.

Học nghề là hướng đi được nhiều bạn trẻ lựa chọn.

Khi mơ ước không thành...

Thời điểm các trường đại học lần lượt công bố điểm chuẩn cũng là lúc hàng nghìn thí sinh biết bản thân không đủ điều kiện để bước vào ngôi trường mình hằng mơ ước. Với nhiều thí sinh, vượt “vũ môn” không thành là một thử thách đầu đời mà các em khó có thể vượt qua. Một sĩ tử chia sẻ: “Đây là những ngày tồi tệ nhất mà em từng trải qua”.

Có một thực trạng đáng buồn là khoảng gần chục năm trở lại đây, vào thời điểm các trường đại học công bố điểm chuẩn thì dư luận lại bàng hoàng khi đọc được những tin đau lòng trên báo chí, chuyện sĩ tử không đỗ đại học đã quyết định “chối từ” cuộc sống của mình. Trường hợp phải kể đến đầu tiên là một thí sinh ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, tự tử vì trượt tốt nghiệp THPT. Những dòng thư để lại cho biết, em thực sự thất vọng vì điểm thi không đạt như mong muốn và rất bức xúc trước thái độ ác cảm và hành vi lạnh nhạt của mọi người trong gia đình. Em quyết định tự tử để giải tỏa tâm lý, chạy trốn những áp lực sau kỳ thi. Trường hợp khác, chỉ vì nhận được thông tin kết quả thi tốt nghiệp thiếu 0,5 điểm mà một học sinh ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đã uống thuốc sâu tự tử. Rồi tới một học sinh giỏi của Trường THPT Lê Khiết (tỉnh Quảng Ngãi) cũng uống thuốc rầy khi nghĩ mình làm bài thi đại học chưa tốt...

Những cái chết của các em ở lứa tuổi đẹp nhất chỉ vì những áp lực “vô hình” mà tuổi đời của các em chưa đủ “chín” để đưa ra quyết định đúng đắn cho tương lai, trong khi cha mẹ chưa thực sự thấu cảm và chia sẻ với thất bại của con, chưa trở thành chỗ dựa tinh thần khi các em “lỗi nhịp” trong những bước đi đầu đời.

Chưa đến mức tự tử, nhưng rất nhiều sĩ tử hằng ngày vẫn phải gồng mình đối phó với sức ép từ gia đình, bạn bè, không ít em bị stress, căng thẳng nặng nề. N.H.D., 20 tuổi, TP Thanh Hóa chia sẻ trong ấm ức: “Cả nhà em có truyền thống học trên đại học, duy chỉ có em là thi đại học 2 năm vẫn trượt. Em rất nản và ức chế mỗi khi nghĩ đến việc thi tiếp, nhưng gia đình bắt em phải tiếp tục ôn thi lại, chừng nào đỗ mới thôi. Thật sự, có ở hoàn cảnh này em mới hiểu vì sao lại có những cái chết để giải thoát khỏi ước mơ đại học”.

Với kinh nghiệm đã từng tư vấn cho đối tượng là học sinh, sinh viên “hụt hẫng” tâm lý do học hành, thi cử, Tiến sĩ Tâm lý Cao Xuân Hải, giảng viên Trường Đại học Hồng Đức, đưa ra quan điểm: “Yếu tố gia đình mà đặc biệt là cha mẹ luôn đóng một vai trò rất quan trọng. Sự quan tâm, động viên và thông cảm, thấu hiểu của cha mẹ, người thân trong gia đình sẽ tác động lớn đến hành xử của “nạn nhân” - là các em học sinh mà tuổi đời còn “non nớt”. Cha mẹ đừng vô tình tạo áp lực cho con bằng những hành động la mắng, thiếu tôn trọng các em. Bởi đôi khi, việc trẻ suy nghĩ tiêu cực xuất phát từ chính mục tiêu mà ngay cả các em và gia đình đặt ra là quá cao hoặc không thật sự phù hợp với tư chất của từng đối tượng...”.

Theo bác sĩ Trịnh Văn Anh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, trong những năm qua, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân là học sinh, sinh viên đến khám và điều trị. Thời điểm nhập viện rải rác nhưng tập trung nhất là trước và sau mùa thi. Có nhiều nguyên nhân khiến các sĩ tử trẻ tuổi phải nhập viện điều trị. Thứ nhất là do nguyên nhân nội sinh, chứng bệnh vốn đã tiềm ẩn, khi chịu sự tác động bất lợi của các yếu tố bên ngoài, bệnh sẽ được dịp phát triển. Thứ hai là do gia đình, do bạn bè quá tin tưởng, vô hình chung tạo ra áp lực, khi cảm thấy bản thân không đáp ứng được sự kỳ vọng của mọi người thì cũng sinh bệnh. Thứ ba, việc học tập quá căng thẳng, không dành đủ thời gian để ngủ, nghỉ ngơi thư giãn và dinh dưỡng không hợp lý cũng có thể làm phát bệnh.

Để giảm bớt được những trường hợp nhập viện vì bệnh này thì việc đầu tiên cần làm là tăng cường công tác tuyên truyền về sức khỏe tâm thần để mọi người hiểu rõ về nó. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một chương trình y tế, các kiến thức y tế được dạy trong các trường để học sinh, sinh viên hiểu biết thêm về các phương pháp học tập đúng đắn, biết cách giải tỏa căng thẳng, tránh lo âu, chán chường vì áp lực học hành. Đặc biệt, phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc nhận biết các biểu hiện của con cái để đưa con đi tư vấn tâm lý, điều trị kịp thời. Bác sĩ Anh khuyên: “Các bậc phụ huynh khi thấy con có thay đổi trong diễn biến tâm lý và hoạt động, như: Hay gắt gỏng, cáu kỉnh hoặc lầm lì ít nói, thờ ơ, mệt mỏi, buồn chán, căng thẳng, lo lắng quá mức, sao nhãng việc học hành, ít ngủ, mất ngủ, đau đầu, giảm tập trung chú ý, không quan tâm chăm sóc bản thân, lười nhác vệ sinh, ăn uống thất thường, có những lời nói, hành vi biểu hiện khác thường, thậm chí có ý nghĩ tiêu cực, chán sống thì cần đưa con em mình đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và điều trị”.

Đại học không phải là con đường duy nhất

Năm 2006, hãng phim Universal của Mỹ cho ra mắt bộ phim “Accepted”. Nhân vật chính của bộ phim, Bartleby Gaines, là một chàng thanh niên không được nhận vào bất cứ trường đại học nào. Để tạm thời đối phó với cha mẹ, anh ta đã giả mạo thư mời nhập học của một trường đại học không có thật. Không những thế, anh ta còn dựng lên một nơi y hệt như một trường đại học “thứ thiệt” để cùng bố mẹ đến đó làm thủ tục trong “ngày nhập trường”. Một thời gian sau, rất nhiều người trượt đại học như anh ta đã biết đến và đăng ký để được học tại “trường đại học” này. Thay vì là một sinh viên trượt đại học, Bartleby quyết định trở thành... hiệu trưởng của một trường đại học. Khi sự việc về “trường đại học” của anh bị phát hiện, anh bị kiện ra tòa án Liên bang. Và thật bất ngờ, anh đã thuyết phục được tòa án cho phép duy trì “trường đại học của những sinh viên trượt đại học”. Tòa còn xử cho anh được hỗ trợ kinh phí cho toàn bộ một năm học thử thách.

Thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm đến người xem, đó là đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào bản thân mình. Thực tế đã cho thấy có rất nhiều “Bartleby” dám nghĩ, dám làm ngoài đời thực, như: Buffett - một trong những người giàu nhất thế giới, với khối tài sản ước tính trên 50 tỷ USD. Thành công của Warren Buffett bắt nguồn từ đam mê, cay đắng và cả việc trượt Đại học Kinh doanh Harvard. Ông từng nói về thất bại này: “Khi ấy tôi nghĩ đó là một sự kiện kinh khủng nhưng sau này nó lại biến thành chuyện may. Thất bại dạy bạn phải tiếp tục kiên cường bước tiếp”. Cũng là một thanh niên bị Harvard từ chối, nhà báo nổi tiếng thế giới - Tom Brokaw, cựu Tổng Biên tập NBC Nightly News thừa nhận: “Vấp váp ban đầu đó thực sự là điểm mốc cho sự bật lên của tôi”. Thậm chí, người sáng lập Alibaba.com - một trong những website thương mại điện tử lớn nhất và thành công nhất thế giới với trị giá thị trường có lúc lên tới 26 tỷ USD, Jack Ma từng trượt đại học tới 2 lần.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, sau 4 lần thi đại học không đỗ đã nghĩ, ước mơ thoát nghèo sẽ chấm dứt và phải chấp nhận chôn vùi tuổi trẻ tại quê nhà, với con trâu, cái cày, nương rẫy và đại ngàn. Nhưng khi nhớ đến hình ảnh của mẹ, người phụ nữ miền sơn cước tần tảo nuôi 9 đứa con ăn học, ông chợt nhận ra rằng có nhiều con đường để dẫn đến thành công. Ông nói: “Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”.

Thích viết báo nhưng không đỗ vào Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong năm tuyển sinh 2016, Nguyễn Thị Trang, 21 tuổi, huyện Tĩnh Gia đã làm hồ sơ xét tuyển vào ngành học tương tự của Trường Cao đẳng Phát thanh và Truyền hình. Hiện nay, Trang đang là sinh viên năm hai và dự định sau khi tốt nghiệp cao đẳng sẽ đi làm một năm lấy kinh nghiệm rồi học tiếp lên đại học. Trang chia sẻ: “Bên cạnh sự chia sẻ từ phía gia đình, điều cốt lõi nhất chính là nỗ lực ở bản thân mỗi người, phải xác định rõ được đâu là sở thích và khả năng thực sự và phải suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định bất cứ điều gì. Bố mẹ hẳn là sẽ buồn khi con mình thi trượt, không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình. Tuy nhiên, khi bạn chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, có lập trường vững vàng, xác định kế hoạch học tập rõ ràng và quyết tâm theo đuổi con đường mà mình đã vạch ra thì trước sau gì bố mẹ cũng hiểu và thông cảm”.

Tất nhiên việc chia sẻ những câu chuyện ở trên không phải để khuyến khích các em bỏ học đại học mà để chỉ ra rằng, các em vẫn hoàn toàn có thể thành công bằng việc đi những con đường khác. Giống như một câu nói nổi tiếng của Billy Graham: “Khi của cải mất đi, chẳng có gì mất cả. Khi sức khỏe mất đi, một vài thứ mất rồi. Khi ý chí mất đi, tất cả chẳng còn gì nữa”. Khi một cánh cửa đóng lại, sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra. Điều duy nhất chúng ta cần làm, là thôi nhìn về cánh cửa đã đóng lại kia, để bước tiếp con đường phía trước. Tôi tin rằng, những thành công bị trì hoãn sẽ là những thành công lớn, để dành riêng cho những người có “ý chí lớn”.


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]