(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, ngành điện lực đã đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thôn, bản tại các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới quốc gia. Vì vậy, bà con nhân dân luôn khát khao được sử dụng nguồn điện lưới để đầu tư sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Khát”... điện lưới

Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, ngành điện lực đã đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thôn, bản tại các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới quốc gia. Vì vậy, bà con nhân dân luôn khát khao được sử dụng nguồn điện lưới để đầu tư sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.

Đường dây điện của bà con thôn Giang kéo từ thôn Chinh, xã Xuân Chinh vào với chiều dài khoảng 6 km, các cột đều làm bằng tre, luồng tạm bợ.

Thôn Giang, xã Xuân Chinh (Thường Xuân) nằm cách công sở xã khoảng 7 km, thế nhưng cuộc sống của người dân nơi đây dường như tách biệt với đời sống bên ngoài bởi sự cách trở về giao thông, cũng như không có điện lưới quốc gia để sinh hoạt, sản xuất, người dân trong thôn luôn phải sống trong cảnh đèn dầu, bếp củi. Ông Vi Văn Đảnh, trưởng thôn Giang cho biết: Toàn thôn hiện có 93 hộ dân với 403 nhân khẩu, trong đó có 65 hộ nghèo. Để có điện thắp sáng, các hộ dân trong thôn đã tự bỏ tiền ra mua dây điện, kéo điện từ thôn Chinh (cách khoảng 6 km) và thôn Hón Tỉnh, xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân (cách gần 4 km) về dùng, với chi phí đầu tư lên đến trên 10 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, vào các giờ cao điểm thì nguồn điện rất yếu, chỉ dùng thắp sáng còn không sử dụng vào các sinh hoạt khác được. Không có điện lưới quốc gia, tối đến, nhà nào biết nhà nấy. Có gia đình sắm ti vi nhưng cũng không xem được do điện quá yếu. Vì vậy, người dân thiếu thông tin, đời sống tinh thần nghèo nàn; việc học hành của con trẻ cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Thực trạng trên, không chỉ ở thôn Giang mà còn diễn ra tại nhiều thôn trên địa bàn huyện Thường Xuân. Nhiều năm qua, người dân ở các thôn chưa có điện phải dùng đèn dầu để thắp sáng hoặc dùng máy phát điện tua pin nhỏ để phát điện, tuy nhiên điện cũng phập phù do cách xa nhà và dòng nước chảy không ổn định. Thôn Đuông Bai, nằm cách trung tâm xã Xuân Lẹ khoảng 7 km cũng chưa có điện lưới quốc gia. Ông Vi Văn Chung, trưởng thôn Đuông Bai, cho biết: Thôn nằm trong diện 135, có 46 hộ dân, với 182 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Do không có điện sinh hoạt và sản xuất nên đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chiếm 75%. Năm 2016, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 72, Bộ Quốc phòng đã lập doanh trại đóng quân trên địa bàn thôn và kéo đường điện riêng về sử dụng. Đầu năm 2017, đại diện lãnh đạo xã cùng một số hộ dân trong thôn đã đến gặp chỉ huy doanh trại xin kéo nhờ điện về thôn để nhân dân có điện sinh hoạt. Theo đó, hộ nào muốn có điện sinh hoạt phải tự bỏ tiền kéo đường dây điện từ trạm điện của đơn vị bộ đội cách thôn khoảng 3,7 km về để dùng, kinh phí mỗi hộ hơn 5 triệu đồng. Vì vậy toàn thôn hiện có 24 hộ được sử dụng điện sinh hoạt của đơn vị quân đội, nhưng chỉ dùng để sinh hoạt.

“Hiện nay, đơn vị bộ đội đang bán giá điện cho chúng tôi với giá 1.600 đồng/kwh, tháng 5 vừa qua, gia đình tôi sử dụng điện để thắp sáng, nấu cơm, xem ti vi, quạt điện, hết hơn 150.000 đồng, với giá tiền điện như thế so với mức sống của người dân nơi đây là cao, nên chúng tôi mong muốn các cấp, ban, ngành quan tâm đầu tư xây dựng đường điện lưới quốc gia đến thôn cho bà con được sử dụng để bớt khó khăn hơn” ông Chung chia sẻ thêm.

Chia sẻ với những khó khăn của người dân, ông Quách Thế Thuận, Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thường Xuân, cho biết: Trên địa bàn huyện hiện nay có 7 thôn chưa có điện lưới quốc gia, gồm: Thôn Ruộng (Bát Mọt); thôn Giang (Xuân Chinh); thôn Kha, thôn Buồng (Luận Khê); thôn Đuông Bai (Xuân Lẹ); thôn Xuân Minh 1, 2 (Xuân Cao). Đây là các xã nghèo và đều thuộc diện 135 của huyện. Cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn nên việc phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa của nhân dân gặp nhiều trở ngại. Người dân các thôn chưa có điện lưới quốc gia đã nhiều lần kiến nghị với huyện, ngành chức năng sớm đầu tư đưa điện lưới quốc gia về các thôn để đời sống của các hộ dân được ấm no, văn minh hơn.

Điện lưới quốc gia là nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân. Vì thế, việc kéo đường điện lưới về các thôn, bản, nhất là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa trong tỉnh là hết sức có ý nghĩa, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn giúp người dân tiếp cận với khoa học - kỹ thuật, nâng cao dân trí. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm có những giải pháp đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia tại các thôn chưa có điện, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân.


Bài và ảnh: Tiến Đông

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]