Một cơ sở chế tác đá mỹ nghệ tại xã Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khai thác, chế biến khoáng sản và bài toán môi trường

(THO) - Bụi đá không được kiểm soát khi khai thác, chế biến, vận chuyển vật liệu xây dựng, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, khiến người dân thôn Quang Vinh, xã Đông Quang (Đông Sơn) vô cùng bức xúc.

Một cơ sở chế tác đá mỹ nghệ tại xã Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc).

Theo phản ánh của người dân, con đường liên xã chạy qua thôn Quang Vinh hàng ngày có hàng chục xe tải ra vào núi Vinh bốc đá. Xe đi đến đâu, bụi cuốn bay mù mịt đến đó. Hai bên đường, lá cây xanh cũng đổi màu bạc vì bụi. Nhà dân hầu như lúc nào cũng đóng cửa kín mít để tránh bụi lồng vào nhà, ấy vậy mà đồ đạc trong nhà từ bàn, ghế, ti vi đến xe cộ... cũng phủ một lớp bụi trắng xóa, gây xáo trộn cuộc sống sinh hoạt của người dân. Vẫn biết sống gần mỏ đá, việc bị ảnh hưởng bởi xe cộ đi lại, bởi mìn nổ, các loại máy móc là khó tránh khỏi... Tuy nhiên, chính quyền và doanh nghiệp cũng phải có giải pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường, không nên chỉ quan tâm đến lợi ích của các doanh nghiệp mà quên đi cuộc sống yên bình của người dân.

Xã Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc) là một trong những địa phương có nhiều doanh nghiệp, cơ sở khai thác, chế biến đá. Hoạt động khai thác, chế biến đá trên địa bàn xã có nhiều ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân. Đó là bụi đá và tiếng ồn ở khắp nơi, từ ngoài đường vào tận nhà dân. Ở xã đã được quy hoạch Cụm công nghiệp Vĩnh Minh với diện tích 13,8 ha để sản xuất tập trung, xa khu dân cư, thế nhưng vì cụm công nghiệp này chưa được đầu tư hạ tầng, các hộ thuê đất phải tự đầu tư san lấp mặt bằng... nên mới chỉ thu hút được 23 hộ sản xuất, chế tác tập trung. Thế là nhiều cơ sở khác vẫn hoạt động trong khu dân cư. Vì hoạt động chắp vá, không đủ diện tích, quy mô nên nước thải từ hoạt động chế biến đá của các cơ sở này vẫn không được thu gom, xử lý đúng quy trình. Ông Vũ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Minh cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 6 công ty khai thác, chế biến đá và 47 cơ sở sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ, tạo việc làm cho khoảng 1.200 lao động. Địa phương đã xây dựng phương án, tổ chức họp bàn giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tăng cường thực hiện các giải pháp phun ẩm, tưới nước. Theo kế hoạch từ tháng 11-2018, đối với các tuyến đường bị ảnh hưởng, các công ty đóng 1 triệu đồng/tháng; các cơ sở sản xuất đóng 200 nghìn đồng/tháng để thuê xe tưới nước, rửa đường 3 lần/ngày. Các doanh nghiệp cơ bản dùng phương pháp cắt dây trong khai thác đá, để hạn chế ảnh hưởng do nổ mìn... Thế nhưng trong quá trình khai thác, chế biến đá không thể tránh tình trạng bụi, tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân. Tới đây, cụm công nghiệp 30 ha ở khu vực thôn 8, 9 (cách khu dân cư 800m) sẽ được mở rộng lên diện tích 30 ha, được đầu tư, san lấp mặt bằng để kêu gọi các cơ sở chế biến tập trung..., với mục tiêu hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.

Việc khai thác khoáng sản luôn có tác động đến môi trường nhất định. Vì vậy, để hạn chế ảnh hưởng ở mức thấp nhất, các tổ chức, cá nhân trước khi được cấp phép khai thác khoáng sản phải được cơ quan chức năng hướng dẫn và phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Tất cả các điểm mỏ quy mô, có công suất lớn cần phải xây dựng báo cáo về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác và chế biến khoáng sản nhằm giảm thiểu, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Thế nhưng, theo đánh giá của ngành chức năng huyện Vĩnh Lộc, vẫn còn có doanh nghiệp có thời điểm chưa nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường như vận chuyển, khai thác đất ngày mưa; xe vận chuyển che chắn không bảo đảm làm rơi vãi vật liệu; hệ thống phun sương khi chế biến còn hạn chế, nước thải xử lý chưa triệt để. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác khoáng sản của doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, xây dựng chưa đủ hoặc chưa xây dựng các hạng mục công trình như trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.

Người dân ở thôn Quang Vinh, xã Đông Quang hay ở xã Vĩnh Minh chỉ là hai trong số nhiều địa phương đang phải hằng ngày hứng chịu những tác động từ hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản. Điều đáng buồn là ở đâu có hoạt động khai thác khoáng sản, thì ở đó môi trường bị ảnh hưởng và cơ sở hạ tầng thì xuống cấp!? Trước thực tế đó, bên cạnh việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản, các ngành chức năng cần có những giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường sống của người dân. Đừng để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản mang lợi ích về kinh tế nhưng người dân trên địa bàn có khoáng sản không được hưởng lợi mà còn phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường từ không khí, tiếng ồn, nguồn nước...


Bài và ảnh: Minh Hiền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]