(Baothanhhoa.vn) - Huyện Thọ Xuân hiện có 41.403 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 613 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) và 7.851 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Thọ Xuân làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Huyện Thọ Xuân hiện có 41.403 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 613 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) và 7.851 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB...

Trẻ em tham gia lớp kỹ năng phòng, chống đuối nước do Huyện đoàn Thọ Xuân tổ chức.

Xác định tầm quan trọng của công tác trẻ em, thời gian qua các cơ quan, ban, ngành chức năng, các đoàn thể, địa phương trong huyện đã huy động nhiều nguồn lực, tạo điều kiện để chăm lo cho trẻ em nói chung, trẻ em có HCĐB nói riêng.

Với vai trò cầu nối những tấm lòng nhân ái, từ đầu năm 2018 đến nay quỹ bảo trợ trẻ em huyện đã vận động và tiếp nhận sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, các tổ chức nhân đạo từ thiện quốc tế với tổng trị giá 126,5 triệu đồng. Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện đã triển khai xây dựng quỹ tới các xã, thị trấn. Kết quả, đã gây dựng được nguồn quỹ với số tiền 432 triệu đồng, có xã vận động được số tiền lớn như Xuân Tín 71 triệu đồng. Từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung tay hỗ trợ, giúp đỡ của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nên trên địa bàn huyện không có trẻ em nghiện ma túy, trẻ em lang thang, phải làm việc xa gia đình, vi phạm pháp luật. Số trẻ em sống trong các gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được miễn giảm học phí, được trao tặng học bổng, đồ dùng, sách vở học tập. Trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ tàn tật được tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe... Các hoạt động trên đã giúp nhiều trẻ em có HCĐB vượt qua khó khăn, có cơ hội được học tập, hòa nhập cộng đồng.

Là huyện có hệ thống sông suối, ao hồ khá nhiều, trải đều ở khắp các xã, thị trấn, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước rất cao, nhất là đối với trẻ em. Thực tế trên địa bàn huyện đã xảy ra một số vụ tai nạn thương tâm do đuối nước mà nguyên nhân chủ yếu do trẻ thiếu kỹ năng bơi lội. Vì vậy Huyện đoàn Thọ Xuân đã phối hợp với phòng lao động – thương binh và xã hội tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm hạn chế tối đa tai nạn đuối nước cho lứa tuổi thanh, thiếu nhi, cụ thể như: Tích cực tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, trên trang mạng xã hội facebook của các địa phương, đơn vị từ huyện đến cơ sở về phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước. Đồng chí Phan Thanh Dũng, bí thư huyện đoàn, cho biết: Huyện đoàn chỉ đạo tất cả các cơ sở đoàn ít nhất mỗi tháng có 1 bài tuyên truyền trên trang facebook của huyện đoàn và 2 tuần/lần trên hệ thống loa truyền thanh về phòng chống tai nạn thương tích. Tổ chức các lớp giáo dục kỹ năng phòng chống đuối nước bằng bể bơi mi-ni, lớp học bơi, lớp giáo dục kỹ năng sống, lồng ghép tuyên truyền về kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước. Lắp đặt gần 30 biển “Cảnh báo nguy hiểm đề phòng tai nạn đuối nước” tại những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra đuối nước, những khu vực không bảo đảm an toàn cho trẻ em tại 11 đơn vị trên địa bàn huyện. Thời gian tới huyện đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo 100% đoàn cơ sở xã, thị trấn tiến hành khảo sát và gắn biển mô hình “Cảnh báo nguy hiểm đề phòng tai nạn đuối nước”. Ngoài ra, để phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, huyện vừa tổ chức khai giảng được 1 lớp kỹ năng phòng chống đuối nước bằng bể bơi mi-ni cho hơn 40 thiếu niên, nhi đồng của xã Xuân Trường; 2 lớp bơi tại xã Xuân Tân và Xuân Quang; 4 lớp giáo dục kỹ năng sống lồng ghép tuyên truyền về kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em tại thị trấn Thọ Xuân và thị trấn Sao Vàng, cùng nhiều hoạt động thiết thực khác.

Thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, huyện ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 23-5-2018 tháng hành động vì trẻ em để chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai thực hiện các nội dung, thông điệp về bảo đảm an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong môi trường mạng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong môi trường công nghệ số với phương châm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân với chủ trương, chính sách bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Từ đó tích cực đóng góp nguồn lực thực hiện các chương trình, mục tiêu bảo vệ trẻ em, phòng ngừa tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích và hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em có HCĐB. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao trong dịp hè như cắm trại, lồng ghép các trò chơi dân gian, các giải bóng đá, cầu lồng, bóng bàn, bơi lội vào chương trình nhằm thu hút cũng như phát huy quyền tham gia của trẻ.

Đồng chí Trương Hùng Thanh, trưởng phòng lao động – thương binh và xã hội huyện, cho biết: Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức hằng năm chính là dịp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình trong việc thực hiện quyền được bảo vệ, được sống an toàn, lành mạnh của trẻ em. Đây cũng là dịp để đánh giá kết quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhìn nhận những mặt được và chưa được để đúc rút kinh nghiệm những tồn tại hạn chế, phát huy những kết quả đạt được cũng như đề xuất giải pháp trong thời gian tới nhằm thực hiện các quyền trẻ em; tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ngày một tốt hơn.


Bài và ảnh: Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]