Công ty TNHH May Thiệu Đô tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Thiệu Hóa đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề

(THO) - Việc xã hội hóa, thu hút sự tham gia hỗ trợ của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Công ty TNHH May Thiệu Đô tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Theo số liệu thống kê, huyện Thiệu Hóa có trên 83.170 người trong độ tuổi lao động, chiếm gần 55% dân số, trong đó lao động qua đào tạo chiếm 64%. Với mục tiêu ổn định số việc làm hiện có và tạo việc làm mới cho người lao động thông qua các hoạt động, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cũng như thúc đẩy phát triển thị trường lao động, huyện Thiệu Hóa luôn chú trọng đến việc thu thập, cập nhật thông tin về cung – cầu lao động; đẩy mạnh cung ứng lao động, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp ở nông thôn. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích các hình thức phát triển sản xuất, kinh doanh tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động. Lồng ghép triển khai các chính sách hỗ trợ tạo việc làm với chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chương trình xây dựng nông thôn mới. Kết nối thông tin việc làm giữa người sử dụng lao động với người lao động, nắm tình hình nhu cầu việc làm, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh để định hướng tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong giai đoạn 2016–2018, huyện đã tạo việc làm cho 65.850 lao động; duy trì và tạo việc làm thông qua vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm cho 94 hộ gia đình; có 4.560 người lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài và 2.478 người đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng.

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định trong giải quyết việc làm, nhưng vẫn còn nhiều lao động chưa qua đào tạo vì vậy khó có thể tìm được công việc ổn định để nâng cao thu nhập cải thiện đời sống, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người khuyết tật. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực huyện Thiệu Hóa đã đa dạng hóa các hình thức đào tạo theo hướng xã hội hóa, phù hợp với nhu cầu của người lao động, trong đó đặc biệt quan tâm đào tạo tại chỗ cho lao động nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, nông – lâm – ngư nghiệp và dịch vụ. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn được huyện thực hiện đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi và thu hút đông đảo đối tượng tham gia học nghề.

Bà Đỗ Thị Thanh, Phó trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Đóng vai trò tích cực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải kể đến doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng. Bình quân mỗi năm doanh nghiệp này nhận đào tạo và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Để tạo thuận lợi, giảm chi phí đi lại, ăn ở cho người học, doanh nghiệp cử người trực tiếp về các xã dạy nghề cho lao động nông thôn tại trung tâm học tập cộng đồng. Điều đáng nói là doanh nghiệp đã tiếp nhận dạy nghề và tạo việc làm cho hàng chục lao động là người khuyết tật, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Hay như Công ty TNHH May Thiệu Đô, hiện đang tạo việc làm cho 1.280 lao động, trong đó lao động là người địa phương chiếm 98,5%. Chị Nguyễn Thị Lan, trưởng phòng tổ chức - hành chính, công ty cho biết: Bình quân mỗi năm công ty tiếp nhận mới từ 200 đến 220 lao động. Ngoài tuyển dụng lao động có tay nghề, công ty còn nhận lao động chưa qua đào tạo để dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Có thời điểm công ty nhận đào tạo và tuyển dụng lên đến 150 lao động. Anh Tô Vinh Đệ, công nhân may gấu làm việc tại tổ may 1, chia sẻ: Năm 2012 được công ty tiếp nhận nhưng chưa biết gì về nghề may, sau hơn 1 tháng đào tạo, anh đã biết việc và được bố trí làm việc tại công ty. Hiện, anh là một trong những công nhân có tay nghề vững với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng.

Việc kết hợp dạy nghề chính quy và không chính quy, gắn kết giữa cơ sở dạy nghề của Nhà nước với tư nhân đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động. Để xã hội hóa dạy nghề ngày càng chất lượng, huyện Thiệu Hóa tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề; đa dạng hóa các phương thức đào tạo; đào tạo theo định hướng phát triển của huyện và nhu cầu phát triển của thị trường lao động. Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, mở rộng mạng lưới đào tạo nghề gắn với chính sách học nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng như tạo điều kiện để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của mình.


Bài và ảnh: Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]