(Baothanhhoa.vn) - Xác định công tác giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, những năm qua, UBND huyện  Mường Lát đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả giải pháp, các chương trình, dự án về việc làm, phát triển thị trường lao động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Mường Lát tháo gỡ khó khăn, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Huyện Mường Lát tháo gỡ khó khăn, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Nhờ thực hiện các giải pháp trong giải quyết việc làm nên bộ mặt nông thôn huyện Mường Lát ngày càng khởi sắc.

Xác định công tác giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, những năm qua, UBND huyện Mường Lát đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả giải pháp, các chương trình, dự án về việc làm, phát triển thị trường lao động.

Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Mường Lát, hiện toàn huyện có 21.194 người trong độ tuổi lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 16,6%. Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, hàng năm UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn và đơn vị liên quan điều tra, khảo sát xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người khuyết tật. Căn cứ Quyết định số 1209/QĐ-UBND ngày 5-4-2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phân bổ kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người khuyết tật thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019, huyện được tỉnh phân bổ 143,4 triệu đồng để triển khai lớp “Kỹ thuật xây dựng” tại các thôn, bản trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, UBND huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp dạy nghề ngắn hạn trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đó, tổ chức các lớp dạy nghề chăn nuôi gà và may công nghiệp thu hút hàng trăm lao động tham gia. Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tại địa phương có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và tiếp cận với các thông tin về việc làm, hằng năm Phòng LĐTB&XH huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động tổ chức các buổi tuyên truyền ở UBND xã, các buổi tư vấn ở thôn, bản. Cùng với đó, huyện tập trung chỉ đạo các xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Trong năm 2019, huyện đã giải quyết việc làm cho 191 lao động, trong đó có 130 lao động được tạo việc làm mới.

Song song với việc chú trọng giải quyết việc làm tại chỗ, huyện Mường Lát đặc biệt chú trọng công tác đưa lao động địa phương đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Theo đó, huyện phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người đi XKLĐ; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kịp thời cho người dân vay vốn đi XKLĐ. Mặt khác, UBND huyện chỉ đạo Phòng LĐTB&XH hướng dẫn thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo quy định tại Nghị quyết số 45/2017/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh và Quyết định số 869/QĐ-UBND ngày 24-3-2017 của UBND tỉnh về ban hành quy định thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2021. Theo đó, từ đầu năm UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt danh sách trợ cấp một lần đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2019 (2 đợt) cho 32 đối tượng, kinh phí thực hiện 96 triệu đồng (định mức hỗ trợ 3 triệu đồng/lao động). Hiện toàn huyện có 61 lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ả-rập Xê-út...

Trao đổi với chúng tôi chung quanh vấn đề tạo việc làm cho người lao động, ông Lưu Vũ Hiên, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện cho biết: Công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện luôn được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm với nhiều chính sách, hoạt động tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do số doanh nghiệp đóng trên địa bàn còn ít, quy mô nhỏ lẻ nên chưa khuyến khích người lao động làm việc ổn định; các dự án vay vốn dù thu hút được nhiều lao động nhưng do phần lớn đều đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chăn nuôi nên tính bền vững chưa cao; người lao động được đào tạo nghề vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào việc được bố trí sắp xếp việc làm mà chưa chủ động tìm việc; trang thiết bị dạy nghề của Trung tâm dạy nghề huyện chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề. Mặt khác, nhận thức của người dân về học nghề chưa cao, chưa mặn mà với việc học nghề; người lao động có tâm lý sợ rủi ro, ngại làm việc xa nhà nên chưa sẵn sàng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, huyện Mường Lát tiếp tục đẩy mạnh khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tạo vốn, việc làm cho người lao động; đẩy mạnh XKLĐ và tạo mọi điều kiện pháp lý giúp người lao động tự kiếm việc làm. Đồng thời, mong muốn các cấp, ngành, tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm, có những giải pháp, đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương.

Trần Hằng


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]