(Baothanhhoa.vn) - Vùng đất Cầu Quan nằm dưới bóng dãy ngàn Nưa sừng sững và soi mình bên dòng Lãng Giang hiền hòa. Đã có một thời, đây là trung tâm huyện lỵ Nông Cống và nức tiếng xa gần với cảnh phố xá tấp nập kẻ bán người mua. Cầu Quan vốn là vùng đất cổ và là “nơi được chọn” của không ít thế gia vọng tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Hương đất Cầu Quan”

Vùng đất Cầu Quan nằm dưới bóng dãy ngàn Nưa sừng sững và soi mình bên dòng Lãng Giang hiền hòa. Đã có một thời, đây là trung tâm huyện lỵ Nông Cống và nức tiếng xa gần với cảnh phố xá tấp nập kẻ bán người mua. Cầu Quan vốn là vùng đất cổ và là “nơi được chọn” của không ít thế gia vọng tộc.

“Hương đất Cầu Quan”

Đình làng Đông Cao.

Có lẽ, ít vùng đất nào như Cầu Quan mà hai yếu tố kinh tế và văn hóa lại có sự gắn kết bền chặt đến vậy. Mối liên kết ấy đã góp phần làm nên đặc trưng riêng cho vùng đất, hay nói đúng hơn là khiến cái tên Cầu Quan tự thân nó đã trở thành một “bản sắc”, khó lẫn lộn khi đặt cạnh vô số địa danh khác. Theo một số tài liệu cũ còn ghi lại, thì Cầu Quan vốn là trung tâm của xã Trung Chính và các xã vùng phía Bắc huyện Nông Cống. Vào khoảng những năm 1870, để bình định Thanh Hóa, thực dân Pháp đã cho xây đồn Tây ở núi Mưng để đàn áp Phong trào Cần vương. Huyện lỵ Nông Cống sau đó chuyển về Sở Thôn và Tống Công (2 làng thuộc xã Trung Chính ngày nay). Từ đó, Cầu Quan trở thành trung tâm huyện lỵ Nông Cống.

Dẫu những công đường huyện, nhà thương huyện, trường Pháp - Việt Nông Cống, hay những đình đền miếu mạo cổ xưa trên đất Cầu Quan đến nay đã không còn được lưu lại nhiều. Song, Cầu Quan một thời phồn thịnh vẫn ghi đậm trong trí nhớ những người đã gắn bó gần trọn cuộc đời với mảnh đất này. Chừng khoảng đầu thế kỷ XX đến Cách mạng Tháng Tám, bộ mặt đời sống vật chất và tinh thần của Cầu Quan có nhiều thay đổi sâu sắc. Kinh tế thương nghiệp phát triển phức tạp, gắn với những hoạt động đấu tranh cách mạng liên tục của huyện Nông Cống. Đặc biệt, Cầu Quan từng được biết đến là một thị trường gạo phát triển bậc nhất cả tỉnh. Phát xít Nhật từng mở Nông Phố hợp tác ở đây để thu mua thóc gạo. Trong khoảng những năm 1936-1945, trên khắp các nẻo đường huyện, hàng đoàn xe nối nhau chở thóc gạo từ các làng về Cầu Quan cân bán.

Dân khắp các tỉnh từ Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh đổ về Cầu Quan buôn bán làm ăn. Ngoài lúa gạo, Cầu Quan còn là nơi tập trung nhiều mặt hàng như thuốc bắc, kim hoàn, bánh kẹo, thực phẩm, bách hóa khác và cả các dịch vụ hàng ăn, giải khát, nhà trọ cũng làm ăn phát đạt trên đất Cầu Quan. Có lẽ bởi “đất lành chim đậu”, lại là nơi sơn thủy như họa “Ngắm cảnh Cầu Quan dáng đẹp xinh/ Thủy bộ ngược xuôi thuận lộ trình (...)/ Sau lưng sẵn có kho vô tận/ Trước mặt trông ra thủy hữu tình”, mà không ít gia đình đã chọn mảnh đất này làm nơi an cư lạc nghiệp, sinh con dưỡng cái và vun đắp cho mảnh đất này thêm trù phú.

Để rồi, cũng không ít người đã từ đây mà trưởng thành, ghi danh trong các Phong trào Cần vương, Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp; hay để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hóa dân tộc như nhà sử học Đào Duy Anh, nhạc sĩ Văn Ký. Đồng thời, cũng là lớp học sinh của những năm trước và sau Cách mạng Tháng Tám ở Cầu Quan ấy, đã làm nổi lên nếp sống văn hóa trí thức, sinh hoạt văn nghệ, thể thao từng sôi động một thời. Cũng chính lớp “trí thức Cầu Quan” đã tiếp thu ánh sáng cách mạng một cách nhanh chóng, để làm nên nhiều phong trào đấu tranh sôi nổi cho cả vùng Nông Cống rộng lớn.

Ngược lại quá khứ xa xưa để tìm câu trả lời cho băn khoăn, vì sao Cầu Quan lại là một vùng văn hóa, hay điều gì đã tạo nền tảng cho Cầu Quan phát triển sầm uất một thời. Nằm cạnh dãy Ngàn Nưa, mỗi ngọn cỏ nhành cây của mảnh đất này từng rung lên theo từng đợt cồng xung trận của khởi nghĩa Bà Triệu. Ngàn Nưa bừng sáng, cả dân tộc hướng về và có lẽ mảnh đất Cầu Quan cũng được biết từ đó. Song, phải đến thế kỷ XV, khi nhiều công thần nhà Lê được Vua Lê Thánh tông ban đất lộc điền và những công thần người Thanh Hóa như Đỗ Bí, Vũ Uy, Đinh Liệt, Lê Hiểm... đã chọn về Nông Cống cắm đất định cư. Từ đó, cuộc sống cư dân nông nghiệp vùng Nưa Cầu Quan ngày càng thay đổi. Đồng điền đẩy lùi rừng núi, chợ búa mở mang cho giao thương phát triển, các làng cổ lẻ tẻ được hình thành theo tốc độ khai phá lộc điền.

Các dòng họ công thần khi định cư ở đây đã dựa vào các làng cổ để cộng cư và cộng canh. Đồng thời, vừa khai thác và gìn giữ các giá trị truyền thống của vùng Nưa, vừa du nhập các lệ tục và kinh nghiệm làm ăn ở nhiều vùng miền khác, để làm nên nét văn hóa riêng cho vùng Nưa Cầu Quan. Bởi vậy, đây được xem là một vùng văn hóa mang nhiều nét tương đồng và khác biệt, vừa bảo lưu sắc thái bản địa xa xưa, vừa có sự giao lưu rộng rãi với bên ngoài. Nét cổ xưa ấy thể hiện trước hết ở sự ảnh hưởng hay độ phủ rợp của hệ thống thần thoại về ông Nưa khổng lồ, đã khai sáng văn minh nông nghiệp cho cả một vùng đồng bằng Nông Cống rộng lớn. Ông Nưa cũng chính là hình tượng cộng đồng những người nông dân dưới thời công xã nông thôn, hay là sự biểu hiện tập trung của sức mạnh cộng đồng trong lao động để xây dựng nên vùng đất Nông Cống trù phú. Cũng vì vậy mà người xưa mới có câu “Cơm Nông Cống, cá Quảng Xương, văn chương Hoằng Hóa”.

Cuộc sống nông nghiệp tập trung vào các chợ quê. Nói cách khác, chợ quê là một biểu hiện văn hóa của văn minh nông nghiệp. Ngôn ngữ, quan hệ giao tiếp, các hạng người, lối sống, mức sống của một vùng đa phần được phản ánh trong sinh hoạt chợ búa. Cầu Quan nức tiếng với phố hàng tấp nập, song Cầu Quan còn được biết đến với “sớm chợ Thượng, chiều chợ Thị”. Chợ Thượng ở làng Thanh Hà Đông (làng Đông) và thường được nhắc đến cùng với chợ tỉnh (chợ Vườn Hoa), chợ Còng (Tĩnh Gia), chợ Ghép (Quảng Xương), chợ Bản (Yên Định), chợ Quăng (Hoằng Hóa)... về quy mô lớn và sự sầm uất của nó. Mức độ nổi tiếng của chợ Thượng thậm chí đã đi vào tục ngữ, phương ngôn “Trên thời chợ Thượng, dưới đôi công đường”. Ngày phiên chợ, cá mắm từ Tĩnh Gia đưa lên; vải vóc bánh kẹo từ thị xã Thanh Hóa đưa vào. Các thuyền lớn từ Nghệ An chở theo mật mía, chè lá, nồi đất, muối trắng... cũng theo dòng Lãng Giang ghé sát chợ Thượng.

Với tư cách một vùng văn hóa, Cầu Quan còn tồn tại một hệ thống tín ngưỡng cổ xưa, được hình thành qua quá trình gây dựng xóm làng. Đó là tục thờ Thành hoàng làng là những biểu tượng tự nhiên như Thiên Lôi đại thần, Sơn Tiêu độc cước; hay các nhân vật lịch sử liên quan đến việc mở mang xóm làng như công thần Đinh Liệt. Bên cạnh đó là tục thờ Thánh Lưỡng; tục kết nghĩa dựa theo quan hệ huyết tộc và tổ chức sinh hoạt, sản xuất; lệ tục toàn dân tham gia công việc làng; các tục lệ ngày tết; tục lệ bảo đảm sản xuất; những tục lệ về hôn lễ và tang ma... Đặc biệt, Cầu Quan còn là một vùng văn nghệ dân gian đặc sắc, mà nổi tiếng hơn cả là hát ghẹo Cầu Quan. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, hình thành trong quá trình lao động, thu hoạch mùa màng. Người ta hát trên ruộng đồng vào mùa gặt; hát khi ra sông kín nước vo gạo, tắm giặt... Nhưng vui nhất là hát ghẹo vào những đêm trăng sáng. Bấy giờ, dòng Lãng Giang trở thành điểm hẹn của trai gái đôi bờ sông. Trai bên này hát đối cùng gái bên kia, giao duyên tình tứ. Có khi cuộc hát kéo dài thâu đêm và nhiều người vùng khác qua hát ghẹo mà tính được nhân duyên, nên vợ nên chồng.

...

Thời gian chảy trôi, muôn vật thay đổi. Cầu Quan cũng đổi thay theo nhịp sống mới như một tất yếu và nhiều giá trị xưa cũ cũng theo đó mà vắng bóng trong đời sống. Song, với những gì đang được bảo tồn, gìn giữ, hẳn là vẫn còn không ít các giá trị văn hóa từng một thời vang bóng, đã và đang thấm rất sâu trong “hương đất Cầu Quan”?!.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân

(Bài viết có sử dụng một số tài liệu viết về lịch sử và văn hóa xã Trung Chính).


Bài Và Ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]