(Baothanhhoa.vn) - Tất cả người thân, họ hàng không trùng nhóm máu, hy vọng sống mong manh, nhưng, từ những giọt máu lạ được hiến tặng, chàng trai mang trong mình nhóm máu A Rh(D) âm đã được hồi sinh. Đó là câu chuyện về hành trình tìm lại sự sống của Nguyễn Thanh Sơn (sinh năm 1996, ở huyện Tĩnh Gia).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hồi sinh từ những giọt máu hiếm

Tất cả người thân, họ hàng không trùng nhóm máu, hy vọng sống mong manh, nhưng, từ những giọt máu lạ được hiến tặng, chàng trai mang trong mình nhóm máu A Rh(D) âm đã được hồi sinh. Đó là câu chuyện về hành trình tìm lại sự sống của Nguyễn Thanh Sơn (sinh năm 1996, ở huyện Tĩnh Gia).

Hồi sinh từ những giọt máu hiếm

Nguyễn Thanh Sơn (bên phải) – chàng trai hồi sinh từ máu hiếm tại hội nghị gặp mặt câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Được cứu sống, vượt qua nguy hiểm từ máu của những người hiến tặng hay máu dự trữ tại ngân hàng máu là câu chuyện chúng ta vẫn thường nghe, thường gặp. Nhưng đối với Nguyễn Thanh Sơn – người mang nhóm máu hiếm thì việc tìm được người có cùng nhóm máu và hiến tặng máu kịp thời lại rất khó khăn. Tìm đến thôn Thượng Hải, xã Hải Thanh (Tĩnh Gia), khi hỏi về Sơn, mọi người dân đều kể về thời gian giành giật sự sống của em. Tò mò về chàng trai mang nhóm máu hiếm ấy, chúng tôi men theo con đường nhỏ dẫn vào khu làng chài gần biển để tìm gặp Sơn. Người nhỏ nhắn, ánh mắt của em sáng lên niềm hy vọng vào cuộc sống, tương lai. Sơn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề đi biển. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ thường xuyên đau ốm, Sơn đã phải nghỉ học khi mới 15 tuổi để cùng bố đi biển khai thác thủy sản. Cuộc sống lênh đênh trên biển khiến cho làn da của Sơn đen sạm. Tưởng chừng là chỗ dựa cho gia đình, cho bố mẹ nhưng không may tai nạn bất ngờ đã ập đến với em. Đó là một buổi chiều hè năm 2018, khi Sơn đang nấu cơm trên biển, bất ngờ bình ga phát nổ khiến em bị bỏng, mảnh kim loại văng trúng cánh tay phải làm em chảy nhiều máu, bất tỉnh. Mọi người trên thuyền nhanh chóng đưa em vào bờ. Sau hơn 3 giờ lênh đênh trên biển, Sơn được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, cơ thể mất rất nhiều máu. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ thông báo Sơn thuộc nhóm máu A Rh(D) âm, đây là nhóm máu hiếm. Tại Việt Nam nhóm máu này rất ít gặp, có khoảng 0,04-0,07% dân số mang nhóm máu này. Tình trạng của Sơn lúc đó rất nguy cấp nếu không có người hiến máu ngay thì tính mạng của em khó giữ được. Tất cả người thân của Sơn ngay sau đó đã truyền nhau thông tin lên mạng xã hội, kêu gọi mọi người có nhóm máu hiếm đến giúp Sơn. Xã Hải Thanh nơi Sơn sinh sống, ngay khi biết Sơn gặp nạn, rất đông người dân đã đến Bệnh viện Đa khoa huyện Tĩnh Gia để đăng ký hiến máu nhưng không ai trùng nhóm máu. Cùng lúc đó, bệnh viện đã huy động cán bộ y tế, người dân ở Nghệ An đến xét nghiệm máu nhưng cũng không ai trùng nhóm máu. Tưởng chừng hy vọng sống đã khép lại với chàng trai trẻ đang hôn mê sâu, thì hơn 23h cùng ngày, nhờ sự kêu gọi của câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm, sự nỗ lực liên lạc của người nhà, có 2 người cùng nhóm máu A Rh(D) âm đến hiến máu cho Sơn. Sau gần nửa ngày từ khi bị nạn, Sơn mới được truyền 2 đơn vị máu. 2 đơn vị máu này đã đưa Sơn thoát khỏi cơn nguy kịch để có thể chuyển ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) để thực hiện phẫu thuật.

Nghĩ rằng ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ được nhanh chóng phẫu thuật. Nhưng do số đơn vị máu hiếm có sẵn hạn chế nên bệnh viện cũng không đủ máu để tiến hành phẫu thuật. Thời gian cứ thế trôi qua trong sự chờ đợi, tìm kiếm của gia đình, còn những mạch máu, bộ phận trên cơ thể Sơn đang yếu dần đi. Huyết áp tụt và nhịp tim suy dần, sự sống của Sơn chỉ tính bằng giờ. Thông tin về Sơn tiếp tục được các tình nguyện viên đăng tải trên các hội nhóm hiến máu. Nhận được thông tin cần trợ giúp của gia đình máu hiếm, 2 thành viên tại Thanh Hóa đã bắt xe khách trong đêm ra bệnh viện để hiến máu cho Sơn. Nhưng khi có máu thì cánh tay của em đã bị hoại tử, xương gót chân không thể khôi phục được, phải phẫu thuật cắt bỏ cả cánh tay phải và tháo gót chân. Cứ thế, gần 2 tháng nằm viện Sơn trải qua 4 lần phẫu thuật. Mỗi lần phẫu thuật, cấy ghép da cho em gia đình lại tất tưởi tìm máu và chờ máu. Sơn chia sẻ: Có đủ máu để phẫu thuật thật khó khăn. Có lần đến lịch mổ nhưng do không có máu nên ca mổ của em phải lùi lại dẫn đến nhiều mất mát trên cơ thể và nguy cơ nhiễm trùng máu, ảnh hưởng đến tính mạng. Việc nhận được máu của 11 người để duy trì được sự sống là may mắn với em.

Sau khi hồi phục trở lại, việc đầu tiên Sơn làm là gia nhập câu lạc bộ nhóm máu hiếm tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, khi sức khỏe ổn định Sơn lại tiếp tục ra khơi bám biển. Chàng trai trẻ chia sẻ: Em đã được cứu sống từ rất nhiều người, nếu có cơ hội, em muốn được trao tặng lại máu của mình cho những người kém may mắn khác. Hành trình chiến thắng tử thần giành lại sự sống của chàng trai Nguyễn Thanh Sơn đã thay đổi nhận thức của nhiều người dân về việc hiến máu tình nguyện. Người thân trong gia đình Sơn và nhiều người tại quê hương em đã luôn sẵn sàng hiến máu và cảm thấy tự hào khi được cho đi.

Bài và ảnh: Nguyễn Thùy


Bài Và Ảnh: Nguyễn Thùy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]