Hồi sinh nơi “cơn bão” ma túy đi qua

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hồi sinh nơi “cơn bão” ma túy đi qua

Hồi sinh nơi “cơn bão” ma túy đi qua

Những đứa trẻ bản Buốc Hiềng xuống núi đi học.

Đêm trường đen tối

Xã Trung Thành (Quan Hóa) cách trung tâm TP Thanh Hóa gần 200 km, nằm tách biệt bên kia sông Mã. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, thậm chí là đầu những năm 2000, vùng rẻo cao này một thời được xem là nơi gieo rắc cái “chết trắng”; khói thuốc phiện luôn nồng nặc trong các gian nhà. Vì thế, nơi đây đã từng diễn ra những cuộc chiến không khoan nhượng giữa lực lượng chức năng và tội phạm ma túy. “Xã Trung Thành giáp với 2 tỉnh Hòa Bình, Sơn La và cả thủ phủ huyện Mường Lát. Tội phạm ở đây chỉ cần lội tắt qua thượng nguồn sông Mã là có thể vận chuyển ma túy tới tận ngõ ngách của 2 tỉnh Hòa Bình, Sơn La. Ban đầu chỉ có một số đối tượng cấu kết với người địa phương vận chuyển ma túy từ Lào rồi qua đường tiểu ngạch tập trung về đây hoặc là xuôi theo các tuyến xe khách. Nhưng sau đó, cái “dịch” ma túy dần lan nhanh đến nhiều địa bàn của xã. Sau này vì tác hại của ma túy nên Nhà nước cấm trồng cây thuốc phiện và buôn bán ma túy. Tuy nhiên, họ lại tìm cách trồng trộm để hút. Nhà nào không làm ra thuốc phiện thì đi làm công, làm thuê hay vào rừng chặt gỗ... bán lấy tiền mua thuốc hút. Cứ thế cho đến gần 20 năm khi được sự hỗ trợ của Nhà nước, dân bản mới chung tay cai được thuốc phiện” - ông Hà Công Toàn, Chủ tịch UBND xã Trung Thành, cho biết.

Để có được sự chuyển biến trong nhận thức này là một bước đột phá với xã Trung Thành. Bởi, ma túy như những cái “án tử hình” len lỏi khắp bản làng của đồng bào Mông, Thái, Mường. Đến hết năm 2008, toàn xã có 68 đối tượng nghiện hút, thôn nào cũng có người nghiện. Cơn lốc ma túy đã làm cho bản làng vắng bóng đàn ông. Họ đã chết vì ma túy, vào tù vì ma túy, nhiều gia đình tan nát, lâm vào cảnh khốn cùng cũng chỉ vì ma túy. Nó như con bạch tuộc thò vòi đến khắp nơi, vào cả trường học. Đã có đối tượng chết vì sốc thuốc khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều chàng trai căng sức như cây lim, cây táu bỗng chốc bị ma túy sai khiến trở thành những con nghiện mất nhân tính gây ra biết bao nhiêu tệ nạn và tội lỗi. Đêm đến, bản làng đi ngủ sớm, nhà nào cũng cửa đóng, then cài. Người ta khiếp sợ bởi những con nghiện nơi đây như những bóng ma vật vờ.

Chuyện của gia đình ông Phạm Văn Trịnh (68 tuổi, bản Chiềng) là một điển hình. Ông có 6 người con, 4 gái, 2 trai nhưng có tới 5 người con dính vào ma túy. Trước khi trở thành những con nghiện, họ đều đã có gia đình, con cái. Tuy nhiên, hiện tại 5 gia đình trên đều tan nát, người chết, kẻ vào tù, vợ chồng ly hôn. Ông Trịnh phải nuôi 7 đứa cháu, cả nội và ngoại.

Cuộc chiến chống “nàng tiên nâu”

Nhận thấy tác hại của thuốc phiện, khi nhìn xung quanh mình chẳng còn gì, ngoài những tấm thân tàn ma dại... những người dân xã nghèo quyết tâm cùng nhau từ bỏ nàng tiên nâu. Cách đây hơn 10 năm, người dân xã Trung Thành bắt đầu cai thuốc phiện. Đi đầu trong cuộc “vượt lũ” này là ông Phạm Bá Oanh (53 tuổi, bản Cá). Kể về phương pháp cai nghiện của mình, ông Oanh tỏ ra hào hứng: “Tôi suy nghĩ rất nhiều, thấy người ta không nghiện thuốc phiện thì giàu còn mình nghiện thì quanh năm đói, thế là tôi quyết tâm bỏ. Tuy nhiên, cai nghiện ở xã thì thiếu phương tiện mà vào trung tâm cai nghiện của tỉnh thì phải nộp 5 - 6 triệu đồng, lấy tiền đâu ra. Thế là tôi cố gắng hút ít dần đi, ngày đầu hút 3 lần thì ngày sau hút 2 rồi hút 1 lần. Cứ thế cho hết một năm đầu thì không hút nữa. Lúc đó khổ lắm, vật vã suốt ngày, mỗi lần như thế tôi lại phải nhờ người trói mình lại. Nhiều lúc muốn chết quách cho xong. Mất hơn 5 năm tự cai, tôi mới bỏ được hẳn. Bây giờ thì khá rồi, vợ chồng con cái chỉ phải lo bảo ban nhau làm ruộng, chăn nuôi phát triển kinh tế, lo cho tương lai thôi”.

Từ gia đình ông Oanh, người dân trong xã đã học theo và đồng loạt tình nguyện cai thuốc phiện. Người này học người kia, người không nghiện động viên người nghiện, người cai được chia sẻ kinh nghiệm cho người chưa cai, tất cả cùng giúp đỡ nhau từ miếng ăn đến công việc. Thêm vào đó là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự vận động của cán bộ xã, bản... thế là mọi người quyết tâm. Nhà nào còn trồng trộm cây thuốc phiện thì tình nguyện đi phá, người nào mà chưa cắt cơn thì tình nguyện cho người khác trói mình vào, nhốt mình lại. Cứ như thế, chỉ sau vài năm, xã Trung Thành đã vượt qua được cơn lũ thuốc phiện, vượt qua được những tháng ngày tăm tối. “Hiện tại, xã Trung Thành chỉ còn 28 đối tượng nghiện. Đặc biệt, gần 10 năm trở lại đây xã không có đối tượng nghiện mới. Năm 2017, nhân dân và cán bộ xã Trung Thành đã vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” - anh Phạm Minh Hậu, Trưởng Công an xã Trung Thành, chia sẻ.

Anh Hậu cho biết thêm, tỉnh Thanh Hóa triệt phá cây thuốc phiện rất bài bản. Đi cùng với những chiến dịch tuyên truyền, triệt phá là sự đầu tư một cách có hệ thống về tri thức làm ăn mới được khuyến nông đưa về, hỗ trợ cây - con giống mới, xây dựng hệ thống y tế cơ sở, bố trí cán bộ y tế bản, cán bộ văn hóa bản... Những nỗ lực ấy từng bước làm thay đổi nhận thức người dân, chỉ rõ sự bất lợi của cây thuốc phiện cũng như những lợi ích trước mắt và lâu dài của chuyển đổi sản xuất gắn với thị trường hàng hóa trong nông nghiệp.

“Không chỉ có những chiến dịch tổ chức tố giác, phát giác và triệt phá với địa bàn trồng, với người sử dụng, buôn bán nhựa cây thuốc phiện; các cấp chính quyền đã đưa đến cho người dân những giải pháp triệt để, giúp người dân từ bỏ cây thuốc phiện dễ hơn và hiệu quả hơn. Ai nghiện hút thì được đưa đi cai nghiện với tính chất là một “người bệnh”. Ai lén lút trồng thì được tuyên truyền, giải thích; mọi người được “cầm tay – chỉ việc” với những cách làm mới: Trồng ngô lai, lúa lai, trồng cây ăn quả, nuôi gà công nghiệp, nuôi cá, nuôi lợn... các bản làng đều xây dựng quy ước, hương ước và ký cam kết thực hiện việc không tái trồng, buôn bán, sử dụng thuốc phiện. Chính nhờ sự vào cuộc quyết liệt ấy, xã Trung Thành hôm nay mới có sự đổi khác lớn như thế này” - anh Hậu nhớ lại.

Sức sống mới trên đỉnh Pha Soi

Bà Hà Thị Thoán, Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành, đưa chúng tôi dạo một vòng quanh xã để tìm hiểu cuộc sống của bà con. Dừng lại trước cửa nhà ông Oanh, chỉ tay vào chiếc xe máy còn bóng nước sơn, bà Thoán nhanh nhảu: “Ông Oanh mới mua xe này, ông ấy mà không bỏ được thuốc phiện thì làm sao mà mua được”. Chưa dứt câu, bà Thoán nói thêm: “Hầu hết các hộ dân trong xã bây giờ cơ bản đều có xe máy, nhà nào cũng có nhà cửa đàng hoàng. Nếu trước đây người dân chỉ sống với thuốc phiện, ăn củ mài, củ sắn thì bây giờ không còn hộ nào đói. Trẻ em đã được đến trường, có nhiều em đã xuống xã, xuống huyện để học cấp II, cấp III”.

Ở lưng chừng dốc, đường lên bản Buốc Hiềng – bản người Mông của xã Trung Thành, chúng tôi bắt gặp 5 cháu nhỏ đang trên đường đi học về. Được biết, sau khi học xong lớp 3 tại các điểm trường lẻ, các em đều được bố mẹ cho đi học tại trung tâm xã. Và cũng nhờ đi học, những học sinh chúng tôi gặp đều biết nói tiếng phổ thông. Ông Hà Văn Máu, một trong những người có uy tín của bản Sậy nói với chúng tôi: “Bây giờ, bản chúng tôi đã không tái trồng thuốc phiện. Quan trọng nhất là trẻ em đã được đi học chữ, chỉ có đi học mới đuổi được hẳn cây thuốc phiện ra khỏi dân bản”.

Từ nhận thức trên, những năm gần đây, xã Trung Thành đã huy động được trên 98% số trẻ trong độ tuổi đến trường. Để thay đổi được cái nghĩ, cách làm cho những bản vùng cao ở xã Trung Thành như ngày hôm nay là cả một quá trình đầy gian nan, vất vả. Bởi ngày trước, đồng bào nơi đây thường quan niệm học không làm ra tiền, chẳng để làm gì, trẻ em ở nhà còn giúp được bố mẹ khối việc. Nhưng các thầy, cô giáo cùng cán bộ xã đã phối hợp với già bản, trưởng bản phân tích, giải thích cặn kẽ, dễ hiểu cho từng gia đình. Thậm chí, còn đưa cả những ví dụ cụ thể về sự thành đạt là nhờ đi học của những cán bộ người Mông, Thái, Mường ở tỉnh, huyện và xã...

Chia tay đồng bào vùng cao xã Trung Thành khi những làn sương trắng bạc vẫn giăng kín nơi lưng chừng núi. Bất giác hình ảnh các em học sinh ở bản Buốc Hiềng cùng ca vang lời bài hát “Đi học xa” ùa về trong tôi “Chim cư cứ trên rừng gọi đàn; các bạn ơi mau nhanh chân xuống núi, xuống núi; đi học chữ, đường về trường còn xa lắm đấy; nhanh nhanh chân; các bạn ơi! Thầy cô đang mong chờ... Hôm nay đi học xa, đường tương lai đường gần...”.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]