(Baothanhhoa.vn) - Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có 247.000 người khuyết tật, 46.000 trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả các mô hình trợ giúp xã hội

Hiệu quả các mô hình trợ giúp xã hội

Các y, bác sĩ tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH luyện tập phục hồi chức năng cho các đối tượng.

Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có 247.000 người khuyết tật, 46.000 trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Với chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công tác xã hội (CTXH) trong lĩnh vực bảo trợ xã hội với người khuyết tật, người cao tuổi, người dễ bị tổn thương; chăm sóc bảo vệ trẻ em..., những năm qua Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH Thanh Hóa (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) (gọi tắt là Trung tâm) đã hỗ trợ cho hàng trăm trường hợp vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống thông qua các mô hình trợ giúp xã hội.

Thực hiện Đề án Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020, trong những năm qua, Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH đã triển khai mô hình hỗ trợ “Cá nhân, gia đình nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” trên địa bàn 19 xã thuộc 5 huyện Nga Sơn, Thiệu Hóa, Yên Định, Hậu Lộc và Hoằng Hóa với 31 gia đình nhận nuôi dưỡng, 32 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ. Mức hỗ trợ kinh phí cho cá nhân, gia đình nhận nuôi dưỡng trẻ trong năm 2018 là 405.000 đồng/tháng/trẻ; hỗ trợ mua sách vở, mua sắm các đồ dùng cá nhân cho trẻ là 700.000 đồng/trẻ/năm. Qua 6 năm (2013-2018) triển khai thực hiện mô hình, những cá nhân, gia đình người nhận nuôi trẻ có quan hệ huyết thống rất yêu thương, tình cảm với trẻ nên đã hiểu rõ về tính tình, thói quen, nguyện vọng, sở thích của trẻ. Trẻ được sống trong môi trường gần gũi, không cần có thời gian phải làm quen với cuộc sống mới. Hầu hết các trẻ đều mồ côi, bị bỏ rơi... đang được ông bà, cô bác, cậu mợ chăm sóc. Các gia đình được xét và lựa chọn đều có trách nhiệm chăm sóc chu đáo cho các cháu phát triển tốt toàn diện về sức khỏe, vận động. Ngoài ra, các cháu còn được đến trường, mua đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập giúp các cháu có điều kiện học tập tốt hơn. Hàng tháng trung tâm cử cán bộ xuống cấp tiền và giám sát, đánh giá việc chăm sóc trẻ. Do đó đã tạo hiệu ứng tích cực cho gia đình nhận nuôi trẻ trong việc có trách nhiệm, yêu thương trẻ. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã tập huấn, trang bị kiến thức cho gia đình và cho trẻ, góp phần nâng cao nhận thức của các gia đình trong cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Ngoài mô hình “Cá nhân, gia đình nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, từ năm 2013 đến nay, trung tâm đã và đang triển khai mô hình “Trợ giúp nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng” tại 74 xã thuộc 12 huyện, thị xã, gồm: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống, Cẩm Thủy, Như Thanh, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Nga Sơn, Thọ Xuân, Triệu Sơn và thị xã Bỉm Sơn. Trong đó có 107 đối tượng đã và đang được thụ hưởng từ mô hình. Theo đó, các nạn nhân bom mìn được tiếp cận với điều kiện chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, học nghề tạo việc làm, phát triển chăn nuôi gia súc... giúp họ không còn cảm thấy tự ti, mặc cảm với bản thân, tự vươn lên trong cuộc sống, từng bước phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, mô hình đã hỗ trợ cho 64 đối tượng nạn nhân bom mìn, các đối tượng được đưa đến Khoa Phẫu thuật chỉnh hình và Phục hồi chức năng của trung tâm để khám và phục hồi chức năng trong vòng 1 tháng. Quá trình phục hồi chức năng, các đối tượng được hỗ trợ về tiền ăn, tiền đi lại, tiền khám, điều trị, phục hồi chức năng và được bố trí nơi nghỉ. Đến trung tâm, nạn nhân bom mìn được đội ngũ y, bác sĩ đón tiếp, thăm khám tận tình chu đáo, đưa ra phác đồ điều trị phục hồi chức năng phù hợp cho từng nạn nhân nên đa số đều có sự tiến triển tốt. Bên cạnh phục hồi chức năng cho các nạn nhân, trung tâm đã ký cam kết với Doanh nghiệp tư nhân sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của người tàn tật Thiên Hằng (TP Thanh Hóa) để dạy nghề đan bèo tây, bẹ chuối, nuôi ong mật, chăn nuôi gà, dê, trâu, bò... cho các nạn nhân. Các đối tượng sau khi được hỗ trợ dạy nghề đều đã phát huy khá tốt nghề được học, giúp các đối tượng có thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Ví như, đối tượng Bùi Quý Độ ở xã Cẩm Long (Cẩm Thủy); Bùi Văn Ngoãn, xã Xuân Khang (Như Thanh), ngoài được hỗ trợ học nghề, mỗi đối tượng được hỗ trợ thêm 3 bọng ong mật (mỗi bọng 3 cầu). Với địa hình đồi núi phù hợp, có nhiều cây hoa rừng nên sau một thời gian hỗ trợ, hộ ông Độ và ông Ngoãn đã nhân rộng lên thành 10 - 13 bọng ong và tăng số cầu trong mỗi bọng. Bình quân hàng năm mỗi hộ thu được từ 40-50 chai mật ong (giá bán mỗi chai mật ong hiện nay khoảng 200-300 nghìn đồng). Tiền thu được từ việc bán mật ong tuy nhỏ nhưng đã góp phần cải thiện thêm đời sống cho nạn nhân bom mìn...

Ngoài những mô hình nêu trên, trung tâm còn tư vấn, kết nối dịch vụ trực tiếp và qua tổng đài 02378.011.999 cho gần 4.000 lượt đối tượng; tư vấn, tham vấn cá nhân, tư vấn nhóm tại cộng đồng cho trên 6.000 lượt đối tượng; tư vấn, trị liệu tâm lý người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí cho 485 đối tượng. Tổ chức hội nghị tuyên truyền nghề CTXH cho trên 9.000 người. Tổ chức tập huấn cho 716 cán bộ cấp xã, phường, thị trấn về kiến thức, kỹ năng về nghề CTXH. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức đào tạo 1 lớp hệ đại học vừa học vừa làm nghề CTXH; tiếp nhận và điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; khám chỉ định phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật vận động, điều trị phục hồi chức năng, sản xuất lắp ráp dụng cụ chỉnh hình các loại đảm bảo chính xác, khoa học... Với những trường hợp tư vấn đơn giản như tìm hiểu các chính sách, xin con nuôi, gửi con vào chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, xin cấp dụng cụ trợ giúp người khuyết tật, tư vấn nghề và việc làm cho người khuyết tật, tìm hiểu về tình hình con được người nước ngoài nhận nuôi... Trung tâm đã tư vấn và kết nối đến các cơ sở dịch vụ xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm cho biết: Qua việc triển khai thực hiện các mô hình, công tác trợ giúp xã hội cho các đối tượng yếu thế trên địa bàn toàn tỉnh được nâng lên rõ rệt, cả về số lượng cũng như phạm vi hỗ trợ. Nhiều trường hợp được kết nối với các tổ chức hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để hỗ trợ sinh kế, học bổng, giúp họ vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Hiện trung tâm đang tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình, dự án như: Mô hình kiểm soát trầm cảm tại cộng đồng; mô hình phần mềm đăng ký và quản lý thông tin trong việc giải quyết chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật, nạn nhân bom mìn; tham gia hỗ trợ các hoạt động của dự án trợ giúp người khuyết tật do tổ chức USAID tài trợ; điều phối và kết nối trợ giúp người khuyết tật về các dụng cụ hỗ trợ hòa nhập, tập huấn các kỹ năng cho người khuyết tật và phụ huynh, hỗ trợ sinh kế, cải thiện môi trường tiếp cận, hỗ trợ dụng cụ học tập và học bổng cho học sinh khuyết tật học hòa nhập nhân dịp đầu năm học mới... Để nâng cao tính hiệu quả, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục củng cố, phát triển các mô hình dịch vụ CTXH tại trung tâm và cộng đồng, tiến tới hình thành mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH cho các đối tượng yếu thế. Đồng thời, mở rộng phạm vi cung ứng dịch vụ CTXH cho các đối tượng đặc thù, góp phần từng bước khắc phục những khó khăn, vướng mắc, phát triển nghề CTXH trên địa bàn theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Trần Hằng


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]