(Baothanhhoa.vn) - Mỗi ngày, có hàng nghìn món đồ chơi nhựa cho trẻ được nhập khẩu hoặc nhập lậu vào nước ta. Trên địa bàn tỉnh, chỉ tính riêng khu vực thành phố cũng đã có hàng chục đại lý, cửa hàng to, nhỏ bán đồ chơi nhựa. Tuy nhiên, đa số các cửa hàng này đều lựa chọn các loại đồ chơi có giá thành thấp, không rõ nguồn gốc, hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc để kinh doanh, nhằm đánh vào tâm lý “ham rẻ” của người dân. Vì vậy, hệ lụy tới sức khỏe con trẻ là khôn lường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiểm họa từ đồ chơi nhựa tới trẻ em

Mỗi ngày, có hàng nghìn món đồ chơi nhựa cho trẻ được nhập khẩu hoặc nhập lậu vào nước ta. Trên địa bàn tỉnh, chỉ tính riêng khu vực thành phố cũng đã có hàng chục đại lý, cửa hàng to, nhỏ bán đồ chơi nhựa. Tuy nhiên, đa số các cửa hàng này đều lựa chọn các loại đồ chơi có giá thành thấp, không rõ nguồn gốc, hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc để kinh doanh, nhằm đánh vào tâm lý “ham rẻ” của người dân. Vì vậy, hệ lụy tới sức khỏe con trẻ là khôn lường.

Hiểm họa từ đồ chơi nhựa tới trẻ em

Các mặt hàng đồ chơi nhựa không rõ nguồn gốc hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán tràn lan ở các điểm chợ lớn của TP Thanh Hóa.

Tràn lan đồ chơi nhựa không rõ nguồn gốc!

Chẳng mấy khó khăn cho các bậc phụ huynh nếu muốn lựa chọn cho con trẻ một bộ đồ chơi nhựa ưng ý. Chỉ cần dạo quanh các khu chợ, đường phố ở TP Thanh Hóa như: Vườn Hoa, Lê Hoàn, Lê Hữu Lập... luôn có hàng chục cửa hàng bán đồ chơi trẻ em sẵn sàng phục vụ tận tình. Những cửa hàng này nằm sát nhau tạo thành dãy, khu, tuy quy mô to, nhỏ khác nhau, nhưng đều có điểm chung về tính đa dạng của mặt hàng. Từ búp bê, hình nộm siêu nhân, xe tăng, tầu hỏa, súng máy, bộ đồ chơi về nấu ăn,... chỉ cần đưa ra lời đề nghị, khách hàng đều nhận được câu trả lời “có” ngay lập tức. Theo quan sát của chúng tôi, các mẫu đồ chơi bằng nhựa được bày bán đều vô cùng bắt mắt về hình thức: Kiểu dáng đa dạng, màu sắc sặc sỡ; kích thích thị giác của trẻ nên rất được ưa chuộng. Cũng bởi vậy mà các cửa hàng luôn tấp nập kẻ bán, người mua. Và thêm một lý do nữa để lý giải cho sự “đắt khách” của các cửa hàng đồ chơi này là giá cả rất “mềm”. Khách hàng chỉ cần bỏ ra số tiền từ 20 nghìn đến 300 nghìn đồng đã có thể lựa chọn bất kỳ loại đồ chơi nào có trong cửa hàng. Rẻ có đi liền với chất lượng - vấn đề này khiến chúng tôi không khỏi trăn trở!. Thật vậy, kiểm tra xuất xứ của đa số các mặt hàng đồ chơi, đều không rõ nguồn gốc, hoặc có, thì lại trùng một cái tên: Trung Quốc. Đáng lo ngại hơn, các bậc phụ huynh khi được hỏi đều tỏ ra thờ ơ với sự an toàn của con trẻ khi sử dụng những loại đồ chơi này. “Trước giờ, tôi đi chọn đồ chơi cho con chỉ quan tâm đến 2 việc: Hình thức và giá tiền. Đẹp mà rẻ thì dại gì không mua. Việc đồ chơi bằng nhựa không rõ nguồn gốc hay có xuất xứ từ Trung Quốc mà ảnh hưởng đến sức khỏe con trẻ thì tôi không quan tâm lắm. Mà thú thật cũng chưa bao giờ tôi lo lắng về vấn đề này!” - chị Lê Thị Vân, một phụ huynh ở thôn 5, xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) cho biết.

Nguy hại khôn lường!

Anh Hà Viết Ngọc, Giám đốc Công ty CP Đầu tư nghiên cứu hóa chất công nghiệp (Hà Nội), khẳng định: Những loại đồ chơi không rõ xuất xứ hoặc xuất xứ Trung Quốc được làm từ nhựa tái chế. Ở nhiều nước, loại nhựa tái chế không được dùng để sản xuất ra sản phẩm dễ tiếp xúc với con người bởi nhựa đã qua sử dụng, nhất là những loại nhựa đựng hóa chất nói chung rất độc hại. Loại nhựa này đã tiếp xúc với những chất khác, khi đem vào sản xuất lại thường không được làm sạch nên trong quá trình nhựa hóa, các hóa chất đọng lại sẽ khuếch tán ra ngoài. Nhựa phế phẩm khi muốn tái chế phải dùng đến chất phụ gia công nghiệp. Nguyên liệu từ tái chế đã không an toàn, nay còn thêm phụ gia khiến đồ chơi nhựa tái chế rất độc hại. Đồ chơi bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo phthalate, đây là chất có thể gây ra ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormon của trẻ. Nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn là rất cao nếu trẻ ngậm, ôm đồ chơi. Sở dĩ, chất phthalate được sử dụng sản xuất đồ nhựa vì giá thành của nó rẻ gấp 10 lần so với sử dụng các chất thay thế khác. Để cạnh tranh giá nhiều doanh nghiệp đã sử dụng chất này để sản xuất đồ nhựa nhằm giảm giá thành.

Nhựa tái chế sẽ không thể đẹp như nhựa nguyên sinh, do đó bắt buộc người sản xuất phải cho phẩm màu để che đi khuyết điểm của sản phẩm. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, phân tích: “Dung dịch màu đó không phải là màu thực phẩm mà là màu dành cho ngành công nghiệp. Chất màu này phần lớn là các hợp chất mạch vòng nên rất độc, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất và tinh thần chưa hoàn thiện của trẻ. Vì vậy, sản phẩm đồ chơi có màu sắc càng sặc sỡ thì mức độ nguy hại càng cao”.

Theo chia sẻ của một số chuyên gia y tế, việc sử dụng các loại nhựa không bảo đảm chất lượng như nhựa tái chế PVC khi qua xử lý nhiệt có thể thải ra khí clo, là một chất oxy hóa có độc tính cao hoặc thành phần nhựa có chứa lượng phthalates cao sẽ gây ra các nguy cơ về rối loạn nội tiết tố, nguy cơ dậy thì sớm, bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản... Ngoài ra, để làm cho các món đồ chơi ấn tượng, màu sắc thật bắt mắt hoặc làm cho món đồ chơi bền, dẻo hay rắn chắc, các nhà sản xuất còn bổ sung thêm một số chất như muối kẽm, muối catmi, muối đồng, hoặc sử dụng thủy ngân, chì và các sơn màu giá rẻ không đảm bảo chất lượng. Những loại hóa chất này nếu không được kiểm định phân loại thành phần và hàm lượng an toàn thì một số chất phụ liệu hoàn toàn có khả năng gây hại cho bé (ví dụ chất hóa dẻo DBP (Dibutyl Phthalate) hay DOC (Dioctyl Phthalate) có khả năng gây ung thư nếu tiếp xúc trực tiếp lâu dài. Những chất như chì, thủy ngân có thể thẩm thấu và hấp thu bởi cơ thể của trẻ qua đường hô hấp, đường tiêu hóa và ngấm qua da trong quá trình chơi, tiếp xúc với các loại đồ chơi này.

Những lưu ý khi chọn đồ chơi cho trẻ

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 18/2009/TT-BKHCN về quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em. Theo đó, kể từ ngày 15-4-2010, đồ chơi trẻ em được sản xuất trong nước hay nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em QCVN 3:2009/BKHCN. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất đồ chơi trong nước và các tiểu thương nhập lậu từ Trung Quốc về đã tự in và dán tem hợp quy chuẩn, sau đó bán ra thị trường, khiến cho các sản phẩm đồ chơi hiện nay trở nên nhập nhằng, không rõ đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Đây là một vấn nạn lớn đối với toàn xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ em.

Trước tình trạng “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, việc có thể mua được sản phẩm đồ chơi chính hãng, chất lượng cao, không gây nguy hại cho sức khỏe là một bài toán khó đối với người tiêu dùng. Thiết nghĩ, để đảm bảo an toàn sức khỏe của con em mình các bậc phụ huynh nên lựa chọn đồ chơi từ các nhà sản xuất đồ chơi có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Ưu tiên những đồ chơi mà các nhà sản xuất công bố được những giấy chứng nhận của các cơ quan chứng minh được nguyên liệu và quá trình sản xuất, sản phẩm an toàn với trẻ nhỏ. Tuyệt đối không vì rẻ hay vì kiểu dáng màu sắc ấn tượng mà chọn mua đồ chơi trôi nổi không rõ nguồn gốc, hãy đặt an toàn sức khỏe cho bé lên hàng đầu. Không mua các loại đồ chơi bằng nhựa có kích thước quá nhỏ, có thể tháo lắp vì bé có thể nuốt chúng trong quá trình chơi. Ngoài ra, các đồ chơi có góc cạnh nhọn cũng cần loại ra khỏi danh sách đồ chơi của bé. Có rất nhiều loại nhựa có thể nhận định chủ quan ngay khi cầm lên tay như có mùi khét nặng, giòn, dễ gãy, nhiều tạp chất nổi hẳn trên bề mặt. Bên cạnh đó, nên so sánh sản phẩm, giá cả trước khi mua để tránh việc mua nhầm hàng rẻ kém chất lượng.

Bài và ảnh: Nguyễn Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]