(Baothanhhoa.vn) - Khát vọng lên bờ của nhiều thế hệ cư dân vạn chài đã thành hiện thực, khi những ngôi nhà xây kiên cố đang dần thay thế cho những chiếc thuyền nhỏ ngày đêm lênh đênh trên sông nước. Tuy nhiên, do vấn đề hậu tái định cư (TĐC) chưa được giải quyết triệt để nên không ít hộ dân làng chài đang gặp nhiều khó khăn với cuộc sống mưu sinh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hậu tái định cư của cư dân vạn chài

Khát vọng lên bờ của nhiều thế hệ cư dân vạn chài đã thành hiện thực, khi những ngôi nhà xây kiên cố đang dần thay thế cho những chiếc thuyền nhỏ ngày đêm lênh đênh trên sông nước. Tuy nhiên, do vấn đề hậu tái định cư (TĐC) chưa được giải quyết triệt để nên không ít hộ dân làng chài đang gặp nhiều khó khăn với cuộc sống mưu sinh.

Hậu tái định cư của cư dân vạn chài

Do vấn đề hậu tái định cư chưa được giải quyết triệt để nên không ít hộ vạn chài đang phải đối mặt với khó khăn trong mưu sinh. Trong ảnh: Xóm chài dưới chân cầu Sâng (TP Thanh Hóa).

Chúng tôi đến thăm khu TĐC của cư dân làng chài Thiệu Vũ (Thiệu Hóa) nơi có 35 hộ dân sinh sống bằng nghề chài lưới trên sông Chu, sông Cầu Chày... Thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xã Thiệu Vũ phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và UBND huyện Thiệu Hóa đã xây 35 ngôi nhà cho 35 hộ dân vạn chài của xã lên sinh sống. Có nhà kiên cố trú mưa nắng, ai ai cũng vui mừng, tin vào một ngày mai tươi sáng, tốt đẹp. Tuy nhiên khi lên bờ cũng là lúc những hộ dân vạn chài phải đối mặt với cuộc mưu sinh hằng ngày, trong khi đó họ chưa quen với tập quán làm ăn trên cạn.

Là một trong những hộ được cấp nhà định cư, bà Nguyễn Thị Sinh cho biết, sau khi có nhà trên bờ gia đình lại phải quay về với sông Chu để kiếm con tôm, con cá lo cho từng bữa ăn. Mặc dù được các cấp chính quyền cấp nhà nhưng chúng tôi chưa có đất đai canh tác, không nghề nghiệp trong tay nên người già, trẻ nhỏ lại phải kiếm sống bằng nghề chài lưới, còn thanh niên thì đi làm ăn xa. Cháu lớn nhà tôi phải bỏ học để phụ giúp bố mẹ, còn 3 đứa nhỏ thì vẫn đang còn đi học nên cuộc sống vất vả lắm, tiền ăn, tiền đóng góp chẳng biết lấy ở đâu, nên ai thuê gì vợ chồng tôi làm nấy.

Tương tự, tại khu TĐC Xuân Minh, phường Đông Hải (TP Thanh Hóa), nơi cư trú của 26 hộ dân vạn chài trên các sông thuộc địa bàn thành phố. Căn nhà rộng chừng 50m2 của gia đình anh Nguyễn Văn Thanh được xây từ vài năm trước, song vẫn chưa được quét vôi ve. Anh Thanh cho hay: “Muốn đoạn tuyệt với nghề sông nước, nhưng do không có nghề nghiệp, không có đất sản xuất nên không biết làm nghề gì để kiếm sống, nuôi con nên đành đan lại cái chài, cái lưới bán cho bà con, rảnh thì lại xuống sông kiếm thêm thu nhập. Anh Thanh kể lại, cái ngày cả gia đình được cấp đất TĐC, ai cũng vui lắm. Tuy nhiên, lên bờ, vợ chồng anh mới thực thấm thía cái cảnh không nghề nghiệp trong tay. Túng quẫn, anh Thanh lại dắt díu cả nhà trở lại dòng sông. Lên rồi xuống, xuống rồi lại lên, phải đến lần thứ 3, anh mới quyết định lên bờ ở hẳn. Bởi có quay lại với sông nước thì cũng không thể ở được nữa! Lên cạn thỉnh thoảng anh vẫn xin được chân bốc vác ở các công trường xây dựng, có khi xin được làm phụ hồ, phần vợ thì chạy thêm con cá, con tôm...

Không riêng gì người dân vạn chài tại xã Thiệu Vũ và khu TĐC Xuân Minh, phường Đông Hải, tại xóm chài Thủy Cơ, xã Xuân Tín (Thọ Xuân) 32 hộ dân đã được bố trí TĐC, đối với họ được lên bờ chính là một cuộc cách mạng đổi đời. Tuy nhiên, hiện câu chuyện hậu TĐC với những vất vả mưu sinh cũng khiến cư dân vạn chài Xuân Tín muốn quay về nghiệp cũ và hơn bao giờ hết, họ luôn mong muốn các cấp chính quyền có những chính sách, sự hỗ trợ kịp thời để cư dân vạn chài có thể an cư lạc nghiệp.

Tìm hiểu về nguyên nhân khiến những người dân vạn chài vẫn quay lại với nghề sông nước, được biết, mặc dù trước khi đưa những người dân vạn chài lên bờ, chính quyền các địa phương đã tính đến chuyện mở lớp đào tạo nghề cho những hộ này như nghề sửa xe máy, thủ công mỹ nghệ... nhưng khi triệu tập đi học thì không có mấy người đi, với lý do hết sức đơn giản là không quen làm những nghề như vậy. Có thể nói, việc bố trí nhà ở là yêu cầu đầu tiên trong “tiến trình” ổn định đời sống cho đồng bào sinh sống trên sông. Từ cuộc sống sông nước nay đây mai đó, ăn ở tạm bợ đến có nhà kiên cố trên bờ, với không ít hộ dân chài lưới đó chính là niềm mơ ước. Tuy nhiên, khi ước mơ đã thành hiện thực, thì việc đối diện với thực tế: Không có nghề nghiệp ổn định, không quen với tập quán làm ăn, không có ruộng nên đa số người dân chài đều gặp khó khăn trong việc kiếm kế sinh nhai. Đưa dân chài lên bờ nếu chỉ có đất ở không thôi thì chưa đủ. Cái khao khát lên bờ của người dân vạn chài vẫn chưa trọn vẹn nên dù có lên bờ họ vẫn sống dựa vào nghề cũ là thả lưới bắt cá, đội cát... đời sống vẫn bấp bênh, thiếu thốn. Họ lên bờ chỉ để có nhà ở tạm hay cho con cái học hành chứ không thực sự có ý định an cư lập nghiệp lâu dài. Vì thế, hiện nay nhiều hộ chỉ muốn lên bờ khi được xây nhà ở gần sông, “trên bến, dưới thuyền” để vừa định cư, vừa tiếp tục duy trì thuyền bè làm ăn sông nước.

Thiết nghĩ, giải quyết nhà ở là cần thiết nhưng cùng với đó phải nâng cao đời sống dân trí, bởi trong số họ đa phần là mù chữ. Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo những nghề phù hợp, thu nhập ổn định, mới mong thu hút được nhiều người tham gia. Có như vậy, mới giải quyết triệt để được bài toán hậu TĐC của cư dân vạn chài.

Bài và ảnh: Trần Hằng


Bài Và Ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]