(Baothanhhoa.vn) - Trở về cuộc sống đời thường, những người lính năm xưa mang trên mình vết thương của một thời đạn bom khói lửa. Năm tháng đi qua, vượt lên nỗi đau về thể xác, trong ánh mắt họ vẫn toát lên niềm tin vào cuộc sống bởi đằng sau họ luôn có bàn tay chăm sóc của những người phụ nữ tần tảo sớm khuya, những người đã nguyện dâng hiến cả cuộc đời mình để đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những người đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hậu phương của những thương binh, bệnh binh

Trở về cuộc sống đời thường, những người lính năm xưa mang trên mình vết thương của một thời đạn bom khói lửa. Năm tháng đi qua, vượt lên nỗi đau về thể xác, trong ánh mắt họ vẫn toát lên niềm tin vào cuộc sống bởi đằng sau họ luôn có bàn tay chăm sóc của những người phụ nữ tần tảo sớm khuya, những người đã nguyện dâng hiến cả cuộc đời mình để đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những người đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, thương binh hạng 1/4 Ngọc Duy Khánh, ở thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa) tâm sự về người vợ của mình trong niềm xúc động và sự biết ơn vô hạn. Trở về sau cuộc chiến tranh khi gửi lại chiến trường một phần cơ thể, nỗi đau về thể xác cùng với sự mặc cảm và đã có lúc ông tưởng hạnh phúc sẽ vĩnh viễn không đến được với mình. Cùng sinh ra ở vùng quê nghèo với ông Khánh, bà Dương Thị Hạnh biết và cảm thông với hoàn cảnh, sự chân tình của ông, bỏ qua mọi rào cản từ phía người thân, bạn bè, quyết định đến với ông dù biết rằng phía trước là chặng đường gian nan, vất vả. 38 năm qua, bà Hạnh không chỉ là người vợ, người mẹ đảm đang, tảo tần mà còn đảm nhận vai trò một điều dưỡng viên tại nhà trong chăm sóc chồng là thương binh nặng. Mất hơn 95% sức khỏe nên việc sinh hoạt hàng ngày của ông Khánh rất khó khăn, vì thế gánh nặng đè lên đôi vai gầy của bà. Tần tảo nuôi chồng và 3 đứa con thơ, người phụ nữ ấy nhiều khi phải gồng mình vượt lên số phận.

Yêu chồng, thương con, bà đã không quản nắng mưa, bươn chải cuộc sống, lăn lộn đủ nghề để lo cho chồng con được ấm no, đầy đủ. Những lúc trái gió trở trời vết thương cũ tái phát, bà luôn là người chăm sóc, động viên, an ủi, là điểm tựa tinh thần giúp ông chiến thắng bệnh tật. Ông Khánh không bao giờ quên hình ảnh bà cõng ông ròng rã suốt mấy tháng trời khi ông phải nằm trong bệnh viện để điều trị vết thương. Có những lúc bà tưởng mình gục ngã trước những khó khăn của cuộc sống. Thế nhưng người phụ nữ ấy vẫn không một lời than vãn, bà cảm thấy hạnh phúc khi chứng kiến những đứa con của mình ngày càng khôn lớn, trưởng thành. Sau gần 40 năm chung sống, nhưng mỗi lần nhắc về người vợ thân yêu, ánh mắt người thương binh nặng Ngọc Duy Khánh vẫn luôn ánh lên niềm xúc động và tự hào.

“Đúng là rất nhiều người viết về chúng tôi nhưng những người vợ của thương binh nặng thì rất ít. Nói thật, cánh thương binh này mà không có các bà ấy thì làm sao sống nổi”. Câu nói của thương binh Mai Hồng Phiệt, ở xã Nga Điền (Nga Sơn) thực sự làm tôi xúc động vì tình cảm, lòng trân trọng, biết ơn người phụ nữ đã cùng ông đi qua những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời. Thời chiến, những người lính như ông đã vịn vào cây súng, vịn vào đồng đội mà bước đi. Còn về với thời bình, không may trở thành thương binh, nơi mà các ông có thể dựa vào để sống và bước tiếp không ai khác chính là người vợ của mình. Nhìn cách ông vừa một tay vịn vào thành ghế, một tay chống vào mặt bàn để đứng dậy cầm chiếc nạng gỗ khua khua đi về phía cầu thang gọi: “Bà nó ơi!”, tôi thầm hỏi liệu đây có phải tiếng gọi mà bao năm nay ông vẫn gọi bà lúc trái gió trở trời khi bị vết thương hành hạ?

Yêu và quyết định gắn bó với ông Phiệt đã hơn 30 năm, bà Đinh Thị Giáp, người con gái Nga Điền đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn khi chấp nhận và xác định lấy một người thương binh đã được xếp vào diện “nan y tàn phế”. Trước hết là sự phản ứng của người thân, bạn bè và đâu đó cũng có những “lời ong tiếng ve”. Người ta bảo bà là người con gái dại dột “đường quang không đi lại muốn quàng bụi rậm”. Bởi, ông Phiệt đã bị mù hai mắt, tổn thương trí não và nhiều vết đạn vẫn còn găm trong người. Thế nhưng, bỏ qua mọi rào cản, mấy chục năm bà Giáp cáng đáng mọi công việc trong nhà mà không bao giờ phàn nàn, chì chiết, than thở. “Tôi được như ngày hôm nay cũng may là nhờ có bà ấy. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương đau nhức, luôn có bà ấy bên cạnh chăm sóc, động viên... - ông Phiệt tâm sự.

Chúng tôi đến thăm gia đình thương binh hạng 1/4 Lê Văn Lâm, xã Quảng Nham (Quảng Xương), tiếp chúng tôi là người phụ nữ ngoài 60 tuổi nhưng gương mặt vẫn toát lên vẻ mặn mà của một thời xuân sắc, bà Mai Thị Hiền nhớ lại: Năm 1987, cô về nhận công tác tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng (nay là Trung tâm Điều dưỡng người có công) với nhiệm vụ chăm sóc cho các thương, bệnh binh. Tại đây hai người đã “bén duyên” với nhau và nên vợ nên chồng. 31 năm về chung một nhà, mặc dù phải trải qua bao gian nan, vất vả, thế nhưng cả hai vợ chồng đều cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống hiện tại. Bà Hiền còn nhớ như in những kỷ niệm của những ngày đầu khi hai người đến với nhau, khi ấy bà được phân công nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc cho các thương binh nặng, tận mắt chứng kiến sự đau thương, mất mát của họ. Mỗi thương binh ở đây có một hoàn cảnh, một số phận nhưng đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn. Trong số các thương binh trong trung tâm, bà dành tình cảm đặc biệt cho thương binh Lê Văn Lâm. Bà đến với ông ngoài tình yêu còn là sự đồng cảm, tình thương vô bờ bến. Bà Hiền tâm sự: “Anh Lâm vốn hiền lành, ít nói, tuy nhiên những lúc vết thương tái phát bản tính lại thay đổi, không kiểm soát được lời nói và hành vi. 31 năm chung sống, cô đã phải chịu nhiều trận đòn vô cớ từ chồng. Rồi những đêm thức trắng cùng chồng trải qua những cơn đau vật vã do vết thương hành hạ. Đứa con trai đầu lòng chào đời trong niềm hân hoan của cả gia đình nhưng không lâu sau đó phát hiện bị bại não, phải nằm một chỗ... Khó khăn cứ chồng chất khó khăn, tuy nhiên với sự đồng cảm, sẻ chia và tình yêu thương đủ lớn, hai vợ chồng cô đã vượt qua được những ngày tháng khó khăn nhất để vun vén cho tổ ấm gia đình...”, bà Hiền tâm sự.

Trên đây là chỉ là ba trong số hàng nghìn người vợ thương binh, bệnh binh đã và đang từng ngày từng giờ vượt qua khó khăn để vun đắp, xây dựng cuộc sống gia đình. Dù mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung ở họ là sự đảm đang, tần tảo, đức hy sinh, lòng vị tha và nghị lực phi thường. Vẫn biết rằng, cuộc sống ở phía trước còn nhiều gian nan, song tất cả những gì các mẹ, các chị tạo dựng hôm nay như một sự tri ân đối với người chồng thân yêu của mình đã hiến dâng tuổi đời và máu, xương vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Chính tình yêu thương đã góp phần xoa dịu bớt những mất mát, đau thương của chiến tranh để viết tiếp nên những câu chuyện cảm động giữa thời bình.


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]