(Baothanhhoa.vn) - Xuất phát từ mô hình học tập - trải nghiệm, Dự án “Ươm mầm xanh” do Tổ chức Thanh Hoa Youth Change Makers (Những hạt nhân thay đổi thế hệ trẻ Thanh Hóa) thực hiện không chỉ tạo nên môi trường học hỏi, rèn luyện kỹ năng mềm, cải thiện trình độ tiếng Anh... Thông qua các hoạt động thiết thực, bổ ích, dự án hướng tới mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về 17 mục tiêu phát triển bền vững – SDGs được Liên hợp quốc đề ra và các quốc gia thành viên cam kết thực hiện đến năm 2030.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hành trình “Ươm mầm xanh”

Hành trình “Ươm mầm xanh”

Các thành viên, cộng tác viên tham gia hoạt động trồng cây (thuộc Dự án “Ươm mầm xanh”) tại Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) do Tổ chức Thanh Hoa Youth Change Makers – Những hạt nhân thay đổi thế hệ trẻ Thanh Hóa triển khai thực hiện.

Xuất phát từ mô hình học tập - trải nghiệm, Dự án “Ươm mầm xanh” do Tổ chức Thanh Hoa Youth Change Makers (Những hạt nhân thay đổi thế hệ trẻ Thanh Hóa) thực hiện không chỉ tạo nên môi trường học hỏi, rèn luyện kỹ năng mềm, cải thiện trình độ tiếng Anh... Thông qua các hoạt động thiết thực, bổ ích, dự án hướng tới mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về 17 mục tiêu phát triển bền vững – SDGs được Liên hợp quốc đề ra và các quốc gia thành viên cam kết thực hiện đến năm 2030.

“Những hạt nhân thay đổi thế hệ trẻ Thanh Hóa” – nhiệt huyết và trách nhiệm

Thanh Hoa Youth Change Makers là tổ chức xã hội do chị Trịnh Thị Hải Yến (30 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Xã hội KARUNA Việt Nam) sáng lập. Tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, học thạc sĩ quản lý dự án tại Đại học Southampton, Vương quốc Anh; sau khi về nước, chị Yến từng có thời gian dài đảm nhận qua nhiều vị trí công việc tại các dự án ODA và các dự án của tổ chức phi chính phủ (NGOs). Năm 2020, chị Yến xuất sắc giành học bổng toàn phần của Chương trình Doanh nhân tương lai trong khu vực Đông Nam Á – YSEALI 2020. Hiện nay, chị Yến đang đảm nhiệm vai trò đại sứ khí hậu của Diễn đàn tham vấn thanh niên hành động vì khí hậu miền Bắc 2020; tham gia vận động trực tuyến về SDGs, tình nguyện viên của Liên hợp quốc và một trong 50 nhà kiến tạo thay đổi thanh niên ở châu Á – Thái Bình Dương.

Trên hành trình chinh phục những thành công ấy, năm 2019, cô gái đa tài của xứ Thanh quyết định trở về quê hương khởi nghiệp, nỗ lực cống hiến hết mình cho cộng đồng, xã hội và sự phát triển ở mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Chị Yến tâm sự: “Mình là một người trẻ nên dù ở bất kỳ đâu mình cũng đặc biệt quan tâm đến môi trường học tập, phát triển bản thân của các bạn trẻ. Và mình nhận thấy rằng, các bạn trẻ ở Thanh Hóa nói riêng, các địa phương khác trong cả nước nói chung rất thiệt thòi so với các bạn trẻ ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Bởi các bạn ấy chưa có nhiều điều kiện, cơ hội được tham gia các tổ chức, câu lạc bộ hoạt động xã hội, vì cộng đồng có sự kết nối sâu rộng với các tổ chức trong và ngoài nước. Các hoạt động xã hội, vì cộng đồng của các bạn phần lớn giới hạn trong phạm vi trường học hoặc tự phát theo sở thích, mối quan hệ cá nhân”.

Vì lẽ đó, bên cạnh việc thành lập Câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh Thanh Hóa, khoảng cuối năm 2019, chị Yến quyết định thành lập Tổ chức Thanh Hoa Youth Change Makers với mong muốn đem đến cho các bạn trẻ Thanh Hóa một sân chơi bổ ích, lý thú, tạo nên sự kết nối cộng đồng gắn với việc tuyên truyền, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc đề ra. Chị Yến cho biết: “Từ tháng 9–12-2019, mình có tiến hành một cuộc khảo sát online về mức độ hiểu biết của cộng đồng Thanh Hóa đối với 17 mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc đề ra, thu hút khoảng 300 người. Hơn 50% số người tham gia khẳng định lần đầu tiên nghe đến khái niệm ấy. Trong khi đó, Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc và là một trong số các quốc gia tích cực hưởng ứng, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững này”. Điều đó càng thôi thúc chị Yến và Tổ chức Thanh Hoa Youth Change Makers hoạt động sôi nổi hơn nhằm hiện thực hóa mục tiêu, ý tưởng. Trải qua nhiều khó khăn, thử thách, từ 10 thành viên ban đầu, đến nay, tổ chức đã phát triển lên 23 thành viên, chủ yếu là học sinh, sinh viên tại Thanh Hóa và các địa phương khác. Tổ chức đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, trong đó Dự án “Ươm mầm xanh” là minh chứng tiêu biểu.

Những “mầm xanh” của tương lai

“Ươm mầm xanh” - ngay từ tên gọi của dự án đã hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Theo cách hiểu đơn giản nhất, “ươm mầm xanh” chính là hoạt động trồng cây. Từ hoạt động trồng cây này, tổ chức muốn lan tỏa thông điệp tới cộng đồng: Môi trường cần được bảo vệ. Một trong những việc cấp thiết nhất chúng ta cần làm hiện nay là trồng cây, gây rừng nhằm giữ gìn, bảo vệ, nhân lên những “lá phổi xanh” cho sự sống của con người. Nhìn nhận sâu rộng hơn, ở một tầng ý nghĩa khác, mỗi con người chính là các mầm xanh luôn cần được chăm sóc, vun trồng bởi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sống. Khi tham gia vào dự án, bạn sẽ nhận được tất cả những điều đó.

Được triển khai thực hiện từ ngày 29-8, thông qua chuỗi các hoạt động thiết thực như: Tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về cách vận hành dự án, lập đề xuất dự án, quản lý và làm việc nhóm; tổ chức các buổi trồng cây tại Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa), tham gia buổi chia sẻ, trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm sống mang tên “Hành trình tuổi trẻ - gieo trồng từ trái tim”... Dự án thu hút 120 người tham gia, bao gồm các thành viên trong tổ chức, đông đảo các tầng lớp Nhân dân và một số người nước ngoài sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các địa phương khác. Không chỉ tạo nên môi trường học hỏi, rèn luyện kỹ năng mềm, cải thiện trình độ tiếng Anh, dự án góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về 17 mục tiêu phát triển bền vững – SDGs được Liên hợp quốc đề ra và các quốc gia thành viên cam kết thực hiện đến năm 2030. Trong đó, dự án tập trung vào các mục tiêu: Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững (mục tiêu số 12); Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó (mục tiêu số 13); Bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học (mục tiêu số 15).

Bạn Cao Sỹ Dương (17 tuổi, Trường THPT Nguyễn Trãi, thành viên của tổ chức) chân thành chia sẻ: “Ban đầu, khi chưa tham gia vào tổ chức, mình hoàn toàn không biết thế nào là các mục tiêu phát triển bền vững và mục đích, giá trị của nó là gì. Tuy nhiên, qua quá trình tham gia hoạt động, trải nghiệm, tổ chức đã giúp mình hiểu rõ hơn về các mục tiêu này. Đặc biệt, khi được tham gia vào Dự án “Ươm mầm xanh”, ngoài việc rèn luyện kỹ năng mềm, mình càng nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về giá trị mà các mục tiêu ấy mang đến; từ đó cảm thấy có trách nhiệm hơn với cộng đồng và xã hội, nhất là các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường”.

Vốn là một người “hướng ngoại”, yêu thích các hoạt động xã hội, vì cộng đồng, bạn Nguyễn Linh Chi (17 tuổi, Trường THPT Quảng Xương I) là thành viên tích cực tham gia Dự án “Ươm mầm xanh”. Linh Chi nói: “Được tham gia trải nghiệm các hoạt động của Dự án “Ươm mầm xanh” vừa giúp mình trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc nhóm, sắp xếp và quản lý thời gian hợp lý, hiệu quả; vừa là cơ hội để mình được đóng góp một phần công sức nhỏ bé cho sự phát triển chung của cộng đồng, đúng như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.

“Ươm mầm xanh” là dự án vì cộng đồng đầu tiên do Tổ chức Thanh Hoa Youth Change Makers (Những hạt nhân thay đổi thế hệ trẻ Thanh Hóa) thực hiện. Tuy nhiên, những kết quả bước đầu mà dự án thu được đã phần nào khẳng định được năng lực và những đóng góp tích cực của tổ chức cho sự phát triển chung của xã hội. Sau 3 buổi tích cực, hăng say lao động, dự án “Ươm mầm xanh” đã trồng được hơn 200 cây, chủ yếu là các loại cây: sao đen, mít, xoài, vú sữa... tại Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng. Kinh phí thực hiện dự án được huy động từ nguồn xã hội hóa. Ngoài Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, dự án dự kiến trồng một số cây xanh tại huyện Quảng Xương. Đối với các cây đã trồng, dự án lập nhóm, bao gồm thành viên, các cộng tác viên thường xuyên theo dõi, chăm sóc, cố gắng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt. Được biết, tại Thanh Hóa, ngoài các hoạt động nói trên, dự án phối hợp cùng 2030 Youth Force Việt Nam đã có buổi trao đổi, giới thiệu về 17 mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc đề ra; học về tư duy thiết kế, cách giải quyết vấn đề và tìm hiểu sâu hơn về các mục tiêu phát triển bền vững số 12, 13 và 15. Đặc biệt, dự án đang lên kế hoạch tổ chức chuyến tham quan đến các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, sức khỏe con người.

Thông qua mục đích, ý nghĩa, cách thức triển khai, thực hiện Dự án “Ươm mầm xanh” và các hoạt động khác, có thể thấy rằng: Tổ chức Thanh Hoa Youth Change Makers thực sự đã tạo nên diễn đàn, sân chơi bổ ích, lý thú cho các bạn trẻ của Thanh Hóa nói riêng, một số địa phương khác nói chung. Thông qua đó, các thành viên, cộng tác viên có thể thiết lập, cải thiện kỹ năng cá nhân như: Quản lý thời gian, cách thức triển khai, thực hiện dự án, làm việc nhóm hiệu quả. Hơn hết, mục tiêu lớn nhất mà tổ chức hướng đến là thông qua các trải nghiệm thực tế nhằm tuyên truyền, lan tỏa giá trị, ý nghĩa; từ đó thay đổi nhận thức, hành động của cộng đồng, góp phần nhỏ bé vào những kết quả chung của Việt Nam trong việc thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc đề ra.

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]