(Baothanhhoa.vn) - Nhiều năm nay, các hộ dân sinh sống tại mặt bằng (MB) 1876, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, không có nước máy sinh hoạt. Để có nước sạch sử dụng, các hộ dân nơi đây phải lắp đặt nhờ đường ống nước của một số hộ dân khu vực lân cận và phải chịu tiền nước giá cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữa lòng thành phố, người dân vẫn không có nước sạch để sử dụng

Nhiều năm nay, các hộ dân sinh sống tại mặt bằng (MB) 1876, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, không có nước máy sinh hoạt. Để có nước sạch sử dụng, các hộ dân nơi đây phải lắp đặt nhờ đường ống nước của một số hộ dân khu vực lân cận và phải chịu tiền nước giá cao.

Giữa lòng thành phố, người dân vẫn không có nước sạch để sử dụng

Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân MB 1876 không có nước sạch sử dụng.

Được biết, MB 1876 do UBND TP Thanh Hóa làm chủ đầu tư và Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng được giao quản lý đầu tư hạ tầng. Là một trong số các hộ dân đã sinh sống nhiều năm tại MB này, chị Lê Thị Nụ, cho biết: Gia đình tôi tiến hành xây nhà và về ở tại MB 1876 từ năm 2016. Mặc dù khi mua đất, phía chủ đầu tư cam kết có hạ tầng điện nước đầy đủ, nhưng khi chúng tôi về đây sinh sống, MB vẫn chưa có điện, nước. Để có điện, nước sinh hoạt gia đình tôi phải kéo nhờ đường dây điện và ống nước từ trong các hộ dân lân cận. Sau nhiều lần kiến nghị, năm 2018 chủ đầu tư đã mắc điện, còn nước thì đến nay vẫn chưa có. “Chúng tôi phải chịu tiền nước giá cao, không những thế, việc nhờ vả để sử dụng đường ống nước trong các hộ dân cũng vô cùng bất tiện; khi thanh toán tiền nước thì không có hóa đơn. Hàng tháng, gia đình tôi và nhiều hộ khác trong MB đều phải thanh toán từ 800.000-900.000 đồng tiền nước. Chúng tôi đã nhiều lần viết đơn đề nghị lên cơ quan chức năng, tuy nhiên đã nhiều năm rồi, người dân chúng tôi vẫn không có nước sạch của MB để sử dụng”- Chị Nụ bức xúc nói.

Cũng theo chị Nụ, để có nước sử dụng, hầu hết các hộ dân thuộc mặt bằng 1876 đều phải liên hệ với các hộ dân lân cận thuộc phố Phan Đình Phùng (phường Đông Hương) giáp ranh với MB 1876 hoặc khu Bình Minh, Bệnh viện Thanh Hà để xin lắp đường ống nước về nhà mình. Có hộ phải tự bỏ tiền làm đường ống nước vài trăm mét từ Bệnh viện Thanh Hà về nhà rồi lại chia nhánh cho các hộ khác trong khu cùng sử dụng. Hiện, trong MB có khoảng gần 30 hộ đang phải dùng nhờ nước máy ở khu vực khác.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị H. đã về đây sinh sống được 3 năm nhưng để có nước sạch sinh hoạt, chị H. cũng phải xin mắc nhờ của các hộ dân có đất thổ cư giáp MB. Chị H. chia sẻ: Chúng tôi mua đất ở MB này để ở. Vì vậy, khi chúng tôi làm nhà, chủ đầu tư phải đảm bảo hệ thống hạ tầng đầy đủ, đặc biệt điện, nước là nhu cầu thiết yếu nhất của người dân. Tuy nhiên, trái ngược với những gì đã cam kết trước đó của chủ đầu tư là sẽ có đầy đủ cơ sở hạ tầng khi dân đến làm nhà, đã hơn 3 năm qua, hàng chục hộ dân sống ở MB này vẫn khốn khổ vì “khát nước”. Năm 2016, khi gia đình tôi làm nhà, MB cũng chưa có điện, chúng tôi phải tự bỏ tiền làm đường dây để kéo điện từ Bệnh viện Thanh Hà về nhà, chi phí mất vài chục triệu. Sau nhiều năm chúng tôi đề nghị, hơn 1 năm nay đã có điện. Còn nước sạch chúng tôi vẫn phải đi xin lắp nhờ đường ống từ các hộ dân giáp ranh MB.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Huy Hải, Phó giám đốc Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, cho biết: Khi xây dựng hạ tầng, hệ thống đường ống nước của MB 1876 đã được lắp đặt sẵn, tuy nhiên do quá trình các hộ dân làm nhà (đào lát vỉa hè, xe tải trọng lớn chở vật liệu...) vô tình làm vỡ đường ống nước khiến đơn vị cung cấp nước sạch không thể cung cấp nước được. Nhiều lần Ban Quản lý cùng với đơn vị cung cấp nước sạch đến khảo sát, tuy nhiên, do không tìm ra vị trí hư hỏng nên chưa thể xử lý được. Bên cạnh đó, việc kiểm tra cũng gặp khó khăn khi có một số hộ dân làm bồn hoa, cây cảnh chồng chéo lên đường ống nước nhưng lại không đồng ý cho đào vỉa hè lên để kiểm tra. Hiện nay, Ban Quản lý cùng nhà thầu thi công đã có phương án là sẽ đầu tư hệ thống đường ống nước mới cho người dân. Thế nhưng, để làm mới sẽ phải đào toàn bộ vỉa hè lên để lắp đặt đường ống nên sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân. Vì vậy, chúng tôi mong các hộ dân chia sẻ và đồng hành cùng chúng tôi để mang đến quyền lợi tốt nhất cho tất cả các hộ dân của MB. Chúng tôi cam kết sẽ trả lại hiện trạng cho các hộ gia đình sau khi hoàn thành lắp đặt đường ống.

Cũng theo ông Hải, để làm đường ống nước cần chi phí khoảng 300-400 triệu đồng. Ban Quản lý đã làm việc với đơn vị thi công MB để cùng gánh vác và chia sẻ. Phía đơn vị thi công là Tổng Công ty Anh Phát (số 306 Bà Triệu, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) đã có cam kết sẽ giải quyết vướng mắc trên. Trong tháng 8, đơn vị sẽ tiến hành thi công đường ống nước mới, đảm bảo cung cấp nước sạch đến cho người dân tại MB 1876.

Liên hệ với phía Tổng công ty Anh Phát, đại diện công ty này cũng khẳng định, hiện nay, công ty đang làm việc với các đơn vị liên quan để thống nhất ký hợp đồng thi công hệ thống đường ống nước tại MB 1876. Trong tháng 8, công ty sẽ tiến hành thi công và sẽ sớm hoàn thành để cấp nước sạch đến các hộ dân nơi đây.

Thu Hà-Hoàng Giang


Thu Hà-Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]