(Baothanhhoa.vn) - Gìn giữ nét đẹp văn hóa, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn được nhiều địa phương ở Hoằng Hóa quan tâm, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gìn giữ nét đẹp văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Hoằng Hóa

Gìn giữ nét đẹp văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Hoằng Hóa

Cổng làng Nhân Ngọc, xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa).

Gìn giữ nét đẹp văn hóa, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn được nhiều địa phương ở Hoằng Hóa quan tâm, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở.

Thôn Thượng Đại (hay còn gọi là làng Thượng Đại) nằm tách biệt với khu trung tâm của xã Hoằng Xuyên. Để vào làng phải đi qua những con đường bê tông nội đồng trải dài giữa những cánh đồng lúa xanh mướt. Nhiều người dân trong xã đều bảo, người dân ở làng Thượng Đại từ lâu sống quần tụ, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất và cuộc sống, nhất là trong phong trào xây dựng NTM. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, Nhân dân trong thôn đã đóng góp ngày công, tiền bạc để bê tông hóa 100% tuyến đường giao thông nội thôn, đường bê tông nội đồng. Đặc biệt, năm 2017, để lưu giữ, tôn tạo lại chùa Đậu, Nhân dân đã đóng góp hơn 500m2 đất nông nghiệp và tiền của để tu sửa, tôn tạo, mở rộng khuôn viên chùa. Ngôi chùa như một điểm nhấn mang đến sự bình yên, lắng đọng trong bức tranh nông thôn ở Hoằng Xuyên.

Ông Trịnh Huy Thông, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Thượng Đại có thâm niên hơn 40 năm gắn bó với công tác của thôn chia sẻ: Trân trọng những giá trị văn hóa mà lớp lớp tiền nhân đã để lại, nên trong phong trào xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa, người làng tôi rất coi trọng việc trùng tu, tôn tạo khu văn hóa - tâm linh làng Thượng Đại, có chùa Đậu linh thiêng. Những gia đình có đất nông nghiệp ở xung quanh khu vực này đã hiến đất mở rộng đường, đào ao, trồng cây mở rộng khuôn viên chùa. Nhà nhà, người người cũng góp thêm công, thêm của để tu sửa, tôn tạo lại chùa. Đầu năm 2020, thôn tiếp tục kêu gọi Nhân dân, con em xa quê ủng hộ xây dựng nhà thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ ngay trong khuôn viên chùa. Chúng tôi còn trồng thêm cây xanh, đặt thêm một số ghế đá. Đây sẽ là địa chỉ văn hóa - tâm linh ngay đường vào làng để Nhân dân trong làng mỗi khi đi xa, về gần đến tham quan, thắp hương, ngắm cảnh, Nhân dân trong làng nghỉ mát, vui chơi mỗi buổi chiều tà, từ đó góp phần giáo dục tình yêu quê hương.

Làng văn hóa Quỳ Chử (xã Hoằng Quỳ) không chỉ còn lưu giữ nhiều không gian văn hóa truyền thống đặc sắc mà còn lưu giữ nhiều hoạt động văn hóa cổ vũ đời sống tinh thần của người dân. Ông Lê Văn Song - người có nhiều năm gắn bó với công tác của thôn, làng, cho biết: Làng Quỳ Chử có 3 thôn với trên 3.000 nhân khẩu, chiếm một nửa dân số của cả xã. Trong xây dựng NTM, bên cạnh việc làm đường, đầu tư cơ sở hạ tầng, ở đây Nhân dân còn duy trì nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp như coi trọng quan hệ tộc họ, xóm giềng; đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất và trong cuộc sống. Đây chính là những yếu tố văn hóa quan trọng, góp phần bồi đắp, khơi gợi tinh thần, ý thức tự giác và sự đồng lòng của người dân trong xây dựng NTM nâng cao, hình thành các khu dân cư kiểu mẫu... Ông Song lấy ví dụ luôn: Cứ thường lệ vào các năm chẵn theo quy định của làng, dịp lễ hội truyền thống từ mùng 6-2 đến 8-2 âm lịch sẽ diễn ra hội làng với nhiều trò chơi, trò diễn, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Có năm phải tổ chức đến 12 trò chơi, trò diễn, trong đó đặc sắc như: Chèo chải, tú huần, cờ tướng hay náo nhiệt là trò cơm thi, cá giải. Rồi thôn nào cũng có nhà văn hóa, sân chơi thể thao để tổ chức các hoạt động cộng đồng lành mạnh, góp phần tăng sự đoàn kết, yêu thương, gắn bó giữa người dân. Hiện nay, cùng với việc kêu gọi xã hội hóa để khôi phục lại chùa Hưng Viên ở làng Quỳ Chử, một số con em xa quê làm ăn thành đạt đã hỗ trợ để phục dựng lại giếng làng Chùa và giếng làng Đình Đông, trả lại vẻ đẹp cổ kính của những ngôi làng xưa.

Trong quần thể rất nhiều những dấu vết cổ xưa trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, huyện Hoằng Hóa còn lưu giữ 94 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, trong đó 16 di tích cấp quốc gia, 78 di tích cấp tỉnh. Công tác bảo tồn di sản và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc luôn được quan tâm đẩy mạnh, nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa có giá trị về mặt lịch sử, tâm linh được quan tâm trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị. Huyện đã hỗ trợ 1,9 tỷ đồng, huy động xã hội hóa trên 30 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo các di tích xuống cấp.

Phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng tại các làng, xã trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Hằng năm, hoạt động văn hóa - văn nghệ ở các xã, thị trấn thường xuyên được tổ chức gắn với các nhiệm vụ chính trị và các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước; trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội kỳ phúc đầu xuân, các xã, tạo ra các hoạt động vui chơi văn hóa lành mạnh trong Nhân dân. Đặc biệt, tại một số xã trên địa bàn huyện thành lập được các câu lạc bộ (CLB) hoạt động thường xuyên và hiệu quả, tiêu biểu như: CLB nghệ thuật dân gian - thị trấn Bút Sơn; CLB chèo làng Nhân Trạch - Hoằng Đạo; CLB chèo Phượng Mao, Vĩnh Gia - Hoằng Phượng; CLB trống hội Phú Khê - Hoằng Phú,... nhiều xã đã hình thành được các “làng vui chơi, làng ca hát” như Hoằng Thắng, Hoằng Phúc...; tổ chức được nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, mang đậm nét đẹp văn hóa vùng miền, như: múa sanh ngô, múa đội đèn, hát tú huần... thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia; qua đó góp phần đưa phong trào văn hóa cơ sở trên địa bàn huyện phát triển phong phú và đa dạng. Để hỗ trợ khôi phục các trò chơi, trò diễn, các làn điệu dân ca truyền thống trong 9 năm qua huyện đã hỗ trợ các hoạt động văn hóa phi vật thể 1,04 tỷ đồng (5 triệu đồng/1 hoạt động); hỗ trợ hoạt động của các làng văn hóa 644 triệu đồng (2 triệu đồng/làng/năm).

Thực hiện chủ trương của tỉnh về việc sáp nhập thôn, khu phố, hiện nay huyện có 237/237 thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa, trong đó có 215/237 thôn được công nhận danh hiệu văn hóa theo quy định, đạt tỷ lệ 90,7%. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được gắn với nội dung chương trình xây dựng NTM được triển khai đến từng xã, từng thôn, từng hộ gia đình bằng nhiều hình thức; 100% các thôn đã tiến hành điều chỉnh hương ước, quy ước, bổ sung các thiết chế văn hóa tại nhà văn hóa - khu thể thao thôn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 78,08%.

Minh Hiền


Minh Hiền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]