(Baothanhhoa.vn) - Trong trường phổ thông, việc giáo dục kỹ năng sống (KNS) cho học sinh (HS) được thể hiện ở nhiều mặt, từ hoạt động trên lớp, hoạt động ngoại khóa đến các hình thức giáo dục khác.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh – nhìn từ thực tiễn

Trong trường phổ thông, việc giáo dục kỹ năng sống (KNS) cho học sinh (HS) được thể hiện ở nhiều mặt, từ hoạt động trên lớp, hoạt động ngoại khóa đến các hình thức giáo dục khác.

Giáo dục KNS cho HS không phải là mới, song nội dung nào được đưa vào giáo dục trong nhà trường và giáo dục như thế nào để mang lại hiệu quả lại đang là vấn đề cần quan tâm.

Hiện nay, việc thiếu KNS, thiếu tự tin, tự lập và lối sống khép kín với thực tại, đắm chìm trong “thế giới ảo” của game đang là những cản trở lớn cho sự phát triển của một bộ phận thanh, thiếu niên khiến không ít phụ huynh, các thầy, cô giáo phải phiền lòng. Qua tìm hiểu tại một số đơn vị trường cho thấy, mặc dù ở một số môn học, các hoạt động ngoại khóa, giáo dục KNS đã được nhà trường đề cập đến, tuy nhiên, do nội dung, phương pháp, cách thức truyền tải... chưa phù hợp với tâm sinh lý của HS nên hiệu quả lồng ghép chưa cao, kết quả mang lại chưa khả quan. Tại Trường Tiểu học và THCS Hoằng Đức (Hoằng Hóa), cùng với việc lồng ghép giáo dục KNS trong các môn Giáo dục công dân, Địa lý, Sinh học... hằng tháng, nhà trường vẫn dành thời lượng trong các tiết sinh hoạt đầu giờ, sinh hoạt dưới cờ để định hướng, giáo dục KNS cho HS. Thế nhưng, theo nhận định của cô giáo Cao Thị Phương, giáo viên môn Ngữ văn kiêm tổng phụ trách đội của Trường Tiểu học và THCS Hoằng Đức, hiệu quả giáo dục KNS vẫn chưa cao. Nguyên nhân của thực trạng này là do thiếu nhân lực và kinh phí để tổ chức. Bên cạnh đó, thời gian để HS thực hành ít, một bộ phận giáo viên vẫn nặng về dạy văn hóa, chưa thực sự quan tâm đến giáo dục KNS cho các em.

Nhằm nâng cao KNS cho HS, những năm gần đây, Trường Tiểu học Ngọc Trạo (thị xã Bỉm Sơn) luôn tạo sân chơi bổ ích để HS rèn luyện tính tập thể, khả năng làm việc theo nhóm, từ đó xây dựng tinh thần chia sẻ, ý thức trách nhiệm trong mỗi HS. Cô giáo Võ Đào Hoa, hiệu trưởng nhà trường cho hay: Sau nhiều năm thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lồng ghép chương trình giáo dục KNS vào các giờ học, nhà trường đã thực hiện có hiệu quả nội dung này và tự tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để HS nhà trường được trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, để tổ chức một hoạt động ngoại khóa trang bị cho HS kiến thức KNS là việc làm không đơn giản, khi nguồn kinh phí không cho phép, thời gian có hạn. Cùng với đó, không phải giáo viên nào cũng có kỹ năng, năng lực điều hành, tổ chức các hoạt động giáo dục KNS cho HS.

Có thể thấy, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, trong những năm qua, ngành giáo dục tỉnh nhà đã thực hiện nhiều giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho HS. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được ngành phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan triển khai dưới nhiều hình thức, như: Thi tìm hiểu về ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, an toàn giao thông, tìm hiểu sức khỏe sinh sản vị thành niên; hành trình về nguồn, thi tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị trường thực hiện tốt, vẫn còn không ít trường thực hiện thiếu hiệu quả, nội dung, phương pháp giáo dục KNS chưa phù hợp với tâm sinh lý của HS. Theo một số cán bộ quản lý nhà trường, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc thiếu tài liệu phục vụ giảng dạy. Ngoài ra, thời gian để HS thực hành không có nhiều, một bộ phận giáo viên nhận thức chưa đúng, vẫn nặng về dạy văn hóa. Đặc biệt, trong giáo dục KNS cho HS giáo viên chủ nhiệm là một trong những nhân tố quan trọng, là cầu nối trung gian giữa nhà trường và gia đình HS. Họ là người tổ chức, giáo dục KNS cho HS thông qua các tiết sinh hoạt lớp nhằm giúp các em hoàn thiện nhân cách của mình. Thế nhưng, hiện nay không ít giáo viên chủ nhiệm đã “bỏ rơi” nhiệm vụ này. Cô giáo Phạm Thị H., Trường THCS Lê Quý Đôn (thị xã Bỉm Sơn) cho biết: “Vẫn biết là giáo dục KNS rất quan trọng đối với mỗi HS, nhưng do áp lực chương trình dạy học văn hóa nên không phải giáo viên nào cũng có thể sát sao với giáo dục KNS cho HS”. Thực tế, hầu như môn học nào cũng đều lồng ghép nội dung giáo dục KNS, nhưng theo nhiều giáo viên, kết quả lồng ghép hiện nay hầu như không có hiệu quả. Điều này cũng khiến cho các vụ, việc xảy ra có liên quan đến HS như bạo lực học đường, vi phạm đạo đức, có hành vi cấu thành tội phạm... vẫn thường xảy ra trong các trường học. Vụ việc 8 HS Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) nhắn tin trên facebook xúc phạm đến danh dự, uy tín của thầy, cô giáo và nhà trường là một ví dụ điển hình.

Câu chuyện về giáo dục đạo đức, lối sống cho HS không phải là mới, nhưng đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Toàn tỉnh hiện có hơn 800.000 HS các cấp, việc giáo dục KNS cho các em có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần rèn luyện, hình thành lối sống có trách nhiệm và biết lựa chọn cách ứng xử phù hợp, thúc đẩy hành vi mang tính tích cực, giảm bớt tỷ lệ phạm pháp. Giáo dục KNS còn tạo mối quan hệ thân thiện, cởi mở giữa thầy, trò, sự hứng thú, tự tin, chủ động sáng tạo trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. HS được giáo dục KNS sẽ xác định được bổn phận và nghĩa vụ của mình đối với bản thân, gia đình và xã hội. Vì lẽ đó, trong thời gian tới, để việc giáo dục KNS cho HS đạt hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục con người phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa, như: Chú trọng giáo dục tình thân ái và ứng xử văn hóa; mỗi thầy giáo, cô giáo phải nêu gương trong ứng xử, trong giáo dục nhân cách, không nên xem việc giáo dục KNS cho HS là tạo thêm gánh nặng công việc. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.


PS

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]