(Baothanhhoa.vn) - Chúng tôi đến công trường khai thác đá Yên Lâm, huyện Yên Định vào một ngày đầu tháng 3. Trên con đường quanh co dẫn vào mỏ đá, từng đoàn xe ô tô tải tấp nập vào ra, khói bụi mù mịt. Từ xa, tiếng động cơ máy móc chạy ầm ầm, tiếng khoan, nghiền, sàng, đập đá nghe inh ỏi, chát chúa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gian nan nghề khai thác đá

Chúng tôi đến công trường khai thác đá Yên Lâm, huyện Yên Định vào một ngày đầu tháng 3. Trên con đường quanh co dẫn vào mỏ đá, từng đoàn xe ô tô tải tấp nập vào ra, khói bụi mù mịt. Từ xa, tiếng động cơ máy móc chạy ầm ầm, tiếng khoan, nghiền, sàng, đập đá nghe inh ỏi, chát chúa.

Một công nhân đang lao động trên công trường khai thác đá không hề được trang bị bảo hộ lao động.

Nhọc nhằn mưu sinh

Công trường khai thác đá hiện ra trước mắt chúng tôi với những vách đá dựng đứng, nham nhở, có chỗ vàng rượi, có chỗ đen xám sau các đợt nổ mìn quy mô lớn. Các loại máy móc, phương tiện phục vụ cho hoạt động khai thác la liệt trên các bãi đá và những người khai thác đang miệt mài mưu sinh. Quan sát kỹ, chúng tôi thảng thốt khi nhìn thấy những người thợ làm nghề khai thác đá như những chấm đen di động và những chiếc máy xúc, máy khoan cheo leo trên đỉnh núi.

Trên công trường có khoảng hơn 100 bãi đá, mỗi bãi có chừng từ 15 đến 20 lao động, có cả nam và nữ, người địa phương và cả từ các vùng lân cận đến kiếm kế sinh nhai. Không chỉ là những người trong độ tuổi lao động mà còn có những trẻ chưa thành niên ở độ tuổi 16, 17 - cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” bỏ học, theo cha, anh lên núi để làm cái nghề gian nan, vất vả này. Đặc biệt có cả những người đàn ông gần 60 tuổi nhưng hàng ngày vẫn cố bám núi, vắt mồ hôi đổi lấy bát cơm, manh áo.

Ở một góc khác của công trường khai thác, các máy móc đang chạy hết công suất, từng quả núi đang được bóc dần để lấy đá. Những tảng đá lớn được bổ nhỏ ra, chuyển lên xe chở ra các bãi nghiền, phân loại đá. Những chiếc xe ô tô tải cũng tranh thủ thời gian bốc hàng, những người thợ khai thác đá vẫn miệt mài với công việc mưu sinh của mình, mặc cho những giọt mồ hôi chảy thành dòng trên khuôn mặt đen sạm vì nắng gió.

Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, chúng tôi lân la hỏi chuyện một công nhân trạc tuổi 40. Anh tên Định, quê gốc huyện Cẩm Thủy, về làm việc tại mỏ đá Yên Lâm đã gần 15 năm. “Công việc vất vả lắm phải không anh?”. Lau vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, anh Định tâm sự: “Làm nghề này cực lắm, thu nhập chẳng được bao nhiêu, làm ráo mồ hôi thì hết tiền”. Cái sự “cực lắm” mà anh Định thốt ra khi nói về nghề của mình chúng tôi đã được nghe từ trước khi đến với mỏ đá này. Nhưng “trăm nghe không bằng một thấy”, khi trực tiếp chứng kiến những người làm nghề khai thác đá làm việc ngày đêm trên công trường, chúng tôi càng thấu hiểu công việc nặng nhọc của họ. Anh Định chia sẻ thêm: “Những người làm nghề khai thác đá như chúng tôi quanh năm hít khói bụi và sống trong tiếng ồn của động cơ, máy móc dễ bị các bệnh về phổi, đau đầu, mờ mắt, ù tai... Nói chung, đã chấp nhận dấn thân vào nghề này là phải chấp nhận những hệ lụy của nó thôi”.

Công việc của những người thợ khai thác đá vất vả như vậy nhưng không chỉ có người đàn ông sức dài, vai rộng mới đi làm nghề chẻ đá mà ở đây, chúng tôi còn thấy khá nhiều “bóng hồng” chân yếu tay mềm làm việc. Chị Lê Thị Nhường (quê huyện Yên Định) đưa chiếc khăn lau mồ hôi trên khuôn mặt khắc khổ, tâm sự: “Cực lắm cô à! Gia đình tôi có hai con đang độ tuổi học hành. Mỗi khi xong công việc đồng áng, tôi lại đến mỏ đá này làm việc để kiếm thêm chút tiền lo cho các con ăn học. Đời mình khổ quá rồi nên dù vất vả thế nào tôi vẫn sẽ cố gắng để các con không phải khổ như mình”. Theo những lao động làm việc tại đây, họ phải làm việc từ 8 đến 10 tiếng/ngày. Ngoài tiền ăn 12.000 đồng/người/ngày, họ được chủ trả 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày tùy theo năng suất lao động và vị trí làm việc. Đa số họ là lao động tự do, không được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội. Vì thế, họ không được hưởng bất kỳ một chế độ nào ngoài tiền công theo sản phẩm. Doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận miệng với nhau về chế độ tiền công, giờ giấc làm việc..., giữa hai bên không có bất kỳ văn bản nào để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Một số doanh nghiệp có ký hợp đồng với những người làm việc ở vị trí nguy hiểm như trèo lên đỉnh núi khoan và nhồi thuốc nổ nhưng số lượng không nhiều.

Sống chung với hiểm nguy

Khi tôi nhắc đến vấn đề tai nạn lao động, một thợ khai thác đá tên Mười (quê huyện Ngọc Lặc), chia sẻ: “Tai nạn đối với nghề khai thác đá là chuyện thường ngày ở công trường. Nhẹ thì đá văng, găm vào người, bầm dập chân tay do bị búa đập phải, nặng thì bị đá rơi nguy hiểm đến tính mạng”. Dường như họ đã quá quen thuộc với tai nạn lao động.

Nghề khai thác đá là nghề khắc nghiệt và hiểm nguy, tuy nhiên hầu hết lao động tại các mỏ đá lại không được trang bị đồ dùng bảo hộ. Một số ít doanh nghiệp có trang bị bảo hộ cho người lao động nhưng do thói quen nên họ không sử dụng. Khi được hỏi, nhiều người cho biết, họ vẫn biết nếu không dùng bảo hộ lao động sẽ tổn hại cho sức khỏe và nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vì trước nay không dùng nên đã thành thói quen. Anh Mười chia sẻ thêm: “Cả mỏ đá với hàng nghìn lao động nhưng chẳng có nổi một đội cứu hộ, một y tá hay bác sĩ nào, một cuộn bông băng cũng chẳng có. Không may bị ngã, bị đá văng, chảy máu thì xé quần, xé áo mà băng bó”. Tuy nhiên, điều lo sợ nhất đối với những người thợ khai thác đá là sạt lở núi đá. Một số vụ sạt lở đã lấy đi mạng sống của không ít người.

Trên vách đá thẳng đứng, một công nhân một tay cầm sợi dây thừng được buộc từ gốc cây trên đỉnh thả xuống làm dây an toàn, tay còn lại đang điều khiển máy khoan đá. Còn phía dưới, những người công nhân đập đá, đứng máy nghiền, sàng đá thì lại lo đá có thể văng ra bất cứ lúc nào. Chứng kiến cảnh làm việc của những công nhân khai thác đá ở đây, chúng tôi thấy ái ngại cho số phận của họ. Anh Hoàng Văn Sơn, một công nhân đứng máy, giải thích: “Chúng tôi là lao động làm thuê, không được học, trang bị kiến thức về an toàn lao động, chủ yếu vẫn là người cũ dạy người mới. Ngày mới vào nghề này, tôi được các đàn anh đi trước nhắc nhở trong quá trình làm việc phải luôn cẩn trọng, không được phép lơ là, bởi chỉ một chút lơ là thôi thì tai nạn có thể xảy ra ngay”.

Xã Yên Lâm là khu vực có số lượng mỏ đá đang được khai thác lớn nhất hiện nay của tỉnh. Trên địa bàn xã có đến hơn 40 mỏ đá với hơn 30 doanh nghiệp đang khai thác, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động. Tuy nhiên, tại các mỏ đá, tình trạng khai thác tràn lan, không quan tâm đến đảm bảo an toàn lao động đang diễn ra phổ biến, gây nguy hiểm đến tính mạng người lao động. Làm việc trong môi trường độc hại và nguy hiểm ấy, họ rất cần sự quan tâm hơn nữa của các chủ sử dụng lao động. Các sở, ban, ngành có liên quan, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình khai thác đá của các doanh nghiệp, đồng thời có những giải pháp mạnh đảm bảo quyền lợi cho người lao động.


Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]