(Baothanhhoa.vn) - Là địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao với tỷ số 112 trẻ em trai/100 trẻ em gái, trong đó có một số xã có tỷ lệ giới tính khi sinh đạt ngưỡng báo động, như: Yên Phú 250/100, Định Long 171/100, Định Hải 166/100.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Là địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao với tỷ số 112 trẻ em trai/100 trẻ em gái, trong đó có một số xã có tỷ lệ giới tính khi sinh đạt ngưỡng báo động, như: Yên Phú 250/100, Định Long 171/100, Định Hải 166/100.

Cán bộ dân số tuyên truyền chính sách dân số – KHHGĐ tại hộ gia đình ở xã Định Hòa.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên vẫn là tư tưởng trọng nam, khinh nữ còn nặng và đã hằn sâu trong tiềm thức của nhiều gia đình. Đặc biệt, nhiều gia đình có kinh tế khá giả có tâm lý muốn sinh nhiều con, sinh con dự phòng tai nạn rủi ro, nên dù có hai con, đủ cả trai, gái, song vẫn sinh thêm con... Mặt khác, một số cặp vợ chồng là cán bộ, công chức, viên chức muốn thực hiện quy mô gia đình ít con, sinh đủ hai con, nhưng phải có con trai nên đã lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.

Trước thực trạng đó, Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện đã đề ra nhiều giải pháp để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, trong đó chú trọng xây dựng và triển khai thực hiện đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, tập trung chủ yếu ở những địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhằm từng bước làm thay đổi tâm lý muốn có con trai để nối dõi, phê phán tình trạng trọng nam khinh nữ; nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội; thuyết phục các cặp vợ chồng không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, xây dựng quy mô gia đình ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.

Chúng tôi về thôn Tố Phát, xã Định Hòa - một trong những điểm sáng thực hiện tốt công tác DS - KHHGĐ với thành tích 6 năm không có hộ sinh con thứ 3. Chị Lê Thị Cúc, cộng tác viên dân số thôn cho biết: Thôn Tố Phát có trên 550 nhân khẩu/160 hộ. Nhằm hạn chế tình trạng sinh con thứ 3, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, thôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là những hộ gia đình sinh con một bề là gái về thực hiện chính sách dân số, quy mô gia đình ít con để nuôi dạy cho tốt..., vì thế nhiều năm trở lại đây trên địa bàn thôn không có trường hợp sinh con thứ 3, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện, số hộ trong thôn được công nhận gia đình văn hóa luôn đạt trên 90%. Điển hình là gia đình chị Ngô Thị Bình, dù có 2 con gái nhưng chị chưa bao giờ có ý định sẽ sinh thêm con trai. Chị chia sẻ: Khi tôi mang bầu cháu thứ 2, nhiều người cũng khuyên tôi đi siêu âm xem con trai hay con gái, nhưng khi được cán bộ dân số tuyên truyền, tôi thấy rằng dù là con gái hay con trai đều được, miễn sao sinh ra con cái khỏe mạnh.

Trao đổi với bà Lê Thị Sơn, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện, được biết: Mặc dù kinh phí hàng năm bị cắt giảm, chậm, nhưng công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng tại huyện, truyền thông, tư vấn trực tiếp tại trạm y tế và tại hộ gia đình ở các xã, thị trấn, trường học về công tác DS - KHHGĐ vẫn được duy trì thường xuyên. Thực hiện đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, trung tâm đã phân công cán bộ tham gia giám sát và hỗ trợ các hoạt động truyền thông tại xã; mỗi năm cấp hàng ngàn tờ rơi có chủ đề về mất cân bằng giới tính khi sinh cho 10 xã triển khai đề án; tổ chức tập huấn về mất cân bằng giới tính khi sinh cho ban chủ nhiệm câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3; tổ chức chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện. Riêng đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh đã thực hiện 6 buổi truyền thông tư vấn trực tiếp tại 6 xã đề án, lồng ghép với các đợt làm dịch vụ KHHGĐ thu hút gần 800 lượt đối tượng tham gia. Hoạt động tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của huyện, xã và tiến hành các buổi tư vấn, nói chuyện chuyên đề cho các đối tượng như: Phụ nữ, nam giới và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; bà mẹ mang thai, bà mẹ mới sinh; vị thành niên và thanh niên; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... được đẩy mạnh. Để tuyên truyền, phổ biến hoạt động của đề án có hiệu quả, các xã trên địa bàn huyện đã thành lập và duy trì hiệu quả sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế ở 6 xã. Qua các buổi sinh hoạt, các thành viên được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống gia đình cũng như công việc lao động sản xuất, kinh doanh, nhất là được phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DS - KHHGĐ.

Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng mức chênh lệch giới tính trên địa bàn huyện vẫn còn cao và chưa ổn định. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn công tác DS - KHHGĐ, khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Trung tâm DS - KHHGĐ huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động mô hình tại các xã, thị trấn. Chỉ đạo đội ngũ cộng tác viên dân số tăng cường truyền thông trực tiếp tại gia đình, kết hợp lồng ghép, duy trì sinh hoạt câu lạc bộ, trong tuyên truyền đặc biệt chú ý nêu gương con gái chăm ngoan, học giỏi, thành đạt, hiếu nghĩa... nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ trong xã hội, để người dân tự giác không sinh nhiều con, không sinh con thứ 3 trở lên, không lựa chọn giới tính khi sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm an sinh xã hội.


Bài và ảnh: Hà Bắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]