(Baothanhhoa.vn) - Có người đã ví von rằng, công tác giảm nghèo cũng như một đàn chim đang bay. Ở đó, có tốp dẫn đầu và đương nhiên sẽ có tốp đi sau. Song, chính những cánh chim đầu đàn đã trở thành “phép thử” đặc biệt về tính đúng đắn của chính sách giảm nghèo, hiệu quả triển khai chính sách trong thực tiễn và nhất là vai trò của những người đang trực tiếp thụ hưởng chính sách đầy tính nhân văn này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Giảm nghèo nhanh và bền vững - Cuộc cách mạng trong nhận thức và hành động”: Bài 1 - Vươn lên từ gian khó

Có người đã ví von rằng, công tác giảm nghèo cũng như một đàn chim đang bay. Ở đó, có tốp dẫn đầu và đương nhiên sẽ có tốp đi sau. Song, chính những cánh chim đầu đàn đã trở thành “phép thử” đặc biệt về tính đúng đắn của chính sách giảm nghèo, hiệu quả triển khai chính sách trong thực tiễn và nhất là vai trò của những người đang trực tiếp thụ hưởng chính sách đầy tính nhân văn này.

“Giảm nghèo nhanh và bền vững - Cuộc cách mạng trong nhận thức và hành động”: Bài 1 - Vươn lên từ gian khó

Một góc thị trấn Mường Lát hôm nay.

Từ “những bông hoa của đất”...

Khoảng 10 năm trước, gia đình ông Bùi Đình Phan (thôn Bất Mê, xã Thành Công, huyện Thạch Thành), vốn thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống quanh năm luẩn quẩn trong cảnh túng thiếu, tưởng chừng đã khiến con người ông trở nên trì trệ, phó mặc số phận. Nhưng rồi, bằng quyết tâm và nghị lực không đầu hàng đói nghèo, năm 2012, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách xã hội, để chuyển đổi hơn 3.000m2 đất một vụ lúa không ăn chắc sang trồng mía nước. Từ bệ đỡ ban đầu, cùng với sự chịu thương chịu khó vừa trồng mía kết hợp chăn nuôi bò và gà thả vườn, gia đình ông Phan đã có nguồn thu nhập tương đối ổn định, với mức 70 triệu đồng/năm. Những tưởng, với người nông dân từng bị đói nghèo quăng quật ấy, bấy nhiêu cũng đã đủ thỏa mãn mơ ước cả đời. Song, không dừng lại ở đó, ông tiếp tục vay vốn kết hợp với vốn liếng tiết kiệm, để đầu tư chuyển đổi 0,5 ha đất lúa sang trồng cây bí xanh và rau sạch. Kết quả bước đầu không như mong muốn, nhưng nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sẵn có và được sự hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt từ chính quyền địa phương, việc chuyển đổi cây trồng của gia đình ông đã dần có bước chuyển tích cực. Đến nay, mỗi năm gia đình ông trồng 2 vụ bí xanh và rau sạch. Nhờ năng suất cao nên nguồn rau sạch này có thể cung ứng cho thị trường khoảng 15 tấn bí xanh và 15 tấn rau/năm. Sau khi trừ chi phí, ông Phan thu về lợi nhuận khoảng trên 150 triệu đồng/năm.

Với mục đích “trao cần câu” là vốn, kinh nghiệm và khoa học - kỹ thuật, nhằm tạo tiền đề khích lệ hộ nghèo tự giác vươn lên. Năm 2013, UBND huyện Như Xuân đã thí điểm mô hình trang trại “Nuôi bò cái sinh sản” theo hình thức liên kết nhóm hộ nghèo kết hợp với hộ khá. Mô hình được triển khai tại thôn Trung, xã Thanh Quân, với quy mô ban đầu là 18 hộ (gồm 6 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo và hộ khá). Theo đó, mỗi hộ được vay bình quân 40 triệu đồng/hộ từ ngân hàng chính sách xã hội, kết hợp vốn gia đình và vốn từ các dự án giảm nghèo khác, để mua 2 cặp bò cái sinh sản/hộ. Để hỗ trợ các hộ, chính quyền địa phương đã dùng quỹ đất 5% của xã để làm chuồng trại liền kề, kết hợp trồng cỏ và chăn thả tự nhiên phù hợp với điều kiện miền núi. Đến nay, dự án đang được duy trì tương đối tốt, với trên 100 con bò đang được nuôi thả, chăm sóc đúng kỹ thuật. Với kết quả bước đầu này, huyện Như Xuân đã thực hiện được mục tiêu là khuyến khích chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại, giảm tối đa kinh phí đầu tư làm chuồng trại và công chăn dắt, tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nghèo. Trên cơ sở đó, địa phương đang tiếp tục nhân rộng mô hình “Nuôi bò cái sinh sản” đến các xã khó khăn trên địa bàn.

Có thể nói, chính sự tự giác vươn lên thoát nghèo của người nông dân như gia đình ông Bùi Đình Phan; hay việc triển khai và nhân rộng hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất như mô hình “Nuôi bò cái sinh sản” của huyện Như Xuân, là cơ sở vững chắc nhất để thực hiện công cuộc giảm nghèo. Đó cũng đồng thời là những cánh chim đầu đàn, rất cần được khuyến khích và nhân rộng, nhằm tạo sức lan tỏa và truyền tải thông điệp: Cơ sở để thoát nghèo, giảm nghèo đã sẵn có, vấn đề là cách thức tiếp cận và sự tham gia của các bên liên quan sao cho hiệu quả mà thôi.

...đến việc giảm nghèo từ “lõi nghèo”...

Thời gian gần đây, huyện Như Xuân nổi lên như một điểm sáng của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung, khi chính thức “chia tay” cái “danh hiệu” huyện nghèo nhất cả nước. Vốn là một trong 7 “lõi nghèo” của tỉnh, với tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2010 chiếm đến 51,53%. Dựa trên nguồn lực chính là sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, của các doanh nghiệp; đồng thời, phát huy nội lực địa phương và sự quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, công cuộc giảm nghèo của huyện đã chính thức “cán đích”, khi được Chính phủ phê duyệt danh sách thoát nghèo giai đoạn 2018-2020.

“Giảm nghèo nhanh và bền vững - Cuộc cách mạng trong nhận thức và hành động”: Bài 1 - Vươn lên từ gian khó

Mô hình trồng rau sạch cho thu nhập cao tại xã Quang Hiến (Lang Chánh).

Nói về kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, nhấn mạnh, trước hết là nhận thức, trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong công tác giảm nghèo. Thứ hai là thay đổi trong tư duy, nhận thức là điều kiện tiên quyết để loại bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại của người nghèo. Đồng thời, tạo tiền đề cho sự thay đổi trong hành động. Cụ thể là việc xây dựng các chương trình, kế hoạch giảm nghèo được địa phương thực hiện nghiêm túc, sát đúng đến từng đối tượng, từng hộ và nắm chắc nguyện vọng, nhu cầu của họ để triển khai hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, địa phương còn chú trọng xây dựng các mô hình giảm nghèo, xem đây là hạt nhân để nhân rộng sản xuất và tạo sinh kế lâu dài cho người dân.

Quan Hóa là 1 trong 7 huyện nghèo của tỉnh, được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ. Do đó, thực hiện công cuộc giảm nghèo từ xuất phát điểm của một huyện đặc biệt khó khăn, là không hề đơn giản. Theo đó, đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, thông qua nguồn lực từ Chương trình 135, Chương trình 30a... được địa phương chọn là khâu đột phá. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch đất nông - lâm nghiệp và quy hoạch nông thôn mới, để lựa chọn lĩnh vực đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã vận dụng và triển khai các chính sách giảm nghèo, như vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; vốn ưu đãi đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động... Ngoài ra, chú trọng xây dựng các mô hình giảm nghèo và thu hút hộ nghèo tham gia, giúp họ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, giai đoạn 2016-2019, Quan Hóa đã giảm được 2.793 hộ nghèo, tương đương 26% (bình quân giảm 6,5%/năm). Tính đến cuối năm 2019, toàn huyện còn 1.024 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,2%. Trao đổi với chúng tôi về công tác giảm nghèo trên địa bàn, ông Trần Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, cho biết: Một trong những mục tiêu lớn của huyện Quan Hóa trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 là tăng dần sự chủ động tiếp cận các chính sách giảm nghèo của người nghèo. Trong đó, tiếp cận các nguồn vốn vay để sản xuất, nhằm phát huy tinh thần tự lực, tính chủ động và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của người nghèo. Muốn vậy, chính quyền địa phương phải đóng vai trò là người dẫn dắt, tổ chức và hướng dẫn người dân trong quá trình triển khai các mô hình giảm nghèo.

Sau 4 năm triển khai Quyết định 289-QĐ/TU về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã giảm được 96.663 hộ nghèo (từ 128.893 hộ xuống còn 32.230 hộ); tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 10,24% (từ 13,51% xuống 3,27%), bình quân giảm 2,56%/năm (vượt chỉ tiêu giảm bình quân 2,5%/năm). Trong đó, riêng khu vực 11 huyện miền núi giảm 40.890 hộ (từ 57.684 hộ xuống còn 16.794 hộ), tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 18,48% (từ 25,79% xuống 7,31%), bình quân giảm 4,62%/năm (vượt chỉ tiêu giảm bình quân 4,6%/năm). Cũng theo kết quả thống kê, tính toán sơ bộ, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo hiện đạt khoảng 1,487 triệu đồng/người/tháng và cao gấp 2,17 lần cuối năm 2015. Dự kiến đến cuối năm 2020, con số này sẽ đạt khoảng 1,713 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 2,5 lần cuối năm 2015 và đạt mục tiêu chương trình đề ra.

... và giải pháp “chìa khóa”

Quyết định 289-QĐ/TU về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016-2020, được xem là cơ sở pháp lý quan trọng, làm căn cứ cho các địa phương cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch giảm nghèo, gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, có sự linh hoạt trong triển khai các giải pháp, vừa phù hợp với tình hình thực tế, vừa hướng đến giải quyết nhu cầu bức xúc của người nghèo. Theo đó, một giải pháp “chìa khóa” đã được nhiều địa phương vận dụng hiệu quả là hỗ trợ có địa chỉ cụ thể đến từng hộ nghèo, trên cơ sở nắm bắt nguyện vọng chính đáng của họ. Đồng thời, từng bước khơi dậy và phát huy sức mạnh nội tại, kiến thức và văn hóa bản địa, sức sáng tạo của người nghèo và các cộng đồng.

Việc thí điểm xây dựng, triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người nghèo được xem là cơ sở để thu hút sự tham gia của người nghèo. Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững, do Trung ương hỗ trợ là 538.377 triệu đồng, các địa phương đã triển khai 1.211 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, 141 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo do UBND xã làm chủ đầu tư và 28 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất do trạm khuyến nông các huyện nghèo làm chủ đầu tư. Đã có 67.003 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được hưởng lợi từ các dự án, mô hình, trong đó 16.751 hộ đã thoát nghèo. Dự kiến, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 83.754 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có 20.938 hộ tham gia dự án thoát nghèo. Đặc biệt, việc hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả ở nhiều địa phương, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất, tư duy làm ăn của nhiều người dân, trong đó có người nghèo.

Nói về động lực mang lại thành quả trong công tác giảm nghèo những năm qua, ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng: Trong công tác giảm nghèo, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ về mặt chủ trương, chính sách phù hợp và hỗ trợ một phần nguồn lực. Còn mấu chốt để giảm nghèo bền vững, bên cạnh việc tập trung phát triển sản xuất, thì cần thu hút sự tham gia và trao quyền cho cộng đồng, cho người nghèo để họ tự quyết định. “Người nghèo nuôi bò thì phải tự đi mua bò, họ nuôi lợn tự đi mua lợn, chúng ta không mua bò, mua lợn dắt vào tận nhà để cấp phát cho dân. Bởi nếu cứ làm thay người dân thì sẽ làm triệt tiêu động lực, tính năng động, chủ động của người nghèo. Bên cạnh đó, khi thực hiện các mô hình, cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải khảo sát, trao đổi và bàn bạc cụ thể với người dân, doanh nghiệp, để lựa chọn đúng nội dung, đối tượng và địa bàn triển khai. Từ đó, tuân thủ các quy định hiện hành và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân”, ông Hành cho biết thêm.

Bài 2: Đã thật sự bền vững?

Nhóm Phóng viên Văn hóa – xã hội


Nhóm Phóng Viên Văn Hóa – Xã Hội

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]