(Baothanhhoa.vn) - Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 81.758 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 8,43%), trong đó có 100 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 30%.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giảm nghèo hiệu quả từ mô hình đỡ đầu các xã nghèo

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 81.758 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 8,43%), trong đó có 100 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 30%.

Đoàn viên, thanh niên, hội viên Hội Nông dân thôn Tân Thành, xã Tân Phúc (Lang Chánh) hỗ trợ người dân làm đường liên thôn.

Nhằm hỗ trợ các hộ nghèo ổn định cuộc sống, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã phân công các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện giúp đỡ, đỡ đầu các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đây được xem là cách làm hiệu quả, thiết thực góp phần chung tay giúp các địa phương giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội.

Từ đầu năm 2016 đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện cùng sự nỗ lực của các địa phương, cộng đồng, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể các hộ nghèo, hộ cận nghèo, chương tình giảm nghèo nhanh và bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều tại các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao đã thu được kết quả quan trọng, đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2,54%/năm; thu nhập hộ nghèo tăng 1,74 lần; cơ sở hạ tầng thiết yếu không ngừng tăng cường; chỉ số thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đều giảm, đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện cả về sinh kế và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội. Có được kết quả trên là do hầu hết các sở, ngành, huyện đều đã có hướng dẫn, chỉ đạo ban hành kế hoạch, làm cơ sở để các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016-2020. Việc rà soát, lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách cơ bản được thực hiện công bằng, công khai, dân chủ, đúng đối tượng, được thực hiện từ cơ sở. Các hoạt động phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo cơ bản đáp ứng, phù hợp với nhu cầu, điều kiện lợi thế của vùng, trình độ sản xuất của hộ nghèo. Nhiều huyện, xã đã có cách làm hay, phù hợp; nhiều hộ nghèo đã có ý thức vươn lên thoát nghèo khi nhận được sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, địa phương... Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao còn nhiều khó khăn, thách thức và bộc lộ một số hạn chế, yếu kém như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền, cấp huyện, cấp xã chưa thực sự được chú trọng; việc xây dựng kế hoạch giảm nghèo cấp xã hàng năm còn bị xem nhẹ; vẫn còn nhiều xã tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao; việc thực hiện một số chính sách như hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, hỗ trợ miễn giảm học phí và chi phí học tập, hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề, tín dụng ưu đãi... tại một số địa phương triển khai chậm, hiệu quả chưa cao.

Nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%, ngày 27-5-2016 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã ban hành Quyết định số 289/QĐ-TU về việc phê duyệt Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, trong đó phân công các sở, ban, ngành, đoàn thể giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Cụ thể, các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh phân công giúp đỡ, đỡ đầu 89/100 xã, cấp huyện hỗ trợ 11/100 xã. Ngay sau khi được phân công nhiệm vụ, các sở, ngành, đơn vị đã tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo để có những giải pháp cụ thể, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho hộ nghèo. Công tác giúp đỡ, đỡ đầu cũng được các đơn vị đặc biệt chú trọng tới tính thiết thực và hiệu quả, trong đó, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, lồng ghép, huy động các nguồn lực triển khai tập huấn, đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng, chăm lo cho người nghèo gắn với các phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới.

Được phân công giúp đỡ, đỡ đầu 3 xã Thành Yên, Thành Minh, Thành Công (Thạch Thành), từ năm 2016 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với các địa phương tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con và xây dựng kế hoạch để triển khai giúp đỡ. Cụ thể từ năm 2016 đến nay Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ 120 triệu đồng và 100 ngày công cho xã Thành Minh xây dựng phòng chức năng của Trường Tiểu học Thành Minh 2; trong năm 2018 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ 130 triệu đồng và 100 ngày công cho xã Thành Yên trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Do thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay tỷ lệ hộ nghèo tại 3 xã đã giảm đáng kể. Tại xã Thành Công, nếu như năm 2016 toàn xã có 450 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 45,36%) thì đến nay toàn xã chỉ còn 292 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 29,03%); xã Thành Minh, năm 2016 toàn xã có 980 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 47,6%) đến nay còn 589 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 27,95%); xã Thành Yên năm 2016 có 499 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 56,7%) đến nay còn 366 hộ (chiếm 41,03%). Cũng nằm trong kế hoạch được phân công, đỡ đầu 2 xã Tam Thanh, Sơn Hà (Quan Sơn), năm 2016, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ xây 2 nhà mái ấm tình thương, trao 231 suất quà cho phụ nữ nghèo trị giá 155 triệu đồng. Bằng nhiều hình thức giúp 25 hộ phụ nữ thoát nghèo (xã Tam Thanh 14 hộ, Sơn Hà 11 hộ). Tỉnh hội đã thành lập 2 mô hình câu lạc bộ “gia đình 5 không, 3 sạch”, 1 câu lạc bộ “làm vườn rau sạch”; hỗ trợ thành lập các mô hình chăn nuôi ở xã Sơn Hà; vận động hỗ trợ cho các hộ nghèo ở xã Tam Thanh thành lập 12 tổ tiết kiệm cho 13 hội viên vay vốn... Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về giảm nghèo bền vững tỉnh, hầu hết các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả. Các nội dung giúp đỡ bám sát theo chương trình giảm nghèo của tỉnh như phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, bổ sung, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ các xã phát triển sản xuất, hạ tầng, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, thường xuyên tổ chức giao lưu, thăm hỏi gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Thống kê sơ bộ từ năm 2016 đến nay, tổng vốn huy động trực tiếp thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đạt khoảng 16.513 tỷ đồng. Trong đó vốn từ CTMTQG về giảm nghèo bền vững là 1.645 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ CTMTQG xây dựng nông thôn mới là 1.942 tỷ đồng; kinh phí ngân sách Trung ương là 2.820 tỷ đồng; kinh phí do MTTQ và các đoàn thể huy động và quỹ vì người nghèo là 334 tỷ đồng... Ngoài ra, thông qua các chương trình, dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn như giảm nghèo, 135, đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sản xuất được thực hiện công khai, dân chủ, bảo đảm đúng đối tượng, yêu cầu mục đích góp phần mang lại hiệu quả tích cực phát triển sản xuất, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân các xã đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, để giảm nghèo bền vững, tỉnh cũng khuyến khích các đơn vị nhận đỡ đầu lồng ghép giúp đỡ hộ nghèo bằng việc triển khai thực hiện các mô hình phù hợp như: Mô hình chăn nuôi trâu, bò tại Bình Lương (Như Xuân); mô hình chăn nuôi lợn cỏ, lợn Móng Cái, tại xã Tân Phúc (Lang Chánh); mô hình trồng cây ăn quả xã Xuân Thủy (Quan Sơn); mô hình trồng măng xã Na Mèo (Quan Sơn)...

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh khẳng định: Việc phân công các ngành, đơn vị về giúp đỡ hộ nghèo ở địa phương không chỉ góp sức cho công tác giảm nghèo của tỉnh mà còn có ý nghĩa trong việc đưa cán bộ đến gần dân, sát dân, hiểu đời sống người dân hơn. Từ đó, việc xây dựng các chính sách liên quan đến người dân cũng phù hợp và thiết thực hơn. Tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo tối thiểu là 4,92%, bình quân 2,46%/năm (tương đương giảm 46.929 hộ, bình quân 23.464 hộ/năm). Ðể đạt điều đó, Ban Chỉ đạo CTMTQG giảm nghèo bền vững tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]